Hẳn bạn đọc còn nhớ vụ chị NTLA (công tác tại Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Triệu Phong, Quảng Trị) tố cáo ông Tr. làm chung cơ quan đã sàm sỡ, xúc phạm danh dự của chị. Vụ việc này được đưa làm ví dụ tại Hội thảo “Bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái: Khoảng trống pháp luật và dịch vụ hỗ trợ” do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 24-9 tại TP.HCM.
Nạn nhân hứng chịu nhiều lời khiếm nhã, ác ý
Theo tố cáo của chị A., ông Tr. đã vào phòng làm việc của chị, khóa cửa, dùng vũ lực để cắn, bóp cổ, cào cấu và bịt miệng không cho chị A. la lên. Hơn năm phút thì chị A. vùng thoát ra được và chạy ra khỏi phòng.
Sự việc này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí và dư luận xã hội. Tuy nhiên, kết quả sau đó đã khiến nhiều người bất ngờ, nhất là những người làm công tác bảo vệ phụ nữvà trẻ em: Ông Tr. chỉ bị phạt hành chính… 200.000 đồng!
Tiếp xúc với chị A. nhiều lần, bà Nguyễn Thị Ái Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị), đã chia sẻ: “Chị A. là nạn nhân nhưng bên cạnh những ý kiến bênh vực, động viên, có nhiều dư luận ác ý đối với chị sau khi xảy ra sự việc, trong đó có cả những người làm trong các cơ quan công quyền”.
Theo bà Nguyễn Thị Ái Loan, sau khi có kết luận của công an, nhiều người đã gièm pha nạn nhân, rằng chắc có làm sao thì đàn ông mới… lấn tới. Bà Ái Loan nói: “Qua tìm hiểu, chị A. cho biết chị đã ly hôn, chị đã bị sàm sỡ nhiều lần nhưng không dám tố cáo vì sợ bị gièm pha, dị nghị. Tuy nhiên, sức chịu đựng có giới hạn, chị đã buộc phải tố cáo để bảo vệ bản thân. Nhưng nhiều người lại đặt câu hỏi: Tại sao những lần trước không tố cáo, chắc mấy lần trước đồng ý chứ gì”.
Bà Ái Loan cùng với Hội Phụ nữ đã tích cực vào cuộc để bảo vệ nạn nhân, ổn định tâm lý cho chị A. Tuy nhiên, qua gặp gỡ, trao đổi với nhiều cơ quan, ban, ngành khác, bà Ái Loan cho biết bà nhận thấy nhiều người làm trong các cơ quan công quyền, nhất là đàn ông đã có những nhận xét rất khiếm nhã về vụ việc. Chị A. ngày càng sống khép mình hơn. Bà Ái Loan cho rằng tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân trước hết là một trong những rào cản lớn nhất khiến nhiều nạn nhân im lặng khi có chuyện xảy đến với mình.
Các đại biểu chia sẻ ý kiến trong buổi hội thảo ngày 24-9. Ảnh: HỒNG MINH
Thủ phạm xâm hại tình dục suýt lọt lưới
Tương tự, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho biết bà đã làm việc với những bà mẹ đau khổ khi có con bị xâm hại. Họ đã phải rất dũng cảm vượt qua những lời gièm pha, những nguy cơ ảnh hưởng đến công việc, danh dự gia đình để tố cáo thủ phạm. Thay vì thông cảm, bảo vệ gia đình những nạn nhân, nhiều người lại chỉ trích người đi tố cáo trên mạng xã hội, trên truyền thông.
Theo luật sư Ngọc Nữ, một vụ việc khiến bà không thể nào quên vì quá thương tâm. Đó là vụ bé K. (13 tuổi) ở Cà Mau tự tử sau khi viết thư tuyệt mệnh vì bị hàng xóm là ông HB (58 tuổi) có hành vi dâm ô. Bé đã kể với gia đình, gia đình làm đơn tố cáo đến công an tỉnh. Tuy nhiên, công an tỉnh kết luận không đủ chứng cứ, chỉ là lời khai một phía nên không khởi tố vụ án. Một lần bé K. mở tủ của mẹ thì nhìn thấy tờ thông báo không khởi tố vụ án của công an, sau đó em đã tự tử.
