Tọa đàm: Thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa 

(Chinhphu.vn) - Ngày 22/7, Cơ quan thường trú tại Đà Nẵng - Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017).
Các vị khách mời tại buổi tọa đàm. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Ưu đãi xã hội đối với người có công với cách mạng có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn, trở thành một nguyên tắc hiến định ghi nhận ở Điều 67 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.

Trong suốt 70 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người có công với cách mạng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận gia đình người có công với cách mạng gặp khó khăn trong cuộc sống, chưa được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đặc biệt, còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, chưa xác định được danh tính; một số vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách đối với người có công còn để kéo dài…

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa”. Đây là dịp để thế hệ đi sau tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc, đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công và thân nhân của người có công với cách mạng.

Khách mời của cuộc tọa đàm: Ông Nguyễn Duy Kiên, Cục phó Người có công, Bộ LĐTB&XH;

- Thiếu tướng Trịnh Đình Thạch, Phó chính ủy Quân Khu 5;

- Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam.

Dưới đây là nội dung tọa đàm

Thưa ông Nguyễn Duy Kiên, qua 70 năm thực hiện chính sách người có công với nước, đặc biệt là sau 12 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi Người có công, đề nghị ông cho biết những thành tựu nổi bật trong công tác này?

Ông Nguyễn Duy Kiên: Chặng đường 70 năm qua, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống chính sách đối với người có công. Với 1.400 văn bản của các thời kỳ trước đây, chúng ta đã tập hợp lại và nâng lên thành Pháp lệnh Ưu đãi người có công, đưa tất cả chính sách ưu đãi người có công đi vào thực tế cuộc sống.

 

Ví dụ người có công, trước đây chỉ đơn thuần là có trợ cấp và phụ cấp. Bây giờ có thêm nhiều ưu đãi khác như ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, nhà ở, tạo việc làm, ưu đãi vốn vay, thuế và ưu đãi trong giáo dục đào tạo…

 

Đến nay cả nước có 9 triệu đối tượng là người có công, trong đó có gần 1,1 triệu liệt sĩ, 600.000 thương bệnh binh, 312.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, trên 100.000 người bị địch bắt tù đày… Kính phí Nhà nước dành cho công tác này khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm.

 

Lực lượng vũ trang đóng vai trò như thế nào công tác thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa này, thưa Thiếu tướng Trịnh Đình Thạch?

 

Thiếu tướng Trịnh Đình Thạch: Đối với quân đội, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Chúng ta đã biết, hầu hết người có công (trong các cuộc kháng chiến) đều tham gia lực lượng vũ trang và bán vũ trang, cán bộ tham gia kháng chiến.

 

Thực hiện chính sách này, quân đội cũng trực tiếp tham gia phối hợp cùng với các cấp ủy chính quyền địa phương, các bộ ngành, cơ quan có liên quan để giải quyết các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước.

 

Chẳng hạn khi thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn Quân khu 5, chúng tôi giải quyết chế độ 1 lần cho gần 261.000 đối tượng với số tiền trên 830 tỷ đồng.

 

Hiện nay, Bộ Quốc phòng vẫn tiếp tục giải quyết cho những đối tượng bị mất giấy tờ…

 

Với tỉnh Quảng Nam, một trong những địa bàn ác liệt trong chiến tranh, việc thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông Lê Văn Thanh?

 

Ông Lê Văn Thanh: Quảng Nam là 1 tỉnh có số lượng đối tượng chính sách người có công với cách mạng rất là lớn, chiếm 23% dân số của cả tỉnh, trong đó có hơn 60.000 liệt sĩ và gần 15.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Quảng Nam cũng là tỉnh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, bão tố thường xuyên cho nên cũng ảnh hưởng đến người có công nói riêng và nhân dân nói chung.

 

Tuy vậy, qua 20 năm tái lập tỉnh, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế xã hội, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Nam luôn coi việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối với những người có công với cách mạng là trọng tâm và thường xuyên.

 

Vì vậy, đời sống người có công được nâng lên với khoảng 97,28% người có công có đời sống bằng hoặc cao hơn mức trung của người dân tại địa phương.

 

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách người có công ở tỉnh có nhiều khó khăn, do số lượng đối tượng chính sách rất lớn, có nhiều vùng núi, vùng sâu đặc biệt khó khăn, cho nên việc chăm sóc người có công chưa đạt được như mong muốn. Tỉnh đã luôn quan tâm, bằng nguồn ngân sách của tỉnh, nguồn xã hội hóa chăm sóc người có công.

 

Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Quảng Nam tổ chức nhiều hoạt động chăm lo với người có công. Theo đó, tỉnh vận động các cấp, các ngành và toàn xã hội quyên góp để tặng mỗi mẹ 1 sổ tiết kiệm ít nhất là 5 triệu đồng (với 914 mẹ còn sống); nâng cấp bia mộ liệt sĩ, chăm sóc thương binh. Tỉnh Quảng Nam cơ bản đã giải quyết được phần lớn nhà ở cho người có công.

