Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 11/9 đã có mặt tại Bangladesh, trong chuyến thăm nhằm nỗ lực “củng cố” chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Phát biểu Họp báo Chung với Thủ tướng nước chủ nhà Sheikh Hasina, Tổng thống Macron ca ngợi “thành công to lớn” của quốc gia Nam Á - nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và là nước đông dân thứ 8 trên thế giới với hơn 170 triệu người.
Trong cuộc hội đàm, lãnh đạo hai nước còn thảo luận về “cam kết” từ hãng hàng không Biman của Bangladesh mua 10 chiếc A350 từ nhà sản xuất máy bay châu Âu Airbus, theo hợp đồng tiềm năng trị giá tới 3,2 tỷ USD.
Tổng thống Macron đánh giá hãng hàng không Biman trước đây luôn mua máy bay từ nhà sản xuất Boeing của Mỹ, do đó, kế hoạch mua máy bay từ Airbus là “một dấu mốc quan trọng.”
Về phần mình, Thủ tướng Hasina khẳng định: “Cả hai nước đều hy vọng động thái chiến lược mới này giữa Bangladesh và Pháp sẽ đóng vai trò hiệu quả trong mục tiêu thiết lập hòa bình và ổn định khu vực và toàn cầu.”
Hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết hai thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng và vệ tinh.
[Pháp, Nhật Bản nhất trí thúc đẩy hợp tác an ninh tại Ấn Độ Dương-TBD]
Hai bên ký kết Thỏa thuận Cấp vốn Tín dụng giữa Phòng Quan hệ Kinh tế của Bangladesh và Cơ quan Phát triển Pháp để thúc đẩy chương trình phát triển cơ sở hạ tầng và quản trị đô thị.
Hai bên cũng ký kết Ý định thư Hợp tác giữa Công ty Vệ tinh Bangladesh và công ty Airbus Defense and Space SAS của Pháp về Hệ thống Vệ tinh Quan sát Trái đất Bangabandhu-2.
Tổng thống Pháp Macron đã đến đến Dhaka vào tối 10/9 sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các Nền Kinh tế Phát triển và Mới nổi Hàng đầu Thế giới (G20) ở New Delhi, Ấn Độ.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Pháp đến Bangladesh sau 33 năm. Chuyến thăm được cho là một phần nỗ lực của Pháp nhằm củng cố chiến lược của nước này ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hồi tháng 7, Tổng thống Macron đã thực hiện chuyến công du Thái Bình Dương và có chặng dừng chân tại Sri Lanka, nơi nhà lãnh đạo Pháp công bố “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” nhằm mục đích tái gắn kết Paris với khu vực.
Cũng trong tháng 7, ông đã đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Paris. Điện Élysée tuyên bố trong 6 tháng qua, Tổng thống Macron “đã thực hiện các công việc liên quan đến khu vực Nam Á còn nhiều hơn cả một thập kỷ”./.
(Vietnam+)