Trạm thu phí BOT đặt “nhầm chỗ”, cần sự vào cuộc của Quốc hội 

Không chỉ có trạm thu phí cầu Bến Thuỷ mới đặt “nhầm chỗ”, mà trên địa bàn cả nước hiện tượng này rất phổ biến. Việc thu phí những người không sử dụng công trình BOT gây bức xúc, tạo gánh nặng cho dân, tiềm ẩn nhiều bất ổn xã hội. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Dân tiếp tục bị “móc túi”

Ngày 11.4, sau cuộc họp với các bên liên quan, Bộ GTVT đã phải quyết định không thu phí tại trạm Bến Thuỷ 1, đối với ôtô của dân 4 huyện lân cận (TP.Vinh, Hưng Nguyên, Nghi Xuân, TX.Hồng Lĩnh).

Đây là một việc làm có tính chất “chữa cháy” trước sức ép dư luận; và cũng nửa vời, chắp vá, không đúng pháp luật.

Bao nhiêu năm qua, người dân dù không sử dụng công trình BOT vẫn è cổ đóng phí; nay buộc phải bãi bỏ, vì việc thu như vậy là sai.

Nhưng dân vẫn còn khổ, vì phải làm thủ tục nhiêu khê, nào là hộ khẩu, chứng minh nhân dân, đăng ký xe, đi qua trạm phải trình thẻ…

Một số trường hợp sinh sống tại địa bàn 4 huyện nói trên nhưng chưa chuyển hộ khẩu, hoặc xe mua chưa sang tên đổi chủ… không biết sẽ giải quyết như thế nào.

Đối với người dân các địa phương khác, vẫn tiếp tục phải chịu bất công, khi không hề sử dụng đường BOT, nhưng qua trạm này vẫn phải nộp tiền phí.

Nghịch lý tồn tại nhiều nơi

Trạm thu phí BOT đặt “nhầm chỗ”, cần sự vào cuộc của Quốc hội ảnh 1
Trạm thu phí Bến Thuỷ "đặt nhầm chỗ".

Năm 2015, Báo Lao Động có loạt bài “Chặt khúc quốc lộ bán vé, dân oằn mình vì phí”, được nhận giải Báo chí Quốc gia năm 2016, phản ánh tình trạng làm BOT tràn lan.

Bài báo phản ánh: “Hàng loạt các trạm thu phí BOT mọc lên dày đặc, chia cắt QL thành nhiều đoạn ngắn để nâng cấp, bán vé thu tiền.

Chính sách xã hội hóa nâng cấp QL đã bị lợi dụng, tước đi quyền lựa chọn tối thiểu của dân được đi trên con đường của quốc gia, việc đặt trạm thu phí tùy tiện, thực hiện bán vé lấy tiền trái quy trình ở khắp nơi...”.

Theo thống kê của Cục Quản lý đường bộ 5, trong số hơn 600km QL 1A do đơn vị này quản lý đoạn qua miền Trung, có đến 6 trạm BOT. Trong đó, riêng đoạn từ TP.Đà Nẵng đi Tam Kỳ (75km), có đến 3 trạm thu phí BOT. 

Cả 3 trạm thu phí này đều lạm thu. Với dự án đầu tư gần 560 tỉ đồng để nâng cấp, mở rộng 8,2km QL 1A đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước, Cty CP 545 (CIENCO 5) đã được ưu ái cho đặt đến 2 trạm thu phí trên suốt đoạn đường hơn 20km. 

Trạm thu phí dự án đường tránh TP.Tam Kỳ, Quảng Nam (do CIENCO 5 đầu tư, sau đó bán quyền khai thác lại cho DN Hiệp Phước) lại được “ưu ái” đặt ngay trên QL 1A. Nghĩa là phương tiện dù không đi qua đường tránh vẫn không thoát được việc đóng phí. Người dân bị tước quyền lựa chọn, phương tiện đi đường tránh thì ít, nhưng DN vẫn thu được nhiều tiền.

Tình trạng “dân không đi đường BOT vẫn phải nộp phí” còn diễn ra từ Bắc chí Nam: ở Thái Nguyên, Quảng Bình (trạm thu phí Quán Hàu), Quảng Trị (trạm thu phí BOT của công ty TNHH BOT Quảng Trị đặt trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Triệu Giang (Triệu Phong), Hà Tĩnh (cầu Rác), Phú Thọ (Trạm thu phí Tam Nông), Thanh Hoá (trạm thu phí Tào Xuyên), Hà Nội (trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài), Phú Yên, Khánh Hoà…

Tình trạng nói trên gây bức xúc rất lớn cho người dân, doanh nghiệp.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Sau khi người dân phản ứng, các doanh nghiệp BOT đều cho rằng, họ không tự ý đặt trạm thu phí, mà đã có sự chấp thuận của chính quyền địa phương, của Bộ GTVT, mức phí do Bộ Tài chính quy định…

Luật Phí và Lệ phí 2015 định nghĩa: “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công”. Theo cách hiểu này, việc áp đặt người dân phải nộp phí BOT mặc dù không hề sử dụng công trình BOT là trái pháp luật.

Điều 16, Luật Phí và lệ phí 2015 nghiêm cấm: “Thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật.

 Trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Vì vậy, vấn đề cần làm rõ trong việc các trạm thu phí BOT đặt “nhầm chỗ” này, trách nhiệm thuộc về ai, và những cá nhân đó, phải chịu hình thức xử lý như thế nào.

Không thể chấp nhận việc lấy lý do khó hoàn vốn cho dự án để làm trái pháp luật, để buộc người dân phải nộp phí khi họ không sử dụng công trình BOT.

Việc quản lý, thu phí trên các công trình BOT là trách nhiệm của nhà đầu tư. Cho nên cũng không thể lấy lý do “khó quản lý”, để đặt trạm tại vị trí độc đạo, yết hầu, cách xa dự án BOT, gây nên hiện tượng lạm thu, phí chồng phí. Việc làm này đem lại siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư, trút gánh nặng lên vai dân.

Nếu thấy khó, thua lỗ, doanh nghiệp đừng làm dự án BOT. Vì không có quy định nào bắt buộc họ phải làm.

Trong khi, người dân đã đóng góp các khoản thuế phí theo quy định, gồm nhiều loại thuế phí khi mua ôtô, mua xăng dầu, sử dụng đường bộ và nhiều loại thuế, phí khác…

Thiết nghĩ, cần có sự vào cuộc của cơ quan lập pháp là Quốc hội, để có những giải pháp triệt để và toàn diện về việc quản lý các dự án BOT, chấm dứt tình trạng vi phạm pháp luật tràn lan như lâu nay.

Phó Thủ tướng chỉ đạo từ năm 2014

Ngày 10.6.2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có công văn giao Bộ GTVT phối hợp Bộ Tài chính rà soát cụ thể các trạm thu phí hoàn vốn thuộc dự án BOT trên các quốc lộ, đảm bảo thực hiện đúng các quy định hiện hành, khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, lập quy hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT trên phạm vi toàn quốc trình cấp thẩm quyền phê duyệt…

1119 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1140
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1140
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 85499722