Bộ trưởng trả lời rõ ràng, thẳng thắn, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực
Kết thúc phần chất vấn của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 59 ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn, 18 ĐBQH tranh luận với Bộ trưởng Trần Hồng Hà.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, phiên chất vấn của Quốc hội đối với nhóm vấn đề này cũng đúng vào Ngày Môi trường Thế giới nên dành được không ít sự quan tâm của đại biểu. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, tranh luận thẳng thắn theo đúng tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào những vấn đề quan tâm. Đây là lần thứ 2 trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, đất đai và môi trường là những vấn đề liên quan chặt chẽ, mật thiết tới đời sống nhân dân, gắn với sự phát triển bền vững của đất nước nên được các ĐBQH, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, công tác quản lý đất đai từng bước được triển khai chặt chẽ, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020 đã được các địa phương cơ bản hoàn thành; hoạt động kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực; đã xây dựng và triển khai kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đối khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; đang triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm, phòng chống biến đổi khí hậu cũng còn không ít tồn tại, hạn chế, bất cập như nhiều đại biểu đã chất vấn cần có các giải pháp thiết thực để tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới cả trước mắt và lâu dài.
Tăng cường kiểm tra, giám sát đất đai trên cả nước
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó, tập trung vào các vấn đề sau:
Một là, rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước, nhất là quỹ đất dùng cho mục đích công cộng ở các thành phố lớn; có biện pháp quản lý để hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai gây tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản; rà soát lại quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các dự án BT có liên quan đến đất đai, việc sử dụng đất công lãng phí; chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương quản lý đất ven sông, ven biển; xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai, nhất là người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý đất đai để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền; kiên quyết xử lý, thu hồi theo quy định của pháp luật đối với đất để hoang hóa, lãng phí, chậm đưa vào sử dụng;
Hai là, tiếp tục cải cách hành chính trong quản lý đất đai, khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử; nghiên cứu đổi mới các phương pháp định giá đất phù hợp với thực tiễn; tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, các tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài liên quan đến đất đai;
Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường
Ba là, tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; triển khai thực hiện các chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường nhất là tại các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; triển khai Quy hoạch xử lý rác thải, xây dựng và triển khai mô hình mẫu về xử lý rác thải, hướng dẫn người dân làm tốt công tác phân loại rác; theo dõi chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp, các khu công nghiệp lớn, khu công nghiệp ven sông, ven biển có nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường; rà soát, đánh giá hoạt động của các cụm công nghiệp ở các địa phương; giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát chất thải, nước thải ở các địa phương, nhất là các cụm khu công nghiệp, các làng nghề, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng về môi trường; quản lý chặt chẽ tài nguyên nước theo Luật tài nguyên nước.
Bốn là, làm tốt công tác đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường ngay từ khâu này; kiểm tra, giám sát việc đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường trong việc nhập khẩu, triển khai các dự án, rà soát, quản lý chặt việc nhập khẩu phế liệu, không nhập khẩu chất thải; đánh giá, phân loại nhà đầu tư, không triển khai các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, chú trọng thanh tra đột xuất các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm. Sớm xây dựng quy định giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
Nâng cao năng lực dự báo, chủ động ứng phó với thiên tai
Năm là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách về biến đổi khí hậu; xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường vai trò, vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương về biến đổi khí hậu, chủ động hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế, các quốc gia có liên quan để giải quyết tốt các vấn đề do biến đổi khí hậu đặt ra; triển khai có hiệu quả Nghị quyết 853 của UBTVQH về giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu ở Đồng bằng Sông Cửu Long; Quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông gây sạt lở; Xây dựng Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sáu là, tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách và các nguồn lực khác cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả; kiểm tra, giám sát, đánh giá kịp thời việc sử dụng các nguồn vốn trong và ngoài nước cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Ưu tiên bố trí và sử dụng hiệu quả kinh phí để triển khai thực hiện những dự án cấp thiết, đặc biệt là các dự án chống sạt lở bờ biển, bờ sông để tránh ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tính mạng và đời sống nhân dân.
|
Xử lý nghiêm sai phạm đất đai
Phát biểu giải trình thêm trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết tình trạng quản lý đất đai hiện còn nhiều bất cập như: Tình trạng mua bán đất trái phép diễn ra phức tạp ở Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn; xác định giá đất chưa sát thực tế; tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất công lãng phí, không đúng quy định; mua bán đất trái phép; chuyển đổi sử dụng đất sai quy định; đầu cơ đất đai;...
