Tọa đàm về giảm chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển 

(Chinhphu.vn) – Vào 9h30 ngày 23/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển”.
Các vị khách mời tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo phản ánh từ phía doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, thuế phí đang là rào cản lớn nhất, hạ thấp cơ hội và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp “mãi không chịu lớn”. Nhằm phân tích rõ hơn về vấn đề này, đồng thời trao đổi, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc chi phí đầu vào cho doanh nghiệp tư nhân, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Toạ đàm trực tuyến “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển”.

Khách mời tham gia chương trình: Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; ông Ngô Văn Điểm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.

Địa điểm: Trụ sở Cổng TTĐT Chính phủ, số 16 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.

Bạn đọc có thể gửi câu hỏi về địa chỉ doithoai@chinhphu.vn hoặc liên hệ số điện thoại 080.48113.

Dưới đây là nội dung Tọa đàm:

Theo nghiên cứu “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới năm 2017, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản vẫn cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chịu chi phí nộp thuế cao trong khu vực ASEAN, ở mức 39,1% so với lợi nhuận và cao hơn 2 lần so với Singapore. Ngoài ra, chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines. Ông bình luận thế nào về những con số này, thưa Thứ trưởng Đặng Huy Đông?

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Tôi hy vọng những con số khảo sát này sai thì mừng cho cộng dồng doanh nghiệp nhưng nếu đúng thì đây là điều chúng ta hết sức lo ngại. Chúng ta nên nhìn nhận con số đó một cách khách quan, đúng sai và mức độ chính xác đến đâu không quan trọng; đó là một lời cảnh báo và đứng ở góc độ các cơ quan quản lý cơ chế chính sách cần suy nghĩ xem mình có thể làm tốt hơn ở chỗ nào một cách tích cực thay vì cố gắng bào chữa số này đúng số kia sai, số này chưa đúng, chưa chuẩn xác. Tôi cho rằng, từng đơn vị một, từng lĩnh vực một rà soát lại để tìm cái mà mình làm tốt hơn được cho cộng đồng doanh nghiệp, nhìn ở góc độ đấy tích cực hơn.

Ông Phan Đức Hiếu: Không phải bây giờ Ngân hàng Thế giới mới công bố những báo cáo như vậy, trong thời gian đầu cũng gặp rất nhiều phản ứng khác nhau không chỉ ở nước ta mà ở cả các nước khác trên thế giới. Tôi cho rằng bất kể phương pháp gì nó cũng không thể hoàn thiện được nhưng đây sẽ là một thực tế. Vì cách làm của Ngân hàng Thế giới là không dựa nhiều vào quy định pháp luật mà dựa vào thực tế, thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật.

Ví dụ, để thực hiện một thủ tục hành chính, luật có thể quy định 3 - 5 ngày nhưng trên thực tế  khi họ đo lường doanh nghiệp thì đi thực hiện một thủ tục hành chính có thể kéo dài từ 7 -10 ngày, thậm chí cao hơn. Khi đo lường như vậy, có những con số nên ghi nhận và coi đây là một thực tế, có thể không phải phổ biến, không phải chung cho tất cả nền kinh tế nhưng là một vấn đề cần giải quyết.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2017, có những khoản như chi phí của Việt Nam (ví dụ như chi phí tiếp cận điện năng) đang cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Tại sao có sự chênh lệch quá lớn như vậy? Áp lực từ thuế, phí đầu vào có phải đang là rào cản rất lớn, hạ thấp cơ hội và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp hiện nay?

Ông Ngô Văn Điểm: Chi phí đầu vào cao không những ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia mà nó ảnh hưởng đến khả năng cũng như năng lực kinh doanh của doanh nghiệp bởi chi phí cao thì lợi nhuận thấp, doanh nghiệp khó có khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh được. Đồng thời, chi phí cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người dân, do đó đời sống khó được cải thiện.

Chi phí điện năng là 1 trong 10 tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiết kiệm điện năng của nước ta vẫn ở mức trung bình thấp (98/190 nước). Điện năng là một trong những chỉ tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Rõ ràng, dù đã có những thay đổi tư duy từ thông điệp Chính phủ kiến tạo nhưng chi phí chính thức và không chính thức là 2 vấn đề lớn, tồn tại từ rất lâu, là gánh nặng của doanh nghiệp. Xin Thứ trưởng Đặng Huy Đông có thể phân tích rõ hơn về 2 loại chi phí này?

