Xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận mức tăng trưởng cao (Ảnh minh họa: KL)

Tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt trên 1%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sang quý II/2020, ngành nông nghiệp đã lấy lại tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất quý II toàn ngành tăng 2,19%. Sáu tháng đầu năm, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt trên 1%.

Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp ghi nhận đạt được những kết quả nhất định. Trên lĩnh vực trồng trọt, Vụ Đông Xuân (nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long) diễn ra trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm, mức độ gay gắt hơn, vượt mức lịch sử năm 2015 - 2016...song với việc dự báo sớm, chủ động ứng phó, điều chỉnh thời vụ sớm hơn từ 10-30 ngày, vận hành hệ thống thủy nông để ngăn mặn, giữ ngọt... nên lúa ít bị nhiễm sâu bệnh, cho năng suất cao.

Đến hết tháng 6, cả nước gieo cấy được 4,7 triệu ha lúa, sản lượng ước đạt 22,4 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân, chế biến, thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu với khối lượng khoảng 3,5 triệu tấn (tăng 4,4%). Giá xuất khẩu tăng gần 13%, giá trị xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ USD (tăng 17,9%) so với cùng kỳ năm 2019.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, sáu tháng đầu năm, chăn nuôi bò và gia cầm tiếp tục tăng trưởng khá mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung cả nước, đàn bò tăng khoảng 3,4%. Đàn gia cầm phát triển tốt với mức tăng khoảng 7,4%. Đàn lợn với tốc độ tăng đàn ở các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lớn nhanh, trong khi ở khu vực hộ chăn nuôi còn chậm.

Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,81 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,94 tỷ USD, giảm 2,7%; thủy sản ước đạt 3,56 tỷ USD, giảm 8,6%; lâm sản chính ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 2,7%. Các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 190  triệu USD, giảm 19,4%. Thặng dư thương mại 4,5 tỷ USD, tăng 339 triệu USD.

Về triển khai nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đến tháng 6/2020, cả nước có 5.177 xã (58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 371 xã so với cuối năm 2019); 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 127/664 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 2 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2020 là rất lớn. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm và cả năm 2020 như kịch bản đã đề ra, cần có sự tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, về phía Bộ, cần có những biện pháp chỉ đạo điều hành kịp thời, linh hoạt, thúc đẩy phát triển những lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng để bù cho những lĩnh vực chưa đạt. Theo đó, tăng trưởng toàn ngành phấn đấu đạt 2,5 - 3%.

Để đạt được mục tiêu đề ra, trên lĩnh vực trồng trọt, Bộ NN&PTNT sẽ điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, cây trồng, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại do diễn biến bất thường của thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn. Nghiên cứu thị trường và chỉ đạo các địa phương, nơi có điều kiện để tăng diện tích sản xuất rau, cây ngắn ngày; chăm sóc cây ăn quả để đạt sản lượng và chất lượng tốt phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Về chăn nuôi, tiếp tục kiểm soát chặt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để tái phát dịch tả lợn châu Phi; đẩy nhanh quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn, ổn định giá thịt lợn trong nước. Đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn phù hợp, bảo đảm lợi ích người chăn nuôi và người tiêu dùng; hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn đầu tư khôi phục chăn nuôi lợn.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng, tập trung trồng và chăm sóc rừng. Nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị từng loại rừng, hiệu quả kinh tế rừng trồng. Phát triển mạnh các loại lâm đặc sản có giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt là nâng cao chất lượng thu thập, phân tích thông tin, dự báo thị trường trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, đặc biệt là các thị trường trọng điểm. Kịp thời cảnh báo và tháo gỡ rào cản, vấn đề phát sinh khi xuất khẩu nông sản. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm sạch, an toàn; phát triển thị trường xuất khẩu; phát triển mạnh các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn./.

 

 
BT