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, triển khai hoàn thiện pháp luật về sử dụng đất đai, quy hoạch; chú bố trí quỹ đất cho giao thông, không gian công cộng; tiến hành công khai thông tin quy hoạch sử dụng đất để người dân biết, giám sát; rà soát các dự án đã giao đất, cho thuê đất; kiên quyết thu hồi các dự án đã giao đất nhưng không thực hiện; kiểm tra tất cả các dự án giao đất ven biển; xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm đất; công khai, minh bạch, canh tranh giá đất các dự án; thực hiện đấu giá các khu đất vàng ở các địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến đất đai....
Đối với công tác ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện Nghị quyết đã ban hành, bên cạnh việc bố trí vốn ngân sách, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tham mưu xây dựng cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện tái cấu trúc các ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; xây dựng quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch toàn vùng làm cơ sở đầu tư phát triển...
Không thừa nhận, xử lý giao dịch “ngầm” về đất đai
Một nghịch lý diễn ra hiện nay là dự án đầu tư và phát triển dù đã đền bù giá cao hơn so với trước dự án thì vẫn phát sinh khiếu kiện; một tỷ lệ không nhỏ những tỷ phú, đại gia Việt Nam ra đời từ những dự án sử dụng đất để phát triển các công trình bất động sản; những vùng càng phát triển, giá đất càng tăng thì Chính phủ càng cần nhiều tiền để đền bù và người dân càng nảy sinh khiếu kiện. Nêu thực tế này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đặt câu hỏi: Chính sách đất đai của chúng ta, đặc biệt ở những vùng kinh tế có liên quan gì đến tình trạng trên và chúng ta có nên sử dụng chính sách ưu đãi nhà đầu tư bằng việc giao đất với giá thấp và miễn tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư hay không?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho rằng đây là một câu hỏi khó, liên quan đến vấn đề chính sách đất đai trong định giá đất đai. Hiện nay có 5 cơ quan định giá đất đai, nhưng vì tỷ giá đất đai rất biến động, chỉ cần chuyển từ trồng lúa sang quy hoạch đất phát triển bất động sản đã là hai vấn đề khác nhau.…
Bộ trưởng cũng mong đại biểu sẽ hỗ trợ cho Bộ TNMT trong vấn đề sửa đổi Luật Đất đai tới đây, trong đó có việc điều chỉnh chính sách đất đai, làm rõ cơ chế phân bổ nguồn lực đất đai trước và sau khi quy hoạch để tính toán thu trên đầu tư, chuyển đổi quy hoạch… và Nhà nước phải là người định đoạt vấn đề này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nêu quan điểm, phải chú ý đến người dân để họ cảm thấy được chia sẻ và có công sức đóng góp với mảng đất đó; đối với nhà đầu tư, họ cũng phải tính toán làm sao có lợi nhuận.
Bộ trưởng cũng khẳng định giải pháp đương nhiên, tốt nhất là đấu giá đất đai, nhưng trong nhiều điều kiện chưa đấu giá được, trong khi giá chưa dựa trên giá thị trường, để giải quyết theo cơ chế thị trường, thì trừ trường hợp vi phạm, “giao dịch ngầm” thì không thừa nhận và xử lý, còn đối với trường hợp đất sốt lên, tăng lên thì phải xử lý theo hướng một người được mua bao nhiêu đất, nếu mua nhiều hơn thì phải tăng giá lên hoặc là tính toán lộ trình sử dụng, nếu không sử dụng thì tăng thuế đất đai lên… Điều này phải sửa trong luật đất đai, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Xử lý môi trường ở Formosa - đại biểu yên tâm
Trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Văn Thưởng về việc có bảo đảm hoạt động của Nhà máy Formosa hay không? Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, đại biểu yên tâm vì đến nay, Formosa đã đi vào vận hành và thay đổi hoàn toàn phương pháp quản lý.
Trong đó, chúng ta yêu cầu đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung về công nghệ xử lý môi trường với công suất lớn hơn rất nhiều; công nghệ giám sát, kiểm soát môi trường trực tuyến.
Có 3 bước để đề phòng sự cố: Sự cố ngay tại nơi sản xuất, sự cố trong nhà máy và sự cố ngoài phạm vi nhà máy. Ngay hồ sinh học thì hoàn toàn có thể tái sử dụng nước.
Với cách làm như vậy, từ khâu xem xét đánh giá công nghệ đến giám sát kiểm tra yêu cầu chặt chẽ thì không có ngành nghề nào xảy ra sự cố nếu chúng ta làm tốt, Bộ trưởng khẳng định.
