TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 

(Chinhphu.vn) - Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 4/4, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, 3 ứng cử viên vaccine nghiên cứu trong nước (Nanocovax, Covivax, Arct 154) đang thử nghiệm lâm sàng và tiếp tục được hoàn thiện hồ sơ.

Nhiều vấn đề dư luận xã hội và báo chí quan tâm đã được nêu ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 tại Hà Nội chiều 4/4 để đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự họp báo giải đáp, làm rõ.

Tất cả Tổng thuật
19:50 ngày 04/04/2022

Vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ về Việt Nam trong thời gian sớm nhất

PV Quang Phong (báo Điện tử Dân trí): Xin Bộ Y tế cho biết, việc triển khai mua vaccine cho trẻ em hiện nay được triển khai đến đâu, khi nào vaccine về Việt Nam? Bộ Y tế và các đơn vị khác liên quan có giải pháp gì để tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh để tiêm cho các em học sinh được an toàn, hiệu quả?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề ngoại giao vaccine, đối với người từ 18 tuổi trở lên, cơ bản chúng ta đã tiêm đầy đủ mũi 1, mũi 2, mũi 3 đã tiến hành tiêm được khoảng 47%. Trẻ em từ 12 trở lên cũng đã tiêm đủ mũi 1, mũi 2. Như vậy độ bao phủ vaccine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu.

Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chuyển chiến lược chống dịch sang trạng thái bình thường mới, đa mục tiêu, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Với vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, đầu tháng 12/2021, Bộ Y tế đã nghiên cứu rà soát trên cơ sở đề nghị của 63 tỉnh, thành phố đã báo cáo đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết mua vaccine tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi theo Điều 26 của Luật Đấu thầu. 

Với số lượng lúc đó, Bộ Y tế đề xuất mua 21,9 triệu liều. Tuy nhiên, trong quá trình chúng ta tiến hành thảo luận đi đến ký kết mua với Pfizer thì có một số tổ chức, quốc gia hỗ trợ Việt Nam về vaccine tiêm cho trẻ em. 

Chính vì thế, chúng tôi đang có điều chỉnh để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm sao chúng ta vừa mua vaccine đảm bảo tiêm được theo Nghị quyết của Chính phủ, đồng thời tiếp nhận vaccine viện trợ đảm bảo tỉ lệ tiêm theo quy định.

Về vấn đề tiêm cho trẻ em, để tạo đồng thuận thì trước khi triển khai, chúng tôi đã làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, giao Viện Chiến lược của Bộ Y tế tiến hành khảo sát đánh giá tỉ lệ chấp thuận của phụ huynh có trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Tỉ lệ chấp thuận khác nhau, giao động từ 60-80%.

Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, kể cả đài truyền hình Trung ương. Đồng thời, Bộ Y tế tập huấn và tổ chức triển khai kỹ thuật tiêm cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi để địa phương có thể chủ động khi vaccine về Việt Nam thì triển khai được ngay.

Về việc bao giờ vaccine về, ngay chiều qua chúng tôi đã làm việc với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Tổng Giám đốc Pfizer tại Việt Nam. Cả hai đơn vị này đều thống nhất phương án đưa vaccine về Việt Nam trong thời gian nhanh nhất có thể để chúng ta tiêm cho trẻ em. 

Vaccine tiêm cho trẻ em hiện nay chúng ta có 2 loại là Pfizer và Moderna. Hôm qua Bộ Y tế làm việc với Đại sứ quán Australia, đơn vị này dự kiến nếu chúng ta hoàn thiện tất cả các thủ tục nhanh nhất thì có thể đưa lô vaccine Moderna đầu tiên đến Việt Nam dự kiến 10/5 này. Đây là theo thông báo của Đại sứ quán Australia, tuy nhiên vẫn là dự kiến.

Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới khi tiêm vaccine cho trẻ em, chắc chắn sẽ có khó khăn, nên cơ quan báo chí đồng hành cùng Bộ Y tế để phụ huynh học sinh và nhân dân đồng tình đưa trẻ đi tiêm với tỉ lệ cao nhất.

