|
Ảnh minh họa: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh |
Đại diện lãnh đạo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay số lượng ca F0 vẫn còn tăng cao, chủ yếu trong các khu vực phong tỏa và bệnh nhân có triệu chứng đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Để tăng hiệu quả điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, thành phố cần phải tập trung vào công tác chăm sóc và điều trị các trường hợp F0, đặc biệt là những ca bệnh có triệu chứng, diễn biến nặng, có yếu tố nguy cơ tỷ lệ tử vong cao như người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền.
Cùng với đó, thành phố sẽ mở rộng tối đa năng lực tiếp nhận và điều trị ở các cơ sở y tế quận - huyện, TP Thủ Đức. Đồng thời, nâng cấp cơ sở vật chất, nhân lực, tăng cường chức năng điều trị cho các bệnh viện dã chiến; huy động thêm các bệnh viện tư nhân và triển khai thêm các cơ sở dã chiến để ứng phó trong trường hợp các ca nhiễm tăng cao; nâng cao công tác điều phối, thiết kế hệ thống phần mềm để khớp giữa nhu cầu người dân với hệ thống y tế.
Mặt khác, thành phố cũng sẽ điều phối, sắp xếp lại nguồn nhân lực y tế (thành phố và trung ương) đế phân bố trên các lĩnh vực dự phòng và điều trị một cách hợp lý nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả nguồn nhân lực y tế. Tập trung nguồn nhân lực cho lĩnh vực điều trị đế giảm tỷ lệ tử vong. Các nhân viên y tế và các sinh viên y khoa các năm cuối (Y5, Y6 ...) đang tham gia vào công tác lấy mẫu, hỗ trợ tiêm vắc xin sẽ được điều chuyến về tăng cường tham gia công tác theo dõi sức khỏe và điều trị F0 ở khu cách ly và đội taxi cấp cứu 115. Công tác lấy mẫu, hỗ trợ tiêm vắc xin chuyển cho Đoàn thanh niên, các sinh viên tình nguyện của các trường chuyên ngành khác phối với đơn vị y tế thực hiện.
Đối với công tác lấy mẫu xét nghiệm, thành phố sẽ thực hiện xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả. Phạm vi phong tỏa ở một quy mô phù họp với năng lực quản lý của địa phương (đảm bảo thực hiện nghiêm vùng phong tỏa, cung cấp thực phẩm và nhu cầu thiết yếu cho người dân tại nơi lưu trú), số lượng và tần suất xét nghiệm phù họp với năng lực lấy mẫu và công suất xét nghiệm. Trong đó, các trường hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, có triệu chứng, thuộc nhóm nguy cơ cao, nhanh chóng thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn và chuyển đến khu cách ly tập trung F0 của quận, huyện, đặc biệt lưu ý theo dõi kỹ để xử lý kịp thời những trường hợp chuyển nặng như người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền. Còn với các trường hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, không có triệu chứng, không thuộc nhóm nguy cơ cao, tạm thời theo dõi, chăm sóc kỹ tại nhà trong khi chờ xét nghiệm RT-PCR.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long – Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 nhấn mạnh, đối với công tác vận chuyển bệnh nhân, trong 2 tuần tới, thành phố dự kiến tăng thêm 100 xe cấp cứu 115 với đủ ê kip cấp cứu và trang thiết bị y tế. Hệ thống cấp cứu 115 sẽ được triển khai đến từng cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khoẻ các trường họp F0 tại địa bàn quận, huyện, các khu dân cư nhằm kịp thời vận chuyển những bệnh nhân có dấu hiệu chuyến nặng đến các bệnh viện, can thiệp điều trị sớm nhằm làm giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tỷ lệ tử vong. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tăng cường đội xe taxi với 200 xe, chuyến đối thành xe vận chuyến bệnh nhân, có nhân viên y tế đi kèm và các trang thiết bị hồi sức cơ bản như bình oxy, mask thở, máy đo Sp02, kit xét nghiệm nhanh... để hỗ trợ cho đội xe cấp cứu vận chuyển bệnh nhân kịp thời lên tuyến trên.
Về vấn đề điều trị F0, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị Trung tâm Cấp cứu 115 có thể tích hợp chức năng tư vấn cho những trường hợp sau khi xuất viện tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà; Mở thêm nhiều kênh thông tin để khi người dân gặp khó khăn, vấn đề về sức khỏe sẽ điện đến tư vấn; Đẩy nhanh việc thành lập 4 trung tâm cấp cứu khu vực (vệ tinh) để đồng bộ các đầu mối.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết: “Hiện thành phố đang nâng cấp cả nhân lực, máy móc thiết bị các bệnh viện để nâng khả năng điều trị. Tuyệt đối không chậm trễ vận chuyển bệnh nhân F0”.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, hiện nay, toàn bộ lực lượng y tế công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố đều được huy động tham gia tất cả các hoạt động phòng, chống dịch. Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch đề nghị các bác sĩ về hưu, lực lượng y tế tư nhân để hỗ trợ điều trị, tư vấn về sức khỏe cho người dân. Đây cũng là lực lượng quan trọng khi Thành phố triển khai phương án cách ly F0 không triệu chứng tại nhà, giúp giảm tải cho hệ thống y tế.
Để việc điều trị đạt hiệu quả cao, TP Hồ Chí Minh sẽ mở rộng tối đa năng lực tiếp nhận và điều trị ở các cơ sở y tế quận - huyện, TP Thủ Đức. Đồng thời, nâng cấp cơ sở vật chất, nhân lực, tăng cường chức năng điều trị cho các bệnh viện dã chiến; huy động thêm các bệnh viện tư nhân và triển khai thêm các cơ sở dã chiến để ứng phó trong trường hợp các ca nhiễm tăng cao; nâng cao công tác điều phối, thiết kế hệ thống phần mềm để khớp giữa nhu cầu người dân với hệ thống y tế…./..