Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: TA)

Ngày 25/6, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội thảo “MTTQ Việt Nam với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em – thực trạng và giải pháp”.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá: Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể…luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đưa công tác trẻ em vào chương trình công tác, kế hoạch hành động nhằm tạo cho trẻ em được phát triển toàn toàn diện, đảm bảo cho các em được hưởng các quyền cơ bản như học tập, chăm sóc sức khoẻ, vui chơi giải trí, có môi trường sống an toàn, lành mạnh, nhất là luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để các em được sống, được hòa nhập và phát triển.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Đặc biệt những bức xúc trong xã hội về tình trạng bạo lực, bạo hành và xâm hại trẻ em trong thời gian qua là hồi chuông báo động, kêu gọi sự đặc biệt quan tâm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ của toàn xã hội.

Nêu thực trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam thông tin: Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trong 2 năm 2017-2018 và 3 tháng đầu năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 3.449 vụ xâm hại trẻ em với 3.546 trẻ em bị xâm hại. Đặt trong bối cảnh thế giới và khu vực, trong số 75 quốc gia được thống kê, Việt Nam xếp thứ 49.

Ông Đặng Hoa Nam cảnh báo, tuy số lượng vụ việc xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý có giảm nhưng không nhiều, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, do nhiều loại đối tượng gây ra, trong đó phần lớn là người quen, họ hàng, hàng xóm, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài và có cả trường hợp xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Nhiều vụ việc gia đình không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng, vì sợ ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Cụ thể, từ góc nhìn của Hội đồng tư vấn, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật Đỗ Duy Thường cho rằng, trong chương  trình hành động tháng 6 - tháng hành động vì trẻ em, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động phong trào “Toàn dân chăm sóc giáo dục, bảo vệ trẻ em”. Theo đó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp từ Trung ương đến cơ sở, khu dân cư, tuỳ theo tình hình, đặc điểm của địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ chủ động hoặc phối hợp với cơ quan Nhà nước, các tổ chức thành viên trong Mặt trận, tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em như tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quyền trẻ em. Vận động cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chính sách đối với trẻ em nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hoà phát biểu tại hội thảo. (Ảnh:TA)

Để công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ hiệu quả hơn, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hoà đề nghị Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về trẻ em, tăng cường xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em. Đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục đặc biệt cho các bậc cha mẹ nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ trẻ em. Cùng với đó Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nghiên cứu, xem xét, bổ sung nội dung bảo vệ trẻ em vào nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Các đại biểu đề xuất để tăng cường giám sát công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em. Hoàn thiện và thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo hành, xâm hại và can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục. Tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em bao gồm bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em, bố trí ngân sách địa phương để thiết lập, triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, thành lập nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã.

Đánh giá cao đề xuất, kiến nghị của các đại biểu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, Mặt trận tiếp thu đầy đủ nhằm bổ sung vào chương trình hành động trong thời gian tới. Mặt trận cố gắng thể hiện rõ trách nhiệm trong công tác phối hợp với các tổ chức thành viên để triển khai các hoạt động thiết thực hơn nữa trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đặc biệt là việc tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em, trách nhiệm MTTQ, các tổ chức thành viên về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đến được tới từng khu dân cư, phát huy trách nhiệm của Ban công tác Mặt trận - cánh tay nối dài của Mặt trận trong công tác này…./.

Trung Anh