Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm: Những thông tin sai lệch, tin giả về đại dịch COVID-19 được xử lý với phương châm nhanh nhất, triệt để nhất - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Xử lý tin giả nhanh nhất, triệt để nhất
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Tiểu ban Truyền thông) cho biết:
Khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát (đầu năm 2020), Bộ Thông tin và Truyền thông đã vào cuộc, trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên truyền, quyết liệt thực hiện tốt đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc", tuyên truyền thực hiện có hiệu quả các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 và 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ;...
Tiểu ban truyền thông luôn bám sát các mục tiêu tuyên truyền qua từng giai đoạn; tạo sự đồng thuận, đoàn kết toàn dân chống dịch, tin tưởng ủng hộ các giải pháp chống dịch của Chính phủ; phát hiện kịp thời các vấn đề nảy sinh để giải quyết và tham mưu giải quyết, nhất là những vấn đề liên quan đời sống nhân dân; đấu tranh phản bác kịp thời các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch COVID-19; điều tiết thông tin trên báo chí và trên không gian mạng; thực hiện thế trận truyền thông nhân dân, dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm.
Những thông tin sai lệch, tin giả về đại dịch COVID-19 được xử lý với phương châm nhanh nhất, triệt để nhất. Tin giả lan truyền nhanh nên cần công bố thông tin bác bỏ nhanh nhất có thể, lan truyền rộng khắp thông tin thật. Xử lý triệt để bằng cách tìm nguồn tán phát tin giả để xử lý vi phạm hành chính; xử lý hình sự đối tượng tán phát tin giả; yêu cầu các nền tảng nội dung chặn, gỡ tin xấu, độc.
Ngày 4/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thiết lập Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia (Trung tâm công nghệ Quốc gia) với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế, các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam.
Trung tâm công nghệ Quốc gia có sự tham gia chuyên trách của gần 60 công chức, viên chức nhà nước và tham gia cộng tác của gần 1.000 chuyên gia, lập trình viên, kỹ thuật viên của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển và triển khai ứng dụng công nghệ thống nhất của Ban Chỉ đạo Quốc gia PC-COVID; chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông triển khai cài đặt âm thông báo, nhắn tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch đến các thuê bao trên địa bàn một số tỉnh, thành phố; tiếp nhận và xử lý, trả lời phản ánh của người dân qua các tổng đài; thúc đẩy triển khai sóng di động phục vụ giảng dạy và học tập trực tuyến.
Liều thuốc "an sinh tinh thần" quý giá
Trong 3 đợt dịch đầu, các cơ quan báo chí đã bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các cơ quan chức năng để chủ động thông tin, tuyên truyền. Cập nhật thường xuyên, liên tục, chính xác và đầy đủ diễn biến tình hình dịch bệnh từ nguồn chính thức của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và cơ quan có thẩm quyền; cung cấp số liệu, kết quả phòng, chống dịch; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch, chủ động khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch; tự giác thực hiện cách ly; khuyến cáo, hướng dẫn người dân các kỹ năng vệ sinh an toàn để đối phó với dịch bệnh...
Đợt dịch thứ 4 bùng phát, báo chí đã thông tin kịp thời, nhanh chóng, chính xác về công tác phòng, chống dịch; lan tỏa mạnh mẽ Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; các chỉ đạo, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia, công tác phòng, chống dịch của các bộ, ngành, địa phương, góp phần truyền đi nhanh chóng thông điệp về nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh cho người dân, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tạo được sự tin tưởng, đồng thuận của người dân; hướng dẫn, phổ biến cho người dân về các biện pháp phòng dịch, công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị để sớm dập dịch.
Báo chí điện tử đã có 2.286.883 tin, bài liên quan đến công tác phòng, chống dịch (từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/9/2023). Trong 3 năm qua, các Đài PTTH đã sản xuất và phát sóng khoảng hơn 880.000 chương trình phát thanh, thời lượng khoảng hơn 2.350.000 phút; hơn 940.000 chương trình truyền hình, thời lượng khoảng hơn 2.570.000 phút. Đăng tải khoảng hơn 1.300.000 chương trình trên trang thông tin điện tử, trên fanpage Facebook, Youtube của các Đài PTTH để tăng độ lan tỏa, thu hút thêm lượt nghe, xem.
Các cơ quan báo chí đối ngoại đã đăng, phát tin, bài, chương trình bằng 13 thứ tiếng (gồm tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Lào, Thái Lan, Campuchia và Indonesia) về các quy định, chính sách về phòng, chống dịch; công tác chỉ đạo và thực tế phòng, chống dịch tại các địa phương; công tác an sinh, đảm bảo cuộc sống người dân các vùng giãn cách; công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh; giải pháp đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế; hợp tác quốc tế về phòng, chống dịch..., khẳng định nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 tới người nước ngoài ở Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế.
