Trần Hữu Dực - tấm gương sáng về đạo đức 

Đồng chí Trần Hữu Dực sinh ngày 15 tháng 01 năm 1910 tại làng Dương Lệ Đông, tổng An Gia, phủ Triệu Phong nay là thuộc xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, một một vùng quê nghèo khó nhưng giàu truyền thống nhân nghĩa và khí phách. Mới 15 tuổi, đồng chí đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng và trở thành một chiến sĩ kiên cường, nổi bật lên trong phong trào cách mạng ở Quảng Trị trong những năm 20-30 của thế kỷ XX.

“Trên 60 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, dù được giao bất cứ nhiệm vụ nào,(1) đồng chí Trần Hữu Dực cũng một lòng, một dạ vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì Nhân dân, không quản gian khổ hy sinh, nêu cao truyền thống bất khuất, kiên cường của người đảng viên cộng sản, luôn luôn đứng ở vị trí hàng đầu trong cuộc đấu tranh anh dũng của Đảng và Nhân dân ta”.(2)

          Từ thuở thiếu thời, đồng chí Trần Hữu Dực đã “nghiệm ra và thấy rằng mỗi việc làm lớn, nhỏ đều quan trọng và có cách làm tốt của nó. Trước hết con người phải siêng năng, yêu lao động, thích làm việc, không sợ khó, ngại khó, luôn xem người khác làm, hay thì tập làm cho bằng được hoặc hơn, dở thì tránh và xoá bỏ, không cam chịu tụt lại đằng sau” (3). Có lẽ điều “nghiệm” ra này và những trải nghiệm trong quá trình hoạt động cách mạng” đã hun đúc nên một Trần Hữu Dực gang thép, kiên trung trong đấu tranh cách mạng, bình dị, gần gũi, trong sáng trong cuộc sống đời thường.

          Bài học lớn, được đồng chí Trần Hữu Dực rút ra trong quá trình  hoạt động là lòng kiên trì, rèn luyện nhận thức lý luận. Đồng chí cho rằng phẩm chất cao đẹp phải đi đôi với kiến thức rộng, bởi thiếu nó thì hoạt động vô nghĩa, không có phương hướng. Trong tu dưỡng, rèn luyện bản thân, đồng chí Trần Hữu Dực lấy câu nói nổi tiếng của danh nhân Trần Quốc Tuấn “Tự tri giả anh. Tự thắng giả hùng” tạm dịch là: “người nào tự biết mình mới là người anh minh. Người nào tự mình thắng mình mới là người hùng kiệt” để làm phương châm sống.

          Chính phương châm sống này, đã lý giải vì sao khi đồng chí trở thành Chủ tịch Trung Bộ, trong lúc “Một số người thi nhau đem con ra ra thành phố ở những ngôi nhà sang trọng, thậm chí có người cưới vợ ngay trong toà nhà Khâm sứ, yến tiệc linh đình…” (3) thì đồng chí Trần Hữu Dực vẫn để vợ con ở quê. Mặc dù, ai cũng biết rằng, đồng chí rất thương và biết ơn vợ, người đã hơn 13 năm phải làm vợ của người tù cộng sản, phải dành những năm tháng tuổi trẻ của một thời con gái cho sự nhớ thương người chồng xa cách biền biệt, hết nhà lao này đến nhà lao khác, không biết sống chết ra sao. Tuy nhiên, không vì thế mà đồng chí lẫn lộn giữa việc riêng và việc chung.

Có một vài câu chuyện, sau này đồng chí kể lại, thêm một lần nữa cho chúng ta thấy phẩm chất đáng quý đó của đồng chí Trần Hữu Dực: “Có một lần, vợ tôi đưa đứa con trai 7 tuổi vào thăm tôi. Tôi đã bố trí một buổi đưa vợ tôi vào thăm cung điện nhà Vua, dẫn vợ tôi đi thăm khắp toà Khâm sứ sang trọng và lộng lẫy… Khi tôi đưa vợ con vào phòng nghỉ riêng của toà Khâm sứ Trung Kỳ, bấy giờ là phòng nghỉ  riêng của Chủ tịch Trung Bộ, vợ tôi đã thốt lên kinh ngạc: “Nhà mình được ở đây à?” . Tôi đã vui vẻ trả lời ngay: “Không ! nhà mình vẫn ở Dương Lệ Đông, Quảng Trị. Ngày mai, hai mẹ con lại về đấy…(4) . Còn đây là câu chuyện khác: Khi đồng chí ở cương vị Phó Thủ tướng, hàng ngày đi làm được xe ô tô đưa đón, còn bà thì đi xe đạp, (mặc dù bà cũng làm việc ở Phủ Thủ tướng). Nhiều người bảo sao không để vợ cùng đi, đồng chí bảo: “Cùng đi sao được, ô tô và lái xe là tiêu chuẩn của Nhà nước phục vụ Phó Thủ tướng chứ không phải phục vụ gia đình. (5) Ngay cả khi vợ con ốm đau, đi khám bệnh, đồng chí cũng không dùng ô tô của cơ quan.

 Sinh thời, đồng chí Trần Hữu Dực được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng. Ở cương vị nào đồng chí cũng giữ được phẩm chất trong sáng, cần, kiệm, liêm, chính của một người chiến sĩ cách mạng. Đồng chí luôn rèn luyện, giữ bản chất của mình. Quan điểm của đồng chí là “Hoạn bất tài. Hạ hoạn vô vị”. (Nghĩa là : Lo bất tài. Không lo địa vị). Suốt cuộc đời hoạt cách mạng khi nào đồng chí cũng tự răn mình “Phải sống sao cho xứng đáng là người cộng sản. Từ hai chữ cộng sản, đến Đảng Cộng sản, đảng viên Đảng Cộng sản, giai cấp vô sản, Chủ nghĩa Mác-Lê nin, chế độ xã hội chủ nnghĩa và rất nhiều vấn đề khác của Cách mạng, tất cả đều quy vào con người cộng sản”.(6) Đồng chí đã từng trăn trở “Ngày nay, sau khi Cách mạng thắng lợi, bên cạnh những thành tích vĩ đại còn tồn những khuyết điểm nghiêm trọng. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mà tham lam, địa vị, truỵ lạc, dốt nát, bè cánh, luời biếng, lãng phí, thấy có chút danh lợi riêng tư nào là vơ lấy, bất chấp lợi hại, bất chấp liêm sĩ, làm ra ít mà phá phách nhiều, đưa đến kiệt sức nhân dân, đất nước, bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa, làm lợi cho địch, là điều trái ngược với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, là không phải người cộng sản”. (7)

Những trăn trở của đồng chí hoàn toàn có cơ sở. Bởi, đây là vấn đề không chỉ được Đảng ta nhiều lần cảnh mà còn coi đó là nguy cơ, là quốc nạn, là thách thức lớn nhất của chế độ XHCN.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Ý nghĩa sâu xa của cuộc vận động là ở chỗ Đảng ta muốn xây dựng một xã hội mới trên một cái gốc quan trọng đó là đạo đức là nhân cách con người. Ngẫm lại những điều đồng chí Trần Hữu Dực đã nghĩ, đã làm, chúng ta thấy “Đồng chí đã nêu gương sáng về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản”.

Noi gương đồng chí Trần Hữu Dực, mỗi người trên cương vị của mình từ trong cuộc sống, công tác hàng ngày trước hết hãy làm tốt trách nhiệm và bổn phận công dân và sau đó là trách nhiệm đảng viên, đoàn viên, hội viên... cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân biến quyết tâm chính trị thành hành động cách mạng cụ thể, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao để nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trí Ánh

      ________________

(1) Uỷ viên BCH Trung ương Đảng (khoá III, IV), Đại biểu Quốc hội (Khoá I đến khoá IV), Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời Quảng Trị, Xứ uỷ viên Xứ uỷ Trung Kỳ phụ trách các tỉnh  miền Nam Trung Bộ, Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Trung Bộ, Uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ Trung Kỳ, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu Cần, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương, Trưởng ban công tác nông thôn Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông trường, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Bí thư khu uỷ Trị Thiên-Huế, Viên trưởng Viên Kiểm sát nhân dân tối cao.

(2) Trích lời điếu Trần Hữu Dực

(3)Trần Hữu Dực-Bước qua đầu thù-Hồi ký, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.(tr 66).

(4) Trần Hữu Dực-Bước qua đầu thù-Hồi ký, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.(tr 66-67).

(5) Trần Hữu Dực-Bước qua đầu thù-Hồi ký, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.(tr 67).

(6) (7)Trần Hữu Dực-Bước qua đầu thù-Hồi ký, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.(tr 319).

3310 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 969
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 969
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87007430