 

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo gia đình chính sách trên cả nước còn bao nhiêu? Những đối tượng này cần trợ giúp như thế nào, thưa ông Nguyễn Duy Kiên?

 

Ông Nguyễn Duy Kiên: Theo báo cáo của các địa phương, cả nước còn khoảng 3% hộ chính sách có đời sống dưới mức trung bình, đa phần thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng núi, khu căn cứ địa cách mạng cũ và thuộc diện những người tuổi già sức yếu, neo đơn không nơi nương tựa, nhà có người ốm và đông con.

 

Chính sách đã bao gồm nhiều mặt của cuộc sống, nhưng tập trung vào đối tượng người có công, còn thân nhân chỉ được hỗ trợ phần nào như đi học được hỗ trợ BHYT.

 

Một trong những nội dung quan trọng trong công tác đền ơn đáp nghĩa của lực lượng vũ trang là tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ, xin ông Thạch cho biết đến nay, công tác này ở các đơn vị địa bàn Quân khu 5 thực hiện thế nào?

 

Thiếu tướng Trịnh Đình Thạch: Về quy tập hài cốt liệt sĩ, theo thống kê của riêng Quân khu 5, qua 2 cuộc kháng chiến có khoảng 150.000 liệt sĩ.

 

Đến hiện nay Quân khu đã quy tập được tổng cộng trên 173.000 hài cốt liệt sĩ trong nước và nước ngoài (Lào và Camphuchia)

 

Bạn đọc Đỗ Khánh Toàn có người chú là Nguyễn Văn Đại sinh năm 1936, tham gia hoạt động bí mật năm 1961, đến năm 1966 thì bị địch bắt tù ở Côn Đảo, đến năm 1970 được trao trả và tiếp tục hoạt động. Vậy xin hỏi đối tượng này được hưởng chính sách người có công không và thủ tục như thế nào?

 

Ông Nguyễn Duy Kiên: Trường hợp chú của bạn Đỗ Khánh Toàn (ông Nguyễn Văn Đại) có đủ điều kiện để xem xét giải quyết 2 chế độ. Đó là là chế độ người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân/huy chương và chế độ người hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày.

 

Tuy nhiên do hồ sơ cụ thể không nắm được nên đề nghị ông Toàn liên hệ với UBND xã nơi cư trú để được hướng dẫn…

 

Thưa ông Kiên, định hướng tháo gỡ khó khăn từ phía Bộ LĐTB&XH đối với Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về  hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở sẽ như thế nào?

 

Ông Nguyễn Duy Kiên: Khi Chính phủ ban hành Quyết định 22 và hướng dẫn thực hiện thì đó là kết quả của việc khảo sát những đối tượng người có công đưa vào diện có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

 

Theo số liệu khảo sát ban đầu, có khoảng 73.000 căn nhà. Trên cơ sở 73.000 căn nhà đã báo cáo thì kinh phí được bố trí tại Quyết định 22.

 

Quyết định 22 lại mở rộng thêm đối tượng được hưởng nên cuối cùng chúng ta có tổng số là trên 400.000 hộ, tăng lên gấp 6 lần.

 

Chính vì vậy, ngân sách bị động, không bố trí kịp dẫn đến tình trạng một số trường hợp bức xúc.

 

Trường hợp thứ hai là nhiều người lúc làm danh sách còn sống nhưng sau đó đã mất thì có được hỗ trợ nữa hay không? Về vấn đề này, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ giải quyết theo hướng sẽ bố trí tăng cường kinh phí nếu như ngân sách cho phép để giải quyết gấp trong năm 2017–2018.

 

Trường hợp thứ hai, trong gia đình vợ hoặc chồng vẫn còn sống tại đó, có hộ khẩu ở đó, chúng ta vẫn tiếp tục hỗ trợ; nếu cả vợ, chồng đều đã chết mà vẫn còn con và con ở trong hoàn cảnh thực sự khó khăn thì tỉnh xem xét để có biện pháp hỗ trợ trên cơ sở nguồn lực của địa phương và các nguồn lực hỗ trợ khác.

 

Thưa ông Lê Văn Thanh, đối với Quảng Nam thì việc thực hiện Quyết định 22 tại Quảng Nam vừa qua cũng kéo dài từ năm 2014 và có một giai đoạn ách tắc. Đến giờ, số còn lại cũng đã được giải quyết gần xong, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương khác?

 

Ông Lê Văn Thanh: Trước hết, tôi khẳng định việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Từ năm 1996 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, nhiều chính sách để hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng mà gần đây nhất là Quyết định 22 (năm 2013) của Thủ tướng Chính phủ với nhiều điểm mới và thiết thực.