 

Ông Đặng Huy Đông: Tôi xin phép không đưa ra những con số số liệu cụ thể vì rất giàn trải, mất thời gian; vì nó ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi chỉ có thể nói rằng cả 2 loại chi phí này nếu không được kiểm soát thì sẽ đều không có lợi cho dân và cho doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu: Tôi đồng ý với quan điểm của Thứ trưởng. Về chi phí phi chính thức, chúng ta không có một con số chính xác là bao nhiêu và chúng ta cố gắng lượng hóa nó nhưng có những con số thông tin rất có ý nghĩa. Ví dụ, năm 2016 theo điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với câu hỏi “anh có phải trả chi phí phi chính thức hay không” thì hơn 60% doanh nghiệp được hỏi  trả lời là có.

Về chi phí chính thức, đôi khi xã hội nhìn con số rất trực quan, ví dụ như thuế, lệ phí. Cả 2 chi phí đó chỉ là một phần của chi phí chính thức trong một con số khổng lồ hơn. Một chi phí chính thức mà rất khó hình dung đó là chi phí về thời gian và chi phí về cơ hội và con số đấy như tôi suy nghĩ nó lớn hơn rất nhiều với con số chính thức. Ví dụ nếu thực hiện thủ tục hành chính mất 10 ngày và mỗi doanh nghiệp mất 1 người đi thực hiện thủ tục đó thì nhân ra tiền khoảng 200.000/ người/ ngày, vậy chi phí cho khoảng 500.000 doanh nghiệp cho 1 thủ tục hành chính lên đến hàng trăm tỷ. Vậy chi phí chính thức mà ít khi chúng ta lượng hóa được lại là một con số rất lớn.

Khi anh thực hiện 1 thủ tục hành chính, anh không biết được nó có thành công hay không nhưng như vậy là đã có thể mất đi cơ hội kinh doanh của một doanh nghiệp, mất đi cơ hội của một số lượng lao động nhất định.

 

Thưa Thứ trưởng Đặng Huy Đông, số lượng doanh nghiệp thành lập mới thời gian qua được xem là tín hiệu tích cực, tuy nhiên cũng nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa vì không cáng đáng nổi chi phí đã phải sớm giã từ thị trường, từ bỏ "giấc mơ khởi nghiệp". Vậy, xin ông cho biết, thời gian qua, cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm gì để giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí?

Ông Đặng Huy Đông: Việc doanh nghiệp gia nhập hay rút khỏi thị trường là một hoạt động hết sức bình thường. Không phải tất cả doanh nghiệp nào rút khỏi thị trường đều do không chịu được chi phí nhưng cũng có doanh nghiệp không chịu được chi phí nên họ rút ra. Không có ai có thể đảm bảo, không doanh nghiệp nào có thể đảm bảo doanh nghiệp nào ra đời cũng tồn tại được mãi mãi. Đây không phải lỗi tại cơ chế, chính sách.

“Chi phí không chính thức” từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là “tham nhũng vặt” nhưng hậu quả của nó thì cũng không kém tham nhũng lớn thậm chí kinh khủng hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để giải quyết tham nhũng vặt, phải giảm thiểu sự giao tiếp trực tiếp giữa con người với con người trong các hoạt động hành chính thực hiện tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Tôi muốn nói cụ thể hơn là chính sách rất mạnh mẽ của Chính phủ nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới là xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công thông qua trực tuyến, hồ sơ càng được xử lý thông qua mạng bao nhiêu thì càng giảm thiểu tham nhũng và chi phí phi chính thức bấy nhiêu. Đối với chi phí chính thức, có rất nhiều dư địa mà các cơ quan quản lý nhà nước có thể làm được.

Cả chi phí chính thức và phi chính thức, theo quan điểm của tôi phải làm rất mạnh mẽ, quyết liệt, phải đối thoại với nhau giữa các cơ quan nhà nước với nhau, không lảng tránh, vì lợi ích chung và chúng ta công khai hóa. Nêu vấn đề ra rồi nhưng nếu chúng ta không bàn đến giải pháp, giành đủ thời gian bàn ra giải pháp thì mọi thứ chúng ta cứ nêu ra để đấy.

