Dự báo những ngày sắp tới (từ ngày 7-11/10) diễn biến thời tiết khó lường, có thể gây ra những tình huống nguy hiểm, đặc biệt là lũ lớn, sạt lở đất và lũ quét. Hiện nay, công tác chuẩn bị ứng phó với tình hình mưa lũ lớn đang là nhiệm vụ được các cấp, các ngành liên quan chỉ đạo triển khai khẩn trương. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo chí đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT)  Nguyễn Hoàng Hiệp.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Xác định đây là đợt thiên tai rất nguy hiểm, vậy Thứ trưởng cho biết công tác chỉ đạo ứng phó có điểm gì mới và chúng ta tập trung vào những vấn đề gì?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Theo dự báo, từ ngày 7-11/10, sẽ có một đợt mưa rất lớn, trọng tâm mưa từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Chúng ta có kinh nghiệm gần nhất là năm 2017 cũng một đợt mưa như thế này đã gây ngập lụt diện rộng và gần như chia cắt các tỉnh, các huyện, các xã. Từ kinh nghiệm của năm 2017 và với dự báo như vậy, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương, các đơn vị chủ động tính toán các kịch bản ngập lụt hạ du và xác định các điểm có nguy cơ sạt lở, đặc biệt là lũ quét để có giải pháp đối phó. Trong đó, các hồ thủy điện và thủy lợi đặt ở mức báo động cao nhất ở trạng thái vận hành để sẵn sàng cắt lũ cho hạ du và phải tránh được tình trạng lũ chồng lũ khi hồ xả lũ lúc hạ du đang lũ thì phải tránh tuyệt đối tình trạng này.

Thứ hai là các điểm có nguy cơ sạt lở cao, các địa phương phải chủ động di dân sớm hơn và chủ động có các giải pháp để tránh thiệt hại, đặc biệt là về người. Thứ ba là về sản xuất, đây là vùng chăn nuôi, trồng trọt rất sôi động. Chính vì thế cần có các giải pháp để tránh thiệt hại cho người dân trong sản xuất. Ở đây sẽ có những câu chuyện, với những trang trại nhỏ có thể di dời được nhưng với những trang trại lớn, với số lượng đàn lớn, cần có những giải pháp tại chỗ để sẵn sàng các kịch bản khi có ngập lũ lớn.

Và đối với trồng trọt, nhất là các diện tích lúa hiện đang còn, chúng tôi yêu cầu các địa phương phải thu hoạch ngay. Với diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao cần phải có biện pháp, có kinh nghiệm để tiêu thoát úng, thoát lũ, chằng chống để không bị đổ gãy.

Đối với các ngành khác như giao thông, chúng tôi đã đề nghị chuẩn bị lực lượng, phương tiện để đảm bảo giao thông thông suốt, không bị chia cắt khi nước lũ lên cao. Đây là những yêu cầu chỉ đạo trong thời gian ngắn từ nay đến hết ngày 11/10. Và ngay sau đó, từ 13-15/10, theo dự báo có một áp thấp và khả năng lần này sẽ mạnh lên thành bão và tiếp tục lại hướng vào khu vực này. Như vậy, khu vực Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây nguyên trong vòng khoảng 15 ngày tới sẽ có nguy cơ cao xuất hiện liên tục các đợt mưa lớn. Với nguy cơ như vậy, cần phải đặt trong  trạng thái sẵn sàng cao nhất để chúng ta có giải pháp ứng phó.

PV: Thứ trưởng cho biết chúng ta đã xác định được những khu vực trọng tâm nào trong đợt ảnh hưởng của đợt mưa lần này và các kịch bản sẵn sàng trong tình huống mưa lũ lớn?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Để xác định các vùng trọng điểm, chúng tôi căn cứ vào các cảnh báo và dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia. Với đợt mưa từ 7-11/10, khu vực ảnh hưởng sẽ từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, và trọng điểm là tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đồng thời, sẽ bị ngập lụt một phần phía nam của Hà Tĩnh và phía bắc của Quảng Bình.

