Nhà thơ Tố Hữu, một cựu tù Lao Bảo đã viết những dòng tâm huyết như thế. Năm 1991, nhà tù Lao Bảo được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.
Hiện nay, đến với Lao Bảo, người ta không khỏi ngậm ngùi, xót xa cho nơi từng được coi là một trong năm nhà tù lớn nhất Đông Dương, nơi ghi dấu thời kì cách mạng trong ngày đầu chống chế độ thực dân, nhiều công trình bị xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện vật quý, hiếm bằng chứng về tội ác không thể chối cãi của chế độ thực dân hành hạ những người chiến sĩ cộng sản phải cất vào kho vì không có không gian để trưng bày.
Nơi giam cầm những chiến sĩ cách mạng đầu tiên
Con đường ngoằn ngoèo đồi núi quanh co từ thành phố Đông Hà đến Lao Bảo 80km, cứ 15 phút lại có một chuyến xe khách. Vậy mà khách cả lúc đi và về lúc nào cũng chật kín. Lao Bảo giờ đã khác xưa, không còn là vùng hoang vu, rậm rạp bởi lau sậy, không còn là nơi lam sơn chướng khí, rừng thiêng nước độc. Lao Bảo giờ ôm trong mình một màu xanh trong mát, hiền hoà.
|
Khu nhà lao còn có thể đến thăm quan. |
Tiếp giáp biên giới nước bạn Lào, thị trấn Lao Bảo là nơi kinh doanh giao thương tấp nập. Nằm trong huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, nhà tù Lao Bảo, một di tích lịch sử Quốc gia, nơi mà thực dân Pháp cho xây dựng vào năm 1908 nhằm giam cầm những chiến sĩ cách mạng của ta.
Nhiều sĩ phu yêu nước như Hồ Bá Kiện, Liêu Thanh, Trần Thế Tiết; những chiến sĩ cách mạng kiên trung đã bị giam cầm ở đây như nhà chính khách Nguyễn Hữu Dực, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ Tố Hữu...
Theo dòng lịch sử, năm 1885, nhiều cuộc khởi nghĩa chống chế độ thực dân xâm lược đã nổ ra, như cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, khởi nghĩa Ba Đình. Phong trào của những người yêu nước ngày càng lên cao khiến cho thực dân điên cuồng chống trả. Chúng đã tìm một số nơi thâm sơn cùng cốc, địa lý hiểm trở để xây nhà tù giam cầm và thủ tiêu sĩ phu yêu nước.
Năm 1908, thực dân Pháp chọn Lao Bảo làm nơi giam cầm chiến sĩ cách mạng của ta trên nền cũ là Bảo Trấn Lao thời Nguyễn dùng để nhốt tù nhân. Mới đầu, nhà tù chỉ có hai gian phòng là A và B chủ yếu giam giữ những người yêu nước văn thân.
Năm 1915, nơi đây đã xảy ra một cuộc bạo động ghi dấu ấn lịch sử của những người cộng sản, đó là cuộc nổi dậy của hai nhà yêu nước Liêu Thanh và Hồ Bá Kiện (bố của nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu) cùng với 36 tù nhân phá cửa ngục, giết chết lính canh rồi vượt qua sông Xê Pôn sang biên giới Lào. Sau một tháng cầm cự, chiến đấu, tất cả đều hy sinh. Phong trào yêu nước ngày càng dâng cao khắp cả nước, nhiều nơi xảy ra bạo động.
Năm 1930, thực dân Pháp cho xây thêm nhà lao C, D và khu hầm E để cầm tù chiến sĩ cộng sản và các nhà hoạt động nòng cốt của Đảng ta. Chúng cũng thực hiện nhốt thường phạm cùng với những người tù cộng sản.
Chị Võ Thị Thu Hằng, Phó trưởng Ban quản lý Di tích nhà tù Lao Bảo kể: Chế độ lao dịch nặng nhọc, cộng với chế độ hà khắc đối xử với phạm nhân như kiểu thời trung cổ như: cổ bị gông cùm, chân tay đeo xiềng xích, mặc dù vậy vẫn phải xẻ đá, chặt gỗ, khai hoang. Làm việc quần quật từ sáng sớm tới tối mịt. Ăn thì cơm mục với mắm thối, uống thì uống nước sông, nước suối, lao động khổ cực nên rất nhiều người đã chết vì kiết lị, vì sốt rét ác tính.
