|
Tổng LĐLĐ VN đề xuất giờ làm việc của người lao động giảm xuống còn 44h/tuần. Ảnh. VGP/Thu Cúc |
Tuổi hưu của nữ nên dừng ở 58
Theo đề xuất, Tổng LĐLĐ VN đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này theo tinh thần điều chỉnh tăng từ năm 2021. Tuy nhiên mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn.
Do đó cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Tổng LĐLĐ VN đề xuất Chính phủ cần quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.
Đối với người lao động bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn đến 10 năm so với quy định.
Theo Tổng LĐLĐ VN, công thức tăng tuổi nghỉ hưu theo các nhóm có thể được khái quát: Công chức (tăng tất cả); viên chức (tăng một bộ phận lớn); công nhân lao động (chỉ tăng một bộ phận nhỏ và mức tăng đối với lao động nữ chỉ nên là 58).
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động xây dựng thang, bảng lương
Tổng LĐLĐ VN đề xuất, cần thống nhất quy định theo hướng hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào quan hệ của các bên trong thị trường lao động; tạo điều kiện để doanh nghiệp có quyền chủ động trong quản trị doanh nghiệp liên quan đến việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trong sản xuất kinh doanh. Từ đó, nâng cao sự chủ động thỏa thuận, thương lượng giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động để quyết định thang lương, bảng lương và định mức lao động. Tuy nhiên, cần có lộ trình và bước đi phù hợp, tránh gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp cũng như bất lợi cho người lao động.
Tổng LĐLĐ VN cũng đề nghị bổ sung vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi quy định giao Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm xác định “mức sống tối thiểu” và thời điểm công bố “mức sống tối thiểu” làm căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu hàng năm.
Bên cạnh đó, đề nghị bỏ căn cứ xác định mức lương tối thiếu vùng là: “Khả năng chi trả của doanh nghiệp”, vì đây là yếu tố khó hiểu, khó định lượng, gây khó khăn cho Hội đồng lương quốc gia khi xác định. Mặt khác, năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở khía cạnh nhất định cũng đã thể hiện được “sức sống”, sự phát triển và khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Giảm giờ làm còn 44 giờ/tuần
Liên quan tới nội dung giờ làm việc trong dự thảo Luật Lao động, Tổng LĐLĐ VN đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động từ “48 giờ trong một tuần” xuống “44 giờ trong một tuần” và giữ nguyên phương án 2 Điều 105 để đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) xin ý kiến Quốc hội.
Tổng LĐLĐ VN cho biết, theo số liệu khảo sát đối với 154 nước và vùng lãnh thổ của ILO, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần cao nhất thế giới (từ 48 giờ/ tuần trở lên), cùng với khoảng hơn 40 nước khác, trong khi đó, theo công bố của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thu nhập theo đầu người năm 2018 của Việt Nam đứng thứ 121/187, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, cao hơn 66 quốc gia, vùng lãnh thổ. Myanmar là quốc gia có thu nhập đầu người kém hơn Việt Nam 4 bậc nhưng họ đã thực hiện chế độ tuần làm việc 44 giờ và một năm nghỉ lễ, tết 21 ngày.
Về ngày nghỉ lễ, quan điểm của Tổng LĐLĐ VN cho rằng, cần tăng thêm số ngày nghỉ lễ để người lao động được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển.
Hiện nay, số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực (Camphuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonesia là 16 ngày; Malaysia là 13 ngày; Myanmar là 21 ngày; Philippines là 19 ngày; Thái Lan là 16 ngày; Trung Quốc 21 ngày, Nhật Bản 16 ngày.
Thu Cúc