Phân loại rác ngay tại nguồn
Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về giải pháp biến rác thành một dạng tài nguyên, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Xét theo thực tế hiện nay thì chất thải rắn không thể chôn lấp được nữa, chúng ta cần phải có những giải pháp thay thế. Tuy nhiên khó khăn là do công nghệ hiện nay còn nhiều vấn đề nên việc xử lý chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới chúng ta phải xử lý rác thải ngay tại nguồn, tức là từ chính người dân.
Nếu chúng ta vận động được người dân phân loại rác ngay từ các hộ gia đình thì công tác thu gom, xử lý sẽ dễ dàng hơn, các công nghệ của những quốc gia tiến tiến khi vận hành ở Việt Nam sẽ phát huy hiệu quả cao hơn.
Ngoài ra, chúng ta có thể phân loại xử lý rác theo vùng. Chẳng hạn ở nông thôn, chúng ta có thể hướng dẫn người dân tận dụng nguồn rác thải hữu cơ để làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất. Đối với các loại khác, chúng ta có thể tái chế hoặc xử lý làm phân vô cơ. Đây là một ví dụ cho việc phân loại rác ngay từ nguồn.
Ngoài ra, chúng ra cần phải tính toán thế nào để tư nhân có thể tham gia vào quá trình xử lý rác. Đây là một nguồn lực rất lớn nhưng chúng ta chưa thu hút được.
Thí điểm xử lý đất xen kẹt
Trả lời chất vấn của đại biểu Phùng Văn Hùng về xử lý đất xen kẹt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, tình trạng đất xen kẹt thường xảy ra ở các đô thị, các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đồng ý cho UBND 2 thành phố này thí điểm trong việc giải quyết đất xen kẹt.
Quan điểm của Bộ là, nếu đất xen kẽ đủ lớn, quy hoạch để thực hiện các công trình công cộng phúc lợi xã hội thì Nhà nước sử dụng thành công trình phúc lợi xã hội.
Còn đối với đất có thể chuyển đổi thành trung tâm thương mại, phục vụ cho nguồn lực phát triển kinh tế, thì UBND các địa phương sẽ thực hiện quyền đấu giá để tạo nguồn vốn, nguồn lực từ quỹ đất này để phát triển các công trình thương mại dịch vụ.
Những mảnh đất xen kẹt chưa đủ lớn, trong trường hợp đó chúng ta sẽ xác định theo điểm, nếu liền kề hộ dân nào thì tạo điều kiện cho hộ dân đó chuyển sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở và phải chịu trách nhiệm về tài chính.
"Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến đại biểu là nếu địa phương không có nhu cầu sử dụng những mảnh đất xen kẹt đó thì chúng ta phải tạo điều kiện cho cá nhân chuyển đổi mục đích sử dụng, dĩ nhiên phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch sử xây dựng đô thị ở địa phương, ở vùng đó" – Bộ trưởng nói.
Quản lý quỹ đất đô thị chưa tốt
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) nêu vấn đề: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về quản lý sử dụng đất đai ở các đô thị hiện nay. Ví dụ, đô thị hiện nay rất thiếu chỗ đỗ xe, nhưng cứ đề xuất xây bãi đỗ xe thì trả lời là không có quỹ đất. Nhưng mới đây, Hà Nội tự rà soát thì phát hiện ra 499 bãi trông giữ xe trái phép. Hiện tại, hầu hết các trường học đều biến thành điểm trông giữ xe ngày và đêm. Bộ trưởng có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho rằng vai trò quản lý đất đô thị thuộc về UBND các tỉnh và thành phố. Liên quan đến từng cấp, kể cả cấp quận, cấp huyện, cấp phường, cấp xã. Trên thực tế, chúng ta có quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.…
Vấn đề đại biểu nêu liên quan đến khâu quản lý các quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất đã cấp cho các cơ quan sự nghiệp, các đơn vị sự nghiệp, các đơn vị quản lý nhà nước, đất của nhiều dự án.
Bộ trưởng thừa nhận hiện Hà Nội chỉ có 7% trong quỹ đất cho giao thông tĩnh và giao thông động. Rõ ràng nhu cầu về bãi đỗ xe của các đô thị là rất lớn, thời gian qua tuy đã bố trí quỹ đất làm các khu trông giữ xe nhưng do quản lý kém nên đã sử dụng không đúng mục đích.
