Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa bao giờ “đòi tiền” Đại học Tôn Đức Thắng 

(ĐCSVN) - Theo lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, những nội dung Ban giám hiệu trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) phát ngôn trên các cơ quan truyền thông là không đúng bản chất, không đúng sự thật về Tổng LĐLĐ Việt Nam, gây tổn hại đến uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

 

Chiều 10/6 tại trụ sở Tổng LĐLĐ Việt Nam, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam gồm đầy đủ 4 Phó Chủ tịch: Trần Thanh Hải, Trần Văn Thuật, Ngọ Duy Hiểu, Phan Văn Anh đã có buổi gặp gỡ các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin, làm rõ những nội dung Ban giám hiệu trường Đại học Tôn Đức Thắng đã phát ngôn trên các cơ quan truyền thông những ngày qua.

Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa bao giờ “đòi tiền” Đại học Tôn Đức Thắng

Liên quan đến vấn đề Đại học Tôn Đức Thắng nói Tổng LĐLĐ Việt Nam “buộc”, “đòi”  trường nộp 30% chênh lệch thu chi, đại diện Tổng LĐ thông tin: năm 2017, đoàn kiểm tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam tiến hành kiểm tra công tác quản lý tài chính, tài sản của nhà trường có kiến nghị: “Tổng LĐLĐ Việt Nam hằng năm phê duyệt dự toán thu, chi của trường và giao nghĩa vụ phải nộp lên Tổng LĐLĐ Việt Nam theo quy định”.

Theo quy định tại Quy định 1684 năm 2006 của Tổng LĐ thì “Đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”.


Lãnh đạo Tổng LĐ thông tin, làm rõ những nội dung Ban giám hiệu TDTU đã phát ngôn
trên các cơ quan truyền thông những ngày qua - Ảnh: Minh Châu

Ngoài ra, trong văn bản góp ý của các ban Tổng LĐ đối với quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường có tiếp tục nêu lại nội dung này, tuy nhiên căn cứ Quyết định 158 ngày 29/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ, thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định không thu của trường. Việc nêu nội dung trên chỉ là kiến nghị của đoàn kiểm tra và ý kiến của Ban chuyên môn Tổng LĐ không phải là chỉ đạo của thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Hằng năm Tổng LĐ cũng không giao dự toán phải nộp nghĩa vụ cho trường và thực tế đến nay hoàn toàn không thu của trường khoản tiền nào.

Việc lãnh đạo nhà trường cho rằng Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu trường nộp 30% chênh lệch thu chi để xây dựng thiết chế công đoàn là thông tin hoàn toàn sai sự thật.  Thiết chế công đoàn được thực hiện 2 năm vừa qua lấy từ nguồn tiết kiệm 10% chi hành chính, chi phong trào của cả hệ thống tổ chức Công đoàn từ cơ sở đến Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ TDTU dưới nhiều hình thức

Về việc hỗ trợ tiền, tài sản của Tổng LĐLĐ Việt Nam đối với trường Đại học Tôn Đức Thắng, lãnh đạo Tổng LĐ thông tin: Đại học Tôn Đức Thắng tiền thân là Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng do LĐLĐ TP Hồ Chí Minh sáng lập, được thành lập theo Quyết định 787/TTg ngày 24/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ; sau đó chuyển thành trường bán công và đổi tên thành trường Đại học bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh theo Quyết định 18/2003/QĐ-TTg ngày 28/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, trường được chuyển thành trường đại học công lập trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam theo Quyết định 747/QĐ-TTg ngày 11/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

TDTU được hình thành từ chủ trương của LĐLĐ TP Hồ Chí Minh nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn và của TP Hồ Chí Minh trong những năm đầu đổi mới, dù qua nhiều lần thay đổi nhưng toàn bộ tài sản, cơ sở vật chất với giá trị đầu tư gần 3.000 tỉ đồng và trên 100 ha đất cùng bộ máy, nhân sự kể từ ngày đầu thành lập cho đến nay đều thuộc về tổ chức Công đoàn.

Theo điều 28 Luật Công đoàn, về tài sản thì khi TDTU chuyển giao về cho Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2008, tại biên bản bàn giao của UBND TP Hồ Chí Minh ngày 23/9/2008 xác định đất và tài sản trên đất thuộc sở hữu của Tổng LĐLĐ Việt Nam gồm: cơ sở 1 tại địa chỉ 98 Ngô Tất Tố, phường 9, quận Bình Thạnh có diện tích 2.800 m2; cơ sở 2 có diện tích 90.725 m2 tại phường Tân Phong, quận 7. Về tài sản trên đất nguyên giá theo biên bản bàn giao là hơn 80 tỉ đồng và giá trị còn lại là hơn 51 tỉ đồng. Sau đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam giao lại cho TDTU.

