Tổng cục Đường bộ lên tiếng “hạ màn” tranh cãi quanh những chiếc biển báo 

Trong khi lực lượng CSGT làm nhiệm vụ khẳng định mình làm đúng thì những người bị thổi phạt cũng đủ lập luận chứng tỏ mình không sai. Một vài điểm mới trong quy chuẩn 41:2016/BGTVT vừa được Bộ Giao thông Vận tải ban hành cuối năm 2016 đang gây lúng túng và tranh cãi…
Triền miên tranh cãi

Phản ánh tới Báo Lao Động, nhiều tài xế cho biết, một trong những điểm mới đáng chú ý trong Quy chuẩn 41 là tại Điều 20.6 quy định, trên những đường mà mỗi chiều xe chạy có từ 2 làn trở lên, biển báo được treo trên giá long môn hoặc cột cần vươn. Trong trường hợp không đặt trên giá long môn hoặc cột cần vươn thì có thể đặt thêm biển báo phía tay trái của chiều xe chạy.

Quy chuẩn mới là thế nhưng tại rất nhiều khu vực trong cả nước hiện nay, mặc dù đường rất to đẹp, rộng rãi nhưng hệ thống biển báo vẫn chưa được thay đổi, tức là vẫn chỉ có một biển báo đặt phía bên phải. Thế nhưng chỉ cần không tuân thủ theo chỉ dẫn của biển, lập tức lái xe sẽ bị lực lượng CSGT thổi phạt. Điều này khiến cánh tài xế bức xúc, bất phục. Nhiều người cương quyết không kí vào biên bản xử phạt.

Với sự hỗ trợ của mạng xã hội facebook, những cuộc “khẩu chiến” diễn ra với tần suất ngày một dày đặc bởi bên nào cũng khăng khăng mình làm đúng. Thậm chí, mâu thuẫn này còn có nguy cơ bị đẩy lên cao trào khi ngày càng nhiều hội nhóm được lập ra với mục đích truyền dạy nhau kinh nghiệm ứng phó và viết đơn thư khiếu nại lên các cấp chức năng. Còn đối với lực lượng CSGT, chia sẻ với PV, nhiều người thừa nhận có đôi lúc có cảm giác không tự tin khi thực hiện nhiệm vụ.

Tổng cục Đường bộ lên tiếng “hạ màn” tranh cãi quanh những chiếc biển báo ảnh 1
Quy chuẩn 41:2016/BGTVT có hiệu lực từ 1.11.2016.

Nhằm làm rõ hơn những khúc mắc này, chiều 30.3, PV Báo Lao Động đã có buổi trao đổi với Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Cơ quan biên soạn bộ Quy chuẩn và sau đó được Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định.

Thông tin tới PV, đại diện Tổng cục Đường bộ, ông Vũ Ngọc Lăng – Vụ trưởng vụ An toàn giao thông cho biết: Về cơ bản, quy chuẩn 41:2016/BGTVT được kế thừa, bổ sung điều chỉnh trên cơ sở các quy chuẩn trước và nội dung cơ bản không khác nhiều nhưng theo hướng rõ ràng, chi tiết hơn, hạn chế tình trạng cắm quá nhiều biển cảnh báo, khắc phục các bất cập của quy chuẩn trước với thực tế áp dụng…

Câu chuyện "tình - lý"

Buổi làm việc lấy ví dụ là đoạn QL18 đi qua địa phận tỉnh Quảng Ninh được xây theo hình thức BOT và đưa vào sử dụng từ năm 2014. Mặc dù đường khá rộng rãi, nhưng chiếu theo quy chuẩn mới thì hiện tại hệ thống biển báo tại đây chưa đáp ứng được. Cụ thể, các biển báo thường chỉ được đặt bên tay phải. Do đó, trong thời gian vừa qua, lực lượng chức năng địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi tiến hành xử lý vi phạm giao thông.

Về mặt "tình", ông Lăng bình luận: Ở Việt Nam và cả trên thế giới nữa, với những nước tay lái thuận, thì quy định biển cắm bên phải đã thành thông lệ và có lẽ thành phản xạ của mọi người rồi. Quy chuẩn mới có mục tiêu là làm rõ dần lên cho người dân dễ quan sát, đảm bảo an toàn. Còn trong trường hợp thấy biển rồi, biết đặt ở vị trí đấy từ trước rồi nhưng không tuân thủ rồi mang câu chữ ra để tranh luận thì tôi cho rằng chưa có tinh thần xây dựng.

“Khi cơ quan quản lý đường bộ cắm biển báo ở đâu là căn cứ vào điều kiện thực tiễn với mục đích chính là an toàn và thuận lợi cho mọi người. Do đó, trong quá trình tham gia giao thông, nên chấp hành nghiêm các quy định, bởi nó có lợi cho chính mình và xã hội” – ông Lăng nói.

Tổng cục Đường bộ lên tiếng “hạ màn” tranh cãi quanh những chiếc biển báo ảnh 2
Vụ trưởng Vụ ATGT Vũ Ngọc Lăng phân tích kỹ hơn các vấn đề chưa rõ trong quy chuẩn 41.

Còn về mặt "lý", vị Vụ trưởng Vụ ATGT cho biết, trong Quy chuẩn 41 cũng có Điều 89.2.3 nói về lộ trình thay thế hệ thống biển báo là trước ngày 20.8.2019. Theo đó, những biển báo chưa hoàn toàn phù hợp nhưng không gây hiểu lầm, hiểu khác thì tùy theo nguồn lực địa phương và tình hình thực tế mà thay thế dần.

“Cái gì mang tính chất bắt buộc thì thực hiện ngay như biển rẽ phải, rẽ trái... Còn lại thì tùy theo điều kiện cụ thể sẽ thực hiện dần, căn cứ vào lưu lượng xe, căn cứ vào điều kiện cụ thể để thực hiện... Ví dụ biển tốc độ và biển dân cư mà vẫn rõ ràng, ở dưới đồng bằng hay đường giữa ruộng vắng thì trong điều kiện nguồn lực chưa có thì chưa nhất thiết phải thay” – ông Lăng phân tích.

Bên cạnh đó, buổi làm việc đồng thời làm rõ thêm một quy định khác cũng đang gây lúng túng cho lực lượng chức năng và người lái xe là biển báo "khu đông dân cư" (R.420) và biển báo "hết khu đông dân cư" (R.420). Theo đó, với những đường quốc lộ mà đi qua thành phố mà hợp với địa phương nhiều ngã ba, ngã tư thì quy định cắm biển nhắc lại sẽ như thế nào?

Ông Lăng giải đáp: Biển R.420 là biển hiệu lệnh. Trong Quy chuẩn 41, tại điểm D.17 đã quy định rất rõ, biển số R.420 có hiệu lực "khu đông dân cư" đối với tất cả tuyến đường nằm trong khu vực đô thị cho đến vị trí đặt biển kết thúc là R.421. Tức là bao gồm tất cả các cửa ngõ ra vào trên đoạn đường bắt đầu bởi R.420 và kết thúc bởi biển R.421.

Từ những căn cứ trên, Vụ trưởng Vụ ATGT Vũ Ngọc Lăng cho biết, tại những nơi biển báo chưa kịp thay đổi theo Quy chuẩn 41 bởi tình hình thực tiễn, lực lượng chức năng vẫn có quyền xử phạt vi phạm giao thông nếu lái xe không tuân thủ theo biển báo cũ.

1077 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 806
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 806
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 80864620