|
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM phát biểu tại tọa đàm. |
Ngày 4/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Tọa đàm Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.
Dự thảo Luật sửa đổ, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến. Một trong những điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật lần này là đề xuất đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp trong lần sửa đổi năm 2019.
Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, khu vực doanh nghiệp Việt Nam chỉ bao gồm hơn 700 nghìn doanh nghiệp đóng góp khoảng 8% GDP, trong khi đó khu vực hơn 5 triệu hộ kinh doanh đóng góp 30% GDP tạo ra khoảng 10 triệu việc làm cho nền kinh tế.
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục Thuế) chia sẻ, hiện đang có một thực tế hộ kinh doanh nếu thua lỗ thì phải tự giải thể, còn có lãi thì cơ quan thuế đến thu, hay những hỗ trợ về tài chính… đều chưa bao giờ được quan tâm.
Nói về khái niệm hộ kinh doanh, bà Lan lý giải, ngành thuế lâu nay rất “vất vả” khi phải giải thích khái niệm “hộ kinh doanh” trong các văn bản pháp luật về thuế. Với thông lệ quốc tế, ở nước ngoài chỉ có cá nhân kinh doanh mà không có hộ kinh doanh.
Chính điều này đã khiến cho các văn bản pháp luật về thuế phải “đeo” thêm từ “hộ, cá nhân kinh doanh”. Nếu bỏ từ “hộ” ra khỏi luật thuế thì sẽ bị “chất vấn”, nhưng thực từ nhiều năm nay khi tiếp cận trong quản lý thuế thì vẫn “ngầm hiểu” là cá nhân kinh doanh.
“Chúng tôi tiếp cận với cá nhân, chủ thể chịu trách nhiệm toàn bộ về tài sản, nợ…Cho nên nếu có sửa Luật Doanh nghiệp thì cũng nên sửa hộ kinh doanh, vì tên này cũng khá cũ, từ “hộ” thường gắn với hộ gia đình. Tuy nhiên, đến thời điểm này cá nhân kinh doanh không chỉ gắn với quy mô gia đình mà còn liên quan đến thương mại điện tử”, bà Lan nói.
Vẫn theo bà Lan, các quy định của Luật Doanh nghiệp hiện nay đối với hộ kinh doanh có những điều khoản không có chế tài xử lý nhưng vẫn quy định trong luật, khiến ngành thuế phải “đuổi” theo. Đơn cử, hộ kinh doanh không được thành lập ở nhiều nơi, hộ kinh doanh không được phép nghỉ quá 12 tháng, hộ kinh doanh không được phép có trên 10 lao động…
Đưa ra quan điểm chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, bà Lan cho rằng, nên tôn trọng sự đa dạng trong các thành phần kinh tế và cũng theo thông lệ quốc tế. Do đó vẫn nên để cá nhân kinh doanh, về phía ngành thuế cũng đã có những sửa đổi từ năm 2015 đến nay theo định hướng phân loại hộ lớn hộ nhỏ, và cố gắng “hạ doanh nghiệp siêu nhỏ xuống, nâng hộ kinh doanh lớn lên”.
Dưới góc nhìn của cơ quan đăng ký kinh doanh, ông Nguyễn Hải Hùng – Phó trưởng phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, về địa vị pháp lý khi giải quyết thủ tục chuyển đổi, ông Hùng nhận thấy hộ kinh doanh hiện nay chưa được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp, mà chỉ được quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP và Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2015/NĐ-CP, tuy nhiên 2 nghị định này cũng chưa quy định về thủ tục pháp lý chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp mà chỉ có trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ông Hùng nhìn nhận, bản chất của hộ kinh doanh cũng giống doanh nghiệp tư nhân, nhưng ở quy mô nhỏ hơn, thậm chí siêu nhỏ. Hiện nay trong thực tiễn công tác đăng ký kinh doanh, quy định về thành lập doanh nghiệp tư nhân còn nhiều hạn chế. Doanh nghiệp tư nhân thường thành lập ở lĩnh vực làng nghề, vàng bạc trang sức, nhưng họ lại lựa chọn mô hình công ty TNHH MTV.
“Như vậy, quy định về doanh nghiệp tư nhân tác dụng chưa nhiều, đây là điều cần phải suy nghĩ khi tiến hành sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư trong thời gian tới”, ông Hùng nói.