Ngoài ra, từ năm 2008 đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện cho trường một số cơ sở nhà đất và tài sản trên đất, các khoản cấp, cho vay… Cụ thể: giao quyền quản lý và sử dụng cơ sở tại 22 Nguyễn Đình Chiểu, phường Vĩnh Phúc, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với diện tích 29.189 m2 và tài sản trên đất. Tài sản này được xác định trị giá hàng trăm tỉ đồng. Tiếp đó là cơ sở tại khóm 6, phường 9, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau có diện tích 21.616 m2 trị giá khoảng 100 tỉ đồng.

Về hỗ trợ tài chính, TDTU được LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cấp hơn 8,3 tỉ đồng; được Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng LĐLĐ TP Hồ Chí Minh cho vay không tính lãi hơn 187 tỉ đồng đầu tư cơ sở vật chất giai đoạn 2009-2015.

Số tiền, tài sản mà Tổng LĐLĐ Việt Nam đã hỗ trợ TDTU hàng nghìn tỉ đồng gồm nhiều hình thức: cấp, cho vay, giao quản lý, sử dụng và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giao đất, chứ không phải duy nhất là hình thức cấp như một số báo nêu. Từ nguồn tài sản này, cùng với sự nỗ lực của thầy và trò nhà trường, đến nay khối tài sản đã gia tăng lên khoảng 3.000 tỉ đồng.

Lãnh đạo TDTU nhiều lần phản ứng, không chấp hành quy định của cấp có thẩm quyền

Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Tổng LĐ cho hay, lãnh đạo TDTU, nhất là Hiệu trưởng Lê Vinh Danh nhiều lần phản ứng, không chấp hành quy định của cấp có thẩm quyền, trong đó có Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Chi tiết hơn: Hiệu trưởng nhà trường không đồng ý để Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán nhà trường và Kiểm toán nhà nước phải có công văn gửi Tổng LĐ; Không đồng ý cho đoàn kiểm tra của Tổng LĐ kiểm tra tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật; sau khi có dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra thì nhà trường tiếp tục phản ứng; tiếp đó, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiến hành giám sát nhà trường, khi có báo cáo kết quả thì trường phản ứng gửi văn bản tới Chủ tịch Quốc hội với những lời lẽ không đúng mực về báo cáo của đoàn.

Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã 5 lần mời Ban Giám hiệu TUTD ra họp bàn về sự phát triển của nhà trường, tuy nhiên đến ngày 31/5/2019, Ban Giám hiệu mới cử 2 hiệu phó nhà trường ra dự họp. Hiệu trưởng nhà trường không tham dự.

Hiệu trưởng Lê Vinh Danh có dấu hiệu lạm quyền

Lãnh đạo Tổng LĐ cho biết, Hiệu trưởng nhà trường có dấu hiệu lạm quyền khi triệu tập và chủ trì họp Hội đồng trường bất thường mà không báo cáo, đề nghị với Chủ tịch Hội đồng trường là Tiến sĩ Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Vì lý do đi công tác nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng trường đã yêu cầu lùi thời gian tổ chức cuộc họp, tuy nhiên Hiệu trưởng nhà trường vẫn chủ trì cuộc họp và ra các quyết nghị, trong khi quy định tại Điều lệ trường đại học thì chỉ có Chủ tịch Hội đồng trường mới có quyền chủ toạ cuộc họp Hội đồng trường.

Sử dụng truyền thông để có những phát ngôn không đúng về Tổng LĐLĐ Việt Nam

Về vấn đề này, lãnh đạo Tổng LĐ khẳng định, trong khi Tổng LĐLĐ Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi, thảo luận một cách dân chủ với nhà trường về những vấn đề nhà trường quan tâm, đề xuất… nhưng đáng tiếc lãnh đạo nhà trường đã sử dụng truyền thông để có những phát ngôn không đúng về Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Thực tế đã khẳng định, TUTD có được như ngày hôm nay chắc chắn có sự lãnh đạo, chỉ đạo khoa học, hiệu quả và tôn trọng quyền tự chủ của cơ quan cấp trên là Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Về Công văn số 655/TLĐ ngày 7/5/2019 gửi Hội đồng trường và Ban giám hiệu về việc chuẩn bị thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định nội dung công văn hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, Tổng LĐ không can thiệp, áp đặt vào công việc nội bộ của nhà trường mà tiếp tục tạo điều kiện tối đa để nhà trường tự chủ.

Về Công văn 831/TLĐ ngày 5-6-2019 gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xin ý kiến một số nội dung để chuẩn bị triển khai thực hiện Luật giáo dục đại học, Tổng LĐLĐ Việt Nam có đề nghị xem xét học hàm giáo sư của ông Lê Vinh Danh, vì có ý kiến công dân đề nghị xem xét tính hợp pháp của trường đại học (Preston University) đã công nhận học hàm này.

Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định sẽ tôn trọng và bảo vệ đến cùng Hiệu trưởng Lê Vinh Danh nếu học hàm đó là hợp pháp.

Minh Châu

430 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1253
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1253
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87111348