TỔNG THUẬT TỌA ĐÀM: Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới 

(Chinhphu.vn) - Chiều 20/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới".
Đang cập nhật TỌA ĐÀM: Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm (từ trái qua): TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh; ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế; TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Ảnh: VGP/Quang Thương

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của việc điều hành chính sách tiền tệ, thời gian qua, trước những tác động tiêu cực, dai dẳng, kéo dài của đại dịch COVID-19 cũng như những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới gây ra khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi đối với nền kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, luôn có sự chủ động trong dự báo, kịp thời chuyển hướng điều hành phù hợp với diễn biến thực tế ở mỗi giai đoạn, thời điểm khác nhau. Nhờ đó, dù trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta đã thực hiện được mục tiêu về kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cũng như bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng và trên nền tảng lạm phát ở nước ta được kiểm soát tốt; lạm phát thế giới đã qua đỉnh và dự báo có xu hướng giảm trong thời gian tới; khoảng cách lãi suất thực dương khá lớn (5-6%); cung tiền M2 tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP theo giá hiện hành… tại Hội nghị Chính phủ với địa phương 6 tháng đầu năm 2023, Hội nghị thống nhất cao chuyển chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát "chặt chẽ", "chắc chắn" ở những thời điểm trước đó sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn". Việc điều chỉnh kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh và phù hợp với thực tiễn.

Để có cái nhìn sâu rộng, tổng thể hơn về các chính sách vĩ mô, trong đó có vai trò của điều chỉnh chính sách tiền tệ đối với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng; sự uyển chuyển, linh hoạt của Chính phủ, NHNN Việt Nam trong chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ ở mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm, những vấn đề cần kiểm soát khi nới lỏng chính sách tiền tệ để  phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh khi dịch COVID-19 đã lắng xuống…, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm: "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới" với sự tham dự của các khách mời là các vị Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia kinh tế, tài chính, tiền tệ nhằm phân tích, đánh giá, kiến giải, luận bàn về vấn đề này.

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm gồm:

-  Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

-  TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC)

-  TS. Võ Trí Thành,  Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh

 -  Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

TS. Nguyễn Sĩ Dũng điều phối chương trình Tọa đàm.

Tất cả Tổng thuật
13:40 ngày 20/07/2023

 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Câu hỏi đầu tiên xin dành cho TS. Cấn Văn Lực: Ngay từ tháng 10 năm ngoái, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ" trước đó sang "chắc chắn" và đến nay, tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn". Ông đánh giá như thế nào về những chỉ đạo này của Thủ tướng, đặt trong bối cảnh của từng giai đoạn, tôi xin nhấn mạnh lại là trong bối cảnh của từng giai đoạn?

Đang cập nhật TỌA ĐÀM: Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế: Chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua sát với tình hình cả quốc tế và trong nước - Ảnh: VGP/Quang Thương

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia: Trước hết, tôi thấy chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua sát với tình hình cả quốc tế và trong nước. Chúng ta nhớ rằng, điều kiện quốc tế và trong nước trong 2 năm vừa qua có rất nhiều biến động và nhiều yếu tố gọi là "đa khủng hoảng" xảy ra. Chúng ta đã có những điều chỉnh về mặt chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng phù hợp với bối cảnh, với thời điểm và mức độ. Mức độ ở đây thấy rất rõ trong đề dẫn mà TS. Nguyễn Sĩ Dũng chia sẻ: "chuyển trạng thái".

Trong thời kỳ quý I-III năm ngoái, lạm phát của thế giới tương đối cao. Lúc đó chính sách tiền tệ của chúng ta là "chặt chẽ". Cuối năm ngoái, về cơ bản lạm phát của chúng ta kiểm soát tốt và lạm phát toàn cầu có dấu hiệu chững lại, thì chúng ta chuyển sang trạng thái "chắc chắn" và thực hiện được đa mục tiêu. Còn thời điểm hiện nay, Chính phủ cũng như Thủ tướng quyết định chuyển sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng". Tôi thấy rất phù hợp!

Như TS. Nguyễn Sĩ Dũng đã nêu 3 yếu tố quan trọng ban đầu: Một là giá cả, lạm phát trên thế giới về cơ bản đã chững lại và đang giảm giá. Thậm chí, ở một số thị trường còn giảm nhanh hơn chúng tôi dự báo, như ở Mỹ, lạm phát tháng 6 so với cùng kỳ năm trước chỉ khoảng 3% từ mức 9% của đỉnh điểm tháng 7-8/2022. Giá cả các mặt hàng, đặc biệt là giá năng lượng, giá hàng hóa cơ bản cũng đã và đang giảm dần, trừ một vài mặt hàng nông sản thời gian gần đây, như gạo, cà phê…

Lý do thứ hai ta thấy rất rõ là trong bối cảnh như vậy, áp lực đối với lạm phát, với tỉ giá trên thế giới đã giảm nhiệt đi rất nhiều. Một bối cảnh nữa rất quan trọng là thực tiễn ở Việt Nam, về cơ bản lạm phát của chúng ta, cả lạm phát tổng thể cũng như lạm phát lõi, đã và đang giảm dần từ đầu năm tới giờ. Lạm phát tổng thể của chúng ta hồi tháng 1 so với cùng kỳ năm trước ở mức khoảng 4,9%, tháng 6 vừa qua chỉ còn khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước. Còn tính bình quân 6 tháng là 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản của chúng ta đã và đang giảm dần dù chậm hơn, từ mức khoảng 5,21% đầu năm xuống 4,74% của tháng 6. Đấy là cơ sở rất quan trọng. 

Thứ hai là kinh tế của chúng ta 2 quý vừa qua mặc dù có tiến triển hơn nhưng vẫn còn khó khăn, chịu tác động rất lớn từ những yếu tố đặc biệt bên ngoài và những yếu tố nội tại bên trong tồn tại lâu nay và vẫn phải tiếp tục xử lý. Vì thế, chúng ta đạt mức tăng trưởng chỉ 3,72% của 6 tháng đầu năm.

Rõ ràng, bây giờ chúng ta cần thay đổi chính sách phù hợp để phục hồi và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, chúng ta nới lỏng nhưng linh hoạt, tức là vẫn bảo đảm mục tiêu ổn định được kinh tế vĩ mô.

Cuối cùng là phối hợp đồng bộ hơn với các chính sách khác, trong đó có chính sách tài khóa, giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thì chúng ta mới bảo đảm được thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra.

13:45 ngày 20/07/2023

 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu, ông có thể chia sẻ thêm thông tin về các nước trên thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn, thực hiện chính sách tiền tệ vừa qua như thế nào? Những kinh nghiệm nào Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi trong điều hành chính sách tiền tệ từ các nước? Và Việt Nam cũng phải tính đến tác động từ chính sách của các nước như thế nào đối với nền kinh tế nước ta?

Đang cập nhật TỌA ĐÀM: Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

TS. Võ Trí Thành chia sẻ thông tin về kinh nghiệm các nước trên thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn, thực hiện chính sách tiền tệ - Ảnh: VGP/Quang Thương

TS. Võ Trí Thành: Có lẽ đây là một câu chuyện rất dài nếu nói về chính sách tiền tệ của các quốc gia và mỗi nước cũng có một đặc thù nhất định. Nhưng ta nhìn lại giai đoạn năm 2022 cho đến nay thì có thể khái quát như thế này:

Bài học đầu tiên mà tôi cho là rất quan trọng là các nước đều rất quan tâm tới cả 2 mục tiêu: Ổn định vĩ mô mà một chỉ số quan trọng là lạm phát. Chúng ta thấy rất rõ việc ưu tiên cho mục tiêu này là các nước như Hoa Kỳ, với hành động của Fed, hay nhiều nước châu Âu. Mặt khác cũng có những nước, trong bối cảnh lạm phát còn rất thấp và ổn định vẫn giữ được, thì trọng số của họ chuyển mạnh vào hỗ trợ tăng trưởng. Ta thấy rõ nhất là Nhật Bản, mặc dù gần đây lạm phát Nhật Bản có nhích lên; hay là nước láng giềng của chúng ta là Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách tiền tệ tương đối nhẹ nhàng. Tôi không dám nói là quá nới lỏng nhưng nhẹ nhàng.

