Toàn xã hội tham gia “Phát triển hệ tri thức Việt số hoá” 

(Chinhphu.vn) - Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá”, chiều 17/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh Đề án chỉ có thể thành công với sự tham gia của toàn xã hội.

Điểm đặc biệt của Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá” là đã được triển khai thực tế, khởi động từ ngày 1/1/2018, có một số kết quả bước đầu rồi mới thành lập Ban Chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu một số khó khăn không nhỏ trong triển khai “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá” bởi trước đó đã có nhiều đề án, chương trình về công nghệ thông tin nhưng không được như kỳ vọng. Quy mô đề án rất lớn với sự tham gia của Nhà nước, DN, các tổ chức, từng người dân, cùng mục tiêu Việt hoá tri thức ở mọi lĩnh vực. Trong khi nguồn kinh phí, nguồn lực chủ yếu huy động từ DN, các tổ chức, cá nhân.

“Do vậy, chúng ta cần khơi dậy quyết tâm, lan toả niềm đam mê khoa học và công nghệ, khát vọng sáng tạo, cống hiến của toàn xã hội cùng cách làm đúng, tổ chức khoa học, hợp lý. Thực hiện đề án sẽ góp phần tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo… với một cách làm hoàn toàn mới”, Phó Thủ tướng nói.

Đến nay “Hệ tri thức Việt số hoá” đã có 10.295 bộ dữ liệu mở của các bộ ngành được đưa lên; đã có 3,5 triệu câu hỏi và trả lời; 3.177 bài viết trên “cây tri thức”; 7 ứng dụng…

Bên cạnh đó, 15 bộ, ngành đã xác định các dữ liệu có thể đưa lên Hệ tri thức. Đơn cử, Bộ Y tế đã đưa lên 8 Gb dữ liệu, Bộ Giáo dục và Đào tạo 2 Tb dữ liệu, Đại học Quốc gia Hà Nội đóng góp 10.068 bộ dữ liệu, trên 15.000 bài viết hỏi đáp và sắp tới là 15.000 bài viết tiếp theo.

Một số DN đã phối hợp đưa lên Hệ tri thức các bộ sách điện tử, hỗ trợ thu thập và chuyển đổi dữ liệu, Việt hoá các bộ bách khoa toàn thư nổi tiếng thế giới, kết nối các mạng xã hội, diễn đàn CNTT, các chuyên gia…

Những khó khăn được thành viên ban chỉ đạo thảo luận là vấn đề bản quyền tác giả đối với các bộ dữ liệu; xác định ranh giới giữa dữ liệu nên đóng góp và dữ liệu riêng của tổ chức; nguồn lực để đưa dữ liệu lên hệ thống; động lực tạo sự gắn bó, đóng góp tích cực của các đơn vị, cá nhân đối với Hệ tri thức…

GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết giải quyết vấn đề bản quyền sẽ giúp các nhà khoa học không còn e ngại khi đóng góp các tài liệu, tri thức khoa học.

“Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiếp nhận rất nhiều tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học cao tuổi mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì. Đây là nguồn dữ liệu rất quý mà chúng ta cần quan tâm, thu thập trong thời gian tới”, ông Đức nói.

Liên quan đến việc một số DN chậm tiến độ trong việc kết nối và đưa dữ liệu lên hệ thống do phải thoả thuận về việc sử dụng dữ liệu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng DN cần chủ động xử lý những vướng mắc khó khăn gặp phải thay vì chờ đợi Ban Chỉ đạo.

Ảnh: VGP/Đình Nam

Đánh giá cao những nỗ lực, sự tham gia tích cực của các thành viên Ban Chỉ đạo, DN, tổ chức, cá nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu những “đầu việc” hết sức cụ thể để triển khai trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng yêu cầu các DN viễn thông lớn như VNPT, Mobifone, Viettel chủ động, tích cực tham gia phát triển, kết nối cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đề án.

Các bộ ngành, địa phương phải đi đầu trong việc đưa lên các bộ dữ liệu mở, sắp xếp lại để khai thác hiệu quả những dữ liệu vốn “đang được lưu trữ rời rạc ở các vụ, cục, thậm chí từng cá nhân”.

Tăng cường tiếp cận với các bộ ngành có nhiều dữ liệu liên quan trực tiếp đến đời sống người dân như Bộ GD&ĐT, Y tế, Tài nguyên và Môi trường… để công khai các thông tin, dữ liệu nhằm giúp người dân tiếp cận, sử dụng các dữ liệu đó phục vụ cho giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, sản xuất kinh doanh…

Phó Thủ tướng đề nghị đôn đốc 31 tổ chức đã ký cam kết đóng góp dữ liệu trong lễ khởi động “Hệ tri thức Việt số hoá”.

Các bộ Thông tin và Truyền thông, Y tế, GD&ĐT, LĐTB&XH, VHTT&DL và các bộ ngành, địa phương cần ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các đơn vị trực thuộc, DN, cơ sở giáo dục… khẩn trương đưa các nguồn dữ liệu lên hệ thống.

Trong thời gian tới, Văn phòng Chính phủ theo dõi, phối hợp chặt chẽ với Ban điều hành đề án để đôn đốc hoạt động này.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, đối với giáo dục đại học, giáo dục phổ thông việc xây dựng kho học liệu mở với những giáo trình, bài giảng điện tử sẽ tác động rất tốt tới chất lượng giáo dục khi các cơ sở giáo dục, giáo viên được tiếp cận với những học liệu có chất lượng.

Liên quan đến nguồn tài liệu tại các thư viện, bảo tàng cũng như tại hai viện hàn lâm khoa học phải khẩn trương số hoá, đưa toàn bộ lên hệ thống.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp tham gia Ban Chỉ đạo để đóng góp các chương trình về phổ biến kiến thức trong nông nghiệp, khuyến nông; cơ sở dữ liệu pháp luật, trợ giúp pháp lý.

Đóng vai trò một vai trò quan trọng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ huy động các đoàn viên tham gia thực hiện đề án. Trước mắt là triển khai Việt hoá tri thức nước ngoài; dịch và hoàn thiện các bộ bách khoa toàn thư tiếng nước ngoài; đặt câu hỏi và trả lời; phát động các cuộc thi kiến thức…

Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, bên cạnh việc đóng góp dữ liệu từ các hội thành viên, cần kêu gọi các nhà khoa học, chuyên gia thẩm định tính chính xác thông tin.

Nhấn mạnh đề án chỉ có thể thành công với sự chung tay góp sức của toàn xã hội, Phó Thủ tướng đã giao Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC phối hợp với Ban điều hành đề án để hỗ trợ quản trị truyền thông, quảng bá tới công chúng cũng như tổ chức các cuộc thi kiến thức về khoa học, giáo dục, giải trí, văn hoá…

Đình Nam

581 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1429
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1429
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87112648