Tổ công tác của Thủ tướng vào cuộc, Hải quan lắng nghe 

(Chinhphu.vn) – Sau khi Tổ công tác của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ vào cuộc, cơ quan Hải quan đã khẳng định sẽ xử lý sớm nhất cho doanh nghiệp có 19 lô hàng bị từ chối thông quan với lý do “chưa có hướng dẫn thống nhất”.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với các cơ quan về kiến nghị của Công ty Cổ phần Alutec Vina, ngày 16/1. Ảnh: VGP

Ngày 16/1 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã chủ trì buổi làm việc với ông Jeong Ji Beon, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Alutec Vina, liên quan tới kiến nghị của Công ty này.

Trước đó, gửi kiến nghị tới VPCP, Công ty cho biết đang có số lượng lớn nguyên liệu sản xuất không được thông quan, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của công ty, gây thiệt hại nặng nề.

Theo Công ty Cổ phần Alutec Vina, họ đã tiến hành nhập khẩu các lô hàng nhôm phế liệu đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, đồng thời hoàn thành các thủ tục theo đúng quy định, nhưng 19 container về cảng từ tháng 6/2018 vẫn chưa được thông quan. Lý do được Hải quan Hải Phòng đưa ra là chưa có hướng dẫn thống nhất để giải quyết thông quan cho phế liệu nhập khẩu về cửa khẩu cảng trước 29/10/2018.

Trên thực tế, đây cũng là vướng mắc mà không ít doanh nghiệp gặp phải. Ngày 29/10/2018 là thời điểm mà Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực, trong đó ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu kim loại màu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Trước khi Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT có hiệu lực, Tổng cục Hải quan đã nhiều lần trả lời các doanh nghiệp về việc không thể kiểm tra và thông quan cho lô hàng phế liệu nhập khẩu khi chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Thế nhưng sau khi Thông tư số 09 có hiệu lực từ ngày 29/10/2018, việc vẫn không thông quan với các lô hàng đã đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật với lý do “chưa có hướng dẫn thống nhất” là không thuyết phục.

Trên thực tế, việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ bị lợi dụng để đưa chất thải vào nước ta, gây ô nhiễm môi trường. Ngày 17/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Theo đó giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính về rà soát, sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng quản lý chặt chẽ, phù hợp.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan Hải quan tập trung lực lượng cho thông quan nhanh các lô hàng phế liệu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân đã có giấy chứng nhận/giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực và hạn ngạch nhập khẩu.

Chỉ đạo này của Thủ tướng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là cần thiết, hợp tình, hợp lý. Theo các doanh nghiệp, nếu các lô hàng đủ thủ tục giấy tờ, đủ điều kiện theo quy định phải cho thông quan, nếu không đủ điều kiện nhập khẩu thì cũng phải có biện pháp xử lý, ví dụ như yêu cầu tái xuất hay tịch thu, tiêu hủy nếu vi phạm theo quy định. Nếu lấy lý do chưa có hướng dẫn thống nhất để kéo dài đến mấy tháng không cho thông quan lô hàng, vậy doanh nghiệp sẽ phải chờ đến khi nào có được hướng dẫn thống nhất ấy trong khi họ đã đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn hiện hành? 

Tiếng nói doanh nghiệp đã được lắng nghe

Sau khi tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp, VPCP đã chuyển các kiến nghị này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đến Bộ Tài chính để chỉ đạo Tổng cục Hải quan xử lý dứt điểm vướng mắc (Công văn số 11450/VPCP-QHQT ngày 23/11/2018); Thường trực Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc trực tiếp với Tổng cục Hải quan (ngày 18/12/2018).

Gần đây nhất ngày 16/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tiếp tục chủ trì buổi làm việc với ông Jeong Ji Beon, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Alutec Vina, nhằm phối hợp giữa VPCP với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục giải quyết kiến nghị của Công ty này.

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính... đã nêu các ý kiến về kiến nghị của Công ty Alutec Vina.

Sau khi nghe các ý kiến từ các Bộ, cơ quan liên quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh Thủ tướng Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh thông quan chuyên ngành, đổi mới kiểm tra hàng hóa... Vì vậy, đề nghị các cơ quan liên quan áp dụng đúng theo quy định về thông quan cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các đơn vị liên quan nhanh chóng thông quan sớm nhất nhằm bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp. VPCP cũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung cuộc làm việc này.

Kết quả, ngay hôm sau, ngày 17/1, Tổng cục Hải quan đã có văn bản 406/TCHQ-GSQL gửi các Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, trong đó hướng dẫn: Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Hải quan, đối với các lô hàng phế liệu đã về đến cửa khẩu trước ngày 29/10/2018 nhưng chưa có người đến nhận và thực hiện đăng ký tờ khai hải quan từ ngày 29/10/2018 (bao gồm các trường hợp đã đăng ký tờ khai hải quan trước ngày 29/10/2018 sau đó doanh nghiệp thực hiện hủy tờ khai hải quan và thực hiện đăng ký tờ khai hải quan mới từ ngày 29/10/2018) thì cơ quan hải quan áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường ban hành kèm theo Thông tư 08 và Thông tư 09 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét giải quyết thủ tục hải quan theo đúng quy định.

Ngày 19/1, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, bà Đào Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu của Công ty Alutec Vina cho biết đã nhận được công văn của cơ quan Hải quan. Theo đó, các thủ tục đang được tiến hành và dự kiến trong tuần sau các lô hàng sẽ được thông quan.

Không để tình trạng “nước chảy, bèo trôi”

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của VPCP mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, phải lắng nghe tiếng nói của nhân dân, doanh nghiệp, phát huy hơn nữa hiệu quả kênh thông tin tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp để Cổng Thông tin điện tử Chính phủ là một trong những địa chỉ tin cậy tiếp nhận, xử lý kiến nghị. Phải theo dõi sát thông tin dư luận về những vấn đề bức xúc, nhất là phản ánh của người dân và doanh nghiệp để đề xuất xử lý tốt hơn, không để tình trạng “nước chảy, bèo trôi”.

Trong năm 2018, qua Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, VPCP đã tiếp nhận 7.064 phản ánh, kiến nghị của người dân, trong đó có 247 phản ánh kiến nghị thuộc phạm vi theo quy định đã được chuyển đến các bộ, cơ quan xử lý; tiếp nhận 841 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, đã chủ trì xử lý hoặc chuyển các bộ, cơ quan xử lý theo theo thẩm quyền; công khai kết quả trả lời trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Hầu hết người dân và doanh nghiệp hài lòng với kết quả xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

Hà Chính

292 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1420
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1420
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87155836