Ngày 30/5, tại Hà Nội, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã họp phiên thường kỳ tháng 5. Theo đánh giá của Tổ Điều hành thị trường trong nước, nhiều chỉ số giá như xăng dầu, thực phẩm… đang có những biến động khó lường nhưng các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp ổn định giá cả, ổn định nguồn cung để đảm bảo ổn định thị trường.

Ảnh minh họa (Nguồn: A.N)

Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, những biến động về giá và cung cầu của các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng, nông sản trên thị trường thế giới đã ảnh hưởng lớn đến thị trường các nhóm hàng này ở trong nước. Đơn cử, dù nguồn cung và nhu cầu đối với các mặt hàng xăng dầu, LPG trong nước không có biến động lớn nhưng ảnh hưởng từ giá thế giới (trước những biến động về chính trị tại các nước xuất khẩu dầu mỏ dẫn tới những lo ngại về nguồn cung) nên giá các mặt hàng này tăng cao trong tháng 5. Giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh tăng và tác động làm nhóm giao thông tăng cao nhất trong cơ cấu CPI tháng 5 (tăng 1,72%).

Với nhóm hàng nông sản, thực phẩm, nguồn cung mặt hàng thịt lợn giảm khi quy mô chăn nuôi tại các hộ gia đình giảm mạnh (do giai đoạn vừa qua giá thấp, chăn nuôi nhỏ không có lãi), nguồn cung cho thị trường chủ yếu từ các trang trại chăn nuôi tập trung. Mặc dù không thiếu hàng nhưng do tâm lý giữ hàng khi giá đang có xu hướng tăng nên nguồn cung ra thị trường từ cuối tháng 4 đến nay giảm, giá tăng khá cao (CPI nhóm thực phẩm đã tăng 1,2% so với tháng 4).

Đối với mặt hàng gạo, nguồn cung trong nước vẫn ổn định, tuy nhiên, do nhu cầu thu mua phục vụ xuất khẩu tăng khi nước ta trúng nhiều gói thầu liên tiếp nên giá gạo, nhất là gạo nguyên liệu tăng…

Dưới những biến động như vậy, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 5 đạt 354.049 tỷ đồng, tăng 1,51% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 1.752.689 tỷ đồng, tăng 10,05% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó mức tăng chủ yếu vẫn nhờ các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng gia đình; nhóm du lịch.

Do nhiều mặt hàng tăng giá, CPI tháng 5 đã tăng tới 0,55% so với tháng 4, trong đó mức tăng chủ yếu thuộc về nhóm giao thông và thực phẩm. Tính chung 5 tháng, CPI bình quân tăng 3,01% so với cùng kỳ năm 2017 và đang có xu hướng tăng trong các tháng tiếp theo, gây áp lực lên công tác điều hành thị trường, giá cả của Chính phủ trong thời gian tới.

Bà Tạ Thu Việt - Tổng cục Thống kê phân tích, mức tăng của chỉ số CPI trong tháng 5 được đánh giá là cao nhất từ năm 2012 trở lại đây. Trong 11 nhóm của rổ hàng hóa, đóng góp chính vào mức tăng vẫn là các nhóm thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục, giao thông, lương thực thực phẩm với mức tăng từ 4,22-20,87%.

Giá cả một số hàng hóa có dấu hiệu tăng gây nên một số lo ngại cho chỉ số CPI thời gian tới. Theo dự báo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng, nông sản trên thị trường thế giới vẫn đang biến động khá mạnh. Mùa nắng nóng, nhu cầu điện nước sinh hoạt tăng nên mặt bằng giá tăng. Nhu cầu một số mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng, tuy nhiên do nguồn cung trong nước vẫn tốt nên giá không có biến động lớn.../.

 

An Nguyên