Nhóm PV

19:30 ngày 04/04/2022

Sớm đưa vụ Nguyễn Thị Phương Hằng ra xét xử

PV Kỳ Thành (báo Đầu tư): Xin Bộ Công an cho biết thêm thông tin về khởi tố bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng ngày 24/3 vừa qua. Xin cho biết kết quả điều tra vụ án Công ty Việt Á, Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao.

TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 - Ảnh 1.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Hơn 1 năm nay, báo chí, dư luận xã hội, cộng đồng mạng sôi sục bàn tán, vừa qua 24/3 khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng "tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân"

Đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo công an TPHCM tập trung lực lượng điều tra làm rõ toàn bộ vụ việc sớm đưa ra xét xử theo quy định pháp luật.

Về vụ Việt Á, đã có thông báo của Ủy ban kiểm tra Trung ương, chờ đợi làm các thủ tục tiếp theo.

Về vụ nhận hối lộ liên quan đến Cục Lãnh sự- Bộ Ngoại giao, Cơ quan điều tra đã xác định có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi, các bị can bị tạm giam bước đầu nhận tội, phối hợp cơ quan điều tra trong qúa trình tố tụng.

Hoạt động các đối tượng trong vụ án nhận hối lội là tinh vi, số người tham gia đông, gồm cả trong và ngoài nước, có liên quan đến các bộ,ban ngành, địa phương, thời gian dài, một số đối phó quyết liệt, nên mất thời gian trong điều tra xác minh vụ việc.

Cơ quan điều tra đang phối hợp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan làm rõ bản chất vụ việc.

Cơ quan công an đề nghị các cá nhân tổ chức hợp tác với cơ quan điều tra, chủ động cung cấp tài liệu liên quan cho cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an, thời gian tới sẽ có bước đột phá chuyển biến mới vụ việc này.

19:12 ngày 04/04/2022

Làm gì để kéo du khách quốc tế trở lại?

PV Phùng Đô (báo Giao thông): Chúng ta đã mở cửa du lịch nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa được như kì vọng. Xin hỏi tới đây chúng ta có giải pháp gì thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam?

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt: Vừa qua, tháng 11/2021, chúng ta thí điểm mở cửa đón khách quốc tế và ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam không nhiều như báo chí phản ánh. 

Nguyên nhân do: Hoạt động đón khách du lịch quốc tế liên quan đến luồng khách (nơi gửi khách và nơi đón khách). Trong khi đó, dịch COVID-19 trong 2 năm vừa qua đã làm hoạt động đón khách du lịch bị gián đoạn, đứt gẫy. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch cũng bị ảnh hưởng. Do đó, cần có thời gian để các doanh nghiệp kết nối lại.

Bên cạnh đó, như thông lệ, thời điểm khách du lịch quốc tế đến đông sẽ từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Chúng ta kỳ vọng trong những ngày tới đây, lượng khách sẽ đông hơn. Việc đón khách quốc tế cũng có điểm khó như luồng khách đến Việt Nam chủ yếu từ Đông Bắc Á, chiếm 70%. 

Tuy nhiên, nhiều quốc gia hiện nay đang có những chính sách chống dịch khá chặt chẽ như Trung Quốc với chính sách "zero COVID" hay khách nhập cảnh vào Hàn Quốc vẫn phải cách li. Điều này cũng làm cho khách du lịch vẫn e ngại.

Tình hình giữa Nga và Ukraine cũng là yếu tố ảnh hưởng đến lượng khách du lịch tới Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp tới một số địa phương của chúng ta hay đón khách Nga như Khánh Hoà.

Một yếu tố nữa cần nói đến là thời gian vừa qua lượng ca nhiễm COVID-19 của chúng ta tương đối nhiều. Do đó, khách du lịch quốc tế cũng thận trọng hơn khi chọn Việt Nam làm điểm đến.

Trước tình hình này, Bộ VHTT&DL cũng đưa ra các nhóm giải pháp: Đầu tiên, chúng ta cần tiếp tục làm tốt việc truyền thông về các chính sách visa, y tế, nhập cảnh cũng như cần có thêm thông tin kết nối với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài để khách quốc tế có thể được tiếp cận thêm nhiều thông tin về chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến các thị trường du lịch trọng điểm cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp lữ hành, du lịch có thể kết nối trở lại, tạo ra lượng cung-cầu tốt hơn. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ có nhiều chương trình khuyến khích, hỗ trợ để thu hút nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn.