Các cơ quan báo chí đăng, phát nhiều bài viết hay, chất lượng, có giá trị "vượt thời gian" để người dân đọc, nghe, xem trong thời gian ở nhà thực hiện giãn cách, là liều thuốc "an sinh tinh thần", như bộ phim "Ranh giới" của Đài Truyền hình Việt Nam đã khiến người xem vô cùng xúc động và chia sẻ với những khó khăn, vất vả nhưng luôn tâm huyết cứu chữa bệnh nhân COVID-19 của lực lượng tuyến đầu. Chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tại TP. Hồ Chí Minh theo hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội vào 20h mỗi ngày (từ ngày 24/8/2021 đến ngày 15/9/2021) và vào 20h thứ sáu hàng tuần (từ ngày 16/9/2021), cho thấy hướng đi đúng, hiệu quả khi nắm bắt được chính xác tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Khi chống dịch và phát triển kinh tế phải song song, Chính phủ và Quốc hội đồng hành cùng doanh nghiệp trên tinh thần "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật". Báo chí, truyền thông đã phát đi thông điệp mạnh mẽ về việc Chính phủ luôn thấu hiểu, lắng nghe, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 do các biện pháp phong tỏa, giãn cách kéo dài.
Khi xác định chuyển trạng thái chống dịch, từ "Zero COVID" sang "sống chung với COVID", nhiều giải pháp, đề xuất, kiến nghị tâm huyết được bàn đến, làm sao để "sống chung" có hiệu quả, thích ứng an toàn trong cuộc sống bình thường mới; tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát dịch bệnh COVID-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế xã hội,…
Hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã đã hoạt động thường xuyên, liên tục, tần suất phát sóng tăng 3-6 lần/ngày trong các đợt dịch cao điểm, tuyên truyền bằng các hình thức, các phương tiện khác như: Sử dụng xe tuyên truyền lưu động, xe máy gắn loa phóng thanh, loa kéo, loa cầm tay để tuyên truyền trên các tuyến phố, ngõ ngách khu dân cư vùng sâu, vùng xa; tăng cường sử dụng tờ rời, tờ gấp; truyền thông trên mạng xã hội Zalo, Viber, Facebook để cung cấp thông tin đến người dân.
Nội dung tuyên truyền sinh động với nhiều hình thức đa dạng, trực tiếp đến người dân, phù hợp từng cấp độ dịch trên địa bàn tại từng thời điểm. Hệ thống thông tin cơ sở đã thực sự phát huy sức mạnh, đóng vai trò quan trọng trong việc thông tin đến người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kế hoạch và lịch tiêm vắc-xin, kế hoạch triển khai công tác an sinh xã hội, thông tin thiết yếu… một cách nhanh nhất, thiết thực, thuyết phục nhất, gần gũi và hiệu quả.
Các doanh nghiệp viễn thông đã phát huy thế mạnh, triển khai nhiều biện pháp, chương trình miễn phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể:
- Triển khai các biện pháp kỹ thuật bảo đảm kết nối phục vụ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; trong đó có cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tới hơn 10 nghìn xã, phường trên cả nước để đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp trọng tâm phòng, chống dịch.
- Nhắn tin vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch; phát hơn 44 tỷ âm thông báo đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế cũng như của các địa phương.
- Tổ chức triển khai các chương trình nhắn tin vận động người dân ủng hộ phòng, chống dịch qua cổng nhắn tin 1400: Năm 2020 (từ tháng 3 đến tháng 6/2020), chương trình Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã tiếp nhận gần 2,6 triệu tin nhắn với hơn 152 tỷ đồng ủng hộ; Năm 2021 (từ ngày 03/6/2021 đến hết ngày 02/8/2021), Cổng Thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia đã tiếp nhận số tiền hơn 120 tỷ đồng, tương ứng hơn 2,7 triệu tin nhắn từ các thuê bao di động trên cả nước.
- Hỗ trợ triển khai các ứng dụng (App) di động phục vụ công tác phòng chống dịch như TIEMCHUNG, PC-COVID, Vn-eID.
Ra mắt hàng loạt ứng dụng, phần mềm hiệu quả
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và Bộ Công an đã thống nhất triển khai: (1) Kết nối các Nền tảng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 với Cơ sở dữ liệu dân cư để xác thực thông tin người dùng; (2) Thống nhất 01 mẫu Tờ khai y tế trong quá trình khai báo, di chuyển; (3) Thống nhất 01 mã QR sử dụng chung cho từng đối tượng liên thông giữa tất cả các nền tảng, hệ thống, phần mềm. Trong 03 năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cùng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, BKAV, CMC, Sovico,… phát triển 14 nhóm nền tảng, công cụ công nghệ phòng, chống dịch với trên 20 ứng dụng khác nhau
- Ứng dụng PC-COVID là ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, được hoàn thiện vào ngày 30/9/2021. Ứng dụng đã đóng vai trò quan trọng, có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của gần 100 triệu người dân Việt Nam và là sức mạnh hợp lực giữa ngành y tế và ngành thông tin và truyền thông để cùng hướng tới một mục tiêu chung là đẩy lùi dịch bệnh.