|
Di tích lịch sử quốc gia Nhà tù Lao Bảo. |
Bằng chứng cho tội ác không thể chối cãi, nhà thơ Tố Hữu trong những ngày bị giam cầm ở đây đã viết vào mùa hè năm 1938 những câu thơ gan ruột lên tường nhà lao: “Là Lao Bảo chốn này đây Lao Bảo/ Tên đun sôi sùng sục tuỷ xương tàn / Là nơi đây nấm mồ bao khối não/ Là nơi đây huyết ứ dưới lời than/ Là nơi đây pháp trường thân chiến sĩ/ Nát bầm da quằn quại là nơi đây/ Roi đế quốc báng súng trường quất xé/ Thịt hi sinh của những kiếp đi đầy”.
Một cuộc tuyệt thực được diễn ra do hai nhà lãnh đạo Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Tố Hữu đã kéo theo cả thường phạm tham gia để phản đối chế độ đàn áp hà khắc. Giữa năm 1942, thực dân Pháp đã chuyển những người tù chính trị đi Buôn Mê Thuột, tạo điều kiện cho cuộc vượt ngục của hai lãnh đạo cốt cán Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Tố Hữu.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, nhà tù Lao Bảo chính thức không sử dụng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhà tù Lao Bảo đã không ít lần bị trúng bom và các hầm bị sụt lún.
Khu di tích bị xuống cấp nghiêm trọng
Là một di tích lịch sử có tiếng nhưng nhà tù Lao Bảo lại được ít người biết đến, có lẽ do vị trí địa lí khá xa trung tâm. Ngay kể cả nhà tù Lao Bảo cách khu chợ sầm uất cũng chỉ khoảng 3km nhưng tuyệt nhiên không có phương tiện nào để tới đó.
Ở thị trấn này không có xe taxi, hoạ hoằn mới gặp được một bác xe ôm. Trái với không gian đô hội ngoài thị trấn, nhà tù Lao Bảo nằm yên tĩnh trong khu đất rộng rợp bóng xanh mát của những hàng cây già cỗi trầm mặc tự bao đời.
|
Những hiện vật không có không gian để trưng bày. |
Đối diện với nhà văn hoá khóm Duy Tân. Bước qua cánh cổng là không gian di tích với những nhà lao bị sập nát tan hoang, những khối bê tông ngổn ngang chất đống. Ngay từ đằng xa đã thấy đài tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ thực dân được dựng trên một mô đất cao, những bức tượng đất nung đỏ thẫm. Phía trước là lư hương lớn.
Tính đến nay đã 111 năm trôi qua kể từ ngày thực dân Pháp cho xây nhà tù Lao Bảo nhưng có một công trình qua thời gian, bom đạn vẫn chưa bị hỏng và cũng chưa từng qua lần trùng tu tôn tạo nào, đó chính là nơi hành hình, tra tấn những chiến sĩ cộng sản cho đến chết. Căn phòng hình tròn, bên trong xây hình chữ “L” để trói những người tù vào rồi chúng thực hiện những lối tra tấn tàn độc.
Nhà hành hình vẫn còn đây, cây cột trụ để trói những chiến sĩ vẫn còn kia, bức tường rêu phong và một vài viên gạch vỡ. Từ khi xây dựng cho đến khi không sử dụng, nhà tù này đã hoạt động gần 40 năm, bao nhiêu chiến sĩ cách mạng kiên trung đã ngã xuống bên cây cột trụ?! Có lẽ sẽ không bao giờ đếm hết.
Nhà lao D, E được quét một lớp vôi màu vàng, đó là nơi mà còn có thể thăm quan được. Bước qua cánh cửa phòng giam là không gian mà những người tù sống trong những ngày lao nhọc địa ngục ở nơi đây. Nhà Lao D, chúng làm nơi giam tù tập thể, nhà lao E gồm 13 phòng chúng để nhốt biệt lập những người tù đặc biệt.
Anh Thìn - một cán bộ Ban quản lý Di tích Nhà tù Lao Bảo cho biết: “Nhà tù Lao Bảo có 5 lao. Lao D và E vừa được sửa chắp lại trên nền cũ vì quá xuống cấp, kinh phí chỉ có thể khắc phục được một phần nào chứ không thể khắc phục hết được.