Ông Ngô Văn Điểm: Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Thứ trưởng. Tôi muốn nói thêm, chúng ta phân định chi phí cho rõ, một là chi phí kinh doanh nói chúng, đó là các quy định của nhà nước tác động đến mọi doanh nghiệp như nhau, hai là chi phí của từng doanh nghiệp (DN). Việc các DN khởi nghiệp còn khó khăn thì phải xét trên chi phí của DN. Trên thực tế, con số được công bố chính thức thì cứ 3 DN ra đời thì có ít nhất 3 DN giải thể hoặc đóng cửa. Tại sao có con số đó, bởi các DN mới ra đời thì tiếp cận nguồn lực chi phí rất cao bởi hầu hết là DNNVV, khi anh tiếp cận đất đai giá nó lên mà anh lại gặp phải thị trường cạnh tranh không lành mạnh thì anh sẽ thuê đất rất khó, thuê văn phòng rất khó.

Thứ hai là ngân hàng, lãi suất tín chấp cao hơn vài phần trăm, cộng với các chi phí khác nữa thì DN càng khổ. Tiếp nữa, DN khảo sát thị trường không chính xác, sức mua chỉ khoảng 2.275 USD/người thì sức mua không thể lớn được. Nên DN khi khảo sát, nghĩ rằng mình làm ra sản phẩm được thị trường chấp nhận nhưng khi bước vào thực tế thì bị vỡ trận nên phải rút lui khỏi thị trường. Chi phí của DN thì hầu hết các DN đều nhập khẩu nguyên liệu, các thủ tục kiểm soát nhập khẩu nguyên liệu theo con số của Viện Quản lý kinh tế Trung ương đưa ra là 10.000 mặt hàng được kiểm soát về xuất nhập khẩu thì đã mất 14.300 tỷ đồng.

Tôi nghĩ rằng, không chỉ giảm chi phí mà còn cần giảm cả thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) đang rất phiền hà, làm nản lòng các DN, nhất là các DN mới ra đời. Bên cạnh nhập khẩu là vận tải, riêng đường QL1 có 40 trạm thu phí. Đối với xe con, đi qua hết 40 trạm này mất 1,3 triệu đồng tiền lệ phí, trong khi xe tải trọng lớn mất 10-20 lần tiền phí như vậy, rồi chi phí logistics nữa. Thêm nữa, một chi phí DN nào cũng vấp phải là điện năng, chiếm khoảng 10% tổng chi phí của DN, mà tư duy tiết kiệm điện năng lại không có nên càng tốn kém. Chi phí nữa mà các DNNVV mới ra đời đều phải cõng, đặc biệt là các DN làng nghề, hộ kinh doanh cá thể đó là chi phí môi trường. Bởi khi anh độc lập xử lý rác thải thì chi phí sẽ lớn hơn khi anh tập trung sản xuất tại các khu công nghiệp.

Chính vì vậy, các chi phí chính thức là các loại chi phí được nhà nước quy định một cách minh bạc, rõ ràng, còn thực hiện chưa chuẩn là việc khác. Chi phí không chính thức là một loại chi phí ngầm, chi phí ngoài luồng rất rắc rối, ở Việt Nam, con số này không hề thấp, dẫn đến cơ chế thị trường méo mó.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã đưa ra và triển khai nhiều giải pháp, theo đánh giá của mình thì ông nghĩ là những giải pháp đã đem lại hiệu quả và chuyển biến đến đâu?

Ông Phan Đức Hiếu: Thứ nhất, các giải pháp gần đây Chính phủ tập trung cắt giảm chi phí như chi phí, lệ phí, cắt giảm thời gian cũng như chi phí về các TTHC như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35. Rõ ràng, Chính phủ đã nhận diện được những vấn đề và đang thực hiện giải quyết các vấn đề đó. Nhưng nếu chúng ta nhìn nhận trên thực tế, thì những kết quả trong thời gian vừa rồi chúng ta đạt được như thế nào thì tôi cho rằng có mấy điểm rất đáng lưu ý như sau. Thứ nhất, so với mục tiêu đề ra, chúng ta chưa đạt được so với các Nghị quyết đã đề ra. Tác động trên thực tế qua cảm nhận của tôi cũng như qua đối thoại với cộng đồng DN thì tôi cho rằng tác động chưa nhiều, chưa đạt được kỳ vọng cũng như mong muốn của cộng đồng DN và các bên có liên quan. Các giải pháp của Chính phủ hiện nay là đúng nhưng kết quả thực hiện còn khá hạn chế.