Nhưng cách gì thì cách, chúng ta thấy đầu tiên là tuyên ngôn của các Ngân hàng Trung ương phải rất rõ về mục tiêu ưu tiên. Ví dụ như đối với Mỹ và châu Âu thì kiểu gì họ cũng ấn định mục tiêu cuối cùng là lạm phát phải ở con số trước đây họ thông qua là 2%. Rất nhiều tranh cãi tại sao không phải 2,5% hay 1,5%. Chính vì vậy họ ưu tiên cái đấy. Bên cạnh đó, họ vẫn dịch chuyển chính sách tiền tệ để làm sao hại ít nhất đến phục hồi kinh tế sau đại dịch và tăng trưởng. Ví dụ họ không thay đổi lãi suất một loạt mà gia giảm.

Còn với những nước như Nhật Bản và Trung Quốc, đặc biệt là Nhật Bản, mặc dù tập trung nhiều hơn vào hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng, nhưng họ vẫn theo dõi rất chặt chẽ biến động của lạm phát, để khi cần có thể điều chỉnh ít nhiều chính sách tiền tệ.

Như vậy, bài học ở đây là phải rất rõ trong việc minh bạch điều đó, cộng với tính linh hoạt và sự khéo léo để làm sao đạt được cả 2 mục tiêu. Như chúng ta bàn là có thời điểm, có trọng điểm, thì họ có trọng số này, trọng số kia.

Bài học thứ hai mà ngay cả các nước phát triển vừa qua không phải đã thực hiện một cách trọn vẹn, thậm chí họ cũng có những sai lầm. Chúng ta hay nói về chính sách tiền tệ là câu chuyện ổn định vĩ mô, lạm phát, hoặc là tỉ giá một bên, và một bên là tăng trưởng, phục hồi kinh tế, sản xuất kinh doanh. Nhưng chúng ta đừng quên rằng chính sách tiền tệ cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định, độ an toàn, sự lành mạnh của thị trường tài chính ngân hàng.

Bài học này không mới nhưng từ cuộc khủng hoảng châu Á đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 và đến bây giờ, thấy rất rõ câu chuyện sự sụp đổ của một loạt ngân hàng, khởi đầu là ngân hàng SVB (Silicon Valley Bank) của Mỹ và kéo theo một loạt ngân hàng khác của Mỹ cũng như một trong top đầu ngân hàng là Silvergate Bank sụp đổ.

Cho nên bài học thứ hai chúng ta đừng quên, nếu nhìn theo nghĩa rộng của kinh tế vĩ mô, là sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng. Thực chất Việt Nam năm 2022, chúng ta còn nhớ cũng phải rất vất vả chống đỡ sự rung lắc của thị trường tài chính, và đặc biệt là chấn động của một số ngân hàng ở Việt Nam. Chúng ta phải lưu ý bài học này.

Một cái nữa tôi cho là rất quan trọng khi nhìn vào bên ngoài và có thể gắn với bên trong. Như ta đã nói, các chính phủ thường là đa mục tiêu. Mà muốn đa mục tiêu thì phải đa công cụ, cho nên chính sách tiền tệ dù quan trọng nhưng không phải là tất cả. Và trong những điều kiện nhất định, đặc biệt là với nền kinh tế mở, khi một chu chuyển vốn rất mạnh thì nhiều khi chính sách tiền tệ không khéo hiệu lực lại rất thấp. Thế nên kể cả đa mục tiêu, chúng ta phải phối hợp rất chặt chẽ với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tài khóa, ngân sách.

Chúng ta thấy trong đại dịch cũng như gần đây, phần nào đó gánh nặng cho hỗ trợ, tăng trưởng, bên cạnh cái đa mục tiêu chính sách tiền tệ, còn có chính sách tài khóa đỡ lấy. Và cái đỡ ấy cũng tạo ra những cách không bình thường, đặc biệt những nước phát triển cho thấy, để chính sách tiền tệ có thể hỗ trợ chính sách tài khóa. Ví dụ câu chuyện Hoa Kỳ, Fed có thể mua trái phiếu Chính phủ Mỹ, để cung ứng khả năng tiền và thanh khoản cho bên chính sách tài khóa. Tất nhiên đây là cực chẳng đã, nhưng phối hợp tới mức kỹ thuật như vậy.

Tôi nghĩ là bên cạnh 3 bài học như vậy, chúng ta cũng cần bám sát thông tin, phải linh hoạt, phải minh bạch.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Một góc nhìn rất toàn diện từ cách phản ứng của thế giới, làm thế nào chính sách tiền tệ vừa đảm bảo trong lạm phát nhưng lại không hy sinh quá lớn, ở mức chấp nhận được để tăng trưởng, và những mục tiêu khác. Đồng thời phối hợp chính sách rất quan trọng. Trong trường hợp như vậy, nhìn lại Việt Nam, quả thực chúng ta phản ứng cũng khá thành công trong việc cân đối, vừa kiềm chế lạm phát vừa đạt được các mục tiêu, phối hợp chính sách tài khóa. Việt Nam cũng đã làm như vậy và đã khá thành công.

13:52 ngày 20/07/2023

 

Đang cập nhật TỌA ĐÀM: Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng điều phối chương trình Tọa đàm - Ảnh: VGP/Quang Thương

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tại phiên họp Chính phủ tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm đời sống Nhân dân, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Thưa ông Phan Đức Hiếu, ông đánh giá như thế nào về những ưu tiên này của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay?

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Trước hết về chính sách tiền tệ, theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ, tôi cho là phù hợp. Cái phù hợp ở đây như anh Lực, anh Thành vừa phân tích, tôi cho rằng phù hợp với cả bối cảnh của Việt Nam và thời điểm. Rất nhiều điểm cũng học tập kinh nghiệm thế giới trong việc thực hiện chính sách tiền tệ.

Điểm đầu tiên phù hợp ở đây là phù hợp với nguyên tắc chung như anh Lực đã nói là kết hợp, phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Điểm phối hợp ấy tùy vào từng thời điểm, chúng ta sẽ sử dụng nhiều hơn công cụ tài khóa hay sử dụng nhiều hơn công cụ tiền tệ. Tôi lấy ví dụ, ở thời điểm chúng ta xây dựng Nghị quyết 43, chúng ta hình dung gần như các hoạt động kinh tế xã hội ngừng. Rõ ràng chính sách tiền tệ trong bối cảnh đó sẽ phát huy hiệu quả phải gọi là rất thấp. Chúng ta sử dụng tại thời điểm đó chính sách tiền tệ thắt chặt và chính sách tài khóa nới lỏng là phù hợp.

Bây giờ bối cảnh đã hoàn toàn thay đổi, lao động, sản xuất, kinh doanh ở chừng mực nào đó phục hồi nhưng có thể thay đổi trạng thái và khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, khó khăn về vốn, về dòng tiền là rất rõ. Hai là dư địa về mặt tài khóa của chúng ta đã thay đổi so với trước đây. Như vậy tôi cho rằng phù hợp ở thời điểm hiện tại cả về nguyên tắc chung trong điều hành cũng như bối cảnh thực tế, ta gọi là dư địa vĩ mô để thực hiện các chính sách này.