Hiện nay, rất thiếu nguồn kinh phí để trùng tu tôn tạo, mặc dù dự án trùng tu tôn tạo này đã có từ rất lâu. Nhà lao A, B trong thời kì chống Mỹ đã bị trúng bom và cháy. Nhà lao C sau này cũng sụp hoàn toàn, nhưng vẫn còn nguyên sắt thép lẫn trong xi măng. Do rất thiếu nguồn kinh phí trùng tu tôn tạo di tích, Ban quản lý viết đơn lên tỉnh, tỉnh lại phải xin trung ương. Chờ đợi mãi nhưng đến nay vẫn chỉ trùng tu nhỏ giọt”.
Điểm nhấn của nhà tù là đài tưởng niệm Hồ Bá Kiện, một người con của đất Nghệ An, người chỉ huy cuộc bạo động năm 1915. Nhà tưởng niệm được xây dựng vào năm 1995, cũng là để tưởng niệm 80 năm ngày mất của một sĩ phu yêu nước.
Trong những ngày hoà bình, thống nhất đất nước có không ít đoàn làm phim tài liệu về quay nhà tù Lao Bảo và những thước phim quý hiếm đó được lưu giữ lại đến giờ.
Ngày đó, những gian nhà lao tuy xuống cấp nhưng không sụt lún và mất hẳn như bây giờ như nhà lao C. Ngày đó, nơi đây còn có nguyên một phòng trưng bày những hiện vật, từ khẩu súng của viên quan, lính Pháp cai trị, những dụng cụ tra tấn như thời trung cổ, từ kìm, búa... Những bức ảnh treo trên tường như gửi gắm một thời kì bi thương nhưng cũng thật quật cường, mạnh mẽ.
Hiện nay, do không có không gian để trưng bày nên những hiện vật ấy được bảo quản trong kho. Do đoàn chúng tôi rất thiết tha được biết, nên anh Thìn đã leo lên một căn gác và lấy xuống cho xem những hiện vật được cất trong một bao tải sạch.
Anh lần lượt bỏ ra, đó là cây súng trường, súng canh của cai ngục, cây ba toong, cán gỗ dày và trên cán của cây ba toong, cây gỗ cứng đóng những cái đinh dài cả gang dùng để hỏi cung, tra tấn tù nhân... Anh cho biết, hiện nay do thiếu nhà trưng bày nên những hiện vật này tạm thời cất đi, khi nào có nhà trưng bày sẽ đem ra để khách thăm quan đều được biết. Anh cũng cho biết thêm, trung bình mỗi tháng khu di tích đón 500 khách chủ yếu là ở các tỉnh xa đến thăm quan.
Tiếng chuông đại từ
Điều an ủi cho khu di tích là một quả Đại hồng chung rất to nằm ở cuối khu đất của khu di tích. Quả chuông được chư tăng ni Hội đồng hương Lao Bảo, chính quyền các cấp sở tại và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị cùng nhân dân địa phương phát tâm công đức làm vào tháng 7-2015 nhân kỉ niệm 40 năm thành lập thị trấn Lao Bảo.
|
Nhà lao bị đổ nát điêu tàn. |
Quả chuông nằm trong khuôn viên của nhà đày Lao Bảo, xung quanh là những chứng tích lịch sử còn sót lại, tố cáo tội ác của chế độ thực dân, những người chiến sĩ cách mạng đã bị giam cầm hay ngã xuống nơi đây. Tiếng chuông sớm chiều như an ủi anh linh những người đã khuất, gột rửa những thương đau và mất mát.
Tuy nhiên, một điều đáng buồn và cũng là trách nhiệm cho những người còn sống hôm nay, đó là việc trùng tu tôn tạo lại khu di tích vì nếu cứ đà này thì khu di tích sẽ theo thời gian thành phế tích.
Được biết tháng 8-2009, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt dự án trùng tu tôn tạo khu di tích này và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2011, nhưng đến nay đã chẵn 10 năm trôi qua từ ngày dự án được tỉnh phê duyệt nhưng công tác trùng tu, tôn tạo rất nhỏ giọt.
Bước chân vào khu di tích vẫn thấy ngay trước mắt là những căn nhà lao sụt lún, đổ nát như nhà lao A, B và C. Khung cảnh khá tan hoang và điêu tàn khiến cho khách hành hương không khỏi ngậm ngùi, xót xa cho một nơi đã từng có thời kì là biểu tượng của tinh thần yêu nước chống chế độ thực dân.
Trần Mỹ Hiền