Tổ công tác của Thủ tướng: Nhiều vướng mắc chính sách được tháo gỡ 

(Chinhphu.vn) - Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện ngay 37 nhiệm vụ, công việc cụ thể để khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra, tháo gỡ khó khăn về thủ tục nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, ngày 29/1 tại Hải Phòng. Ảnh: VGP

Thông tin được Tổ công tác của Thủ tướng cho biết trong báo cáo mới đây về tình hình thực hiện nhiệm vụ giao, tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết và kết quả kiểm tra của Tổ công tác 6 tháng đầu năm 2019

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Tổ công tác đã có 3 cuộc làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan tham vấn để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, những rào cản hành chính mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Trước khi kiểm tra, Tổ công tác làm việc với 14 Hiệp hội và 3 cơ quan tham vấn để trực tiếp nắm bắt những vướng mắc cụ thể tại các Nghị định, Thông tư, văn bản hành chính.

Đồng thời, tiến hành 07 cuộc kiểm tra đối với các bộ, cơ quan về: Công tác hoàn thiện thể chế, tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết (02 cuộc); việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP và nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử (02 cuộc); tình hình nhập khẩu các lô hàng phế liệu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất (01 cuộc); rà soát các quy định đang gây khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp nhẹ (02 cuộc).

Kết quả làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan tham vấn và kết quả kiểm tra các bộ, cơ quan, Tổ công tác đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng.

Trên cơ sở các kiến nghị của Tổ công tác tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện ngay 37 nhiệm vụ, công việc cụ thể để khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế, công tác chỉ đạo, điều hành trong việc thực hiện nhiệm vụ giao và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà Tổ công tác đã kiến nghị.

Cụ thể như các bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường; xây dựng, ban hành quy định về ngưỡng MRPL (giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu) của các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cho hàng thủy sản tiêu thụ nội địa; bất cập tại Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT, Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; vướng mắc liên quan đến thủ tục tiêu hủy nguyên liệu vật tư dư thừa do đối tác đặt gia công không nhận lại; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về đăng ký kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, bất cập, gây  phiền hà, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp… 

Thể hiện tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp

Đến nay, các nhiệm vụ giao các bộ, cơ quan liên quan đến các kiến nghị của Tổ công tác đã được các bộ, cơ quan triển khai, thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng tiến độ yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách đã được tháo gỡ.

Phản hồi của Hiệp hội doanh nghiệp ghi nhận những chỉ đạo thiết thực, cụ thể của Chính phủ và các Bộ đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, thể hiện tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp (Hiệp hội Giấy và Bộ giấy đã có thư cảm ơn).

Tuy nhiên, còn một số nhiệm vụ các bộ chưa thực hiện xong (3 Nghị định về đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh lĩnh vực giao thông vận tải; 01 Nghị định về kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quốc phòng; 03 Thông tư về kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp; 01 Thông tư về ghi nhãn hàng hóa).

Tổ công tác kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan quản lý, kiểm tra chuyên và có ngành nghề kinh doanh có điều kiện tích cực rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình dự thảo các Luật sửa đổi các luật có liên quan về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh để trình Quốc hội; đẩy mạnh thực hiện cải cách một cách thực chất, toàn diện và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; chỉ giao một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một sản phẩm, hàng hóa.

Bộ Thông tin và truyền thông khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành  Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 102/2009/NĐ-CP và Quyết định số 08/2014/QĐ-TTg; Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu để tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử.

Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng, trình ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 về công tác văn thư.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, ban hành quy định về ngưỡng MRPL của các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cho hàng thủy sản tiêu thụ nội địa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019. 

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa, trong đó lưu ý có hướng dẫn cụ thể đối với các dòng hàng đặc thù theo thông lệ thương mại quốc tế, như hàng thủy sản để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 10/4/22019.

Hà Chính

279 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1290
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1290
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87154542