Điểm thứ hai khi nói đến Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ thì 3 kinh nghiệm quốc tế mà anh Thành vừa nêu đều được thể hiện khá rõ trong chỉ đạo của Thủ tướng. Trong Nghị quyết lần này, đầu tiên là sự rõ ràng về mặt thông tin. Chính phủ chỉ đạo rất rõ ràng, có rất nhiều con số. Ở đây chúng ta nhìn thấy, thứ nhất là "nới lỏng", "linh hoạt" được sử dụng thay cho "chặt chẽ", "chắc chắn". Thứ hai, phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5-2% lãi suất đã có. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng đã được xác định đâu đó 11%. Rõ ràng cái này rất cần thiết cho xã hội. Chúng ta cũng nhìn thấy ở đây nữa là dư địa, ta gọi là tính lâu dài ổn định của chính sách, đã bắt đầu xuất hiện. Chúng ta biết rằng một trong các điểm thành công của Nghị quyết 128 về ứng phó với dịch đó là tính dài hạn và tiên đoán được. Lần này chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được xác định ít nhất là cho đến cuối năm nay, những thông điệp đưa ra vừa có tính rõ ràng vừa có thời hạn nào đó về mặt thời gian, về dài hạn để doanh nghiệp có thể tiên liệu trước được, chuẩn bị các kịch bản, kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Kinh nghiệm thứ ba mà anh Thành chia sẻ là ngoài việc chúng ta nới lỏng chính sách tiền tệ thì trong này Chính phủ cũng nêu đến việc gia cố sự an toàn của hệ thống ngân hàng, xử lý dứt điểm những vấn đề phát sinh, rồi củng cố nền tảng của ngân hàng. Thậm chí có những giải pháp, tôi lấy ví dụ như rất thận trọng trong cung cấp tiếp tín dụng cho một số đối tác đang có dư nợ tín dụng trước đây. Như vậy rõ ràng là lần này Nghị quyết xử lý rất phù hợp nhưng đồng thời có rất nhiều điểm thay đổi trong điều hành chính sách. Ở đây tôi nhấn mạnh là "cụ thể, rõ ràng, có thể tiên liệu trước được và đồng bộ, vừa tiền tệ vừa kết hợp yếu tố để đảm bảo an toàn".

Đang cập nhật TỌA ĐÀM: Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được xác định ít nhất cho đến cuối năm nay, vừa rõ ràng vừa có thời hạn về mặt thời gian - Ảnh: VGP/Quang Thương

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Thông điệp của Chính phủ rất là quan trọng, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư… có thể định hướng được hành động của mình. Có một điều nữa là ngoài việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định các cân đối lớn, tình hình thế giới cũng căn bản được cải thiện, trong trường hợp ấy, còn một yếu tố nữa là nợ công của chúng ta khá thấp, nợ Chính phủ khá thấp, rất xa dưới mức Quốc hội cho phép. Đây quả thực là một trong những điều kiện rất quan trọng để Chính phủ tăng đầu tư công. Anh Hiếu đánh giá điều này như thế nào và phản ứng chính sách thời gian tới theo hướng nào trong bối cảnh, điều kiện như vậy?

Ông Phan Đức Hiếu: Có thể nói thêm một ý ngoài ý anh Dũng nói về dư địa vĩ mô để chúng ta đưa ra những quyết sách. Bối cảnh hiện nay khác rất nhiều thời điểm khó khăn trước đây. Tôi cho rằng, đánh giá chung thì việc điều hành chính sách lần này có mấy điểm mới như thế này.

Đầu tiên là sự tự tin và bài bản, ít bị động hơn. Điều này rất là quan trọng. Chúng ta đã có những sự chuẩn bị kỹ càng cả ở Quốc hội cả ở Chính phủ, có sự tham vấn các chuyên gia.

Thứ hai, chúng ta thống nhất và đưa ra được một nguyên tắc, công thức cốt lõi để điều hành, dựa trên ổn định vĩ mô và kết hợp, phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ. Khi chúng ta có một công thức như vậy và các biến số để chúng ta điều hành thay đổi theo từng giai đoạn thì rõ ràng là tạo ra dư địa rất lớn trong việc đưa ra một quyết định nhanh chóng hơn là chúng ta không có một công thức cố định. Trong đó, mỗi bài toán trong một giai đoạn lại phải kết hợp rất nhiều biến số khác nhau. Rõ ràng đây là dư địa thuận lợi và tôi cho rằng rất khác ở thời điểm hiện nay. Chúng ta đưa ra công thức này thì tính đến cả lâu dài, chính sách phối hợp tài khóa và tiền tệ không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt mà cả vấn đề lâu dài.

Ổn định kinh tế vĩ mô hiện nay vẫn là nền tảng cấu trúc cốt lõi. Tôi nhấn mạnh là chính sách nới lỏng, linh hoạt tiền tệ lần này cho thấy chúng ta đã chủ động hơn, quyết đoán hơn trong việc đưa ra quyết định của mình.

14:02 ngày 20/07/2023

 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Cũng tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhắm vào một vấn đề thực tế đang đặt ra, có lẽ vấn đề nóng nhất bây giờ là tình trạng kinh doanh gặp khó khăn, trì trệ, quả thật đây là vấn đề lớn nhất của nền kinh tế bây giờ. Định hướng của Chính phủ, nới lỏng chính sách tiền tệ cũng chính là nhắm vào chỗ này, và như vậy Thủ tướng chỉ đạo phải khắc phục khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất, kinh doanh trì trệ. Xin hỏi anh Đậu Anh Tuấn, từ góc nhìn của anh, việc nới lỏng chính sách tiền tệ (thông qua tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay) có ý nghĩa, tầm quan trọng như thế nào với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp và có lẽ cả nền kinh tế?

Đang cập nhật TỌA ĐÀM: Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Giải pháp ưu tiên tập trung vào chính sách tiền tệ theo hướng kéo mặt bằng lãi suất xuống và tăng cung tiền để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn là chính sách rất trúng và rất cần thiết - Ảnh: VGP/Quang Thương

Ông Đậu Anh TuấnPhó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Từ đầu đến giờ chúng ta thảo luận về chuyển hướng chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ, chắc chắn" đến nay sang hướng "linh hoạt, nới lỏng" hơn trong bối cảnh để hướng tới nhiều mục tiêu phát triển như quý vị đã nói. Từ khía cạnh cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi thấy rằng cái này rất đúng trong yêu cầu hiện nay, rất đúng với nhu cầu. 

Tôi hình dung việc đúng này như là các mảnh ruộng đang khô hạn và Chính phủ đang cố gắng tạo nguồn nước để tưới cho các mảnh ruộng này. Bởi vì hoạt động kinh doanh thì cần vốn, vốn với doanh nghiệp như trồng trọt cần nước vậy. Khi bị thiếu nước thì rõ ràng nông nghiệp không thể phát triển, giống như doanh nghiệp thiếu vốn thì chắc chắn gặp khó khăn.

Nếu nhìn trong cả năm 2022 vừa rồi, chúng ta thấy rằng riêng dòng vốn đối với doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, trước hết là dòng vốn từ trái phiếu là khó. Sau một thời gian bùng nổ, một phần nào đấy cũng do kiểm soát chưa tốt nên chúng ta điều chỉnh lại, dẫn đến tình trạng đóng băng và hầu như huy động vốn dài hạn từ trái phiếu rất khó. Trong khi ấy, những khó khăn dồn dập khác từ thị trường thế giới đến nữa: Đơn hàng giảm, nhiều hoạt động kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, vay vốn ngân hàng thì lãi suất rất cao... Trong giai đoạn vừa rồi, lãi suất có giai đoạn mười mấy %, mà đối với hoạt động kinh doanh bình thường thì mười mấy % đã khó chứ chưa nói đến tích luỹ và phát triển.

