|
TPHCM phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, động viên toàn dân cách ly triệt để nhà với nhà, người với người. |
Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng, chống dịch tại Thành phố đã bộc lộ bất cập, hạn chế. Thành phố đã có những điều chỉnh quan trọng, kịp thời, sát thực tiễn từ xét nghiệm, phân loại F1, F0 đến phân tuyến điều trị, trợ giúp người nghèo và người yếu thế.
Giãn cách không nghiêm, không dập được dịch
Liên tục trải qua các đợt giãn cách xã hội theo mức độ tăng dần trong 2 tháng qua, từ Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 10/CT-UBND, Chỉ thị 16/CT-TTg và mới nhất là Chỉ thị 12/CT-TU cho thấy quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân Thành phố nhưng người nhân không thực hiện nghiêm, quyết liệt, không thể chặn đứt được nguồn lây của dịch, đồng thời để phát sinh thêm những ổ dịch mới.
Trong lúc này, nhất định TPHCM phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, động viên toàn dân cách ly triệt để nhà với nhà, người với người. Huy động Tổ COVID-19 cộng đồng, thanh niên xung phong, lực lượng vũ trang tham gia tuần tra, kiểm soát thật chặt; bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân, để thực sự là người cách ly với người, cách ly nhà với nhà, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố…
Không chỉ người dân, các cơ quan, công sở, doanh nghiệp ở TPHCM cũng phải bố trí tối đa người làm việc trực tuyến nếu đủ điều kiện, bố trí ăn, ở tại chỗ đối với những người đến làm việc trực tiếp tại trụ sở.
Mới đây khi đi kiểm tra công tác điều trị bệnh nhận COVID-19 tại Bệnh viện Quân y 175, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Những nơi như TPHCM, nhân dân và các lực lượng chống dịch đã qua hai tháng giãn cách vô cùng mệt mỏi, phải chịu đựng nhiều bất tiện, tiếp tục hy sinh lợi ích kinh tế nhưng dứt khoát phải đứng lên mạnh mẽ hơn. Chúng ta chịu khắc khổ trong một thời gian để chiến thắng được dịch bệnh còn nếu dễ dãi, nơi lỏng thì không thể khống chế được tình hình.
Cung ứng thực phẩm, chăm sóc sức khỏe kịp thời
Để không ra khỏi nhà trừ trường hợp cấp thiết, người dân cần được cung cấp lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe kịp thời đến tận nhà.
Thời gian qua, TPHCM đã thiết lập, từng bước cải thiện hệ thống phân phối hàng hóa thông suốt, đa dạng với nhiều kênh khác nhau, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Tuy nhiên, những ngày qua, có không ít thông tin, phản ánh về những người nghèo, công nhân ở trong các khu nhà trọ, khu dân cư có mật độ dày đặc, điều kiện sinh hoạt gặp nhiều khó khăn… chậm được nhận thậm chí chưa nhận được đồ cứu trợ. Trong khi đây là nhóm người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, trong thời gian giãn cách xã hội.
Vì vậy, TPHCM rất cần có hệ thống hoàn chỉnh từ thu nhận thông tin cần trợ giúp, chuẩn bị hàng hóa đến tổ chức vận chuyển an toàn tới đúng người, thu hút sự tham gia của mọi tổ chức, nhóm, cá nhân thiện nguyện cùng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp…
Trong theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người dân, yêu cầu đặt ra là thiết lập hệ thống theo dõi sức khỏe từ xa đến từng người dân trong khu dân cư, tiếp nhận thông tin để hướng dẫn cách giữ gìn, chăm sóc sức khỏe cá nhân; tư vấn điều trị; xử lý, can thiệp kịp thời những tình huống y tế khẩn cấp.
Tập trung giám sát dịch
Trước tình trạng lây nhiễm rất đậm đặc, dịch ngấm rất sâu, TPHCM đã điều chỉnh công tác truy vết, xét nghiệm theo hướng giám sát dịch tại từng khu dân cư, nhất là các ổ dịch, khu phong tỏa, khu nhà trọ chật chội, có đông công nhân, người nghèo. Ngoài những xét nghiệm sàng lọc định kỳ để phát hiện F0, sẽ ưu tiên trước cho những nhóm nguy cơ như người già, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, để có biện pháp chăm sóc, điều trị từ sớm.
Lực lượng lấy mẫu xét nghiệm được tổ chức lại theo hướng một bộ phận thực hiện tập huấn cho các Tổ COVID-19 cộng đồng, các đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh. Bộ phận còn lại chuyên lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR, bổ sung lực lượng cho các khu cách ly, thu dung F0.
Đồng thời, TPHCM tổ chức các đội ngũ y tế, kíp vận chuyển thường trực để tiếp nhận thông tin người có triệu chứng, trực tiếp đến xét nghiệm nhanh, chuyển đến khu tiếp nhận ban đầu nếu dương tính với SARS-CoV-2, xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp RT-PCR, để có hướng điều trị phù hợp.
Từ thực tiễn hoạt động các khu thu dung F0 ban đầu tại các quận, huyện, TPHCM đã tổ chức thành tuyến tiếp nhận F0 không triệu chứng (chiếm khoảng 70-80%), chưa phải là bệnh nhân nhưng cần được cách ly để không lây nhiễm ra cộng đồng. Tuyến tiếp theo điều trị F0 có triệu chứng nhẹ.
Hai tuyến thu dung này nhằm hạn chế chuyển sang có triệu chứng; triệu chứng nhẹ không chuyển sang nặng, bằng cách chăm lo, quan tâm đầy đủ cho bà con từ chế độ ăn uống, vận động đến sinh hoạt văn hóa, tinh thần cho người dân. Các khu thu dung bố trí nhân viên y tế theo dõi sát để xử lý kịp thời những trường hợp chuyển sang có triệu chứng, chuyển nặng để chuyển lên tuyến trên.
Các bệnh viện điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch cũng phải đặt ra những mục tiêu cụ thể để giảm số ca bệnh chuyển nặng hơn, hạn chế trường hợp tử vong.
Trong khi đó, việc kết nối, chuyển bệnh nhân giữa các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 phải có sự điều phối nhịp nhàng, thông suốt giữa các tuyến, giữa các bệnh viện với nhau. Trên cơ sở cập nhật liên tục số giường, số bệnh nhân, bảo đảm bệnh nhân nặng đã được điều trị thuyên giảm sẽ chuyển ngay xuống tuyến dưới để có giường trống đón bệnh nhân mới.
Càng triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, quyết liệt, “kỷ luật thép”, TPHCM sẽ càng sớm kiểm soát được dịch bệnh, từng bước quay trở lại cuộc sống bình thường mới./.
Minh Khôi