 

Quyết định này rất hợp với lòng dân, góp phần nâng cao đời của người có công với cách mạng. Tuy nhiên, Quyết định lại mở rộng đối tượng nên số lượng rất lớn. Quảng Nam cũng nằm trong cái chung này. Trước khi khảo sát, số lượng khác và sau khi ban hành Quyết định 22 thì số lượng tăng lên 3, 4 lần nên tổng số nhà cho người có công hiện nay là trên 22.000 căn nhà.

 

Giai đoạn trước, với sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương (342 tỷ đồng), khoảng hơn 10.000 nhà đã được sửa chữa và xây mới. Tuy vậy, có một giai đoạn cũng bị dừng lại làm cho người dân cũng bức xúc vì nhà đã xuống cấp, hư hỏng.

 

Trước tình hình này, Quảng Nam đã phê duyệt danh sách đồng thời xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ ứng trước kinh phí từ ngân sách của tỉnh (khoảng 265 tỷ đồng) làm hơn 11.000 nhà và đến 27/7/2017 thì hơn 22.000 căn nhà theo Quyết định 22 sẽ được hoàn thành đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người có công với cách mạng…

 

Thưa ông Nguyễn Duy Kiên, không chỉ có quân đội mà rất nhiều đoàn thể, rất nhiều tổ chức chính trị khác cũng tham gia vào công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công. Ông đánh giá như thế nào về công tác xã hội hoá, chăm sóc người có công trên cả nước hiện nay?

 

Ông Nguyễn Duy Kiên: Từ trước đến nay, chính sách ưu đãi có người có công luôn được thực hiện theo sợi chỉ đỏ là “3 chân kiềng”. Thứ nhất là sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thông qua các chính sách, trợ cấp, phụ cấp. Thứ hai là sự chăm sóc của toàn cộng đồng. Thứ ba là nỗ lực vươn lên của chính những người có công.

 

Trong 10 năm qua, chúng ta đã làm được rất nhiều việc, riêng nhà tình nghĩa đã làm được hơn 104.000 căn; sổ tiết kiệm tình nghĩa đã có được hơn 133.000 sổ, quỹ đền ơn đáp nghĩa đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng (4.100 tỷ đồng). Công tác xã hội hoá đã đạt được nhiều thành tích, chính vì vậy mà 97% người có công đạt mức sống trung bình.

 

Để công tác này đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông có đề xuất, kiến nghị gì?

 

Ông Nguyễn Duy Kiên: Thứ nhất, công tác tuyên truyền của chúng ta phải tập trung hơn vào những khu vực khó khăn hơn. Thứ hai, sự vận động và sự ưu tiên cũng nên tập trung vào khu vực này để giải quyết việc đẩy đời sống người có công tại đó được cao hơn, ổn định hơn, không nên để chênh lệch quá giữa các khu vực.

 

Thưa ông Lê Văn Thanh, từ thực tiễn của Quảng Nam, ông có đề xuất gì để công tác xã hội hóa được tốt hơn?

 

Ông Lê Văn Thanh: Chúng ta phải tuyên truyền để nâng cao đạo lý uống nước nhớ nguồn; tìm nhiều nguồn lực khác nhau, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào tổ chức, quỹ đền ơn đáp nghĩa.

 

Trong thời gian vừa qua, Quảng Nam đã làm tương đối mạnh mẽ việc tuyên truyền nên hàng vạn nhà tình nghĩa đã được xây dựng, rất nhiều sổ tiết kiệm cũng đã gửi đến người có công.

 

Thưa ông Nguyễn Duy Kiên, được biết trong năm 2017 chúng ta sẽ tiến hành giải quyết căn bản 5.900 hồ sơ người có công còn tồn đọng. Vậy giải pháp nào cho vấn đề này? Những đối tượng nào sẽ được ưu tiên trước?

 

Ông Nguyễn Duy Kiên: Việc giải quyết tồn đọng không phải bây giờ mới có mà ngay từ năm 1956, chúng ra đã giải quyết tồn đọng trong kháng chiến chống Pháp (ở miền Bắc). Tuy nhiên, với cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng được tối đa, thì ngay từ những năm đó đã xuất hiện tình trạng trục lợi chính sách…

 

Chính vì vậy xuất hiện tình trạng hồ sơ người có công giả, tạo nên sự mất công bằng. Người có công thật thì không được hưởng, người không có công thì được hưởng. Do đó có hồ sơ tồn đọng.

 

Năm 2017, chúng ta sẽ có một số hoạt động bước đầu để giải quyết hồ sơ tồn đọng này sao cho chính xác và công bằng nhất. Nhưng việc này vẫn phải dựa trên sự công khai dân chủ và dựa trên các nguồn thông tin minh bạch...

Cổng TTĐT Chính phủ

446 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 998
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 999
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76423097