Chính vì thế, giải pháp hiện tại ưu tiên tập trung vào chính sách tiền tệ theo hướng kéo mặt bằng lãi suất xuống và tăng cung tiền để làm sao tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn theo chúng tôi là chính sách rất trúng và rất cần thiết.

Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành. Trong nhiều cuộc họp từ đầu năm đến nay, người đứng đầu Chính phủ liên tục thúc ép, liên tục đưa ra thông điệp về việc cố gắng giảm mặt bằng lãi suất xuống. Cái này hoàn toàn đúng với nhu cầu doanh nghiệp, bởi vì có vốn thì những doanh nghiệp xuất khẩu mới thuận lợi. Hiện nay, đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở nhiều ngành hàng, việc có vốn để quay nhanh dòng hàng, để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, rồi mở mang mặt bằng, mở mang hoạt động kinh doanh cũng cần vốn. Cho nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lí, rẻ hơn là một quyết sách đúng đắn.

Hiện tại nhiều doanh nghiệp cho biết vay được vốn rẻ vẫn đang rất khó khăn. Cho nên làm sao những chính sách tiền tệ như thế này phải đi nhanh được vào thực tiễn và làm sao doanh nghiệp có thể vay vốn được với lãi suất hợp lí để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi vì những con số kinh tế trong 6 tháng đầu năm cho thấy bức tranh về kinh doanh, về doanh nghiệp rất đáng lo ngại. Nếu doanh nghiệp không duy trì được hoạt động, không tăng trưởng được thì chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - một mục tiêu quan trọng, chắc chắn ảnh hưởng đến lao động, việc làm, chắc chắn ảnh hưởng đến thu ngân sách, và về dài hạn thì ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Đang có chiều hướng cho thấy những yếu tố này có xu hướng giảm. Con số doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm rất cao cũng là một tín hiệu cho thấy điều ấy.

Cho nên chính sách này, dưới góc độ chúng tôi nhìn nhận, là rất quan trọng, cốt lõi và rất cần thiết trong giai đoạn này.

14:08 ngày 20/07/2023

 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Rõ ràng qua chia sẻ của anh Đậu Anh Tuấn, chúng ta thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bắt mạch đúng và kê đơn đúng thuốc. Các chỉ đạo của Thủ tướng trong thời gian vừa qua phản ứng kịp thời với tình hình của đất nước và rất quyết liệt, chỉ đạo này cũng được Ngân hàng Nhà nước triển khai từ chặt chẽ, chắc chắn đến nay sang hướng linh hoạt và có lẽ phải làm quyết liệt hơn nữa. Với chỉ đạo của Thủ tướng như thế này, theo TS. Cấn Văn Lực, khả năng ngân hàng triển khai như thế nào? Thuốc thì kê rồi, bốc và triển khai thực tế có khó khăn gì không?

TS. Cấn Văn Lực: Tôi xin nêu 4 ý: Thứ nhất, tôi đồng ý với anh Hiếu là chúng ta còn dư địa, cả chính sách tiền tệ lẫn tài khóa. Mà chính sách tài khóa rất quan trọng là nguồn thu cho ngân sách nhà nước thì có vẻ đang giảm, nhưng chúng ta đang còn dư địa, kể cả nợ công lẫn nợ nước ngoài… Tóm lại điều kiện cần là có dư địa chính sách thì chúng ta đã có.

Thứ hai là về liều lượng. Tất cả chúng tôi đều thống nhất với nhau là liều lượng hiện nay là tương đối phù hợp.

Thứ ba là phối hợp chính sách. Nếu chúng ta dồn dập quá vào chính sách tiền tệ chưa chắc đã đạt hiệu quả cao, nó phải đồng bộ các chính sách khác mới đảm bảo mức độ thẩm thấu của chính sách tốt hơn. Đó là ba ý, tôi xin nhấn mạnh thêm một chút.

Riêng về câu chuyện chính sách tiền tệ, đặc biệt là lãi suất, tôi rất đồng ý với ý kiến của anh Đậu Anh Tuấn, rất quan trọng. Chúng tôi đã khảo sát dòng vốn cho đầu tư tổng xã hội của chúng ta thì tín dụng ngân hàng chiếm khoảng 50%, cộng với TPDN chiếm khoảng 15%, thì suy ra việc giảm mặt bằng lãi suất sẽ là giảm lãi suất cho 65% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Cái đấy rất quan trọng để lượng hóa. Đương nhiên rất quan trọng đối với câu chuyện chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Ý thứ hai là chúng ta đồng ý với nhau là phải có độ trễ chính sách. Tôi và anh Võ Trí Thành luôn nói là cần nhưng chúng tôi cho rằng Thủ tướng cũng như NHNN mong muốn độ trễ đó ngắn hơn. Thông thường là 2-3 tháng nhưng giờ chỉ khoảng 1-2 tháng, nhanh nhất có thể thì mới kịp thời.

Vấn đề thứ ba là Thủ tướng và Chính phủ đã ra thông điệp rõ ràng là cố gắng giảm mặt bằng giảm lãi suất từ 1,5-2% cho đến cuối năm. Tôi cho rằng đây là một thông điệp rất mạnh dạn, rất rõ, cụ thể. Thực tế thời gian qua ngân hàng cũng đã giảm lãi suất, chúng tôi thống kê được lãi suất huy động đầu vào giảm bình quân khoảng từ 1-1,2%, lãi suất cho vay cũng giảm mức độ tương tự. Bây giờ chúng ta tiếp tục phấn đấu để giảm tiếp lãi này theo chỉ đạo của Chính phủ. Cái này phù hợp và khả thi trong thời gian tới. Tôi xin bổ sung: Giảm lãi suất chỉ là 1 vế của vấn đề, điều kiện cần thôi. Điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp mới quan trọng. Các chuyên gia ở đây cũng đã ngồi với nhau bàn làm thế nào tăng cả cung và cầu. Phía cầu là chúng ta giảm lãi suất rồi, phía cung là tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp. Tôi nghĩ cần rất nhiều giải pháp đồng bộ. Tôi rất đồng tình là trước hết phải giải quyết được sự trì trệ của bộ máy công-viên chức thì mới giải quyết được nhiều vấn đề pháp lý, thủ tục hành chính.

Cuối cùng, phải khơi thông cả những kênh dẫn vốn khác, bởi vì kênh dẫn vốn trái phiếu doanh nghiệp rất quan trọng, 2 quý đầu năm chỉ bằng 60% với cùng kỳ năm ngoái. Nếu chúng ta khơi thông được chỗ này thì rõ ràng dòng vốn trung và dài hạn sẽ khá nhiều.

Chúng ta lưu ý một điểm là giảm lãi suất cũng không thể giảm quá nhiều, quá mạnh, quá nhanh được. Nếu chúng ta giảm của doanh nghiệp, quan sát trong 2 tháng vừa rồi, chúng tôi thấy một số dòng tiền đã bắt đầu dịch chuyển từ kênh tiết kiệm riêng tư sang kênh chứng khoán. Như vậy vẫn phải đảm bảo một mức độ hấp dẫn nhất định để dòng tiền tiếp tục vào ngân hàng, ngân hàng có thanh khoản cho vay, đảm bảo nguồn vốn đi vào kinh doanh thay vì chỉ đầu tư tài chính hay tồn kho bất động sản như thời gian vừa qua. Tôi nghĩ rằng phải đồng bộ chính sách như vậy thì mới đảm bảo mức độ thẩm thấu, việc giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ mới có hiệu quả.

Đang cập nhật TỌA ĐÀM: Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

Các vị khách mời chia sẻ tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/Quang Thương

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Ở đây có vấn đề là chính sách đề ra mình truyền thông để dân biết, doanh nghiệp biết nhưng đi vào đời sống, nhiều người cứ bảo "lên TV mà vay"… Không biết các ngân hàng, lãnh đạo NHNN nên làm gì để chính sách không chỉ đỡ độ trễ mà còn khả thi cho doanh nghiệp?

