Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, theo quyết định của Trung ương, các tiểu ban chuẩn bị văn kiện đã được thành lập. Có nhiều văn bản, trong đó trung tâm là Báo cáo chính trị.
Ngoài ra, có Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và nhìn lại 30 năm (1991- 2021) thực hiện Cương lĩnh, để có cách nhìn toàn diện, tổng thể, định hướng bàn về chiến lược, nhiệm vụ sắp tới nhằm thực hiện có hiệu quả Cương lĩnh. Trung ương đã quyết định chưa đặt vấn đề sửa đổi Cương lĩnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho biết: Báo cáo chính trị nêu toàn diện tất cả các vấn đề trên tất cả các lĩnh vực, làm định hướng có tính đường lối, để sắp tới triển khai các công việc. Cùng với Báo cáo chính trị có 2 báo cáo chuyên đề quan trọng. Một là Báo cáo về kinh tế-xã hội. Lần này, chúng ta tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội từ năm 2011-2020 để làm cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm tới. Báo cáo kinh tế-xã hội không trùng với Báo cáo chính trị, phải cụ thể hơn. Báo cáo chuyên đề thứ hai là Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và việc thi hành Điều lệ Đảng, để xem xét có cần thiết phải sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội sắp tới hay không? Hai báo cáo chuyên đề đi sâu vào hai lĩnh vực khó, phức tạp và đặc biệt quan trọng. Nội dung các Báo cáo này không được trái với Báo cáo chính trị, phải theo Báo cáo chính trị, nhưng lại không nhắc lại Báo cáo chính trị một cách chung chung.
Tóm lại, các văn kiện trình ra Đại hội XIII rất quan trọng, vì thế, Trung ương đã quyết định thành lập các tiểu ban, chứ không phải chỉ có một tiểu ban, đó là các Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng. Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh. Tiểu ban Kinh tế-Xã hội thì vừa làm báo cáo kinh tế để phục vụ cho Báo cáo chính trị, đồng thời tập trung tổng kết thực hiện chiến lược kinh tế-xã hội 10 năm qua và xây dựng chiến lược 10 năm tới.
“Như vậy, nói Đại hội XIII không phải chỉ cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021 - 2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và cho biết Bộ Chính trị đã cho định hướng đến năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII, đến năm 2030 là mốc 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước để định hướng, hình dung ra nước ta sẽ là như thế nào. Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, đề cương các văn kiện trình Hội nghị lần này mới nêu định hướng, có tính chất mở với nhiều phương án khác nhau để Trung ương thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo, lựa chọn một bước, sau đó tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị theo quy trình, qua các bước đóng góp tại đại hội đảng bộ các cấp và lấy ý kiến nhân dân, cuối cùng Trung ương sẽ quyết định để trình ra Đại hội đại biểu toàn quốc. Riêng về kết cấu của các báo cáo thì cần quyết định sớm ngay tại Hội nghị này để kịp hoàn chỉnh dự thảo Đề cương và biên soạn nội dung chi tiết. Về cách viết cũng nên có sự đổi mới sao cho sinh động, ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Nguyễn Hoàng