Về y tế, ta đã làm tốt việc kiểm soát dịch bệnh và điều trị tiếp đó là cần chính sách thông thoáng hơn về y tế để khách yên tâm khi đến Việt Nam.

Tôi cho rằng, với hệ thống giải pháp như vậy, chúng ta sẽ sớm thu hút được du khách quốc tế trở lại với Việt Nam.

18:57 ngày 04/04/2022

Nền kinh tế đang có dấu hiệu rất tích cực

PV Thùy Ngân (Truyền hình TTXVN): Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 14%. Vậy đến thời điểm này Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện ra sao?

Vừa qua có thông tin Chính phủ đã đồng ý với việc xây dựng Nghị quyết kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Xin Ngân hàng Nhà nước có thể thông tin rõ hơn về việc này?

TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 - Ảnh 1.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đặt ra từ đầu năm là sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng 14%. Tuy nhiên mục tiêu này có thể điều chỉnh vào cuối năm tùy tình hình thực tế, có thể sẽ tăng lên, cũng có thể giảm xuống.

Thời điểm hết tháng 3/2022, con số tăng trưởng khá tích cực với 5,04%, so với cùng kỳ năm 2021 (2,16%) tăng 2,3%. Điều này cho thấy nền kinh tế đang có tín hiệu rất tích cực, đồng thời chứng minh các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ rất hiệu quả. Đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp cũng đã trở lại bình thường. 

Cùng với các giải pháp quyết liệt của Chính phủ trong khôi phục nền kinh tế, thông qua tăng trưởng tín dụng này chính là dấu hiệu tích cực trong khôi phục phát triển của các doanh nghiệp.

Mức tăng như trên so với các năm trước là mức rất cao. Cuối năm chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh để mức tín dụng sao cho đảm bảo phù hợp mục tiêu chính sách tiền tệ vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát.

Về xử lý nợ xấu, từ năm 2017 đến nay, Nghị quyết 42 của Quốc hội ban hành đã tác động rất tích cực. Số nợ xấu đã được xử lý, giải quyết trong những năm qua thông qua Nghị quyết 42 là 380.000 tỷ đồng. 

Đây là khối lượng vốn rất lớn đã được quay vòng và tái tạo đầu tư trở lại nguồn vốn cho nền kinh tế, giải quyết được nhiều lãng phí xã hội, nhất là những tài sản thế chấp trong những khoản nợ khi đã đưa vào nợ xấu thì được giải quyết, xử lý tích cực, tránh hao mòn tự nhiên, hư hỏng hoặc tài sản đóng băng. Nghị quyết 42 có lợi ích không chỉ với xã hội mà còn lợi ích với cả ngân hàng và các doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Theo quy định, sau 5 năm, Nghị quyết 42 hết thời hạn hiệu lực, chúng tôi thấy rằng đối với việc phát triển kinh tế xã hội nói chung, cần có một luật liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu của nền kinh tế, không chỉ xử lý nợ xấu của riêng ngành ngân hàng.

Chúng tôi đã đề xuất báo cáo Chính phủ nghiên cứu ban hành Luật Xử lý nợ xấu trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có Luật Xử lý nợ xấu phải có thời gian nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, tác động ban hành Luật. Nếu không kéo dài Nghị quyết 42 thì sẽ có một số khoản nợ thuộc đối tượng trong Nghị quyết 42 mà không có cơ sở pháp lý để triển khai, đây sẽ là khó khăn cho những khoản nợ đó.

Trong 2 năm vừa qua, do tác động ảnh hưởng của dịch bệnh đối với một số doanh nghiệp, lĩnh vực, nợ xấu chắc chắn xuất hiện. Vì vậy, nếu tiếp tục kéo dài Nghị quyết 42 làm cơ sở pháp lý để xử lý những khoản nợ đó sẽ tạo ra sự tích cực, lợi ích chung cho doanh nghiệp, cho xã hội và ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Chính vì vậy, Chính phủ đã chấp thuận và đã trình Ủy ban Thường vụ làm thủ tục cũng như nghiên cứu đánh giá cho phép kéo dài Nghị quyết 42 thời gian tới.