TS. Cấn Văn Lực: Ta thấy rằng trong 6 tháng vừa qua, tín dụng chỉ tăng trưởng 4,73% (đến 30/6) và thực tế đến hôm nay lại giảm bớt đi, chỉ tăng đâu đó xoay quanh 4%. Có nghĩa là tín dụng của chúng ta tăng rất thấp, ngân hàng muốn đẩy ra cũng rất khó, chứng tỏ khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp. Ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm vẫn tăng khoảng 15% nhưng cho vay để mua nhà, sửa nhà, chữa nhà giảm 1,32%. Rõ ràng người dân không đi vay để mua nhà, sửa nhà, chữa nhà nữa mà thậm chí người ta còn giảm sản xuất.

Tôi nghĩ để tăng cả năng sản suất, đáp ứng được điều kiện để vay vốn thì có 4 chuyện nho nhỏ nhưng rất quan trọng, đòi hỏi nỗ lực từ cả các phía. Thứ nhất là mặt bằng lãi suất, tôi nghĩ hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục giảm như Thủ tướng đã chỉ đạo, cũng là tăng kích cầu. Thứ hai là linh hoạt hơn điều kiện cho vay, linh hoạt hơn chứ không hạ chuẩn. Ví dụ trước đây tài sản thế chấp phải là nhà cửa, phải là bất động sản nhưng bây giờ có thể là "động sản" như hàng tồn kho, hay là đơn hàng tương lai, hợp đồng ký hợp tác với nhau… Thứ ba là bản thân doanh nghiệp cũng cần có những chuyển đổi, tái cơ cấu, hồ sơ minh bạch hơn, và đặc biệt chứng minh có thể trả nợ trong tương lai, chứng minh được nỗ lực của mình. Cuối cùng là thay đổi sự trì trệ ở bộ phận công chức, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là về pháp lý.

14:18 ngày 20/07/2023

 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Cùng với chủ trương thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn, theo quan điểm của ông, chính sách tiền tệ cần có sự phối hợp như thế nào với các chính sách khác, nhất là chính sách tài khoá trong bối cảnh tình hình hiện nay, đặc biệt là dư địa của chính sách tài khóa còn rất lớn với nợ công, nợ Chính phủ đều ở cách xa mức trần – mức được Quốc hội cho phép?

Đang cập nhật TỌA ĐÀM: Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

Ông Phan Đức Hiếu: Chính sách tiền tệ, tài khóa không có sự phối hợp với các chính sách khác như hoàn thuế VAT thì sẽ giảm hiệu quả - Ảnh: VGP/Quang Thương

Ông Phan Đức Hiếu: Tôi nhất trí với từ khoá "phối hợp chính sách", không chỉ đơn giản là sự phối hợp giữa chính sách tài khoá và tiền tệ như chúng ta đã phân tích. Về mặt liều lượng, cách thức, thời gian đều đang rất phù hợp.

Quan trọng ở đây là sự hấp thụ khi phối hợp chính sách tiền tệ với các chính sách khác. Chính sách tiền tệ, tài khóa hiện nay như giãn, hoãn thuế đều để hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp. Thế nhưng nếu như chúng ta không có sự phối hợp với các chính sách khác như hoàn thuế VAT thì sẽ giảm hiệu quả chính sách. Sự phối hợp chính sách phải tính đến việc khơi thông rào cản, đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính.

Gần đây, doanh nghiệp lo ngại một số dự thảo có nguy cơ làm tăng chi phí tài chính cho doanh nghiệp như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, đưa ra định mức về tái chế FS. Tôi không nói là những chính sách này không có mục tiêu và không cần thiết. Nhưng quan trọng là áp dụng tại thời điểm nào? Theo tôi, tại thời điểm này, không nên cản trở chính sách tài khoá, tiền tệ. Vì vậy, cần đồng bộ, khơi thông, hạn chế rào cản.

Tôi đánh giá rất cao Công điện 644 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là Công điện rất mạnh mẽ, có 3 điểm nhất khác biệt.

Thứ nhất, nhấn mạnh cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí tài chính. Thứ hai, giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Việc này rất phù hợp. Một mặt, Nghị quyết nói rất nhiều về chính sách tài khoá, tiền tệ. Mặt khác, có hẳn một công điện riêng để khơi thông nguồn lực cho vấn đề này.

Một điểm lưu ý là trong Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ nhấn mạnh 2 từ "trọng tâm, trọng điểm". Theo tôi, chúng ta có thể sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn ở chỗ ngoài tín dụng thông thường, cấp vốn thông thường, có thể hướng đến xu hướng kinh doanh xanh, kinh doanh bền vững. Nếu như doanh nghiệp không chuyển đổi, thì sẽ bị ảnh hưởng bởi các thuế về CO2, cơ chế CBMA của châu Âu. Như vậy, tín dụng này có thể hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm vào việc cho doanh nghiệp nguồn tài chính cơ cấu lại doanh nghiệp hướng tới xanh, sạch. Sự quan tâm tới năng lực hấp thụ, khả năng hấp thu và nâng cao hiệu quả nguồn lực là cần thiết.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Rõ ràng, phối hợp chính sách rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ đến động lực. Đầu tư là động lực lớn, không gian chính sách còn khá lớn. Không biết Quốc hội có hỗ trợ gì để khởi động động lực này mạnh mẽ hơn?

Ông Phan Đức Hiếu: Có lẽ trong nhiệm kỳ này, sự phối hợp chính sách và giữa các quyết sách rất bài bản, tham vấn rộng rãi, thống nhất cao, hành động nhất quán. Quốc hội đã có những thay đổi chưa bao giờ có trong lịch sử, phản ứng nhanh, tính thích ứng, khoa học, bài bản được nâng cao. Quốc hội cũng sẽ tiếp tục bàn cần phải làm gì, thay đổi gì cùng với chủ trương của Chính phủ trong bối cảnh mới.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Đúng như ông Hiếu nói, vai trò Quốc hội rất lớn: đồng hành và thúc đẩy. Sự trì trệ của bộ máy nhiều khi bắt nguồn từ thể chế. Vướng mắc về thể chế thì rất khó gỡ. Chính phủ và Quốc hội – hai bộ phận cùng nhịp nhàng thúc đẩy nền quản trị quốc gia.

14:27 ngày 20/07/2023

 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Mặc dù lạm phát ở nước ta được kiểm soát rất tốt trong thời gian qua, song có nhận định cho rằng trong bối cảnh tình hình còn có những diễn biến phức tạp, sức ép lạm phát còn lớn, việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với vấn đề kiểm soát lạm phát, cũng như liên quan tới nợ xấu và an toàn hệ thống. Thủ tướng cũng đã có những chỉ đạo về những nội dung này. Tôi cho rằng nới lỏng hơn không có nghĩa là buông lỏng. Liệu đây có phải là vấn đề đáng lo ngại không và các cơ quan chức năng cần làm gì để thực hiện hiệu quả việc nới lỏng hơn tiền tệ, vừa kiểm soát được tốt lạm phát theo mục tiêu, vừa thúc đẩy tăng trưởng, xin được nghe ý kiến của TS. Võ Trí Thành?

