Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói về tăng trưởng GDP 

Chinhphu.vn) – Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc “tăng trưởng các quý cuối năm rất cao nhưng sang quý I đầu năm sau liền kề giảm xuống rất nhanh và đột ngột…”, TS Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã trao đổi với PV Cổng TTĐT Chính phủ về vấn đề này.

 

GDP tăng giảm đột ngột do yếu tố mùa vụ

Tại phiên thảo luận về KT-XH, đại biểu Quốc hội nêu ý kiến về việc: "Tăng trưởng các quý cuối năm rất cao nhưng sang quý I đầu năm sau lại giảm xuống rất nhanh và đột ngột...", thưa ông vì sao lại có tình trạng này?

TS. Nguyễn Bích Lâm: T
ăng trưởng GDP của nước ta trong quý I thường thấp, sau đó tăng lên trong những quý tiếp theo có nguyên nhân chủ yếu do hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố mùa vụ (nghỉ tết, đầu tư, xây dựng nhà ở, sản xuất nông nghiệp theo mùa, các lễ hội, mùa du lịch và cả về thủ tục hành chính…), thể hiện trên một số yếu tố sau:

Một là, thực hiện vốn đầu tư đạt thấp trong những tháng đầu năm.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn trước đây và hiện nay phần lớn phụ thuộc vào vốn đầu tư (yếu tố vốn đầu tư luôn đóng góp gần 50% vào tăng trưởng GDP), phần còn lại là đóng góp của yếu tố lao động và các nhân tố tổng hợp (TFP).

Những năm qua, vốn đầu tư thực hiện (trong đó có đầu tư công chiếm khoảng 23-25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) có xu hướng tăng dần qua các quý, trong đó quý I thường đạt thấp do những tháng đầu năm có kỳ nghỉ Tết cổ truyền kéo dài, tâm lý người Việt Nam trong những ngày gần tết và sau tết không tập trung nhiều cho đầu tư sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, theo thói quen người dân, việc đầu tư xây dựng nhà ở của dân cư cũng thường thực hiện vào những tháng cuối năm.

Đối với nguồn vốn đầu tư công (bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, tín dụng đầu tư phát triển), trong những tháng đầu năm bên cạnh thủ tục, quy trình phân bổ nguồn vốn này thường chậm, các chủ dự án, công trình cũng tập trung hoàn tất các thủ tục để thực hiện và giải ngân vốn đầu tư trong năm, do đó vốn đầu tư thực hiện thường đạt thấp trong những tháng đầu năm, các tháng cuối năm có xu hướng tăng để giải ngân nhanh nguồn vốn này.

Cụ thể: So với kế hoạch năm, tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư công quý I/2015 chỉ đạt 17,3%; 6 tháng đạt 42,9% và 9 tháng đạt 71,3%; các tỷ lệ tương ứng của năm 2016 là 14,4%; 35,5% và 59,8%. Năm 2017, tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư công so kế hoạch còn đạt thấp hơn (Quý I đạt 13,8%; 6 tháng đạt 34,8%; 9 tháng đạt 59,2%) do nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được phê duyệt và giải ngân rất chậm.

Do đó, việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư trong quý I và những tháng đầu năm đạt thấp và có xu hướng tăng lên trong các quý tiếp theo là một trong những nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP thường tăng trưởng chậm trong các tháng đầu năm và tăng cao hơn trong những tháng cuối năm.

Hai là, chi ngân sách Nhà nước quý I đạt thấp so với dự toán.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ chi ngân sách của quý I so với dự toán năm có xu hướng ngày một giảm dần. Chi đầu tư phát triển chậm sẽ tác động đến nhiều ngành kinh tế (vốn ngân sách Nhà nước được coi là vốn “mồi” để thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia); trong khi chi thường xuyên tác động trực tiếp đến các ngành và hoạt động như: Quản lý Nhà nước, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, nghệ thuật. Điều này cũng làm cho tăng trưởng GDP của quý I thường thấp hơn các quý cuối năm.

 

Ba là, dư nợ tín dụng có xu hướng tăng dần qua các quý.