18:37 ngày 04/04/2022

Quản lý chặt đấu giá bất động sản

PV Hiếu Công (Zingnews): Hiện tại giá đất ở nhiều nơi trên cả nước tăng rất nhanh, liệu có hiện tượng sốt đất và tình trạng bong bóng bất động sản xảy ra hay không? Chính phủ có giải pháp như nào để giải quyết tình trạng này? Chính phủ có xử lý các đối tượng có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực bất động sản như là xử lý trong lĩnh vực chứng khoán hay không?

Tình hình thực hiện chương trình phục hồi kinh tế đến nay đã giải ngân bao nhiêu tiền, hoặc thực hiện được bao nhiêu %, tiến độ giải ngân có đúng như kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp hay không?

TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành: Trong 2 năm vừa qua, tình hình dịch bệnh COVID-19 làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng trong nước và trên toàn cầu, ảnh hưởng nặng nề đến quá trình đầu tư, sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân các nhà đầu tư lựa chọn kênh đầu tư vào đất đai, kim loại quý như vàng.

Cũng một lý do nữa là năm 2020 và 2021 là đầu chu kỳ mà các địa phương, các bộ ngành thực hiện, triển khai xây dựng các quy hoạch. Do đó, một số nhà đầu tư nhân cơ hội này mua gom đất, phân lô bán nền, thậm chí không đúng các quy định pháp luật nhằm thu lợi bất hợp pháp.

Hiện tượng giá đất tăng cục bộ ở một số địa phương có thể nói là làm ảnh hưởng, mất đi ưu thế về thu hút vốn đầu tư của địa phương, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất của địa phương, làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh những lý do khách quan đó, có thể thấy một số nơi có lúc thực hiện chưa nghiêm về các phiên đấu giá và có hiện tượng để lộ thông tin, có sự thông đồng giữa tổ chức thực hiện đấu giá với người tham gia đấu giá.

Vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất, giá bất động sản có liên quan đến trách nhiệm của một số bộ, ngành. Trong chức năng, nhiệm vụ của Bộ TN&MT được Chính phủ giao, Bộ đã có Công văn số 1454 ngày 30/3/2021 gửi đến UBND các địa phương, trong đó Bộ đã khuyến cáo các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Điểm thứ hai rất quan trọng, đó là thông tin. Công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất. Và đặc biệt là cần có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Chúng ta phải quản lý để làm sao cho quy hoạch này thực hiện nghiêm túc nhất.

Điểm tiếp theo mà Bộ khuyến cáo là: Thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản. Quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất. Xử lý nghiêm hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Một giải pháp mà Bộ cũng chỉ ra là các địa phương cần có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Chúng tôi cũng chỉ ra là cần phải tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó chú trọng quy định cụ thể về đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất, để làm sao các quy định về đấu giá chặt chẽ, tránh việc lợi dụng kẽ hở pháp luật để đầu cơ, tăng giá đất.

Bộ TN&MT đã tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra cụ thể các địa phương, phối hợp với các bộ ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố để quản lý tốt hơn các hoạt động đấu giá và sự biến động bất thường, cục bộ của giá đất trong thời gian vừa qua.

Chương trình phục hồi đang được thực hiện rất tích cực

TỔNG THUẬT: Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Từ khi ban hành Nghị quyết 11 đến nay (từ 30/1/2022), Bộ KH&ĐT thường xuyên cập nhật tình hình tiến độ qua các kỳ họp báo thường kỳ tháng 2, 3 cũng như các báo cáo.

Theo đánh giá chung của Bộ KH&ĐT, tiến độ triển khai các nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 11 cơ bản bám sát các mục tiêu về thời gian mà Nghị quyết đã đề ra đối với các bộ ngành, cơ quan có liên quan.

Về cập nhật tình hình tiến độ thực hiện chương trình phục hồi, đến nay, có một số nhóm vấn đề.

Một là nhóm các cơ chế, chính sách đã được ban hành và đang triển khai thực hiện. Có những chính sách thậm chí có thể thực hiện ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 11. Đặc biệt là các chính sách của Bộ Tài chính liên quan đến miễn giảm thuế và có lẽ mới có chính sách này được thực hiện và giải ngân được. Theo báo cáo sơ bộ, hiện nay số tiền thực hiện miễn giảm thuế là khoảng 9.000 tỷ.

Ngoài ra, một số chính sách mới được ban hành trong tuần trước như: Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3 về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đây là chính sách mới được ban hành và sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới. Thứ hai là hướng dẫn Bộ TN&MT liên quan đến cơ chế đặc thù về khai thác mỏ làm vật liệu thông thường phục vụ cho các dự án hạ tầng quan trọng, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc-Nam.

Nhóm thứ hai là nhóm mà các bộ, ngành cũng đã hoàn thành nhiệm vụ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 11 là trình các văn bản, dự thảo các quy định pháp quy trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét quyết định, cụ thể như: Dự thảo Nghị định về hướng dẫn hỗ trợ lãi suất cho vay thông qua các ngân hàng thương mại (đã được trình), dự thảo Nghị định hướng dẫn liên quan đến cơ chế đặc thù về chỉ định thầu (đã được trình), dự thảo Quyết định phê duyệt về hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hành chính sách xã hội (đã được trình).

Nhóm ba là các văn bản, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền thì cũng đang trong quá trình hoàn thiện, lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan, như là sửa đổi Thông tư số 12 năm 20216 về sử dụng quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp hay dự thảo Thông tư về trang bị máy tính bảng cho chương trình "Sóng và máy tính cho em", dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thủ tục, trình tự lãi suất cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.

Đánh giá chung là các nhiệm vụ này đều được các bộ ngành thực hiện hết sức tích cực, bám sát tiến độ yêu cầu của Nghị quyết 11.

Riêng về đầu tư công, đây là vấn đề sử dụng nhiều tiền nhất của ngân sách nhà nước. Liên quan đến danh mục các dự án của chương trình phục hồi, các danh mục này cơ bản là danh mục mới, chưa có thủ tục. 

Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các bộ ngành tổng hợp danh mục để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thông báo với các bộ, ngành địa phương để triển khai làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư với các dự án, đặc biệt là các dự án lớn. 

Hiện nay là 5 dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, gồm 2 đường vành đai của 2 thành phố và 3 dự án cao tốc của Bộ GTVT, đã hoàn thành xong công tác thẩm định, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Chỉ khi nào dự án đầy đủ thủ tục thì mới được thực hiện giải ngân. Tuy nhiên, Nghị quyết 43 cũng cho phép bổ sung vốn của chương trình để giải ngân trước cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nội dung này trong phiên họp Chính phủ hôm nay, Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ phương án phân bổ, bổ sung dự toán năm 2022 đợt 1 cho các dự án đã đầy đủ thủ tục trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để sắp tới đây sẽ trình UBTVQH theo đúng thẩm quyền phân bổ cho các bộ, ngành địa phương. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết cho các dự án để có thể giải ngân cho các dự án.

Chi tiêu ngân sách nhà nước phải bảo đảm 2 yếu tố quan trọng là đúng quy định pháp luật, đúng trình tự pháp luật để không tiêu nhầm, không tiêu sai và thứ hai là phải bảo đảm hiệu quả tính chi tiêu. Do vậy, công tác giải ngân vốn chương trình phục hồi hiện nay được thực hiện rất tích cực nhưng phải bảo đảm yếu tố vừa nhanh, vừa đúng quy định pháp luật vừa hiệu quả.

18:17 ngày 04/04/2022

92,17% học sinh đã trở lại trường học trực tiếp

PV Trần Vương (báo Lao Động)Xin Bộ GD&ĐT cho biết về phương án và lộ trình cho học sinh các cấp gồm học sinh mầm non và tiểu học trở lại trường học, trong bối cảnh hiện nay chúng ta đã tiêm vaccine rồi mà một số địa phương vẫn chưa cho trẻ mầm non đến trường dù đã gần hết năm học 2021-2022?

Việt Nam đã bước vào cuộc đua sản xuất vaccine từ đầu dịch COVID-19, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có loại vaccine Made in Vietnam nào góp mặt vào chiến dịch tiêm chủng. Xin Bộ Y tế cho biết về "số phận" các loại vaccine sản xuất trong nước như thế nào?