Theo Bộ trưởng, trong ví dụ của đại biểu nêu có cả vấn đề về triển khai cụ thể hóa quy hoạch, có cả vấn đề hiện nay không sử dụng tốt quỹ đất chưa sử dụng, nhiều doanh nghiệp, dự án đang cho thuê làm bãi giữ xe, nếu cần thì chúng ta phải thu hồi để đáp ứng các yêu cầu đó. Đấy là công tác quản lý chưa đến nơi đến chốn.
Bộ trưởng cũng không đồng tình với việc các trường học, trường đại học... trở thành nơi giữ xe ngày đêm, điều này không đảm bảo an toàn môi trường và không đúng quy hoạch.
Trong thời gian nửa buổi chiều 4/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời 18 đại biểu Quốc hội chất vấn và 8 ý kiến tranh luận. Ngày mai Bộ trưởng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn, còn 47 đại biểu đang chờ đăng ký chất vấn.
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết có 66 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu hỏi nhanh, Bộ trưởng đáp gọn, mỗi đại biểu chỉ tranh luận không quá 2 lần để nhiều ĐBQH được đặt câu hỏi chất vấn.
Kiểm soát chặt nguồn thải
Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên); Lê Công Định (Long An); Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn về giải pháp trước mắt và lâu dài xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước; triển khai các giải pháp huy động các nguồn lực để ứng phó biến đổi khí hậu ĐBSCL;...
Bộ trưởng cho biết, ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm các lưu vực sông là một tình trạng cần khắc phục. Về phía Bộ, đã cố gắng kiểm soát chặt các nguồn thải. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa thu gom được nước thải, nước thải lẫn với nước mưa, khoảng 95% nước thải chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường, nhất là nước thải ở các làng nghề, các cụm công nghiệp... Về giải pháp và trách nhiệm, trước hết các địa phương phải chịu trách nhiệm và có cơ chế xử lý nguồn thải tại địa phương mình; đồng thời phải có sự đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội; từng bước để người dân tham gia vào lĩnh vực này...
Về vấn đề phòng chống xói lở bờ sông, nhất là khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng cho biết, hiện đã có đầy đủ cơ sở khoa học đánh giá nguyên nhân (do phù sa bị giữ ở các nước thượng nguồn; khai thác cát sỏi trái phép; quy hoạch, đầu tư các công trình thủy lợi,...), từ những nguyên nhân trên, cần có giải pháp quản lý chặt việc quản lý khai thác cát, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, quận huyện, phường xã; đồng thời có quy hoạch tổng thể xây dựng các công trình thủy lợi; tiến hành quy hoạch lại các khu dân cư để tránh những ảnh hưởng tiêu cực bởi quy luật dòng chảy (bên lở, bên bồi); xã hội hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời đấu tranh với các nước thượng nguồn sông Mê Kông, sông Hồng, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế để sử dụng bền vững nguồn nước chung các hệ thống sông...
|
Đến 2030 phải có công nghệ phát điện từ xử lý rác
Thừa nhận, hiện nay chúng ta chưa kiểm soát, giảm thiểu được tình hình ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước. Khẳng định, vấn đề rác thải là vấn đề hết sức bức xúc hiện nay, Bộ trưởng nhận trách nhiệm trên cương vị Bộ trưởng Bộ TN&MT.
Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng vấn đề này có liên quan đến nhiều bộ ngành như: Bộ Xây dựng thì chịu trách nhiệm về vấn đề quy hoạch, Bộ KH&CN giải quyết về vấn đề công nghệ. Do đó, các Bộ thống nhất đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược quản lý tổng hợp về xử lý chất thải trên quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu đặc biệt là chú trọng đến công nghệ xử lý rác có tính toán phù hợp của các điều kiện kinh tế của các đô thị.
Theo tính toán của Bộ TN&MT, đến năm 2030, Việt Nam phải có các nhà máy phát điện bằng cách sử dụng các công nghệ xử lý rác. Các công nghệ này hiện nay đang được kiểm chứng và đánh giá cho đầy đủ, tuy nhiên việc lựa chọn các mô hình của thế giới sẽ phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, sau khi được thẩm định qua Bộ KH&CN sẽ được công bố để các địa phương trong cả nước biết và thực hiện.
Giảm nguồn thải từ giao thông, xây dựng
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long); Nguyễn Anh Trí (Hà Nội); Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) chất vấn giải pháp xử lý tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường từ các khu công nghiệp; nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bên ngoài biên giới; thực trạng, giải pháp xử lý ô nhiễm bụi, không khí ở các thành phố lớn; quản lý thị trường đất đai tại 3 địa phương đang xây dựng đặc khu;...