Đang cập nhật TỌA ĐÀM: Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

TS. Võ Trí Thành và ông Đậu Anh Tuấn - Ảnh: VGP/Quang Thương

TS. Võ Trí Thành: Ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhưng hiện nay bối cảnh tạo điều kiện cho chúng ta có những chuyển hướng chính sách, cả về chính sách tài khóa và tiền tệ mà về cơ bản, hướng vào việc hỗ trợ tăng trưởng. Ví dụ, chúng ta nói đến nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, tăng cung tiền. Đối với chính sách tài khóa, có điểm khác biệt là vấn đề liều lượng, là tương quan giữa rủi ro và liều lượng (liều lượng quá mức thì tăng rủi ro). Thế nhưng, hiện nay chúng ta đều thống nhất là chính sách tài khóa có dư địa còn khá lớn, nhất là lĩnh vực đầu tư công mà chúng ta hay nói "có tiền mà không tiêu được". Vừa qua, Thủ tướng có nêu rõ mục tiêu giải ngân hơn 710.000 tỷ đồng đầu tư công trong năm nay là phấn đấu đạt 95%. Về nợ công so với mức trần mà Quốc hội đề ra thì hiện nay dư địa còn lớn.

Đối với chính sách tiền tệ, câu chuyện liều lượng bao nhiêu là vừa thì hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Về lãi suất, tôi đồng ý, như các anh phân tích cũng như mục tiêu của Chính phủ là lãi suất có thể giảm từ 1-1,5 điểm phần trăm từ nay đến cuối nay. Chính sách tiền tệ có thể nới lỏng nhưng về nguyên tắc quản trị thì không thể để "đồng tiền dễ dãi". Chúng ta còn dư địa hạ lãi suất nhưng mà tính toán con số hạ 1-1,5 điểm phần trăm có một số lý do.

Thứ nhất, chúng ta nới lỏng chính sách tiền tệ để vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng, đồng thời vẫn kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Thứ hai là liên quan đến tỉ giá. Cách đây 1-2 tuần, có thời điểm tỉ giá đồng Việt Nam tăng mạnh. Như vậy giới hạn của giảm lãi suất không phải chỉ vấn đề huy động tiền gửi mà còn là vấn đề tỉ giá và đằng sau đó là câu chuyện dịch chuyển vốn (giữa đồng Việt Nam và USD).

Thứ ba, trong bất cứ tình huống nào cũng phải bảo đảm an toàn hệ thống. Bên cạnh thanh khoản, nếu đồng tiền trở lên dễ dãi thì mục tiêu hướng đến thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh có thể bị ảnh hưởng khi dòng tiền này không đổ vào sản xuất kinh doanh mà "đi chơi tài sản tài chính" – điều này nếu diễn ra quá mức thì sẽ trở thành vấn đề. Cho nên, đây là một thách thức đối với NHNN. Ví dụ, vừa rồi sửa Thông tư 06, có lĩnh vực NHNN yêu cầu NHTM giám sát chặt rủi ro như tiền vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản.

Như vậy, có thể có 3 rủi ro khi chúng ta nới lỏng chính sách tiền tệ. Theo tôi, vấn đề lạm phát không phải quá lớn mà là 2 vấn đề: Dòng tiền đi vào đâu và tỉ giá.

Tôi xin khẳng định lại là còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất. Cuối cùng, tôi đồng ý với ý kiến các đại biểu là lãi suất không phải liều thuốc vạn năng mặc dù rất quan trọng, mà cần kết hợp với nhiều chính sách khác như kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu; tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn (có gói hỗ trợ tín dụng mà không ảnh hưởng lớn đến tổng cung tiền, hướng đến các lĩnh vực như nhà ở xã hội, lâm thủy sản…).

14:35 ngày 20/07/2023

 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Liên quan đến dòng tiền thì Việt Nam tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, là một nhu cầu bức thiết đặt ra. Vấn đề chính là lĩnh vực nào để tiền chảy vào và nó lành mạnh, hữu ích nhất cho sự phát triển, cho nền kinh tế. Theo TS. Cấn Văn Lực, lĩnh vực nào cần đặc biệt quan tâm, ưu tiên để bơm tín dụng và giảm mặt bằng lãi suất trong bối cảnh hiện nay?

Đang cập nhật TỌA ĐÀM: Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực: Phải định hướng kênh tín dụng vào 5 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ - Ảnh: VGP/Quang Thương

TS. Cấn Văn Lực: Trước khi trả lời câu này tôi xin bổ sung một ý của anh Võ Trí Thành. Đúng như anh Thành đã nêu cũng như anh Dũng đã gợi mở, rất nhiều người quan tâm liệu chúng ta có nới lỏng chính sách tiền tệ sớm quá hay không, lo lạm phát, lo bất ổn. Tôi xin thưa, chúng ta năm nay không quá lo về lạm phát. Ngoài 3 lý do anh Thành phân tích tôi rất đồng tình thì xin cung cấp thêm 3 số liệu để củng cố niềm tin chính sách của chúng ta:

Một là cung tiền. Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi vừa tính toán lại số liệu đến ngày 30/6 thì M2, cung tiền của chúng ta mới là 2,7%, thấp hơn so với mức 3,8% cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức từ 4-5%, thậm chí là 7% của năm 2019. Tức là hiện nay việc cung tiền ra nền kinh tế rất thấp.

Chỉ số thứ hai là vòng quay tiền. Cái này tác động lạm phát rất rõ. Vòng quay tiền hiện nay của chúng ta 6 tháng đầu năm chỉ 0,67 lần, tức là tương đương vòng quay tiền thấp của cả năm 2022. So với thời kỳ tốt của chúng ta là trên 1, rõ ràng vòng quay tiền chậm, chúng ta cũng không lo câu chuyện lạm phát. Tất nhiên từ đây đến cuối năm, lượng cung tiền được tung ra, vòng quay tiền nhanh hơn một chút, nhưng rõ ràng không quá quan ngại.

Cuối cùng, mặt bằng giá cả của cả thế giới và Việt Nam năm nay về cơ bản tương đối ổn định. Và lạm phát của thế giới đang giảm, dẫn đến hiện tượng gọi là "nhập khẩu lạm phát" của Việt Nam từ bên ngoài. Việc này cũng không đáng ngại. Lạm phát của chúng ta có lẽ chỉ ở mức độ khoảng 3,5-4% là cùng. Hết sức yên tâm câu chuyện lạm phát, để chúng ta yên tâm phục hồi và kích thích tăng trưởng.

Còn liên quan đến vốn tín dụng, trong Nghị quyết của Chính phủ họp kỳ vừa rồi, rồi Công điện 644 đều chỉ rất rõ chúng ta phải định hướng kênh tín dụng vào những lĩnh vực nào, ngành nghề nào.

Một là dứt khoát phải vào 5 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.

Thứ hai là tập trung vào 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Đúng như anh Hiếu đã nêu là có trọng tâm, trọng điểm. Bây giờ những gì chúng ta đang xuất khẩu tốt, ta cần vốn thì phải bơm vốn ngay. Chúng ta có gói 15 nghìn tỷ với lâm thủy sản là như vậy. Và kể cả gạo, nếu như gạo chúng ta đang xuất khẩu tốt, cà phê xuất khẩu tốt, cần tiền thì sẵn sàng có những gói tín dụng mới. Tiếp đến là lĩnh vực đầu tư, đặc biệt liên quan đến đầu tư xây dựng và bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội hoặc là nhà ở. Thấy rất rõ là có những gói tín dụng đang ưu tiên cho lĩnh vực này.

Thứ ba là tiêu dùng. Thông điệp của Chính phủ rất rõ, bây giờ phải kích cầu tiêu dùng. Chúng ta linh hoạt và phù hợp điều kiện cho vay tiêu dùng. Bây giờ khâu tổ chức thực hiện như thế nào mà thôi.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Quả thực là các lĩnh vực ưu tiên mà chúng ta để dòng tiền khi được nới lỏng đổ vào khá là rõ. Ưu tiên tập trung cho 3 động lực phát triển kinh tế. Chính sách nới lỏng tín dụng cũng dễ dàng hơn.

14:41 ngày 20/07/2023

 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Xin hỏi ông Đậu Anh Tuấn, theo quan điểm của ông, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi gì và cần nắm bắt các cơ hội như thế nào để chủ động tiếp cận nguồn vốn, tín dụng khi chính sách tiền tệ được nới lỏng hơn?

