Thông qua các hoạt động này đã không ngừng củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân gắn bó, nghĩa tình; lan tỏa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng đồng bào các dân tộc trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Đại tá Khuất Bá Cao, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 15 cho biết, với mục tiêu sắp xếp, ổn định dân cư làm “bà đỡ” cho đồng bào các dân tộc theo chủ trương: “Phát triển và mở rộng sản xuất đến đâu, xây dựng khu dân cư, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội đến đó”, Binh đoàn bố trí các đơn vị trực thuộc trên các địa bàn trọng yếu ở tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Trong đó, tỉnh Kon Tum tập trung tại các huyện: Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai. Theo đó, các đội sản xuất được bố trí ở các vị trí sát đường biên giới, xen kẽ với các thôn, làng trên địa bàn đứng chân, tạo dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Tìm hiểu được biết, gắn bó với dân, sát dân, lo cuộc sống cho dân là chủ trương nhất quán, xuyên suốt, trở thành truyền thống trong quá trình xây dựng và phát triển của Binh đoàn. Với phương châm: “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty, đoàn kinh tế - quốc phòng gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ gia đình người Kinh gắn với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, các đơn vị trực thuộc Binh đoàn đều tổ chức kết nghĩa với các xã, thôn, làng trên địa bàn đứng chân; thường xuyên hỗ trợ, giúp dân về kiến thức, kỹ thuật sản xuất... để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Binh đoàn ký kết quy chế phối hợp công tác với 5 huyện, thành phố của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum; các công ty, đơn vị trực thuộc tổ chức kết nghĩa với 271 thôn, làng trong nước, 4 xã thuộc tỉnh Rat-ta-na-ki-ri (Cam-pu-chia) và 6 bản thuộc tỉnh A-ta-pư (Lào).
|
Lãnh đạo Binh đoàn 15 vận động bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. |
Các mô hình giúp dân sáng tạo, thiết thực hướng đến đồng bào dân tộc thiểu số như: “Gắn kết hộ”, “Hũ gạo gắn kết”, “Vườn rau gắn kết”, “Giọt nước sạch”, “Thắp sáng đường quê”, “Bữa sáng đoàn kết”… được duy trì, nhân rộng, lan tỏa rộng rãi. Kết quả, từ năm 2007 đến nay, đã có trên 5.000 cặp hộ người Kinh và người Jrai, Bar Nah, Xơ Đăng… của tỉnh Gia Lai và Kon Tum được tổ chức thực hiện mô hình “Gắn kết hộ”. Hiện nay, các đơn vị đang triển khai nhân rộng, phát triển gắn kết giữa hộ gia đình công nhân cũ với hộ gia đình công nhân mới, giữa các hộ gia đình dân tộc thiểu số với nhau. Đây là một trong những mô hình dân vận rất thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình.
Từ kết quả đạt được, Binh đoàn tiếp tục đẩy mạnh các mô hình dân vận theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và bền vững; bảo đảm 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi Binh đoàn đứng chân đều được gắn kết bền vững, góp phần vun đắp, tăng cường đoàn kết, gắn bó giữa bộ đội với đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Công ty 732 (Binh đoàn 15) trao tặng nhà tình nghĩa và tặng quà cho gia đình khó khăn tại xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi. |
Theo Tư lệnh Binh đoàn, Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, Binh đoàn đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vừa phục vụ sản xuất, vừa phục vụ dân sinh và an ninh - quốc phòng như làm mới, sửa chữa trên 1.500 km đường giao thông liên thôn, liên xã, 400 km đường điện; xây dựng, tu sửa hàng trăm nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà rông văn hóa tại các thôn, làng, hàng ngàn nhà đồng đội, nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà mái ấm công đoàn, nhà nghĩa tình hội viên, nhà dự án di dân cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và các hộ gia đình chính sách, người có công, hộ gia đình đặc biệt khó khăn; hàng chục hồ, đập, hàng trăm giếng khoan; xây dựng 8 trường tiểu học, trung học cơ sở; 2 trường tiểu học, trung học nội trú; 11 trường mầm non, với 130 điểm trường; 325 nhóm lớp, gần 7.000 cháu, trong đó hơn 2.000 cháu là con em đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cấp, xây dựng 1 bệnh viện với 200 giường; 11 bệnh xá quân - dân y kết hợp. Hằng năm khám, chữa bệnh cho hơn 50.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, người lao động và nhân dân trên địa bàn đơn vị đứng chân.
Già làng Siu Deo ở làng Mooc Đen, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai chia sẻ: "So với trước đây, đời sống bà con trong làng, trong xã đã có nhiều đổi thay rất lớn; sản xuất phát triển, bà con có thu nhập cao hơn, có điều kiện chăm lo đời sống và việc học hành của con trẻ... Góp phần vào sự đổi thay đó, không thể không kể đến vai trò của những người lính Binh đoàn 15 với nhiều mô hình sản xuất và công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Bà con biết ơn bộ đội nhiều lắm".
|
Cán bộ Binh đoàn hướng dẫn kỹ thuật khai thác mủ cao su cho bà con dân tộc thiểu số. |
Binh đoàn tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ đó, hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở nơi Binh đoàn đứng chân ngày càng được củng cố, phát huy tốt vai trò, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Đến nay, Binh đoàn đã tạo nguồn, kết nạp được hơn 215 đảng viên là người dân tộc thiểu số; có 21 cán bộ đội sản xuất, 14 trưởng thôn, 9 bí thư chi bộ thôn là người dân tộc thiểu số.
Có thể khẳng định, những người lính trên mặt trận kinh tế - quốc phòng Binh đoàn 15 đã và đang viết tiếp truyền thống: “Kiên định mục tiêu, vượt mọi gian khó, gắn bó với dân, sáng tạo chuyên cần, đoàn kết quyết thắng”, góp phần tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng người dân Tây Nguyên./.