Ông Đặng Huy Đông: Các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 trên thực tế có hiệu quả. Theo chỉ số đánh giá của Ngân hàng Thế giới thì có những chỉ số chúng ta nhảy đến 12 bậc so với năm trước. Hiệu quả đó đánh giá bằng chỉ số thu hút đầu tư thì chúng ta đều tăng lên, mức độ phát triển DN đều tăng, có nghĩa là môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta đã tốt hơn. Nhưng ý kiến của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là so sánh với các nước khác. Chúng ta tốt so với chúng ta, nhưng họ cũng đang thăng tiến, nên mục tiêu chúng ta từ nhóm ASEAN 6 trở thành nhóm ASEAN 4, nếu so sánh với thời điểm được tính thì có thể chúng ta đạt được rồi. Có nghĩa là cách đây 3 năm thì chúng ta bằng ASEAN 4 cách đây 4 năm.

Chúng ta đang trong tiến trình hội nhập toàn cầu mà chỉ so với bản thân thì càng ngày càng tụt hậu, không biết người ta đi đến đâu.

Theo báo cáo tại cuộc họp về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá xuất nhập khẩu ngày 21/8 vừa qua, hiện có 5.917 điều kiện kinh doanh của các bộ tại các cửa khẩu, 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, mỗi năm DN phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng để làm các thủ tục này. Tuy nhiên tình trạng kiểm tra nhiều, phát hiện vi phạm chẳng bao nhiêu. Có khó khăn gì trong cải cách mà lại để tình trạng này kéo dài, nên chăng phải rà soát cụ thể từng bộ ngành với từng thủ tục chứ không phải chung chung như hiện nay?

Ông Phan Đức Hiếu: Nếu chúng ta tính thời gian tuân thủ nhân với ngày công, con số là hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện các hoạt động tuân thủ các thủ tục. Thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, kết quả đã có nhưng chưa đạt so với kỳ vọng và so với tương quan kinh tế luôn biến động phát triển không ngừng  không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước xung quanh.

Hiện nay chúng ta đang giao cho các bộ, ngành tự rà soát toàn bộ lĩnh vực và tự rà soát từng thủ tục. Cách làm này là không hiệu quả, chính các bộ ngành là nơi sản sinh ra các sản phẩm đó, các cơ quan là những người xây dựng chính sách, thực thi chính sách, sau đó lại tự rà soát và cắt bỏ đi cái mà mình  vừa ban hành trước đó, điều này không hiệu quả.

Hiện nay chúng ta giao cho các bộ ngành tự rà soát mà không có chỉ tiêu rõ ràng, không có một cơ quan chịu trách nhiệm giám sát và có thẩm quyền quyết định kết quả rà soát đó.  Cách làm hiện nay không phù hợp và cần thay đổi, có cơ quan độc lập, kết quả cuối cùng trình lên Chính phủ hoặc Quốc hội

Ông Đặng Huy Đông: Chúng ta cần có phản biện trong việc ban hành các chính sách và phải luôn khách quan, khoa học, tôn trọng quyền quản lý của mỗi bộ, mỗi DN. Có điều quy trình để cho DN và người dân tuân thủ phải dễ hiểu.

Đơn cử như các nước đều có quản lý, đều có điều kiện kinh doanh, quy định pháp luật, DN và người dân phải tuân thủ. Ví dụ làm thủ tục xin thị thực mở một sản phẩm vào một quốc gia nào đó, họ đầy đủ và dài, nhưng cũng rất cụ thể. Quy trình thực hiện việc tuân thủ đó của doanh nghiệp còn quan trọng hơn nữa và giảm thiểu sự tùy tiện chủ quan của người quản lý

Trong quá trình rà soát phải trả lời một câu hỏi “nếu bỏ quy định đó đi thì thiệt hại cho nền kinh tế, cho xã hội là cái gì”. Nếu trả lời được sẽ có rủi ro như thế này thì phải tiếp tục trả lời câu thứ 2 “vậy có giải pháp nào để quản lý tốt hơn không”. Nếu không chỉ ra được giải pháp nào thì phải đưa ra các điều kiện về quản lý để cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện. Thứ ba, ngay cả hai câu hỏi kia đều cho câu trả lời bắt buộc phải ban hành thì cần giải quyết  vấn đề thứ ba, đó là khi ban hành chi phí quản lý có xứng đáng với chi phí lợi ích mang lại hay không? Để làm rà soát phải bám 3 câu hỏi trên đặt ra, nếu trả lời được ba câu hỏi đó cộng với việc làm rõ quy trình cho doanh nghiệp tuân thủ đối với cộng đồng doanh nghiệp nên tham gia thông qua các hiệp hội để phản ánh tiếng nói của mình và nhiệm vụ của các Hiệp hội nên tập chung nhiều hơn vào phản biện chính sách.