Những năm vừa qua dư nợ tín dụng (so với tháng 12 năm trước) có xu hướng tăng dần qua các quý đã phản ánh thực trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng có xu hướng tăng qua các quý. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng các quý so với tháng 12 năm trước được thể hiện ở bảng dưới đây:

 

Tính GDP theo 2 phương pháp

Ông vừa nói đến yếu tố mùa vụ, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng GDP quý I thấp do nghỉ Tết, nhưng bù lại, tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư lại tăng?

TS Nguyễn Bích Lâm: Về ý kiến “GDP quý I thấp do nghỉ Tết, nhưng bù lại tăng tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư”, t
ổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh giá trị mới tăng của sản phẩm vật chất và dịch vụ được tạo ra của toàn bộ nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (quý, 6 tháng, 9 tháng, năm).

Tổng sản phẩm trong nước được tính theo giá hiện hành và giá so sánh cho từng quý và cả năm thông qua Phương pháp sản xuất và Phương pháp sử dụng (2 phương pháp). 

Theo phương pháp sản xuất, GDP được tính bằng Tổng giá tăng thêm theo giá cơ bản của tất cả các ngành kinh tế cộng với thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm. Việc tiêu dùng tăng lên trong dịp Tết sẽ tác động chính tới một số ngành dịch vụ (bán lẻ, vận tải, bưu chính viễn thông, văn hóa, vui chơi, giải trí…), nhưng các ngành sản xuất vẫn bị ảnh hưởng do phần lớn các sản phẩm phục vụ Tết chủ yếu được sản xuất cuối năm trước, khu vực hành chính, giáo dục thường được nghỉ dài ngày trong dịp Tết cổ truyền.

Bên cạnh đó, theo phương pháp sử dụng, GDP bằng tổng của 3 yếu tố: Tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư và Nhà nước; tích lũy tài sản (cố định, lưu động và quý hiếm) và chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, trong quý I ngoại trừ tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình tăng (tiêu dùng cuối cùng tăng làm GDP tăng), hoạt động đầu tư và xuất khẩu những tháng đầu năm đạt thấp đã ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP (làm GDP tăng thấp).

Thay đổi cơ cấu sản lượng thủy sản nuôi trồng

Một số ý kiến thắc mắc về tăng trưởng của ngành thủy sản 9 tháng năm 2017. Cụ thể, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm ngành thủy sản đạt mức tăng cao nhất với 5,42% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng sản lượng thủy sản 9 tháng chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước… ông lý giải vấn đề này như thế nào?

TS Nguyễn Bích Lâm: Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng đầu năm 2017 tăng 4,2% so cùng kỳ trong khi đó giá trị sản xuất (bằng sản lượng mỗi loại thủy sản nhân với đơn giá cố định bình quân của từng loại thủy sản) tăng 5,52% do có sự thay đổi về cơ cấu sản lượng thủy sản nuôi trồng, trong đó sản lượng tôm tăng cao ở mức tăng 8% so với cùng kỳ năm trước (đơn giá bình quân 1 kg tôm sú là 120,5 nghìn đồng; tôm thẻ là 75,8 nghìn đồng, trong khi cá các loại chỉ khoảng 9 nghìn đồng/kg).

Trong 9 tháng năm nay, tôm sú và tôm thẻ chân trắng là sản phẩm có giá cố định cao hơn nhiều so với các sản phẩm thủy sản khác tăng trưởng khá: Sản lượng tôm sú chiếm 7% và tôm thẻ chiếm 9,9% trong tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng, nhưng về giá trị thì tôm sú chiếm tới 26% và tôm thẻ chân trắng chiếm 23,2% tổng giá trị thủy sản nuôi trồng trong 9 tháng (theo giá so sánh).

Điều này cho thấy, tôm sú và tôm thẻ chân trắng có mức đóng góp về giá trị cao hơn hẳn mức đóng góp về sản lượng, đồng thời lý giải vì sao sản lượng thủy sản 9 tháng năm 2017 chỉ tăng 4,5% nhưng giá trị tăng thêm của ngành thủy sản tăng 5,42%.

Cảm ơn ông!

589 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 526
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 526
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86631783