Tổng giá trị xuất khẩu nông sản đạt 41,3 tỷ USD 

(Chinhphu.vn) – Bộ NN&PTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 12/2019 ước đạt gần 4 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu năm 2019 ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng 3,2% so với năm 2018.

 

Xuất khẩu cà phê giảm hơn 22% về giá trị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18,5 tỷ USD, giảm 5,3%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 8,63 tỷ USD, tăng 2,7%; giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 0,71 tỷ USD, tăng 10,6%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 19,2%.

Năm 2019, năm thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc và Hong Kong, Mỹ, EU, ASEAN và Nhật Bản chiếm thị phần lần lượt là 27,8% (giá trị giảm 0,6% so với năm 2018), 21,9% (+10,8%), 11,4% (-5,3%), 9,8% (+2,8%) và 8,7% (+9,1%).

Trong khi đó, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 12/2019 đạt 2,4 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu năm 2019 đạt 30,9 tỷ USD, giảm 1,6% so với năm 2018. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 25,62 tỷ USD, giảm 2,3%; giá trị nhập khẩu chăn nuôi ước đạt gần 3,73 tỷ USD, tăng 20,4%.

Mười một tháng đầu năm 2019, ba thị trường nhập khẩu chính là: Trung Quốc và Hong Kong, Hoa Kỳ, Argentina chiếm thị phần lần lượt là 15,5% (giá trị tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018), 10,7% (+6,9%) và 9,6% (+29,5%).

Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 12/2019 ước đạt 474 nghìn tấn với giá trị đạt 214 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo năm 2019 ước đạt 6,34 triệu tấn và 2,79 tỷ USD, tăng 3,9% về khối lượng nhưng giảm 9,7% về giá trị so với năm 2018. Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 với 31,5% thị phần, đạt 1,97 triệu tấn và 813,3 triệu USD, gấp 2,55 lần về khối lượng và gấp 2,34 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Senegal (gấp 9,86 lần), Bờ Biển Ngà (tăng 78,6%), Đài Loan (tăng 31%), Hong Kong (tăng 28,3%) và Tanzania (tăng 26,6%). Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2019 đạt 439 USD/tấn, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 12/2019 ước đạt 320 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả năm 2019 ước đạt 3,74 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2018. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 với 65,7% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 2,24 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là Hoa Kỳ đạt 137,7 triệu USD (chiếm 4%), tăng 9,2%; Hàn Quốc đạt 119,4 triệu USD (chiếm 3,5%), tăng 14,2%; Nhật Bản đạt 112,4 triệu USD (chiếm 3,3%), tăng 14,4%; Hà Lan đạt 73,8 triệu USD (chiếm 2,2%), tăng 34,8%… so vớí cùng kỳ năm 2018.

Mười một tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Lào (gấp 6,7 lần), Hong Kong (gấp 3,2 lần), Đài Loan (tăng 69,9%), Thái Lan (tăng 47%). Giá trị xuất khẩu giảm do nhiều mặt hàng xuất khẩu chính giảm mạnh như thanh long đạt 1,1 tỷ USD (chiếm 31,3%), giảm 5,2%; sầu riêng đạt 215,6 triệu USD (chiếm 6,2%), giảm 20,4%; măng cụt đạt 168,6 triệu USD, giảm 1,3%; dừa đạt 123,1 triệu USD, giảm 31,3%; nhãn đạt 113 triệu USD, giảm 58,6%; ớt đạt 59,6%, giảm 47,8%, nấm hương đạt 51,5 triệu USD, giảm 56,7%… so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tháng 12/2019 ước đạt 286.000 tấn tương đương với 117 triệu USD, lũy kế xuất khẩu sản và các sản phẩm từ sắn năm 2019 đạt 2,5 triệu tấn tương ứng với 973 triệu USD, tăng 3,2% về khối lượng và tăng 1,6% về giá trị so với năm 2018. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân năm 2019 ước đạt 386 USD/tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu cà phê tháng 12/2019 ước đạt 126.000 tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, lũy kế xuất khẩu cà phê năm 2019 ước đạt 1,59 triệu tấn và 2,75 tỷ USD, giảm 15,2% về khối lượng và giảm 22,4% về giá trị so với năm 2018. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 với thị phần lần lượt là 12,9% và 8,7%. Ngoại trừ thị trường Philippines có giá trị xuất khẩu cà phê tăng (9,4%), hầu hết các thị trường chính đều giảm so với cùng kỳ năm 2018. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2019 đạt 1.724 USD/tấn, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Khối lượng xuất khẩu chè tháng 12/2019 ước đạt 13 nghìn tấn với giá trị đạt 23 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè năm 2019 ước đạt 136 nghìn tấn và 235 triệu USD, tăng 6,8% về khối lượng và tăng 13,5% về giá trị so với năm 2018. Giá chè xuất khẩu bình quân năm 2019 ước đạt 1.730 USD/tấn, tăng 6,2% so với năm 2018.

Tính đến tháng 11/2019, Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc, Nga và Indonesia vẫn tiếp tục là 5 thị trường lớn nhất của chè Việt Nam, chiếm 77,4% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, thị phần của các nước này trong tổng xuất khẩu chè của Việt Nam có sự biến động không đồng nhất so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi thị phần của Pakistan và Trung Quốc tăng lần lượt 3,5% và 1,4% thì thị phần của Đài Loan, Nga và Indonesia lại giảm lần lượt 0,7%, 0,4% và 0,2%; điều này đã giúp Trung Quốc vượt vị trí của Nga và trở thành nước nhập khẩu chè lớn thứ 3 của Việt Nam.

Khối lượng hồ tiêu xuất khẩu tháng 12/2019 ước đạt 17.000 tấn, với giá trị đạt 41 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hồ tiêu năm 2019 ước đạt 284.000 tấn và 715 triệu USD, tăng 23,4% về khối lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với năm 2018. Năm 2019, giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân ước đạt 2.516 USD/tấn, giảm 23,6% so với năm 2018.

 

Đỗ Hương

556 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 675
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 675
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86332334