TPHCM cần các giải pháp mạnh hơn để ngăn chặn đại dịch 

(Chinhphu.vn) – Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đã lây lan ra các tỉnh khác, TPHCM cần thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra, ở mức cao hơn hiện nay để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, khống chế các ổ dịch và phấn đấu không để kéo dài tình trạng giãn cách xã hội.

Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, tính từ 18 giờ ngày 6/7 đến 6 giờ ngày 7/7, Thành phố ghi nhận thêm 270 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 07/7 (BN22072 - BN22341). Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có hơn 7.600 trường hợp mắc COVID-19.

Trong 270 trường hợp nhiễm mới được công bố gồm 232 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, 38 trường hợp đang điều tra dịch tễ. Thành phố đang hoàn tất hồ sơ chi tiết của các trường hợp này.

Theo HCDC, hơn 1 tháng qua, THCM đã rất nỗ lực và quyết tâm trong phòng, chống dịch; các lực lượng không quản gian khổ để bảo vệ cuộc sống người dân.

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đã lây lan ra các tỉnh khác, Thành phố cần thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra, ở mức cao hơn hiện nay để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, khống chế các ổ dịch và phấn đấu không để kéo dài tình trạng giãn cách xã hội như hiện nay.

Người dân tiếp tục giữ vững tinh thần đồng sức, đồng lòng, có nhiều việc làm, hành động quý giá và cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

HCDC khuyến cáo, khi có nhu cầu rời khỏi thành phố cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, người dân có thể liên hệ các bệnh viện và trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức để được xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc phòng xét nghiệm của các đơn vị được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2.

Tuy nhiên kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính chỉ có tác dụng chứng nhận ở thời điểm đó, nếu người dân không thực hiện các biện pháp phòng dịch tốt, nguy cơ trở thành F0 luôn thường trực. Vì vậy, dù có kết quả xét nghiệm âm tính, người dân vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế, để hạn chế lây nhiễm bệnh.

Tạm dừng hoạt động chợ đầu mối Thủ Đức

 

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Thủ Đức đang diễn biến phức tạp, khu vực chợ đầu mối Thủ Đức cũng xuất hiện nhiều ca nhiễm, ngày 6/7, UBND TP Thủ Đức yêu cầu tạm dừng hoạt động tập kết giao hàng, mua bán trực tiếp tại chợ đầu mối Thủ Đức để thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19.

 

Thời gian thực hiện từ 8 giờ ngày 7/7 và chậm nhất 20 giờ ngày 7/7 phải vận chuyển hàng hóa ra khỏi chợ.

 

UBND TP Thủ Đức giao Công ty CP quản lý và kinh doanh chợ Nông sản Thủ Đức thông tin đến các tiểu thương biết để phối hợp vận chuyển; tiến hành giao nhận theo hình thức điều phối trực tuyến và không giao thực hiện tại chợ đầu mối.

 

Ban quản lý chợ phối hợp phun khử tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chợ, phối hợp với Sở Công thương TP và UBND TP Thủ Đức xây dựng phương án phòng chống dịch với nhiều tình huống khác nhau để áp dụng khi chợ hoạt động trở lại. Các đơn vị cần khẩn trương triển khai và thực hiện nghiêm chỉ đạo.

 

Đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa 

 

Tối 6/7, Sở Công thương TPHCM cho biết đã tập trung kích hoạt các kịch bản, phương án tạo nguồn hàng thiết yếu, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa với các giải pháp cụ thể.

 

Về việc tạm dừng hoạt động các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, TPHCM đề nghị Sở Công Thương 22 tỉnh, thành Đông - Tây Nam hỗ trợ thông tin đến các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại hai chợ này tạm ngưng vận chuyển hàng hóa vào chợ, tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống.

 

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến các thương nhân, nhân dân trên địa bàn chuyển sang các hình thức giao dịch khác như tổ chức bán hàng qua điện thoại, trực tuyến, bán hàng theo đơn đặt hàng và các hình thức phù hợp khác nhằm giảm tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo các biện pháp an toàn trong hoạt động mua bán hàng hóa. 

 

Bên cạnh việc tổ chức duy trì nguồn cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành về TPHCM một cách an toàn, lưu thông thông suốt, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cho thị trường, Sở Công thương TP tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, vận hành ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa gồm các kênh phân phối hiện đại và truyền thống...  

 

Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, hàng hóa từ các tỉnh về TPHCM phải theo hướng dẫn của ngành giao thông, y tế để đảm bảo an toàn. TPHCM dự kiến bố trí 3 vùng đệm tại huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và TP Thủ Đức để trao đổi tài xế tiếp tục vận chuyển hàng hóa. Nếu không sẽ thực hiện lên xuống hàng hóa tại khu vực không tiếp giáp với khu dân cư, thực hiện được các yêu cầu giãn cách.

 

Về hệ thống phân phối, Sở Công Thương sẽ có thống kê theo từng quận huyện, TP Thủ Đức và thông báo về những điểm (chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, siêu thị hay các cửa hàng tạp hóa có cung ứng thực phẩm…) đang hoạt động cho người dân nắm. Đồng thời, Sở cũng phối hợp với Saigon Co.op, Satra, Vissan cùng các đơn vị phân phối hiện đại chuẩn bị phương án hỗ trợ điểm bán cho người dân, nếu địa phương có đề nghị.

 

Triển khai cao điểm kiểm soát tình hình dịch COVID-19

 

Nhằm thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, Công an TPHCM đã mở đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố từ ngày 29/6 đến ngày 10/7.

 

Theo đó, Công an TPHCM phối hợp cùng lực lượng y tế của thành phố và các địa phương thực hiện công tác điều tra, truy vết (không quá 24h kể từ khi nhận thông tin yêu cầu), kịp thời khoanh vùng, dập dịch và đảm bảo an ninh trật tự tại các địa điểm, khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội, các địa điểm tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19, các địa điểm tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tầm soát diện rộng trong cộng đồng trên địa bàn thành phố, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp tổ chức vừa cách ly, vừa sản xuất, không để địa bàn có người nước ngoài lưu trú, nhập cảnh trái phép.

 

Đồng thời, tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng công tác phòng, chống dịch COVID-19 để tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống phá Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh công tác tấn công trấn áp tội phạm, tăng tỷ lệ điều tra, khám phá án; tăng cường công tác phòng, chống cháy, nổ nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại xảy ra; tập trung nắm chắc tình hình trên lĩnh vực y tế, nhất là hoạt động lừa đảo tiêm ngừa, buôn lậu vaccine ngừa COVID-19.

 

Ngoài ra, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát phòng, chống đua xe trái phép và tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng trên địa bàn thành phố; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông; phối hợp Sở Giao thông vận tải TPHCM kiểm tra, xử lý các phương tiện vận tải vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Khẩn trương xét duyệt hồ sơ hồ trợ 70.000 lao động nghèo

 

Sáng 7/7, thông tin về tiến độ thực hiện gói hỗ trợ 886 tỷ đồng của TPHCM đối với người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho hay: hồ sơ nhận hỗ trợ của người lao động tự do đã được chuyển tới các phường, xã, thị trấn và các địa phương đang họp hội đồng xét duyệt hồ sơ đối với gần 70.000 người buôn gánh bán bưng, bán vé số (trong đó có gần 8.600 người tạm trú), bốc vác, lượm ve chai, xe ôm…

 

Ông Lê Minh Tấn khẳng định, để thụ hưởng gói hỗ trợ 886 tỷ đồng của TPHCM, người dân không cần làm bất cứ thủ tục nào. Tiền sẽ trực tiếp chuyển vào tài khoản cho người lao động, hoặc chi trả tận tay người dân, ngay trong tháng 7-2021.

 

TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thông qua gói hỗ trợ quy mô lớn lần 2 (lần 1 vào năm 2020) đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM có quy mô 886 tỷ đồng, hướng đến hỗ trợ 6 nhóm đối tượng.

 

Trong đó, TPHCM có sự hỗ trợ đối với hơn 230.000 lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) thuộc một trong 6 loại công việc sau: người buôn gánh bán bưng; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm các công việc tại các hộ kinh doanh ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc một số lĩnh vực ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TPHCM tại Công văn số 1749/UBND-VX ngày 30-5-2021.

 

Mỗi người lao động tự do bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, TPHCM hỗ trợ mức 50.000 đồng/ người/ ngày trong thời gian TPHCM áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. “Gói an sinh xã hội lần 2 của TPHCM đang được khẩn trương triển khai với tinh thần để người dân được nhận tiền trong thời gian sớm nhất, thủ tục đơn giản nhất. Dự kiến, ngay trong tháng 7/2021, người dân sẽ nhận được tiền”, ông Lê Minh Tấn khẳng định./.

178 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 922
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 922
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87122228