Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và thân nhân của họ. Nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên đến nay, nhiều vấn đề vẫn còn vướng mắc và tồn đọng.
|
Những phần mộ liệt sỹ vô danh tại nghĩa trang Đường 9. |
Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 ở phường 4, thành phố Đông Hà, Quảng Trị trong dịp này, ngày nào cũng đón tiếp hàng ngàn du khách đến thắp hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đây là nơi yên nghỉ ngàn thu của hơn 1 vạn cán bộ, chiến sĩ bộ đội ta đã hy sinh trên các chiến trường Quảng Trị và đất bạn Lào trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Đây cũng là một địa chỉ đỏ, một điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ Việt Nam từ nhiều năm nay.
Với ông Hoàng Xuân Thành, quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ thì đến nghĩa trang Đường 9 lần này, ông vẫn linh tính và mong mỏi chú mình đã có mồ yên, mả đẹp; dù đã gần 50 năm, vẫn chưa có thông tin gì về phần mộ của người chú ruột là liệt sĩ Hoàng Văn Thịnh. Ông kể: “Tôi đi tìm chú ruột, ông hy sinh từ năm 1968, cũng chỉ nghe là nằm ở nghĩa trang Đường 9 hoặc Trường Sơn, cũng đã tìm bên nghĩa trang Trường Sơn rồi nhưng không thể tìm được, nhiều quá nên tìm không được. Sau khi hy sinh thì có giấy báo tử về địa phương ghi đang trên đường đi vào đánh chiến dịch miền Nam thì hy sinh”.
Bà Lương Thị Phương Tín ở Long Biên, Hà Nội, vợ liệt sỹ Đinh Thế Vinh năm nay đã 76 tuổi, nhưng lòng vẫn đau đáu không yên khi đã nhiều lần cùng con cháu lặn lội vào Nam để tìm mộ chồng hy sinh vào năm 1972 mà đến giờ vẫn chưa có kết quả. Bà cho biết, từ năm 1985, khi phát hiện có một phần mộ liệt sĩ tên là Đinh Thế Vinh tại nghĩa trang huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; nghĩ là chồng mình, nhưng ngày tháng năm sinh ghi trên bia mộ lại không trùng khớp nên bà muốn thử ADN để cho chắc chắn. Tuy nhiên, từ đó đến nay, bà phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi để làm thủ tục mà vẫn chưa được chấp thuận vì chỗ này đùn đẩy cho chỗ kia. Nguyện vọng cuối đời của bà chỉ là tìm cho được hài cốt của chồng đã hy sinh.
Cho đến nay, cả nước hiện vẫn còn khoảng 200 nghìn liệt sỹ chưa được quy tập về các nghĩa trang. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng vạn gia đình chưa tìm được phần mộ người thân hy sinh trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Cả nước hiện cũng còn gần 300 nghìn mộ liệt sỹ chưa xác định được tên đang yên nghỉ tại nhiều nghĩa trang lớn, nhỏ. Trong đó, nghĩa trang Đường 9 có hơn 10.600 mộ liệt sỹ thì chỉ có 30% mộ đầy đủ họ tên, năm sinh, quê quán; gần 10 % có tên nhưng không rõ địa chỉ; số còn lại khoảng trên 60% chưa xác định được tên. Chưa kể vẫn còn những người con đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhưng vì nhiều lý do khác nhau đến nay chưa được công nhận là liệt sỹ.
Không chỉ các gia đình liệt sĩ mong mỏi chờ người thân “trở về” với quê hương, gia đình, bản quán, mà sau chiến tranh vẫn còn rất nhiều trường hợp là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ cũng chưa được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước do vướng mắc thủ tục, giấy tờ.
Ông Phạm Ngọc Phan, ở thôn Vị Thủy, xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đi bộ đội trước năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông xuất ngũ trở về quê hương. Nhưng do mất giấy tờ gốc nên từ đó đến nay, vẫn chưa được công nhận là thương binh. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, thiếu tiền đi lại làm thủ tục để được xác nhận nên bây giờ ông chỉ mong ngành thương binh xã hội giải quyết một cách linh hoạt.“Tôi bị thương ở Hướng Hóa, Quảng Trị, khi tiếp tế đạn vào trận địa, đứng trên xe thì bị thương rồi lộn xuống dưới gãy cả xương vai. Bây giờ 2 xương vai ngày càng lệch. Trong giấy thương cũng ghi là tay có vết sẹo dài 8 phân, khâu 7 mũi. Đến bây giờ nói thật là tôi cũng không còn hy vọng gì nữa, bản thân thì bệnh cũng trầm trọng rồi”.
|
Ông Phạm Ngọc Phan, ở xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vẫn đang mòn mỏi chờ được công nhận là thương binh. |
Bà Nguyễn Thị Hậu, 65 tuổi, ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh cũng trong hoàn cảnh tương tự. Năm 1964, bà tham gia bộ đội hoạt động tại địa phương, năm 1968 bị Mỹ phục kích khi đang làm nhiệm vụ nên bà bị thương với một mảnh đạn trên đầu. Bà cho biết, hồi đó sau khi bị thương, bà được đồng đội chuyển ngay đến một phòng khám tư nên không có giấy tờ chứng thương. Sau khi hòa bình lập lại, giấy tờ của bà cũng thất lạc hết. Nhưng suốt nhiều năm nay, dù đã làm đầy đủ thủ tục theo yêu cầu để được xác nhận làn thương binh, trong đó có cả người cùng đơn vị làm chứng mà vẫn chưa được giải quyết.
|
Bà Nguyễn Thị Hậu, ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa được công nhận là thương binh vì đã mất hết giấy tờ. |
Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2016, cả nước vẫn còn gần 5.900 hồ sơ thương binh, liệt sỹ và người hưởng chế độ như thương binh chưa được công nhận, nên họ chưa được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên, phần lớn số hồ sơ tồn đọng này là do thiếu giấy tờ, thủ tục theo qui định; nên đến ngày 30/6 vừa qua, cả nước mới giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng này chỉ được 1/3 ./.
Hà Nam - Việt Hà - Lưu Huyền/VOV - Trung tâm tin