Đang cập nhật TỌA ĐÀM: Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

Ông Đậu Anh Tuấn: Ngành hàng nào tiềm năng có thể đề nghị hợp tác với Ngân hàng Nhà nước, đề nghị Chính phủ có những chương trình, gói tín dụng riêng - Ảnh: VGP/Quang Thương

Ông Đậu Anh Tuấn: Để trả lời câu hỏi của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, tôi bắt đầu từ nhận định của TS. Cấn Văn Lực hôm nay. Thực ra mặt bằng lãi suất cũng là một câu chuyện, câu chuyện quan trọng nữa là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Phải nói rằng hiện nay sức khỏe của doanh nghiệp của nhiều ngành hàng đang là một vấn đề gay go, có nhiều yếu tố tác động đến thực trạng này. Trước hết là thị trường trong và ngoài nước, thị trường xuất khẩu hiện nay đối với một số ngành hàng đang giảm. Rõ ràng trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh cầm chừng với mức độ chiếm tỉ trọng tương đối so với nhiều năm ở mức độ trung bình thấp, hoặc là thấp thì rõ ràng nhu cầu vay vốn, khả năng vay vốn chắc chắn phải rất cân nhắc. Cho nên tôi đồng ý với các anh là bối cảnh này, rõ ràng dòng vốn nên tập trung vào những ngành hàng đang tiềm năng, đang tăng trưởng tốt. Ngành hàng nào khả năng tăng trưởng còn cao thì phải nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Những gói tín dụng, dòng vốn tập trung vào những ngành hàng này là yếu tố rất quan trọng.

Trong bối cảnh ấy, các ngân hàng, ngành hàng cần chủ động, ngành hàng nào rất tiềm năng thì cần chủ động có chương trình hợp tác riêng với các ngân hàng, chủ động trong việc tìm kiếm các nguồn vốn phù hợp. Thậm chí ngành hàng nào tiềm năng, không chỉ là nông lâm thủy sản, hoàn toàn có thể đề nghị hợp tác với Ngân hàng Nhà nước, có thể đề nghị Chính phủ có những chương trình, gói tín dụng riêng dành cho ngành hàng này. Đấy là điều hoàn toàn có thể thực hiện trong thời gian tới.

Để doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn vốn tốt thì rõ ràng khả năng giải ngân, quản trị của doanh nghiệp rất quan trọng. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên khả năng hồ sơ sổ sách vay vốn cũng là một yếu tố rất quan trọng, cần cải thiện trong thời gian tới.

Một điều nữa là có nhiều doanh nghiệp cũng nói rất nhiều lần là hiện nay lãi suất là một chuyện, nhưng cũng có tình trạng một số ngân hàng thu qua các hình thức khác, qua phí, qua những ràng buộc khác, hợp đồng khác. Tình trạng này cũng cần rà soát và khắc phục trong thời gian tới.

Điểm cuối cùng tôi muốn nói ở đây và tôi cũng tán đồng quan điểm của anh Hiếu, đó là để cho chương trình tiền tệ này tác động tốt nhất tới doanh nghiệp thì đồng bộ nhóm chính sách rất quan trọng. Chẳng hạn như chúng ta rất cố gắng để giảm lãi suất, chi phí vay nhưng ở đâu đấy vẫn có những chính sách làm tăng chi phí rất lớn, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn của doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp rất nhiều ngành hàng nói về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng chậm, trực tiếp ảnh hưởng tới doanh nghiệp rất lớn về dòng vốn. Quốc hội vừa có Nghị quyết giảm 2% thuế VAT, đây là một nỗ lực rất lớn nhưng hiện nay với nhiều ngành hàng, một số cơ quan quản lý nhà nước đang rục rịch tăng phí, thu lại phí. Như vậy chúng ta phải phát huy sự nhịp nhàng của chính sách. Tôi cho rằng, cần quản trị tốt lĩnh vực này thì mới điều phối tốt, và cộng hưởng chính sách là điều rất quan trọng trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Thông điệp của ông Đậu Anh Tuấn khá rõ. Rõ ràng là chúng ta không khéo thì chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ bị các chính sách khác vô hiệu hóa, triệt tiêu. Giảm lãi suất được mấy đồng nhưng lại tăng phí, như vậy rất khó. Tất nhiên các doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận và hoàn thiện quy trình, phải thạo việc vay tiền, đồng thời cũng phải bám sát. Tôi cũng biết là đa số doanh nghiệp đều nói là lãi suất công khai là một chuyện, lãi suất thực tế là một chuyện khác, cái đó không biết là giảm được bao nhiêu. Tình trạng đó cũng cần khắc phục. Nhưng dù sao đi nữa, sự linh hoạt chính sách tiền tệ hiện nay là một động lực để kinh tế tăng trưởng, và tăng trưởng là mục tiêu mình đang hướng tới.

14:48 ngày 20/07/2023

 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Với chính sách như thế này, xin được hỏi ông Phan Đức Hiếu, ông kỳ vọng như thế nào và Chính phủ nên điều hành như thế nào để có thể thúc đẩy tăng trưởng cao hơn, nhanh hơn?

Ông Phan Đức Hiếu: Có lẽ điều hành như thế nào tôi không bàn vì trong Tọa đàm, chúng ta đã thảo luận rất nhiều về vấn đề thực thi nhanh, thực thi quyết liệt, rồi phối hợp giữa các chính sách, các chính sách không đi ngược nhau hoặc triệt tiêu hiệu quả của nhau.

Về dự đoán, chúng tôi cho rằng thứ nhất về nguyên tắc, nới lỏng chính sách tiền tệ, nới lỏng, linh hoạt trước hết sẽ giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế. Tất nhiên, kỳ vọng là từ giảm bớt khó khăn có thêm nguồn lực để tạo ra động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay chúng ta rất khó nói vì có rất nhiều biến số trong câu chuyện kỳ vọng kết quả tăng trưởng là bao nhiêu, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Những yếu tố bên ngoài cũng không dự đoán được, những yếu tố chúng ta gọi là điều kiện cần và đủ để nâng cao khả năng hấp thụ.

Nhưng cá nhân tôi kỳ vọng sẽ có sự thay đổi tích cực hơn so với 2 quý vừa rồi. Còn lại, để có được sự đột phá hay đột biến thì tôi cũng chưa dám kỳ vọng đến mức như vậy vì có rất nhiều biến số phải giảm, chưa kể đến độ trễ. Giả sử tạo ra được cái chúng ta gọi là nâng cao được sức chống chịu của doanh nghiệp, nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong dài hạn thì có lẽ khi tính toán tác động của chính sách, nên đo lường cả yếu tố như vậy hơn chỉ là các con số được tạo ra từ chỉ tiêu tăng trưởng.

TS. Cấn Văn Lực: Tôi xin bổ sung mấy ý mà chúng tôi đã lượng hoá động lực tăng trưởng.

Tôi cho rằng có 4 nhóm giải pháp quan trọng: Một là, chúng ta đã tung ra rất nhiều gói chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ như vừa qua, bây giờ hãy thực thi cho thật tốt. Đây là động lực tăng trưởng rất quan trọng ngoài cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chúng ta đã chia sẻ từ đầu đến giờ.

Thứ hai, phải hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tốt hơn đầu ra để xuất khẩu đỡ bị giảm. Bây giờ chúng ta giảm 12%, để nó giảm 5-6% thôi là đỡ đi rất nhiều.

Thứ ba là đầu tư công. Nếu chúng ta giải ngân hết 95% kế hoạch đầu tư công mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thì chúng ta sẽ có thêm 2 điểm phần trăm tăng trưởng.

