Toàn cảnh chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nửa đầu năm 

(Chinhphu.vn) – Nhằm giải quyết hài hòa cả mục tiêu trước mắt và lâu dài, trong 6 tháng đầu năm, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã xử lý một khối lượng công việc vô cùng lớn với gần 1.500 phiếu trình, 9.388 văn bản chỉ đạo, điều hành, hơn 13.000 nhiệm vụ giao các bộ ngành, địa phương...

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đang diễn ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2017.

Xử lý hài hòa mục tiêu trước mắt và lâu dài

“Với sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, quyết tâm với tinh thần trách nhiệm cao nhất, năng động sáng tạo, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo xử lý, giải quyết hài hòa cả mục tiêu trước mắt và chủ động triển khai thực hiện các mục tiêu trung và dài hạn.

Tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề trọng tâm, thúc đẩy tăng trưởng theo mục tiêu đề ra; kịp thời xử lý, quyết liệt tháo gỡ nhiều vấn đề phát sinh, gây bức xúc dư luận và những vấn đề tồn tại, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã xem xét, xử lý gần 1.500 phiếu trình giải quyết công việc; ký ban hành 35 nghị quyết, 73 nghị định; 21 quyết định quy phạm pháp luật; 868 quyết định cá biệt và 9.388 văn bản chỉ đạo, điều hành khác, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện 75 chuyến công tác, làm việc với địa phương, cơ sở, trực tiếp thị sát tình hình, giải quyết gần 355 kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 14 Hội nghị toàn quốc, hơn 500 cuộc họp để trực tiếp lắng nghe, chỉ đạo xử lý, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực.

“Đặc biệt là việc dành thời gian thỏa đáng để trao đổi, trực tiếp lắng nghe ý kiến góp ý, kiến nghị của nhân dân và doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, những vấn đề bức xúc dư luận xã hội quan tâm.. đã thể hiện thể hiện tinh thần lắng nghe, xây dựng nền hành chính phục vụ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

Các đề án, báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuẩn bị đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số đề án các bộ, cơ quan, địa phương phải trình theo Chương trình công tác là 200 đề án; tính đến ngày 30/6, các Bộ, cơ quan đã trình 123 đề án, đạt 61,5% kế hoạch.

Phát huy vai trò Tổ công tác của Thủ tướng, việc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương chuyển biến tích cực. Trong tổng số 13.054 nhiệm vụ được giao từ đầu năm tới nay, có  6.987 nhiệm vụ đã hoàn thành, 6.067 nhiệm vụ chưa hoàn thành (gồm 5.863 nhiệm vụ trong hạn và 204 nhiệm vụ quá hạn).

Như vậy, số nhiệm vụ quá hạn giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm trước, số nhiệm vụ quá hạn chỉ chiếm 2,8%, giảm 22,2% so với trước thời điểm Tổ công tác được thành lập.

Sẽ sửa đổi 30 nghị định để gỡ khó cho sản xuất kinh doanh

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát gắn với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm 2017 theo mục tiêu đã được Quốc hội thông qua.

Chính phủ đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản tăng trưởng cho từng quý còn lại và cả năm 2017; thống nhất giao chỉ tiêu tăng trưởng cho từng khu vực kinh tế và một số ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế; đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì và tham dự chỉ đạo nhiều hội nghị chuyên đề về phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nền nông nghiệp thông minh; tham dự 19 hội nghị xúc tiến đầu tư tại một số địa phương…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xác định công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. Thực hiện rà soát tổng thể pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, nhà ở, các chính sách cụ thể cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Qua đó, bước đầu xác định khoảng 30 Nghị định phải sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia với mục tiêu bao quát, toàn diện hơn. Chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra công vụ, trước mắt là công tác tổ chức cán bộ…

Chính phủ quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước. Với 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, đã giao 189 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án.

Hiện các bộ, cơ quan đã hoàn thành 122 nhiệm vụ, các dự án đều có phương án và lộ trình để giảm nguy cơ mất vốn, gây thiệt hại cho nhà nước, xử lý theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, kiên quyết không dùng ngân sách nhà nước để bù lỗ, bước đầu tình hình sản xuất kinh doanh của một số dự án có chuyển biến tích cực.

Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ  đã chỉ đạo tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; tăng cường quản lý và thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại và tiến trình hội nhập quốc tế; xây dựng Chính phủ điện tử…

Đổi mới bằng việc làm cụ thể, đột phá

Tuy nhiên, Báo cáo cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành. Như công tác xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn chậm, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết triệt để.

Việc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ còn chưa nghiêm, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính còn lỏng lẻo, có trường hợp thành viên Chính phủ phát biểu trái với quyết nghị của Chính phủ. Công tác phối hợp xử lý công việc giữa các bộ, cơ quan còn rất chậm…

Một số bộ, ngành, địa phương còn để xảy ra sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, chưa chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ. Thể chế về công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ còn bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, nhất là năng lực phát hiện, chủ động tham mưu giải quyết vấn đề.

Về phương hướng chỉ đạo, điều hành những tháng cuối năm, các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra; quyết tâm hành động, bám sát mục tiêu, năng động, đổi mới sáng tạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội.

“Đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể, đột phá, mang lại hiệu quả thực chất. Đặc biệt chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm, chuyển động toàn hệ thống để chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả”, báo cáo nêu rõ.

Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện khung khổ pháp lý để đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán hết phần vốn nhà nước không cần nắm giữ. Xây dựng thí điểm các cơ chế, chính sách để linh hoạt xử lý, những vấn đề pháp luật chưa quy định cụ thể, kịp thời tháo gỡ những vấn đề đã được quy định những còn vướng mắc, làm cơ sở cho việc điều chỉnh hoặc ban hành cơ chế, chính sách mới phù hợp.

Phát huy vai trò giám sát, phản biện của các cơ quan báo chí; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, nhất là các đối tượng của chính sách tiếp cận thông tin, tham gia đối thoại làm rõ chính sách, tạo sự đồng thuận trong thực thi cơ chế, chính sách, pháp luật…

Hà Chính

1889 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 970
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 970
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87083858