Tổng cục ĐBVN đặt quyết tâm cao hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 được Bộ GTVT giao. 

“Lá cờ đầu” giữ nhịp phát triển

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ, trong năm 2021, ngành GTVT có “điểm sáng” lớn là “luồng xanh” vận tải thích ứng an toàn, hiệu quả với đại dịch COVID-19, trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành khắp cả nước phải giãn cách xã hội, mọi hoạt động trong đời sống kinh tế - xã hội gần như đình trệ. Trong “luồng xanh”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) là một “lá cờ đầu”, dẫn lối cho các nỗ lực chung của toàn ngành, toàn xã hội góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Trong công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt, vào những đợt cao điểm tại các tỉnh phía Nam, ngành GTVT với lực lượng nòng cốt là Tổng cục ĐBVN có mặt kịp thời, nắm bắt và có những quyết sách đúng đắn, đã duy trì được chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành, đặc biệt là lực lượng Thanh tra giao thông vận tải cả ngày, cả đêm túc trực 24/24h, phối hợp với các lực lượng duy trì chốt kiểm dịch tốt, không để ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát dịch.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, với hàng loạt thành tựu quan trọng trong năm 2021 trên mọi mặt công tác, năm 2022, Tổng cục ĐBVN sẽ cần có nhiều nỗ lực hơn rất nhiều để phát huy các thành tích đã đạt được. Bước vào năm 2022 với nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội cho lĩnh vực đường bộ, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh, ngay sau Tết Dương lịch, Tổng cục ĐBVN cần tập trung phối hợp với Bộ Công an sửa Luật Giao thông đường bộ, sửa đổi gắn với Luật Đảm bảo ATGT, phối hợp xây dựng 2 luật một cách chất lượng nhằm phục vụ cho sự phát triển của đất nước, tránh chồng lấn. Đặc biệt, đối với quy hoạch ngành quốc gia, Tổng cục ĐBVN phái tiếp tục đạt thêm nhiều thành tích, phải tiếp tục xây dựng quy hoạch chi tiết, quản lý các quy hoạch và triển khai thực hiện hiệu quả, nghiên cứu phân cấp, phân quyền cho phù hợp.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ còn cho rằng, các đơn vị nghiên cứu của Tổng cục ĐBVN nói riêng và ngành GTVT nói chung phải phát triển hiện đại hoá, đổi mới trang thiết bị, công nghệ phục vụ công tác bảo trì bảo dưỡng đường bộ; phối hợp tốt với các cơ quan chức năng xử lý tốt về vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện.

Quyết tâm cao

 Tuyến đường từ quốc lộ 4D từ Lào Cai đi Lai Châu.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, năm 2021, dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với ngành GTVT nói chung và lĩnh vực GTVT đường bộ nói riêng. Tuy nhiên, với sự quan tâm đạo của Đảng và nhà nước, sự nỗ lực của toàn ngành, công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2021 đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vai trò lớn trong việc phòng chống dịch COVID-19 của quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế.

Định hình rõ những trọng tâm, trọng điểm trong năm 2022, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện cho biết, Tổng cục ĐBVN sẽ đặc biệt chú trọng công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ. Trong đó, Tổng cục ĐBVN đặt quyết tâm cao hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 được Bộ GTVT giao. Hoàn thành 100% kế hoạch bảo trì và giải ngân vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ theo kế hoạch được giao năm 2022. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống quốc lộ trên toàn quốc; xử lý kịp thời các điểm đen mới phát sinh, đảm bảo giao thông an toàn thông suốt, giảm sâu tỷ lệ tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Cũng theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được Tổng cục ĐBVN chú trọng trong năm nay là đề xuất, tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo trì và sử dụng vốn ngân sách nhà nước chỉ hoạt động kinh tế đường bộ trong công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ để phù hợp với thực tế bảo trì đường bộ hiện nay.

Mặt khác, Tổng cục ĐBVN cũng sẽ đảm bảo chủ động về tiến độ, chất lượng và hiệu quả công việc trong công tác tham mưu lập, giao kế hoạch bảo trì và dự toán chi năm 2022 theo đúng thời hạn quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Chỉ đạo công tác sửa chữa đường bộ phải hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, quản lý sử dụng dự toán chỉ đúng quy định. Tăng cường quản lý chất lượng, khối lượng, giá trị thanh toán trong thực hiện các dự án sửa chữa đường bộ.

Song hành với đó, Tổng cục ĐBVN sẽ tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đen mới phát sinh, điểm tiềm ẩn TNGT trong quá trình khai thác; kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ gây ra trên đường bộ; tiếp tục kiểm tra, xử lý các vị trí gây mất an toàn giao thông. Tiếp tục chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ, Sở GTVT thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát tải trọng xe, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của lái xe, chủ xe, chủ hàng.

Mặt khác, trong thời gian tới, Tổng cục ĐBVN tiếp tục hoàn thiện và triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý, bảo trì đường bộ. Đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản lý tình hình thực hiện và giải ngân hàng năm, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo điều hành.

Đồng thời thúc đẩy, kêu gọi, hợp tác và trợ giúp kỹ thuật của các nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến để tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới trong việc đầu tư trang thiết bị phục vụ quản lý, khai thác góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tăng cường hợp tác, giao lưu học hỏi về kinh nghiệm quân lý, ứng dụng khoa học công nghệ mới, vật liệu mới trong lĩnh vực quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

 
Bài, ảnh: KC