Tổng Bí thư Lê Duẩn với đồng bào Nam Bộ 

VOV.VN -Tình cảm, công lao của Tổng Bí thư Lê Duẩn được lịch sử ghi nhận và luôn được đồng bào Nam Bộ lưu giữ trong trái tim mỗi người.

Tổng Bí thư Lê Duẩn, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh đạo kiên trung của Đảng ta, là người có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ông là người để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với đồng bào Nam Bộ về những phương thức và chiến lược đấu tranh cách mạng ở miền Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

 

tong bi thu le duan voi dong bao nam bo hinh 0
Ðồng chí Lê Duẩn với các dũng sĩ miền Nam (1972). Ảnh Tư liệu: Báo Nhân dân

Ông Sáu Lữ, tên thường gọi của ông Phạm Bá Lữ, ở phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TPHCM đã vinh dự nhiều lần được gặp các vị lãnh tụ của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ông Sáu Lữ kể: Ông bị địch bắt trong chiến dịch Mậu Thân 1968, sau đó bị đày ra nhà tù Phú Quốc. Năm 1973, ông cùng nhiều đồng đội được trao trả theo Hiệp định Pari. Trong thời gian ra miền Bắc an dưỡng, ông được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn.

“Đồng bí Lê Duẩn rất ân cần, thăm hỏi về gia đình, hỏi về công việc, hỏi về chuyện tù đày, địch tra tấn ra sao, chiến đấu trong các nhà tù Mỹ ngụy như thế nào. Sự quan tâm của một lãnh tụ lớn đã làm cho tôi rất xúc động và tâm niệm cần phải phấn đấu rèn luyện để trở thành một đảng viên cốt cán của Đảng”, ông Sáu Lữ chia sẻ.

Ông Sáu Lữ cùng nhiều đồng đội của mình cho đến bây giờ vẫn đánh giá cao tư duy nhạy bén xoay chuyển nhanh thời cuộc của Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với cách mạng miền Nam. Ông Sáu Lữ cho rằng, Tổng Bí thư Lê Duẩn là một vị lãnh đạo rất giản dị, gần gũi, sâu sát với quần chúng. Chính vì vậy mà ông đã phát hiện ra quy luật cụ thể từ chiến tranh nhân dân, đúc rút từ thực tiễn thành lý luận cách mạng.  

Theo các chuyên gia sử học, Tổng Bí thư Lê Duẩn có đóng góp hết sức quan trọng đối với cách mạng miền Nam. Sau hiệp định Giơnevơ được ký kết (năm 1954), nhận định trước tình hình, năm 1956, với vai trò là Bí thư xứ ủy Nam bộ, đồng chí Lê Duẩn đã viết “Đề cương cách mạng miền Nam” đề cập vấn đề bạo lực cách mạng và đấu tranh vũ trang. Trong thời điểm cách mạng miền Nam bị địch ra sức đàn áp, cần phải có một lực lượng vũ trang mạnh mới có thể đảm bảo cho cuộc đấu tranh chính trị thành công, ông đã chủ trương và đề xuất với Trung ương ra Nghị quyết 15.

Nghị quyết này ra đời nhằm đáp ứng đúng đòi hỏi của tình hình và nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển đi lên của cách mạng Miền Nam là phải dùng bạo lực cách mạng, phải chuyển hướng sang đấu tranh vũ trang, để đưa phong trào thoát khỏi tình thế hiểm nghèo.

Chính Nghị quyết 15 đã mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, xoay chuyển tình thế, dẫn đến các cuộc “đồng khởi" oanh liệt của toàn miền Nam năm 1960, làm tan rã hàng loạt bộ máy kìm kẹp của chính quyền địch ở vùng nông thôn, lực lượng cách mạng từng bước giành quyền làm chủ, tạo tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo của cách mạng miền Nam.

Tiến sĩ sử học Trần Thị Nhung khẳng định: “Sự bùng nổ của phong trào đồng khởi ở miền Nam dẫn đến kết quả cuối cùng là người dân và lực lượng cách mạng đã làm chủ phần lớn nông thôn miền Nam lúc đó. Điều này đã cho thấy sự đúng đắn trong đường lối của đồng chí Lê Duẩn trong việc buộc phải chuyển phương thức đấu tranh sang đấu tranh vũ trang bạo lực để lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm”.

Tư tưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn chứa đựng trong tác phẩm “Thư vào Nam”. Cùng với chủ trương dùng bạo lực cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ rõ: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, không chỉ đấu tranh vũ trang đơn thuần mà chúng ta phải kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang thì mới chiến thắng kẻ địch.

Thực hiện phương châm này, xuyên suốt trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, sự tham gia của người dân trong đấu tranh chính trị đã khiến cho chế độ Việt Nam cộng hòa lúc bấy giờ tại miền Nam bị rối loạn và nhiều lúc phải thay đổi chiến thuật. Đặc biệt, trong đấu tranh cách mạng tại miền Nam, Tổng Bí thư Lê Duẩn phân tích cụ thể sâu sắc về phương thức giành đất, giành dân.

Đồng chí luôn nhấn mạnh: Chúng ta hoạt động vũ trang, thực hiện các trận đánh, các chiến dịch để tiêu diệt đối phương, đó chỉ là một mục tiêu, còn mục tiêu thứ hai là giành đất, giành dân. Nếu không giành đất, giành dân thì không có chỗ đứng, không có sự ủng hộ của dân thì không có sự cung cấp về hậu cần và lực lượng bổ sung trong cuộc đấu tranh.

Nhờ quan điểm này mà các lực lượng của chúng ta bám trụ tại các vùng ở miền Nam, từ nông thôn rồi dần tiến về thành phố, để từ đó tận dụng thời cơ đánh vào sào huyệt của địch, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Đại tá, PGS.TS Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7 nhấn mạnh về vai trò của Tổng Bí thư Lê Duẩn với cách mạng miền Nam: “Đồng chí Lê Duẩn đã với Trung ương Đảng ta hoạch định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng lực lượng và tiềm lực của cuộc kháng chiến; xây dựng lực lượng vũ trang, đề ra cách thức đấu tranh vũ trang một cách hợp lý, phù hợp trong mối tương quan chung với các hoạt động đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận, đấu tranh ngoại giao, để chúng ta từng bước đánh đổ các chiến lược, chiến tranh của các thế lực xâm lược”.

Tổng Bí thư Lê Duẩn là một trong những kiến trúc sư quan trọng nhất tạo nên thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt tấm lòng, tình cảm, công lao của ông đối với cách mạng miền Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ tiếp tục được lịch sử ghi nhận và đồng bào Nam Bộ lưu giữ trong trái tim mỗi người./.

1249 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1768
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1768
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84493986