Tất cả những vùng như vậy đều đã có kịch bản để chuẩn bị ứng phó cho các tình huống xảy ra.

PV: Lực lượng quân đội có phương án chuẩn bị nhân lực, phương tiện như thế nào để ứng phó với tình huống mưa lũ kéo dài theo như dự báo, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Đối với lực lượng vũ trang, đặc biệt là lực lượng công an, lực lượng quân đội, chúng tôi đã đề nghị thông qua Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tập trung nhân lực, vật lực.

Đối với khu vực này, kinh nghiệm những năm vừa qua cho thấy, khi có mưa lớn thường bị chia cắt và thường không tiếp cận ngay được, thông tin liên lạc bị cắt đứt. Với câu chuyện này, cần quan tâm đến việc làm thế nào để lực lượng quân đội có được thông tin liên lạc nhanh nhất. Thứ nữa là lực lượng quân đội nhanh nhất có thể tiếp cận được những nơi bị chia cắt. Đồng thời, sẵn sàng tập trung lực lượng ở các đơn vị, các doanh trại để khi có tình huống bất thường xảy ra, chúng ta có ngay lực lượng để ứng cứu.

PV: Về vấn đề chặt tỉa cành cây để giảm bớt ảnh hưởng tới lưới điện và đảm bảo an toàn cho người dân, vậy trong đợt mưa lũ này, đã có những chỉ đạo như thế nào thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Vừa qua, trong cơn bão số 5, chúng ta có các thiệt hại, đặc biệt là là ở Thừa Thiên Huế. Cây xanh gãy đổ rất nhiều và cùng theo đó, cột điện ở khu vực này cũng gẫy đổ rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân khác nhau và về quan điểm của chúng tôi là có nguyên nhân cây xanh gãy đổ đè lên đường dây điện, dẫn đến gãy đổ đồng loạt các cột điện trên các tuyến đường dây.

Chính vì thế, chúng tôi đã khuyến cáo khi có mưa bão, các địa phương cần chủ động chặt tỉa cây, đặc biệt ngành điện phải đưa ra khuyến cáo cho các địa phương đối với những đường dây có nguy cơ. Đây cũng là trách nhiệm của ngành điện mà không phải riêng của địa phương. Ngành điện cũng phải rà soát, xem xét các đường dây có nguy cơ khi cây gãy đổ sẽ mất an toàn. Do vậy, ngành điện cần đề xuất phương án, khi đó các tỉnh, địa phương sẽ huy động lực lượng để cắt tỉa cành cây và chằng chống cây, vừa đảm bảo không gây thiệt hại về cây xanh cũng như là về lưới điện.

PV: Việc vận hành các hồ chứa hiện nay đang là điểm quan tâm trong đợt mưa lớn này, vậy Thứ trưởng cho biết chỉ đạo về các hồ ở khu vực này?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Với khu vực Bắc Trung bộ, đặc biệt là Nam Trung bộ, hồ thủy điện rất nhiều. Hiện nay có hàng trăm hồ thủy điện, trong khi EVN chỉ quản lý có 20 hồ. Như vậy, tỷ lệ hồ của EVN không nhiều, trong khi hồ quản lý của EVN là những hồ lớn, có điều tiết, có dung tích cắt lũ. Tuy nhiên, rất nhiều các hồ chứa thủy điện nhỏ do tư nhân đầu tư, thường không có dung tích phòng lũ. Đây là một vấn đề rất lớn cần quan tâm.

Trong quy trình, đây là thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp, vận hành theo lệnh. Mỗi địa phương đều có một tổ tư vấn để làm việc này, khi xác định có mưa gây ngập lụt, về nguyên tắc, các thủy điện này phải xả lũ trước; xả nước trước để đón lũ và dùng dung tích này để phòng lũ. Các hồ thủy điện phải thực hiện nghiêm quy định này, chỉ có thực hiện nghiêm thì chúng ta mới tránh được việc lũ chồng lũ.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!./.

 
BT (ghi)