Bộ trưởng cho biết, các khu, cụm công nghiệp chủ yếu do cấp huyện quản lý, do thiếu vốn nên về cơ bản không có hạ tầng, hoặc hạ tầng không kết nối; trong cụm công nghiệp lại bố trí dân cư ở,... dẫn tới tình trạng hình thành các khu dân cư ô nhiễm, chuyển ô nhiễm từ làng nghề ra các cụm công nghiệp... Bộ trưởng cho biết, tháng 5 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định về vấn đề này, trong đó có quy định trách nhiệm cụ thể của cấp tỉnh, cấp huyện... trong đảm bảo môi trường.
Về tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, Bộ trưởng thừa nhận tình trạng này là rất lớn, cần có giải pháp quan trắc, kiểm soát (dù chưa đến mức nghiêm trọng như 1 tổ chức đã công bố),... Bộ đã tham mưu Thủ tướng ban hành kế hoạch giám sát môi trường không khí, công bố công khai để nhân dân biết, giám sát, có giải pháp để giảm nguồn thải từ giao thông, xây dựng; khắc phục tình trạng đốt rơm rạ khi thu hoạch;...
Về nguy cơ ô nhiễm nguồn thải từ ngoài biên giới, hiện chúng ta đã xây dựng các trạm quan trắc để giám sát, kiểm soát, đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế để giám sát, xây dựng các kịch bản ứng phó...
|
Cần Nghị quyết đặc thù để quản lý đất đặc khu
Về tình hình thị trường đất đai tại một số địa phương xây dựng đặc khu đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề này liên quan đến tầm nhìn. Bởi theo quy luật thì khi nhìn thấy tiềm năng là người dân sẽ đổ xô vào đất đai, nhưng chúng ta chưa có giải pháp để ngăn chặn trước tình trạng này.
Vừa qua cũng đã có một số giải pháp mang tính chỉ thị hành chính để ngăn chặn, nhưng thực tế người dân đã có nhiều giao dịch “ngầm”.
Theo Bộ trưởng, từ 10 năm trước, đất đai ở khu vực làm sân bay Long Thành cũng xảy ra tình trạng tương tự mà dù chính quyền có dừng chứng nhận các giao dịch thì việc mua bán “ngầm” vẫn diễn ra. Vấn đề sốt đất là đương nhiên nhưng nghiêm trọng hơn là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất rừng, đất đặc dụng thành đất xây dựng, hệ quả khó lường. Nếu các giao dịch trái pháp luật thì khi đền bù, thu hồi đất cần phải áp dụng sao cho công bằng.
Do đó, về việc tạm dừng giao dịch như cách một số địa phương vừa làm, Bộ trưởng cho rằng việc ra chỉ thị không phù hợp với pháp luật hiện nay. Quốc hội cần ban hành Nghị quyết đặc thù để quản lý đất đai tại các đặc khu thì hiệu quả hơn.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các địa phương cần xem xét lại hồ sơ quản lý hiện trạng đất đai để có chính sách công bằng, kiên quyết xử lý để những người đầu cơ không được hưởng lợi từ những giao dịch đất đai vào thời điểm như vừa qua.
Theo dự kiến từ 15.10’ đến 17h chiều 4/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 2: Công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo. Tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp. Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).
Sáng 5/6, từ 8.00’ đến 10.25’, Bộ trưởng Bộ TN&MT và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ 2.
Về việc kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, Báo cáo của Bộ TN&MT gửi ĐBQH cho biết, trên cơ sở phân tích rõ tình hình, thực trạng cũng như các hoạt động đã triển khai, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế... trong thời gian tới Bộ sẽ đẩy mạnh phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới, đồng thời giảm các nguồn thải đang gây ô nhiễm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, có chính sách ưu đãi các nhà máy, khu công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến xử lý chất thải, tuần hoàn chất thải, giảm phát thải.
Đồng thời, Bộ tiếp tục tổng hợp, rà soát thông tin về xả thải của các cơ sở nhằm phân loại dự án, nguồn thải theo mức độ tác động, thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả, tiến tới kiểm toán chất thải. Hoàn thiện hệ thống quan trắc, quan trắc tự động tại cơ sở và môi trường xung quanh; đối với các dự án có nguy gây ô nhiễm môi trường cao, tăng cường các giải pháp phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường như hồ sự cố, hồ kiểm chứng…
Bên cạnh đó, Bộ cũng triển khai đề án kiểm soát đặc biệt với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao với mục tiêu kiểm soát, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường lớn.
Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Duy trì và phát triển đường dây nóng tiếp nhận thông tin về ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương. /.