Tôn vinh những thầy thuốc hy sinh thầm lặng 

(Chinhphu.vn) - Đây là chủ đề chương trình giao lưu nghệ thuật và trao giải thưởng cuộc thi viết về “Sự hy sinh thầm lặng” của những thầy thuốc đang từng ngày, từng giờ, hết lòng, hết sức chăm sóc sức khỏe cho người dân, diễn ra tối 16/8.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao giải Nhất cuộc thi. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Tới dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, và các thầy thuốc tiêu biểu được tôn vinh qua các bài báo, phóng sự truyền hình, phát thanh…

Trong 7 năm, qua 4 lần tổ chức, cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” với cùng một chủ đề mà vẫn thu hút được đông đảo các nhà văn, nhà báo, các thầy thuốc, các tác giả… khắp mọi miền đất nước tham gia viết về những tấm gương thầy thuốc cảm động, tận tụy trong công việc.

Đó là những bác sĩ sẵn sàng hy sinh tình cảm gia đình để hàng chục năm gắn bó, chăm sóc đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao hẻo lánh hay nơi đảo nhỏ xa xôi; là những trí thức, nhà khoa học chấp nhận sự thua thiệt về mình để phấn đấu cho mục đích lớn nhất là đem lại sức khỏe, hạnh phúc cho đồng loại; là những bác sĩ chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt - bệnh nhân tâm thần, phạm nhân mắc HIV…

 

Giao lưu với “Đôi tay vàng của ngoại khoa Việt Nam”, GS.TS Trịnh Hồng Sơn (Bệnh viện Việt Đức), Phó Giám đốc Bệnh viện K Trần Văn Thuấn. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Cuộc thi “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV đã nhận được trên 1.000 bài dự thi của các tác giả từ khắp mọi miền của Tổ quốc với rất nhiều bài viết có chất lượng cao.

Một số tác phẩm nhận được giải cao nhất của cuộc thi lần thứ IV này có thể kể tới như “Người bác sĩ nơi rừng sâu núi thẳm” viết về bác sĩ Võ Thanh Dũng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yang Reh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), người “dám làm ngược lại thần linh” và đã khiến bà con dân bản tin vào y khoa.

Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, một “Nữ bác sĩ thép” đã cùng với đồng đội luôn sẵn sàng “lao ra biển” mỗi khi có người gọi cứu hộ, mặc dù trong những chuyến đi đầy hiểm nguy luôn canh cánh trong lòng nỗi lo lắng của người mẹ: ”Mình chết thì con mình sẽ ra sao?”.

"Bác sĩ của dân bản" Và Bá Tủa, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nhôn Mai, huyện biên giới Tương Dương (Nghệ An), người luôn lặn lội tìm đến người bệnh và bằng những hành động của mình chẳng những thuyết phục được dân làng mà còn thuyết phục được cả bố đẻ, vốn làm nghề thày cúng chữa bệnh bằng cách… đuổi ma.

 

Một tiết mục văn nghệ trong chương trình. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Trong phần giao lưu, các khán giả cùng lắng nghe tâm sự của “Đôi tay vàng của ngoại khoa Việt Nam”, GS.TS Trịnh Hồng Sơn (Bệnh viện Việt Đức), Phó Giám đốc Bệnh viện K Trần Văn Thuấn về những giây phút giành giật sự sống cho người bệnh cũng như những âu lo, trăn trở trong cuộc sống hằng ngày của người thầy thuốc.

Vì vậy, các giải thưởng của cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” đã được trao cho cả tác giả và nhân vật trong các bài viết như một sự tri ân các thầy thuốc với sự đồng cảm, chia sẻ, trân trọng.

Minh Khôi

490 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 800
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 800
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76828681