Có thể nói, sự phổ biến của việc thanh toán điện tử thông qua mã QR như hiện nay chính nhờ sự quyết liệt triển khai các nền tảng công nghệ số trong giai đoạn chống dịch. Qua thời gian dịch bệnh, hầu hết người dân đã được nâng cao nhận thức, chủ động sử dụng công nghệ trong cuộc sống và công việc. Nhiều quốc gia mất rất nhiều năm để phổ biến được mã QR thì Việt Nam chỉ qua giai đoạn dịch bệnh đã làm được điều này. Đây cũng là tiền đề để hình thành công dân số và phát triển ứng dụng VNeID hiện nay.
Đối với công tác phục vụ Hội nghị Truyền hình: Nhu cầu sử dụng dịch vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước tăng đột biến (tăng gấp 5 lần so với thời điểm chưa có dịch); thời gian triển khai hệ thống rất gấp, phạm vi rộng tới 4 cấp chính quyền (từ Chính phủ đến cấp xã, phường, thị trấn); phương án kết nối và vận hành các điểm cầu nhanh chóng, kịp thời để đưa vào sử dụng được ngay.
Giai đoạn cao điểm chống dịch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng các giải pháp phục vụ cả về bưu chính, viễn thông, giải pháp Hội nghị Truyền hình để vừa đáp ứng được tần suất, lưu lượng tăng đột biến, vừa đảm bảo an toàn (năm 2020: 559 phiên; năm 2021: 717 phiên).
Đặc biệt, ngày 29/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 20 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Tại cuộc họp, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai ngay việc kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến tới toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc "Trong vòng 1-2 ngày sắp tới phải làm xong để bảo đảm chỉ đạo thông suốt từ Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia tới từng cơ sở. Lấy xã, phường làm pháo đài thì phải chỉ đạo thông suốt tới tận pháo đài".
Chỉ trong 03 ngày (từ 29/8 - 02/9/2021), đã hoàn thành và phục vụ Thủ tướng Chính phủ họp với toàn bộ 2.594 điểm xã, phường, thị trấn của 19 tỉnh/thành phố phía Nam. Đến thời điểm cuối tháng 9/2021 đã triển khai kết nối đến toàn bộ 10.596 điểm xã, phường, thị trấn trên toàn quốc; triển khai lắp đặt điện thoại cố định tại tất cả các Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.
Truyền thông phải chủ động, đi trước một bước
Về bài học kinh nghiệm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Truyền thông phải chủ động, đi trước một bước, nhất quán và minh bạch để định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong xã hội với mục tiêu để "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm", kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại. Các biện pháp, chính sách phòng, chống dịch cần được đánh giá tác động truyền thông trước khi ban hành, cho các cơ quan báo chí, truyền thông tham gia góp ý kiến từ giai đoạn xây dựng để tạo sự đồng thuận của người dân khi triển khai thực hiện. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở về các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.
- Phát triển công nghệ phòng, chống dịch cần xác định rõ cái gì là triển khai bắt buộc thống nhất trên toàn quốc, cái gì là linh hoạt triển khai theo đặc thù của bộ, ngành, địa phương.
+ Đối với nội dung triển khai bắt buộc thống nhất trên toàn quốc, cần có một đầu mối điều phối thống nhất từ phát triển đến triển khai, tránh việc phát triển tự phát, chồng chéo, không bảo đảm chất lượng.
+ Đối với nội dung linh hoạt triển khai theo đặc thù của bộ, ngành, địa phương, cần có quy định về kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu, tránh tình trạng cục bộ, cát cứ dữ liệu.
- Triển khai công nghệ phòng, chống dịch cần xác định rõ thành công 80% nằm ở quyết tâm thực sự của Lãnh đạo và mô hình tổ chức quản lý, 20% nằm ở công nghệ. Khi tổ chức triển khai cần tổ chức mạng lưới hỗ trợ rộng khắp đến tận cấp cơ sở.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết:
Bộ Thông tin và Truyền thông bám sát quan điểm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương duy trì chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở tiếp tục tăng cường thông tin tạo đồng thuận xã hội sau khi chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; chỉ đạo, định hướng báo chí, truyền thông đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn các thông tin xấu độc, tin giả, tin không kiểm chứng; xử lý nghiêm đối với các thông tin sai sự thật, không kiểm chứng.
Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng và tiêm chủng vắc xin.
Tiếp tục triển khai, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch.