65 năm qua, đã có thêm nhiều kỳ tích mới nhưng Đường Hồ Chí Minh mãi mãi đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta như những trang vàng chiến công chói lọi.
16 năm (1959-1975) từ ngày ra đời cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa chiến đấu, vừa xây dựng, với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; từ những con đường mòn men theo dải Trường Sơn hùng vĩ; từ những đội quân "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", tuyến đường Hồ Chí Minh đã từng bước phát triển đồng bộ, vượt bậc, với hệ thống gồm 5 tuyến đường dọc và 21 hệ trục đường ngang, kết thành mạng lưới giao thông liên hoàn với tổng số 216 con đường, có chiều dài tổng cộng hơn 20.000km. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã cho rằng Đường Hồ Chí Minh là “Con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường Nam-Bắc, thống nhất nước nhà, là con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của ba nước Đông Dương”. (1)
Theo Tiến sĩ G. Pra-đốt, Cục An ninh quốc gia Mỹ đánh giá, hệ thống Ðường mòn Hồ Chí Minh "là một trong những thành tựu về công binh lớn nhất trên thế giới trong thế kỷ 20". Bởi “Mỹ bại trận vì không cắt đứt được con đường Trường Sơn; và Mỹ không thể nào cắt đứt được con đường vì “con đường mòn này không phải chỉ là một con đường được vạch ra mà nó là cả một luồng tư tưởng”…Toàn bộ con đường mòn Hồ Chí Minh mà người ta nói đến hôm nay, là tổng kết của hàng thế kỷ đấu tranh và áp bức, cho nên con đường ấy có sức sống mãnh liệt, vì nó là tượng trưng cho sức chiến đấu của cả một dân tộc chứ không phải vì những đoạn đường cụ thể, vì những dốc đèo thẳng đứng hay vì rừng núi rậm rạp hoặc những vùng đồng bằng mà nó đã băng qua”(2)
Từ con đường lịch sử này, chúng ta đã kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam 3 triệu tấn hàng hoá, vũ khí, quân dụng; 5,5 triệu lít xăng dầu và đưa đón hơn 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào, ra. Đây cũng là vấn đề để lý giải vì sao trong suốt 16 năm, đường Trường Sơn luôn là điểm ngăn chặn quyết liệt của địch; là chiến trường thực nghiệm chiến lược “chiến tranh ngăn chặn”, “chiến tranh bóp chẹt” bằng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và các loại vũ khí, thiết bị tối tân , hiện đại của đế quốc Mỹ. Mạng tin Wiki tổng kết, trong các chiến dịch đánh phá từ năm 1965 đến 1972, Mỹ đã huy động khoảng 733 nghìn chuyến máy bay, đánh phá khoảng 152 nghìn trận; ném xuống các tuyến đường Trường Sơn gần bốn triệu tấn bom đạn. Tuy vậy, trên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vận tải, công binh, thông tin, bộ binh, pháo binh, phòng không, quân y, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến...vẫn ngày đêm với tinh thần quả cảm “mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”, vượt qua gian nguy, thử thách, xả thân hy sinh, kiên cường đánh trả 110.000 trận oanh tạc ngăn chặn khốc liệt bằng không quân của đế quốc Mỹ, bắn rơi 2.455 máy bay các loại.
16 năm, hơn hai vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn hy sinh, gần 3 vạn cán bộ chiến sĩ bị thương và hàng vạn người mang thương tích chất độc màu da cam, 14.500 xe máy, 703 súng pháo và hơn 90.000 tấn hàng hoá bị phá hỏng. "Năm tháng sẽ trôi qua, những sự đóng góp của bộ đội đường Hồ Chí Minh, thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến vào công cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi được ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất diệt" (3)
Tiếp nối khí phách “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” gần 40 năm chọn con đường đem no ấm, hạnh phúc đến với toàn dân, Đảng và dân một lòng “mở đường mà tiến” vì vậy đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: “Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2023 đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD năm 2023; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD).
Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp và dịch vụ phát triển khá nhanh, liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 88% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 355 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỷ USD; Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2023. Đầu tư nước ngoài liên tục phát triển, vốn đăng ký tăng 32%, vốn thực hiện tăng 3%, đạt 23 tỷ USD trong năm 2023, cao nhất từ trước đến nay và Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu ASEAN về thu hút FDI. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức quốc tế đánh giá đứng thứ 46/132 nước được xếp hạng”[1].
65 năm trước với quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã sáng tạo ra con đường Trường Sơn - biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng \, lòng quả cảm và tài thao lược của dân tộc Việt Nam. Tinh thần đó, ý chí đó nhất định sẽ được các thế hệ tiếp nối phát huy cao độ trong thời kỳ mới nhằm tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trí Ánh
_________________________
(1) Lưu bút của cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn trong sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn.
(2) Trích trong cuốn “Đường mòn Hồ Chí Minh” của Van Gein, Nxb Editions Speciale, Pa-ri, 1971. Dẫn trong “Trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”, Tổng cục Xây dựng kinh tế, 1979, tr. 25-26.)
(3) Văn bia trên Nghiã trang Liệt sĩ Trường Sơn
[1] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng