Số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các chỉ số kinh tế về cơ bản đều duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước.
Duy trì mức tăng trưởng khá
|
Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá (Ảnh: HNV) |
Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào thu hoạch lúa mùa và lúa thu đông trên cả nước; gieo trồng các loại cây màu vụ đông tại các địa phương phía Bắc. Chăn nuôi bò và gia cầm phát triển tốt, dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương được kiểm soát, tuy nhiên do tổng đàn lợn giảm dẫn đến thiếu hụt nguồn cung gây nên tình trạng tăng giá. Sản xuất thủy sản tiếp tục giữ được đà tăng trưởng về sản lượng nuôi trồng.
Thời tiết thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển nên năng suất lúa mùa, lúa thu đông và lúa đông xuân sớm đều khá.
Tính đến trung tuần tháng 11, cả nước gieo trồng được 94,2 nghìn ha ngô, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm trước; 20,4 nghìn ha khoai lang và 5,3 nghìn ha đậu tương, tương đương cùng kỳ năm trước; 7,3 nghìn ha lạc, bằng 98%; 142,8 nghìn ha rau các loại, bằng 105,5%. Đến thời điểm này, thời tiết diễn biến thuận lợi, sâu bệnh ít xuất hiện, các loại cây vụ đông đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển tốt.
Trong tháng, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 32 nghìn ha. Tính chung 11 tháng, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 238,7 nghìn ha.
Cùng tháng 11, sản lượng thủy sản cả nước ước tính đạt 763,8 nghìn tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 456,9 nghìn tấn, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng thủy sản khai thác tháng 11 ước tính đạt 306,9 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 11 tháng năm 2019, sản lượng thủy sản ước tính đạt 7.473,7 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ 2018.
|
Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu tăng chậm lại (Ảnh: PV) |
Sản xuất công nghiệp tháng 11 có dấu hiệu tăng chậm lại với mức tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2018, thấp nhất kể từ đầu năm 2019 do sụt giảm của ngành khai khoáng và sự giảm tốc của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng, sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng khá 9,3%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11/2019 ước tính giảm 1,6% so với tháng 10, tuy nhiên tính chung 11 tháng năm 2019, IIP ước tính tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/11/2019 tăng 1,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,7% so với cùng thời điểm 2018…
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 đạt mức cao, với gần 12,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,4% so với cùng kỳ 2018. Tính chung 11 tháng, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 163,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,8%. Đáng chú ý là vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt mức khá cao với 12,4 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong tháng 11/2019, cả nước có 12.265 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 139,9 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 112,5 nghìn lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,4 tỷ đồng. Trong tháng, cả nước còn có 3.326 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Tính chung 11 tháng năm 2019, cả nước có 126,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.574,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.137,1 nghìn lao động, tăng 4,5% về số doanh nghiệp, tăng 27,5% về vốn đăng ký và tăng 11,8% về số lao động so với cùng kỳ 2018. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng đạt 12,4 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ 2018.
Bên cạnh đó, còn có 36,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2019 lên 163,6 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/11/2019 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng ước tính đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ 2018.
Trong 11 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án đạt 10.333,5 triệu USD, chiếm 70,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.439,1 triệu USD, chiếm 9,8%; các ngành còn lại đạt 2.907,5 triệu USD, chiếm 19,8%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 11 tháng đạt 15.438,7 triệu USD, chiếm 75,1% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 1.415,9 triệu USD, chiếm 6,9%; các ngành còn lại đạt 3.698,9 triệu USD, chiếm 18%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6.122,5 triệu USD, chiếm 54,5% tổng giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.898,4 triệu USD, chiếm 16,9%; các ngành còn lại đạt 3.220,7 triệu USD, chiếm 28,6%.
Trong số 76 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 2.913,6 triệu USD, chiếm 19,8% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 11 tháng năm nay có 148 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 353,8 triệu USD; có 29 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 105 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 11 tháng năm 2019 đạt 458,8 triệu USD. Trong 11 tháng có 31 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Ô-xtrây-li-a là nước dẫn đầu với 141,3 triệu USD.
Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng ước tính xuất siêu 9,1 tỷ USD
|
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động vẫn tiếp tục tăng (Ảnh minh họa) |
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2019 ước tính đạt 473,73 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ 2018. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng ước tính xuất siêu 9,1 tỷ USD.
Về kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 10/2019 đạt 24.233 triệu USD, cao hơn 1.833 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11/2019 ước tính đạt 22,6 tỷ USD, giảm 6,7% so với tháng 10/2019.
Tính chung 11 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 11 tháng năm 2019 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,6%), trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 48,7 tỷ USD; tiếp đến là các mặt hàng: điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt may; giày dép…
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 11 tháng năm 2019, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ 2019.
Về kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 10/2019 đạt 22.373 triệu USD, thấp hơn 127 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 11/2019 ước tính đạt 22,5 tỷ USD, tăng 0,6% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 232,31 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 11 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Chỉ còn một tháng nữa là hết năm 2019, với những tín hiệu tích cực qua các con số thống kê ở trên, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng ở khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đã đặt chỉ tiêu cho kinh tế cả nước trong năm qua.