|
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là vấn đề rất được quan tâm. Ảnh minh họa |
Khu vực Đông Nam Á và Đông Á trong đó có Việt Nam đang trải qua thời kỳ già hóa dân số với tốc độ nhanh chưa từng thấy từ trước tới nay. Năm 2011, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số và Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Già hóa nhanh ở Việt Nam là do tuổi thọ bình quân của người Việt đang tăng lên nhanh chóng (đạt gần 73,5 tuổi, cao hơn mức trung bình của thế giới và xếp thứ ba tại Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Brunei); trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất tử lại giảm mạnh.
Điều này đặt ra những thách thức đặc biệt trong lĩnh vực tham gia xã hội và việc làm. Đây là vấn đề cần được cân nhắc kỹ và nhìn nhận dưới mọi khía cạnh nhằm tìm ra các giải pháp hữu ích để giải quyết các thách thức.
TS. Giang Thanh Long, Viện Chính sách Công, trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã nêu quan điểm cụ thể về vấn đề già hóa dân số ở châu Á: cơ hội và thách thức. Trong đó đề cập tới các số liệu chi tiết về già hóa dân số tại châu Á và Việt Nam, những cơ hội và thách thức về thị trường lao động, việc làm, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dài hạn...
Đồng thời, nêu các dẫn chứng cụ thể về hệ quả kinh tế xã hội và sức khỏe của việc nâng tuổi hưu với lao động nam và nữ; việc sử dụng thời gian của người cao tuổi trong các công việc gia đình; trầm cảm, cô đơn tuổi già - các hệ lụy kinh tế - xã hội và sức khỏe; sự khác biệt giới về sức khỏe và việc sử dụng các dịch vụ y tế; các nhu cầu không được đáp ứng, nguồn nhân lực và vấn đề tài chính trong chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi…
Thu Cúc