Theo báo cáo mới nhất ngày 24-9 của Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH, có đến 87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục nhưng hầu hết họ chọn cách im lặng. Bà Astrid Ban, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, khuyến nghị rằng: Cần thúc đẩy các mô hình hoạt động bình đẳng giới, bảo vệ phụ nữ, trẻ em có sự tham gia của đàn ông. Khi đó họ sẽ phát huy vai trò của mình để bảo vệ phụ nữ và trẻ em tốt hơn. |
Mẹ của K. đã tìm đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM để cầu cứu trong tuyệt vọng. Chị chỉ có một nguyện vọng duy nhất: Kẻ xâm hại bé K. phải bị trả giá trước pháp luật. Luật sư Ngọc Nữ nhớ lại: “Tôi đã giải thích là Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM chỉ giải quyết những vụ việc trên địa bàn thành phố thôi. Nhưng chị tuyệt vọng quá, tội nghiệp quá, chúng tôi quyết định tham gia vào vụ việc”.
Và luật sư Ngọc Nữ đã lặn lội đến tận Cà Mau, đọc thật kỹ những lời khai của bé K. trước đó. Trong đó có chi tiết bé khai bị xâm hại lúc chương trình truyền hình Vĩnh Long phát bài hát Con cò bé bé. Bà đã đến Đài Truyền hình Vĩnh Long để kiểm tra và thấy khớp thông tin. Thêm nhiều thông tin khác dần hé lộ song song với nhiều chứng cứ ngoại phạm của người bị tố cáo rất thiếu thuyết phục. Luật sư Ngọc Nữ đã liên hệ nhiều cơ quan chức năng, bao gồm cả Bộ Công an để cung cấp nội dung vụ việc. Cuối cùng, Công an tỉnh Cà Mau đã khởi tố vụ án và khởi tố bị cáo. Sau đó tòa án đã tuyên phạt ông HB bảy năm tù về tội dâm ô với trẻ em.
Luật sư Ngọc Nữ chia sẻ: “Cuối cùng mẹ bé K. đã đòi được công lý. Nhưng có rất nhiều vụ án đã bị khép lại bằng việc không khởi tố với lý do không đủ chứng cứ. Nhiều thủ phạm đã lọt lưới do quy trình tiếp nhận điều tra gặp khó khăn. Thật ra tìm chứng cứ của một vụ dâm ô là rất khó, có lúc bế tắc, dù nạn nhân rất tuyệt vọng, đau khổ. Vậy nhưng vẫn có những lời ác ý nhắm vào nạn nhân”.
TP.HCM sẽ giải quyết nhanh các vụ tố cáo
Tháng 6 vừa qua, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã trình dự thảo quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Quy trình này sẽ giúp việc xử lý thông tin nhanh chóng, khẩn cấp, đảm bảo tối đa yêu cầu bảo vệ trẻ em khi bị xâm hại.
Ngay trong vòng hai giờ từ lúc nhận tin, cán bộ phải báo cáo kiểm chứng thông tin. Chủ tịch UBND phường, xã cấp giấy giới thiệu đưa trẻ đến bệnh viện khám và điều trị khẩn cấp, đồng thời thông báo cho công an. Chậm nhất hai giờ từ khi tiếp nhận, bệnh viện phải có chẩn đoán ban đầu. Từ lúc nhận thông báo của bệnh viện, trong vòng tám giờ chủ tịch UBND phường, xã phải kiến nghị khởi tố bằng văn bản kèm chứng cứ đến công an... Nhận được kiến nghị này, trong ba ngày công an phường, xã phải gửi hồ sơ đến cấp huyện. Chậm nhất 12 giờ sau đó, công an huyện phải ra quyết định trưng cầu giám định đối với nạn nhân. Tiếp đó, công an huyện gửi hồ sơ vụ việc cho VKS cùng cấp xem xét, khởi tố vụ án trong một ngày.
Bà TRẦN THỊ KIM THANH, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em và
Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM
|
HỒNG MINH