Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định TPHCM sẽ thực hiện Nghị quyết 98 đảm bảo quy trình và chất lượng - Ảnh: VGP
Thưa ông, ngày 1/8 vừa qua, Nghị quyết 98 của Quốc hội chính thức có hiệu lực. Từ trước đó, Thành phố đã có những bước chuẩn bị để sẵn sàng cho việc triển khai Nghị quyết. Vậy cho đến thời điểm này, những kết quả ban đầu là gì?
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Khác với lần triển khai Nghị quyết 54, lần này, TPHCM không chờ đến khi Nghị quyết 98 được thông qua, mà đã có sự chuẩn bị sẵn sàng từ trước đó. Ngay khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết 98, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch chuẩn bị triển khai với 11 đầu việc phải hoàn thành trong quý II/2023; 37 đầu việc hoàn thành trong 6 tháng cuối năm 2023.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98, UBND Thành phố đã tham mưu Thành ủy ban hành Chỉ thị 27 về triển khai thực hiện Nghị quyết; đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo triển khai nghị quyết do đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp làm Trưởng ban; trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết 18 về triển khai Nghị quyết 98.
UBND TPHCM cũng đã phối hợp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết 98 do Thủ tướng làm Trưởng ban.
Kết quả ban đầu có thể thấy rõ nhất, đó là UBND đã tham mưu Thành ủy ban hành Chỉ thị, tham mưu HĐND Thành phố ban hành nghị quyết khung triển khai Nghị quyết 98 và 3 nghị quyết về 3 nội dung cụ thể về đầu tư công; bố trí ngân sách cho giảm nghèo; bố trí ngân sách cho dự án cao tốc TPHCM-Mộc Bài.
UBND TPHCM đã thành lập Hội đồng Tư vấn gồm các chuyên gia để triển khai các nội dung của Nghị quyết; đồng thời, sẽ mời các tư vấn giúp quản lý triển khai thực hiện.
Từ ngày 1/8, TP. Thủ Đức sẽ tiếp nhận các nội dung thuộc thẩm quyền và xử lý theo quy định. TPHCM đã tiến hành một số nội dung về tổ chức bộ máy của TP. Thủ Đức, ví dụ như tổ chức HĐND TP. Thủ Đức, các ban của HĐND TP. Thủ Đức; công bố quyết định thành lập 3 trung tâm đơn vị sự nghiệp công của TP. Thủ Đức (Trung tâm An sinh, Trung tâm Xúc tiến thương mại-đầu tư, Trung tâm Quản lý khai thác hạ tầng).
Đối với việc thực hiện Nghị quyết 98 thì bộ máy, cụ thể là các cán bộ, công chức, viên chức đóng vai trò quan trọng nhất. TPHCM đã có sự chuẩn bị như thế nào về đội ngũ thực hiện Nghị quyết này, thưa ông?
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Đối với các sở, ngành, địa phương, khối lượng công việc thường xuyên hằng ngày đã là quá tải, bởi vậy, với Nghị quyết 98, nếu không thực hiện với "tinh thần chiến dịch" như đồng chí Bí thư Thành ủy từng nói, thì sẽ rất khó đảm bảo mục tiêu.
Đây là câu chuyện trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, từng cán bộ đảng viên, trách nhiệm của từng cơ quan và sự phối hợp giữa các cơ quan, sự phối hợp của cả hệ thống. Cả hệ thống phải bắt tay làm ngay, làm có kết quả với tinh thần lựa chọn danh dự, cơ hội này để không phải hối tiếc.
TPHCM sẽ thành lập các ban chỉ đạo tương xứng để triển khai và phân công cán bộ được chọn lựa cũng tương xứng để thực thi. Nguồn cán bộ không chỉ cố định từ các cơ quan, mà có thể do Thành phố tuyển, trưng dụng, hỗ trợ cho Ban Chỉ đạo.
Tôi đã đề nghị, khi các nội dung cơ chế, chính sách được giao về cho các sở, ngành thì các sở, ngành cần phải thành lâp các tổ công tác, không chỉ bao gồm chuyên viên của sở, mà có cả chuyên gia, chuyên viên của các sở, ngành liên quan để tận dụng tư vấn của chuyên gia, đẩy nhanh tiến độ mà vẫn bảo đảm chất lượng. TP. Thủ Đức cũng sẽ phải lập tổ công tác để thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết.
Có người hỏi tôi rằng với số lượng nhiều việc như vậy thì TPHCM thực hiện có đảm bảo quy trình, đảm bảo chất lượng hay không. Xin trả lời là Thành phố vẫn phải đảm bảo quy trình và chất lượng.