Thứ tư là liên quan đến tiêu dùng. Nếu như tiêu dùng của chúng ta tăng thêm 1% thì sẽ tăng trưởng kinh tế tăng thêm 0,2 điểm phần trăm. Nghĩa là giả sử tiêu dùng của chúng ta tăng thêm 10% thì chúng ta có thêm 2 điểm phần trăm tăng trưởng bổ sung thêm.

Cuối cùng, hãy tập trung hơn nữa vào các động lực, các đầu tàu kinh tế của Việt Nam chúng ta, nhất là Hà Nội và TPHCM. Nếu Hà Nội và TPHCM tăng trưởng tốt, thì đóng góp được 40% tăng trưởng, rõ ràng kéo theo rất nhiều.

14:53 ngày 20/07/2023

 

Đang cập nhật TỌA ĐÀM: Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới - Ảnh 1.

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm - Ảnh: VGP/Quang Thương

TS. Sĩ Dũng: Một ý quan trọng cần tư vấn, xin được hỏi ông Phan Đức Hiếu có kiến nghị và lưu ý gì để việc thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa hiện nay vừa phục vụ đắc lực nhu cầu về vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, vừa kiểm soát được tốt dòng tiền, lạm phát, lượng vốn tín dụng theo các yêu cầu, mục tiêu đã được đề ra?

Ông Phan Đức Hiếu: Trước hết, tôi cho rằng chúng ta không bàn về thiết kế chính sách nữa vì mọi nội dung, mục tiêu đã rõ ràng. Giờ có hai điểm chúng ta phải bàn thêm ở đây là khâu thực hiện và cách thức thực hiện.

Khâu thực hiện thì chắc cũng chẳng có gì để chúng ta kiến nghị khác đi được ngoài tất cả các bên, bao gồm cả doanh nghiệp, có 2 yêu cầu quan trọng là phối hợp và hành động quyết liệt.

Ở đây chúng ta ít ai nói đến vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp nhưng có lẽ họ đóng vai trò cũng rất quan trọng như anh Tuấn vừa nói, nhất là trong việc hỗ trợ kỹ thuật doanh nghiệp, trong tiếp cận chính sách, hay vấn đề hồ sơ giấy tờ tiếp cận các gói chính sách và kết nối doanh nghiệp để tạo ra đầu vào.

Theo tôi, việc rất quan trọng là phối hợp với các bộ ngành, các cơ quan liên quan như NHNN, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT. Triển khai quyết liệt, chẳng còn cách nào khác là hành động quyết liệt và khẩn trương, vì như anh Lực nói, càng nhanh đi vào thì hiệu quả càng gia tăng, kết quả đạt được càng lớn.

Cách thực hiện thì hiện nay vẫn theo phạm vi chức năng quản lý của từng bộ ngành thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nhưng tôi nghĩ là thực hiện cơ chế thế nào đó để tăng cường giám sát thực thi. Quan trọng hơn là phối hợp giám sát thực thi bởi vì nhiều cơ quan tự phối hợp nhiều khi khó và kéo dài, kể cả chúng ta có mệnh lệnh hành chính. Trong Nghị quyết của Chính phủ lần nào cũng có nội dung gọi là phối hợp trong điều hành, có lẽ cũng phải nghĩ đến cách thức nào đó để có một đơn vị đầu mối trong việc hỗ trợ thực thi, phối hợp và thúc đẩy giám sát việc thực thi có hiệu quả. Dư địa thời gian quyết định rất nhiều việc nâng cao hiệu quả và kết quả thu được.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Xin cho biết ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn về vấn đề này?

Ông Đậu Anh Tuấn: Đúng là chính sách tiền tệ rất quan trọng nhưng như chúng ta thảo luận, chính sách thường có độ trễ. Hơn lúc nào hết, chúng tôi muốn nhìn thấy sự vào cuộc chủ động, tích cực của các bộ, ngành, các cấp. Trong bối cảnh này, ngành nào cũng cần thi đua xem chính sách gì hỗ trợ cho sự phát triển, tăng trưởng và doanh nghiệp.

Theo hướng đó, chúng ta cần có cơ chế phát hiện chính sách nào đi ngược lại chủ trương này. Năm nay là năm đề cao tăng cường chất lượng thực thi. Chính sách là tốt, chủ trương ban hành đúng thời điểm. Nhưng nếu thực thi chưa tốt thì hiệu ứng đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân sẽ không tốt được. Ví dụ chính sách hỗ trợ phục hồi có mục tiêu rất tốt nhưng thực hiện chậm trễ thì hiệu ứng phục hồi sẽ giảm đi.

Tôi cũng tán đồng với anh Hiếu về việc tạo ra quan hệ đối tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp thật chặt chẽ. Từ đó, có thể biết độ thẩm thấu của chính sách đối với doanh nghiệp và có sự điều chỉnh kịp thời. Muốn có thông tin phản ứng nhanh từ thực tiễn thì cần có quan hệ đối tác dựa trên sự đối thoại thường xuyên.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đối thoại rất nhiều với doanh nghiệp, thông qua những thiết chế trung gian như hiệp hội, tham vấn chuyên gia, nhà kinh tế. Điều này rất cần thiết.

Tôi tin rằng "sức khoẻ", sự kiên cường của nền kinh tế Việt Nam rất tốt. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Trong bối cảnh khó khăn, chúng ta sẽ thấy được những sức mạnh mới, năng lượng mới từ người dân, doanh nghiệp và Chính phủ. Chúng ta sẽ đạt được mục tiêu trong thời gian tới. 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Xin được nghe ý kiến của TS. Cấn Văn Lực?

TS. Cấn Văn Lực: Tôi xin bổ sung 3 ý nhỏ. Thứ nhất, chính sách có cụm từ vô cùng quan trọng là "thời điểm, liều lượng, đồng điệu" chúng ta đã thực hiện rất tốt.

Thứ hai, chính sách cần đồng bộ hơn nữa. Nghĩa là ngoài chính sách tiền tệ, tài khoá đã vào cuộc thì rõ ràng những chính sách khác cũng phải vào cuộc quyết liệt như đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Thứ ba, đã đến lúc chúng ta cần có KPI cụ thể. Các bộ, ngành, địa phương và cá nhân không làm đúng thời hạn, thời điểm, đúng như tinh thần chỉ đạo thì phải có chế tài. Như vậy sẽ tạo ra thông điệp mạnh mẽ về thực thi, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả tốt hơn nữa, để đảm bảo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu năm.

15:05 ngày 20/07/2023

 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Trong thời gian 1 tiếng rưỡi, chúng ta đã có trao đổi rất sâu từ các chuyên gia về chủ trương linh hoạt, nới lỏng chính sách tiền tệ. Tất cả các chuyên gia đều khẳng định phản ứng chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất đúng đắn, sáng suốt, kịp thời, phản ánh đúng hoàn cảnh, điều kiện cho phép,  nhu cầu của nền kinh tế. Điều quan trọng là dung lượng phù hợp. Các chuyên gia cũng đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ trong phối hợp chính sách tài khoá, quyết sách cắt giảm thủ tục, chi phí và cải cách thủ tục hành chính. Tiếp theo, thực thi cũng là yếu tố quyết định. Tập trung thúc đẩy để thực thi, giảm ngắn nhất độ trễ chính sách để phát triển nhanh hơn. Có lẽ, cần áp đặt một chế độ trách nhiệm rõ ràng hơn đối với thực thi. KPI là 1 sáng kiến và chúng ta nên học hỏi những nước có nền quản trị với độ kỹ trị cao. Hy vọng chính sách sẽ được thực thi tốt và nước ta sẽ tăng trưởng trước mắt là cao hơn, và về lâu dài là bền vững.

Trân trọng cảm ơn các vị chuyên gia và quý vị đã chú ý theo dõi./.

117 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 598
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 598
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77987557