Trái phiếu doanh nghiệp: Lãi suất cao sẽ đi kèm nhiều rủi ro 

(ĐCSVN) – Dòng tiền vẫn đang chảy về kênh trái phiếu doanh nghiệp, điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giải được bài toán vốn mà còn góp phần giảm gánh nặng đang dồn trên vai hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh luôn đi kèm với rủi ro, đặc biệt rủi ro dành cho đối tượng yếu thế như nhà đầu tư cá nhân.

 

Buổi Toạ đàm được tổ chức bằng hình thức trực tuyến (Ảnh: M.P) 

Ngày 30/8, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Nhận diện và ứng xử rủi ro”.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam cho biết, trong các nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, đầu tiên phải nhắc tới là các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, tiếp đó là các quỹ đầu tư, cuối cùng là các nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư cá nhân ngày càng tham gia tích cưc vào các đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Tuy nhiên điều này cũng đặt ra vấn đề sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có quá nóng, việc tham gia thị trường của nhà đầu tư cá nhân có tiềm ẩn rủi ro cho chính bản thân nhà đầu tư và sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng, thị trường tài chính Việt Nam nói chung.

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, hiện có nhiều nhà đầu tư cá nhân bị cuốn hút khi tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bởi mức lãi suất cao, trong khi đặt ra vấn đề nền tảng pháp pháp lý hiện tại đã đủ để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân khi họ tham gia thị trường này. Bên cạnh đó, các tổ chức phát hành là các doanh nghiệp hay tổ chức trung gian tài chính như công ty chứng khoán đã thực hiện đầy đủ các quy định pháp lý nhằm đảm bảo, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân. Bản thân các nhà đầu tư cá nhân đã đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực đánh giá rủi ro khi tham gia thị trường. Đây là yếu những tố mà thời gian qua Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, Bộ Tài chính và nhiều đơn vị trên thị trường đã liên tục thảo luận, đưa ra giải pháp từng bước giúp nâng cao năng lực đánh giá, kiểm soát rủi ro của nhà đầu tư cá nhân. Qua đó giúp các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng lành mạnh, hiệu quả.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài Chính cho biết, thời gian qua Bộ Tài chính đã rất nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ về lộ trình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trình Chính phủ ban hành các Nghị định về trái phiếu doanh nghiệp nhằm phù hợp với từng thời kỳ và kèm theo đó là các giải pháp về quản lý, phát triển thị trường. Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ,Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã thiết lập Cổng thông tin về trái phiếu doanh nghiệp. Qua cổng thông tin này, các nhà đầu tư có thể khai thác các thông tin liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng, trong vài năm qua ở Việt Nam thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển khá mạnh, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường bởi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp quá hấp dẫn. Ở đây cần hiểu trái phiếu không phải là công cụ đầu tư mà chính là công cụ nợ. Người trái chủ có quyền yêu cầu người phát hành trả lại số tiền mua trái phiếu sau thời hạn 3 năm, 5 năm, trong khoảng thời hạn nhất định nhà phát hành cần có nghĩa vụ trả nợ.

Đưa ra khuyến nghị với các nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Trong giai đoạn vô cùng khó khăn của nền kinh tế, đây không phải là lúc nhà đầu tư bùng nổ và kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà đây là thời điểm của sự cẩn trọng và chọn lọc”.

Số liệu thống kê từ Bộ Tài chính cho biết, nửa đầu năm 2021, số lượng trái phiếu phát hành ra công chúng tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Đồng thời, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trên thị trường sơ cấp đã giảm một nửa so với cùng kỳ, chỉ đạt 5,7% tổng khối lượng đã phát hành (cùng kỳ 12,68%).

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc cơ quan quản lý bảo vệ nhà đầu tư là rất cần thiết, tất cả những đối tượng yếu thế, những đối tượng nhỏ lẻ đều cần được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, ông Đức cũng nhấn mạnh, mặc dù đã được bảo vệ tốt hơn quãng thời gian trước nhưng rủi ro vẫn bủa vây nhà đầu tư cá nhân. Bởi lẽ, trái phiếu doanh nghiệp không phải lãi suất tiết kiệm, người dân muốn an toàn thì gửi ngân hàng, muốn lãi cao thì mua trái phiếu doanh nghiệp, đương nhiên lãi suất cao thì rủi ro cao.

Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, trong thời gian qua, việc hoàn thiện khung pháp lý trái phiếu doanh nghiệp luôn gắn với sự phát triển của thị trường. Khi thị trường trái phiếu doanh nghiêp phát triển nhanh, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, về phía cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động đánh giá những rủi ro. Đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân ít có khả năng nhận định, lường trước các rủi ro khi tham gia thị trường. Theo quy định mới hiện nay việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ chỉ dành cho những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, những người có khả năng nhận biết, đánh giá khả năng rủi ro khi đầu tư, việc phát hành trái phiếu ra công chúng dành cho mọi đối tượng nhà đầu tư. 

Cụ thể, đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng được cơ quan quản lý là Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép chào bán; yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải có lãi; đối tượng mua là mọi nhà đầu tư; từ ngày 01/01/2023 khi chào bán trái phiếu phải bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với những đợt phát hành có có giá trị lớn; trái phiếu sau khi phát hành được được niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ: cơ quan quản lý Nhà nước không cấp phép phát hành trái phiếu như đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, ngoại trừ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty đại chúng tại thị trường trong nước; không yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải có lãi. Đồng thời, quy định trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ được chào bán và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các đợt chào bán phải được tư vấn bởi công ty chứng khoán; quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành, tổ chức lưu ký và các tổ chức cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm khi các tổ chức này không tuân thủ quy định của pháp luật; quy định cơ chế công bố thông tin đầy đủ của doanh nghiệp phát hành, đặc biệt là công bố thông tin về mục đích huy động vốn trái phiếu;

“Việc quy định như trên nhằm phù hợp với khẩu vị nhà đầu tư, giữa nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và các nhà đầu tư nói chung” - Vụ phó Vụ Tài chính ngân hàng nhấn mạnh.

 

 
M.P
436 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1324
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1324
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87152325