Cụ thể, UBND đã có sự phối hợp với HĐND và MTTQ trong quá trình chuẩn bị, chứ không phải UBND chuẩn bị xong rồi thì mới trình HĐND để tiếp cận, hay mới trình sang MTTQ để lấy ý kiến góp ý, phản biện của nhân dân.
Chúng tôi phối hợp với nhau ngay từ đầu. Những việc gì có thể làm đồng thời, có thể làm song song, nhưng không vi phạm các quy định thì sẽ thực hiện, để đảm bảo rằng mọi người cùng thực hiện và cùng triển khai. Tôi tin rằng với cách làm này, chúng tôi sẽ hoàn thành được một khối lượng công việc rất lớn từ đây đến cuối năm.
UBND TPHCM đã ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ngành và giữa các quận, huyện. Trên tinh thần của Nghị quyết 98, Thành phố tiếp tục rà soát để ban hành quy chế nội bộ, tức là quy định rõ thời gian xử lý công việc của các sở, ngành, quận, huyện để người dân, doanh nghiệp, MTTQ, HĐND giám sát, chứ không có chuyện là công việc muốn chừng nào giải quyết xong cũng được.
TPHCM cũng đang tổ chức nghiên cứu và hoàn thiện Đề án xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển. Đây là giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài, hướng đến xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp, lấy sự phát triển làm trung tâm để phục vụ; không chỉ là quản lý mà còn kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển.
Nghị quyết 98 sẽ giúp TPHCM triển khai mô hình TOD bằng cách khai thác quỹ đất dọc tuyến Metro số 1
Vậy ông kỳ vọng gì từ Nghị quyết 98 và liệu Nghị quyết có thể giúp Thành phố tháo gỡ hết những vướng mắc?
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: TPHCM cũng như các địa phương khác vẫn phải vận hành, hoạt động theo hiến pháp và pháp luật. Khi nào hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, còn kẽ hở, còn bất cập thì Thành phố và các địa phương khác còn vướng mắc. Ngoài ra, không có bộ luật riêng lẻ nào hay nghị quyết nào của Quốc hội có thể giải quyết được tất cả vấn đề.
Tuy nhiên, Nghị quyết 98 giúp cho Thành phố giải quyết được rất nhiều vướng mắc về đầu tư, quản lý tài chính-ngân sách, quản lý đô thị, khoa học và công nghệ, tổ chức bộ máy và đặc biệt là TP. Thủ Đức.
Khi Nghị quyết 98 bắt đầu được thực thi, có nhiều nội dung TPHCM có thể làm ngay và nhiều dự án lớn có thể bắt tay thực hiện ngay. Tôi lấy ví dụ về mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), Thành phố đã rà soát hiện trạng các khu đất dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Qua đó, TPHCM nhận thấy có hàng nghìn ha đất có thể áp dụng mô hình này, góp phần tạo ra nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển. Đồng thời, mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông được định hướng là vùng lõi của các khu đô thị trong tương lai, giúp cơ cấu lại việc phát triển đô thị tại Thành phố.
Đồng thời, TPHCM cũng rà soát các dự án có thể thực hiện theo phương thức BOT, BT, PPP trong lĩnh vực văn hóa-thể thao, y tế, giáo dục. Dự kiến, Thành phố sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn cho các dự án này.
Trước mắt, trong lĩnh vực giao thông, Thành phố có 5 dự án BOT có thể triển khai với tổng vốn khoảng 37.000 tỷ đồng (mở rộng QL1, 13, 22; trục Bắc-Nam; cầu đường Bình Tiên), 3 dự án BT có thể thực hiện với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng (đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Ung Văn Khiêm và nút giao ngã 5 Đài liệt sĩ, nút giao ngã tư 4 xã).
Các dự án áp dụng phương thức PPP trong lĩnh vực văn hóa-thể thao, y tế, giáo dục dự kiến thu hút trên 20.000 tỷ đồng. Các dự án khép kín Vành đai 2, xây dựng mới Vành đai 4 cũng được triển khai sớm theo các cơ chế chính sách của Nghị quyết 98.
Bên cạnh đó, với Nghị quyết 98, các dự án đầu tư chiến lược như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án đầu tư sản xuất chip-vi mạch, dự án nhà ở cùng nhiều lĩnh vực khác sẽ thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách lên đến hàng tỷ USD…
Với việc Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Thành phố (HFIC) có thể vay trong nước, vay quốc tế số tiền lớn để đầu tư các công trình trọng điểm sẽ mở ra cơ hội huy động vốn và tổ chức xây dựng hoàn thành hệ thống metro dài 220 km đến năm 2035.
Ngoài ra, các cơ chế về phân cấp phân quyền và đặc biệt về tổ chức hoạt động của TP. Thủ Đức sẽ được triển khai sớm và tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Anh Thơ (thực hiện)