Ông Ngô Văn Điểm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tình trạng thủ tục chồng chéo cũng là nguyên nhân gây bức xúc, làm tăng chi phí cho DN. Hiện tỉ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra 2-3 lần chiếm 58%, trong đó 54% là kiểm tra 2 lần, còn lại 3 lần. Đây là tỉ lệ rất lớn. Điển hình như một mặt hàng chocolate cần 13 loại giấy phép, 12 nguyên liệu cần 12 loại giấy phép, cuối cùng phải xác nhận công bố thành phẩm. Phải làm gì để cải cách thực trạng này? Bao nhiêu phần trăm các loại giấy phép có thể cắt giảm, thưa ông?

Ông Phan Đức Hiếu: Với những rà soát sơ bộ, ít nhất từ 1/3-1/2 điều kiện kinh doanh nói chung có thể xem xét cắt bỏ. Ví dụ, chúng ta đặt ra các điều kiện kinh doanh là phải sở hữu chứ không được thuê máy móc, nhà kho hoặc nhà kho phải có công suất tối thiểu. Những quy định đó hạn chế sáng tạo, gia tăng chi phí. Cùng một quy mô, doanh nghiệp có những phương thức khác nhau, phù hợp theo cách nâng cao hiệu quả nhất. Chúng ta không hiểu theo cách tiêu cực bãi bỏ là bỏ hoàn toàn mà thay vào đó, Chính phủ có thể dùng biện pháp khuyến khích để doanh nghiệp tự xây dựng bộ tiêu chuẩn của mình, công bố áp dụng và Nhà nước theo dõi, giám sát sự tuân thủ.

Ông Đặng Huy Đông: Nhìn ở mức độ kiểm soát chặt chẽ như vậy, nhưng trên thực tế hàng giả hàng nhái ra thị trường rất nhiều. Vấn đề quan trọng hơn là quản lý giúp cho ai phát triển và siết ai? Các nước đều cam kết mở cửa thị trường nhưng có những hàng rào kỹ thuật cực kỳ thông minh và tinh vi mà không giảm chất lượng hàng hóa, giúp doanh nghiệp trong nước phát triển, còn doanh nghiệp nước ngoài vào cũng khó khăn. Đây là câu chuyện phải làm rõ. Đạo đức công chức, công quyền đã được nói tới nhưng cũng phải bàn về đạo đức doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp là sự sống còn của doanh nghiệp, cần phải cho sòng phẳng, đầy đủ.

Bản thân doanh nghiệp tư nhân cần phải có sự cố gắng ra sao, động thái như thế nào để phối hợp, hỗ trợ với cơ quan Nhà nước giải quyết bài toán chi phí, nhằm bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung?

Ông Ngô Văn Điểm: Từ đầu đến giờ chúng ta nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước nhưng chưa đề cập sâu đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trước hết, cộng đồng doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực sản xuất, trụ vững trên đôi chân của mình. Quyền kinh doanh là của tất cả doanh nghiệp và được nhà nước bảo hộ. Nhưng cơ hội chỉ giành cho ai có năng lực và do thị trường quyết định. Tôi nghĩ yếu tố thị trường chưa đầy đủ và sự buông lỏng quản lý nhà nước dẫn đến những tiêu cực và chất lượng sản xuất kinh doanh, hàng hóa. Chúng ta làm chặt tiền kiểm nhưng hậu kiểm dường như chưa được sát sao và gây ra mối băn khoăn về “thỏa thuận ngầm”. Văn hóa kinh doanh phải được đề cao thì mới tránh được phần nào sự phức tạp mà cơ chế thị trường mang lại. Cộng đồng doanh nghiệp cần liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp quốc gia.

Ông Phan Đức Hiếu: Tôi cho rằng môi trường có thể thay đổi hành vi. Nếu như chúng có một môi trường tốt, cải cách thể chế, giảm tối đa sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh doanh, để cho người tiêu dùng và thị trường là người phán xử thì sẽ tạo nên sức ép cho doanh nghiệp để điều chỉnh hành vi. Nhưng Nhà nước phải thay đổi trước.

Cổng TTĐT Chính phủ

405 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1242
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1242
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87171936