Lý giải vì sao ít hộ kinh doanh chọn chuyển đổi lên doanh nghiệp, về phía cơ quan đăng ký kinh doanh ông Hùng nhận thấy, cách đánh thuế và thu thuế đối với hộ kinh doanh là nộp thuế khoán, đơn giản hơn rất nhiều so với việc kê khai thuế của doanh nghiệp. Tiếp đó là mô hình tổ chức phức tạp hơn, phát sinh thêm nhiều chi phí. Việc chuyển đổi không cho thấy sự hấp dẫn hơn đối với hộ kinh doanh như tiếp cận thị trường, vốn, quản trị…
Nên phân loại để quản lý?
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico, cho rằng không nên yêu cầu hộ kinh doanh phải chuyển đổi, mà phải thừa nhận những hộ đã có đăng ký kinh doanh (với 1,6 triệu hộ) khi đạt đến quy mô nhất định là một loại hình doanh nghiệp.
Còn với 3,4 triệu hộ kinh doanh còn lại chưa có đăng ký kinh doanh vì quy mô nhỏ, theo ông Đức, cần phải có yêu cầu bắt buộc là đăng ký kinh doanh.
Vấn đề đặt ra khi chuyển đổi là chưa nên đòi hỏi thay đổi với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm đang được miễn thuế, mà các hoạt động như kế toán cần duy trì như cũ hoặc nâng cấp nhưng vẫn phải đơn giản hơn so với chế độ kế toán với doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam - hiện có 1,6 triệu hộ cá nhân kinh doanh cá thể mà cơ quan thuế đang quản lý, cấp mã số thuế và 3,4 triệu hộ không có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, bà Cúc cho rằng khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp không nên đưa hộ kinh doanh vào và nên làm chính sách, khuôn khổ pháp lý riêng cho hộ, sau đó có cơ chế chuyển đổi như khuyến khích, ưu đãi.
Ông Lê Duy Bình - giám đốc Economica Vietnam - cũng cho rằng nếu đưa hộ kinh doanh cá thể vào Luật doanh nghiệp thì không phù hợp với quy định quốc tế. Bởi khi đưa vào luật, cần phải làm rõ sự khác biệt giữa hình thức doanh nghiệp tư nhân hiện tại với doanh nghiệp là hộ kinh doanh cá thể.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM cho biết, điều tra hàng năm của VCCI về PCI có khoảng 17-18% đang hoạt động theo điều tra đã cho biết trước đây họ đã từng là hộ kinh doanh và nay đã chuyển lên thành doanh nghiệp. Đấy là quá trình tự nhiên phát triển. Ngoài ra cũng có rất nhiều hộ không muốn chuyển thành doanh nghiệp mặc dù hiện nay các chính sách của Chính phủ, đặc biệt là Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã ra đời và hỗ trợ rất nhiều về cơ chế chính sách, lệ phí, tư vấn thủ tục.
“Thực tế tôi cũng ghi nhận một số hộ kinh doanh đã chuyển lên thành doanh nghiệp nhưng rồi lại chuyển về hộ kinh doanh. Đồng thời cũng rất nhiều nhà kinh doanh lại duy trì cả hai mô hình: vừa duy trì doanh nghiệp bên cạnh việc duy trì hộ kinh doanh”, ông Hiếu nói và cho rằng không nên đặt vấn đề để hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp mà chúng ta nên ứng xử thế nào với hộ kinh doanh để giúp họ kinh doanh một cách chuyên nghiệp, kinh doanh một cách bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp và tạo cho lĩnh vực này một cơ hội để phát triển mới là vấn đề quan trọng hiện nay.
Ông Phan Đức Hiếu kỳ vọng sửa đổi Luật doanh nghiệp lần này sẽ tạo ra một cú hích cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó bao gồm hộ kinh doanh.
“Mô hình kinh doanh doanh nghiệp hay bất cứ loại hình nào cũng phải là công cụ rẻ nhất, phù hợp nhất và cần tạo ra những công cụ đó để các chủ thể kinh doanh có thể lựa chọn nhằm tạo ra lợi nhuận cho mình và đóng thuế cho nhà nước”, ông Hiếu nói.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, hiện nay hộ kinh doanh ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mực, khu vực này có tới 30% GDP cần được giải phóng để “cất cánh”. Đây cũng chính là khu vực nền tảng cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
“Nếu ví nền kinh tế Việt Nam như hình kim tự tháp, thì khu vực hộ kinh doanh là phần đáy, phần này sẽ quyết định sự vững chãi của nền kinh tế. Trong những năm qua, sự phát triển của hộ kinh doanh rất bền bỉ, 30% GDP tại khu vực kinh tế này gắn liền với nông nghiệp, nông thôn – là cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam. Do đó chúng ta không được bỏ quên thành phần kinh tế quan trọng này”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Thành Đạt