Ba vaccine 'made in Vietnam' đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: Việc cho học sinh đến trường là cần thiết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn: Bộ GD&ĐT đã sớm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, có văn bản hướng dẫn địa phương trong việc sớm đưa học sinh trở lại trường theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Trong thời gian vừa qua, dịch bệnh có diễn biến phức tạp, gần đây có bước chuyển biến tích cực. Hiện nay, cả nước 92,17% học sinh đã trở lại trường học trực tiếp tại các cấp. 

Chiều nay, Hà Nội công bố kế hoạch ngày 6/4 đưa học sinh tiểu học trở lại trường. Nếu như vậy thì tổng số 97% học sinh trở lại trường học trực tiếp. 

Tính về các bậc học, riêng bậc mầm non, 62/63 tỉnh, thành phố, trừ Hà Nội, cho trẻ em mần non đến trường. Trong 62/63 tỉnh, thành phố, có 7 tỉnh cho dừng 1 huyện hoặc thành phố do dịch bùng phát nhanh.

Nhìn tổng thể, các địa phương đã rất quyết liệt tích cực, thấy rõ việc cho học sinh đến trường là cần thiết. Tất nhiên, tình hình dịch bệnh của các địa phương có đặc điểm khác nhau. Với chỉ đạo đó, tôi cho rằng các địa phương đã làm rất tốt.

Bậc tiểu học đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố học trực tiếp, tính cả hoạch của Hà Nội đến ngày 6/4. Riêng Hà Nội chưa cho trẻ mầm non đi học; căn cứ tình hình dịch bệnh, lãnh đạo Thành phố sẽ quyết định.

Ba vaccine 'made in Vietnam' đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Vaccine là sinh phẩm tiêm cho con người nên yêu cầu đánh giá mức độ an toàn rất cao, tránh tai biến khi tiêm vaccine chưa được nghiên cứu và đánh giá đầy đủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ba vaccine 'made in Vietnam' đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Đối với vaccine sản xuất tại Việt Nam, ngay từ đầu dịch bùng phát, Bộ Y tế đã chỉ đạo, khuyến nghị các đơn vị, cơ quan nghiên cứu khoa học tham gia sản xuất vaccine trong nước. Đến giờ, chúng ta có 3 ứng cử viên vaccine là: Nanocovax, Covivax, Arct 154.

Đối với vaccine Nanocovax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học Nanogen, đến bây giờ Nanogen đã nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3. Vaccine này đã được Hội đồng Đạo đức cũng như Hội đồng Tư vấn cấp phép của Bộ Y tế họp đánh giá. Qua rà soát hồ sơ của ứng cử viên này, vẫn còn một số dữ liệu mà Hội đồng đề nghị Nanogen bổ sung. Hiện nay, công ty Nanogen đang tổng hợp bổ sung dữ liệu cho Hội đồng Tư vấn cấp phép. Sau khi bổ sung tiếp được tài liệu đó, Hội đồng tiếp tục họp, nếu đủ điều kiện, Hội đồng sẽ trình Bộ Y tế cấp phép vaccine này.

Đối với vaccine Covivax do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế nghiên cứu, cũng đã được đánh giá giữa kỳ của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và đang đánh giá giai đoạn 2, hoàn thiện đề cương hồ sơ để thử nghiệm giai đoạn 3.

ARCT 154 là vaccine sản suất công nghệ RNA do công ty cổ phần công nghệ sinh học Vinbiocare nhận chuyển nhượng công nghệ từ công ty Arcturus Therapeutics Hoa Kỳ. Vaccine này đã đánh giá giữa kỳ giai đoạn 1, giai đoạn 2, đang triển khai giai đoạn 3a, 3b, và đã đánh giá giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng trên 1.000 người tình nguyện đầu tiên.

Cả 3 ứng cử viên này đang thử nghiệm lâm sàng, và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Khi các đơn vị hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Hội đồng Đạo đức và Hội đồng Tư vấn cấp phép, trên cơ sở đánh giá của hai hội đồng này, nếu đủ điều kiện thì Bộ Y tế sẽ tiến hành cấp phép cho các loại vaccine này.

Vaccine là sinh phẩm tiêm cho con người nên yêu cầu đánh giá mức độ an toàn rất cao, tránh tai biến tức thì khi tiêm vaccine chưa được nghiên cứu và đánh giá đầy đủ.

315 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 686
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 686
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77988432