Ngày 24/1, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) tổ chức Hội thảo “Tiếng nói của thanh thiếu nhi đối với xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn”.
Hội thảo nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cho thanh thiếu nhi khi tham gia mạng xã hội, lắng nghe nguyện vọng của thanh thiếu nhi trong việc xây dựng mạng xã hội an toàn; đồng thời, góp phần thúc đẩy trách nhiệm của các bên liên quan trong xây dựng chính sách an toàn cho thanh thiếu nhi trong tham gia mạng xã hội; giáo dục, truyền thông để bảo vệ thanh thiếu nhi trên môi trường mạng.
Thời gian qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng thanh thiếu nhi trên mạng xã hội. Tiếp tục đầu tư, kiện toàn, hoàn thiện hệ thống các công cụ, phương tiện của tổ chức Đoàn, Hội, Đội trên internet, mạng xã hội; phát huy tính tích cực của mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu nhi…
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn cũng nghiên cứu xây dựng, triển khai chương trình “Bảo vệ thanh thiếu niên trên không gian mạng” với chuỗi hoạt động tuyên truyền, giáo dục, trang bị cho thanh thiếu nhi các kiến thức, kỹ năng về sử dụng, tận dụng các tiện ích, ưu thế của internet, mạng xã hội nhằm phục vụ công việc, học tập, sinh hoạt…; đồng thời, tạo “sức đề kháng” cho thanh thiếu nhi trước các nguy cơ, yếu tố tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại…
Thiếu nhi bày tỏ quan điểm khi sử dụng mạng xã hội - Ảnh: Minh Châu
Tiếng nói của nhiều thanh thiếu nhi tại Hội thảo cho hay, các em đều dành thời gian nhất định trong ngày cho việc sử dụng mạng xã hội. Rất nhiều tri thức các em đã học hỏi được từ “không gian mạng”; cách sống, quan điểm của nhiều thần tượng cũng ảnh hưởng tới suy nghĩ, việc làm của các em. Bên cạnh đó, các em tỏ ra lo âu, buồn chán khi bản thân bị lấy ra làm trò đùa, gặp phải những bình luận ác ý…
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, mạng xã hội trực tuyến (gọi tắt là mạng xã hội) đã trở thành phương tiện hữu ích cho giới trẻ xây dựng, duy trì và phát triển các liên hệ xã hội, từ đó mở rộng mạng lưới xã hội. Việc tham gia mạng xã hội đã giúp giới trẻ có nhiều điều kiện hơn trong việc thể hiện thái độ, quan điểm, hành vi, định hướng giá trị trong nhiều lĩnh vực của đời sống, từ công việc, học tập đến vui chơi, giải trí.
Tuy nhiên, với sự phát triển bùng nổ của internet, việc sử dụng mạng xã hội đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức đối với mọi quốc gia trên thế giới. Với đặc tính nặc danh và lan tỏa nhanh, thông tin trên mạng rất khó quản lý, kiểm soát và có thể đem đến những hậu quả khôn lường không chỉ cho một cá nhân mà cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị…
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) Nguyễn Phương Linh, bên cạnh những tính năng ưu việt, các ứng dụng công nghệ hiện đại, thông tin bổ ích, giá trị, tạo ra sự kết nối không giới hạn, môi trường không gian mạng vẫn tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực như: thông tin giả (fake news) được lan truyền nhanh; thông tin, hình ảnh có nội dung xấu độc mà người dùng không kịp kiểm chứng; các thông tin xuyên tạc, kích động, hình ảnh bạo lực, trái với truyền thống văn hóa, đạo đức, xã hội… đồng thời tồn tại các nguy cơ, yếu tố nguy hiểm cho người dùng như lừa đảo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại… từ đó, đòi hỏi cần có những giải pháp để người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là thanh thiếu nhi có được sự chủ động trong việc tham gia mạng xã hội và có được môi trường mạng xã hội lành mạnh, an toàn.
Bà Linh cho biết hơn 1/3 trong số người sử dụng internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi từ 15-24 tuổi. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%).
Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: Minh Châu
Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. 1/4 trẻ em đã từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hôi; 1 trong 3 trẻ là nạn nhân của bắt nạn trên mạng; mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng. “Càng ngày các rủi ro càng đa dạng và không lường hết được, không chừa một ai”, bà Linh cảnh báo.
Lý giải vì sao thanh thiếu nhi dễ gặp rủi ro trên môi trường mạng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững cho hay, dù là đối tượng dẫn đầu trong việc tiếp thu và sử dụng công nghệ thông tin nhưng trẻ em chưa thể hiểu đầy đủ về những nguy cơ tiềm tàng khi sử dụng internet như: lộ thông tin cá nhân, nghiện game, giảm tương tác vận động, bị bắt nạt, xâm hại tình dục, kết bạn xấu, chia sẻ thông tin không chính xác…
Tuy nhiên việc sử dụng mạng xã hội là xu hướng không thể cưỡng lại nên người trẻ cần có kỹ năng sử dụng đồng thời, cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ trẻ em. Các cơ quan nhà nước phân tích nghiên cứu tình trạng trẻ em sử dụng mạng, tăng cường dịch vụ bảo vệ, thúc đẩy sáng kiến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Các tổ chức xã hội và công tác xã hội cần tham gia giám sát phản biện hỗ trợ trẻ em. Gia đình và nhà trường cũng cần dạy các em các kiến thức, kỹ năng và thái độ, không chỉ có tư duy lô gic mà còn phải thấu cảm trong xử lý thông tin.
Dẫn nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội khi 80% người sử dụng mạng xã hội từng là nạn nhân của những phát ngôn thù ghét, phỉ báng trên mạng xã hội, ông Dương Khánh Dương, Phó Trưởng Ban Tổng hợp và Hợp tác quốc tế, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông bày tỏ: “Người sử dụng mạng xã hội cần tôn trọng lẫn nhau. Khi xúc phạm người khác cũng là không tôn trọng chính chúng ta”.
Sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử cho nhà cung cấp dịch vụ và sử dụng mạng xã hội, hướng tới môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam. Theo đó, việc sử dụng mạng lành mạnh phải tôn trọng các giá trị đạo đức, giá trị văn hoá, giá trị tinh thần, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; suy xét cẩn trọng đối với các tương tác trên mạng xã hội; không đăng tải những thông tin xấu, độc…/.
Minh Châu