Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng và chọn ngày 27-7 hàng năm là ngày để nhân dân ta ghi nhớ công ơn và tỏ lòng “hiếu nghĩa bác ái”, yêu mến đối với thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Người căn dặn chúng ta “Thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu giúp đỡ họ”, phải “làm cho thương binh, gia đình liệt sĩ được yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động có ích cho xã hội”.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, năm nay Đảng, Nhà nước và nhân dân ta kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ với những chủ trương, biện pháp và hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ trên tất cả các mặt, với chất lượng, hiệu quả cao nhất.
Hơn nửa thế kỷ qua, quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể đã làm được nhiều việc tốt đối với công tác thương binh - liệt sĩ và chăm sóc người có công. Đảng và Nhà nước đã ban hành các Pháp lệnh phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Pháp lệnh về người có công với cách mạng… Các pháp lệnh này không chỉ ghi nhận công lao to lớn của Nhân dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, mà còn góp phần giải quyết những bất hợp lý, xử lý được nhiều vấn đề nảy sinh, cải thiện đáng kể đời sống của người có công. Phong trào toàn dân chăm sóc người có công đã phát triển thành những chương trình hành động với các mục tiêu, nội dung cụ thể, xác định rõ trách nhiệm và những đảm bảo cần thiết nên đã đem lại kết quả đáng kể và đã xuất hiện nhiều mô hình, nhiều hình thức chăm sóc gia đình liệt sĩ và người có công với nước. Trong đó, tiêu biểu là phong trào xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ đang phát triển sâu rộng ở các địa phương.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta và sự tiếp sức của cộng đồng xã hội đã tạo ra những điều kiện thuận lợi để các gia đình chính sách phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại, không cam chịu đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước. Đến nay, tất cả các địa phương không còn gia đình chính sách đói, số gia đình nghèo giảm rõ rệt.
Có thể nói, những năm qua, nhất là trong thời kỳ đổi mới đất nước, cùng với các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và chủ động hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước và toàn dân, toàn quân ta đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Các cấp, các ngành và tổ chức chính trị - xã hội trong cả nước đã đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” và nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội, tham gia thực hiện các chương trình tình nghĩa, góp phần đắc lực trong việc chăm sóc và giúp đỡ các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng nhằm từng bước ổn định, cải thiện đời sống và tham gia xây dựng quê hương giàu mạnh.
Tuy lượng vật chất đền đáp công ơn to lớn của những người đã vì nước quên thân không thể tương xứng, nhưng đã biểu thị tấm lòng biết ơn. Do vậy, dù còn một ít khiếm khuyết trong việc thực hiện chính sách đãi ngộ đối với những người và thân nhân có công với đất nước, song những việc làm được đã thể hiện nỗ lực to lớn của Đảng và Nhà nước ta trong điều kiện khó khăn chung của đất nước. Nhiều gia đình và cá nhân có những cống hiến, mất mát hy sinh trong chiến tranh cũng như thời kỳ hòa bình xây dựng đã chủ động vượt khó, không ỷ lại vào chính sách của Đảng, Nhà nước ta thật đáng ngợi ca.
Ngày nay vẫn còn rất nhiều tấm gương dũng cảm, sáng tạo vượt qua khó khăn, vượt qua thương tật để vươn lên trong cuộc sống của gia đình liệt sĩ và thương binh, góp phần động viên, cổ vũ toàn xã hội. Không phải chỉ vào ngày 27-7 hằng năm, mà mỗi ngày giữa đời thường, nêu những tấm gương anh dũng trong chiến đấu hay nghị lực kiên cường vượt qua số phận trở thành những bài học sống động cho mỗi chúng ta, đặc biệt là với thế hệ trẻ thì chắc chắn vô vàn tấm gương đó sẽ chuyển thành một nguồn nội lực. Do vậy, ngoài phong trào toàn dân chăm lo gia đình liệt sĩ và thương binh, các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp có thể vận động hình thành các câu lạc bộ thương binh, câu lạc bộ gia đình liệt sĩ hoặc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức sinh hoạt, gặp gỡ, giao lưu thường xuyên để phát huy nguồn nội lực quý báu đó. Chắc chắn toàn xã hội sẽ đồng tình ủng hộ. Công cuộc đổi mới của Đảng và nhân dân ta luôn luôn đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ chính sách kinh tế và chính sách xã hội. Ngày kỷ niệm 27-7 nhắc nhở chúng ta phải khuyến khích cộng đồng xã hội đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa phong trào đền ơn đáp nghĩa, thực hiện thật tốt chính sách xã hội.
Các thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình, độc lập tự do, ấm no hạnh phúc, luôn biết ơn những người đã mang lại niềm hạnh phúc cho họ. Quá khứ hào hùng của dân tộc luôn là bệ đỡ chỗ dựa tinh thần, vật chất cho hiện tại và tương lai. Thực hiện tốt chính sách đãi ngộ đối với những người có công với nước, những gia đình liệt sĩ, các thương binh đã hiến một phần xương máu vì độc lập tự do của dân tộc là trách nhiệm của toàn xã hội, toàn Đảng, toàn dân. Đó cũng là hành động thiết thực biểu thị thái độ trân trọng quá khứ, vì sự phát triển nhanh chóng bền vững của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 21. Điều ấy cũng chính là chúng ta đã biết tôn vinh những người có công với nước.
Để xứng đáng hơn với sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng và đáp ứng tình cảm, nguyện vọng của Nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thương binh, liệt sĩ và truyền thống của dân tộc. Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những hình thức phong phú, phù hợp với cơ chế và tình hình mới; chăm lo các gia đình chính sách và giải quyết khẩn trương những tồn đọng về chính sách sau các cuộc chiến tranh là yêu cầu chính trị - xã hội cấp bách không chỉ có ý nghĩa giáo dục mà còn góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, đảm bảo vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nguyễn Thanh Hoàng