Chiều 27/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
Thủ tướng biểu dương việc “không xếp hàng lên Bộ”
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời khen ngợi, biểu dương Bộ Nội vụ về 4 vấn đề, trong bối cảnh các bộ ngành, địa phương đang thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6, 7 và quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ.
Thứ nhất, thời gian qua, trong công tác kiện toàn bộ máy, xây dựng quy chế làm việc của Chính phủ, Bộ Nội vụ được giao rất nhiều trọng trách. Bộ cũng đã dành thời gian tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, phối hợp với các bộ hoàn thành các văn bản quy định chức năng nhiệm vụ, bộ máy các cơ quan trong thời gian ngắn. VPCP cũng là cơ quan đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ này với sự phối hợp rất tốt của Bộ Nội vụ.
Bộ cũng đã tham mưu, xây dựng, trình nhiều dự án luật, các nghị quyết, đề án, nghị định, thông tư nhiều vấn đề lớn liên quan đến tổ chức, bộ máy, biên chế, con người, đòi hỏi phối hợp tốt với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, việc khảo sát thực tế ở các địa phương.
Thứ hai, là cơ quan thường trực cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ đã chủ động, tích cực hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết 30c của Chính phủ và Quyết định 225 của Thủ tướng.
Thứ ba, Bộ đã thể hiện tinh thần, tư tưởng phân cấp rất mạnh.
“Phải ghi nhận việc Bộ quyết liệt, phân cấp mạnh mẽ cho các cơ quan, địa phương, thay vì như trước đây phải xếp hàng lên Bộ, ngay cả những việc như thi tuyển chuyên viên, sắp xếp vị trí việc làm. Rồi trước đây có các quy định như “phải có ý kiến của Bộ Nội vụ” trước khi làm gì đó nhưng nay đã bỏ được rồi. Điều đó thể hiện tinh thần cải cách tư duy trong việc tham mưu cho Chính phủ để tạo hành lang cho các cơ quan hoạt động gắn với trách nhiệm, chủ động, năng động của các cơ quan”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.
Thứ tư, Thủ tướng biểu dương công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, thi đua khen thưởng đã đi vào nề nếp. Công tác thi đua khen thưởng có nhiều đổi mới. Thực hiện tốt Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Việc quản lý các hội cũng được quan tâm hơn.
|
Ảnh: VGP/Hà Chính |
Chấn chỉnh việc “viên chức ngồi phòng công chức”
Bên cạnh biểu dương, khen ngợi Bộ Nội vụ về những kết quả đã đạt được, Thủ tướng cũng gợi ý 5 vấn đề Bộ cần hết sức quan tâm, giải trình tại buổi kiểm tra và làm tốt hơn trong thời gian tới. Bộ trưởng cho biết, hôm qua, ông đã cùng Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm, làm việc tại Tập đoàn Viettel. Những sáng tạo, đổi mới trong triết lý kinh doanh, quản trị, sử dụng người tài… tại đây đã gợi mở nhiều vấn đề về tổ chức, bộ máy, cơ chế.
Vấn đề thứ nhất là biên chế và tiền lương. Đây là nội dung rất quan trọng khi Nghị quyết Trung ương đã yêu cầu trong giai đoạn 2015-2021 phải giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách. Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có báo cáo về quản lý và sử dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương năm 2016 tại 13 bộ, ngành và 47 địa phương, với nhiều vấn đề trong giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền, đặc biệt có 34 địa phương, bộ ngành sử dụng lao động vượt quy định tới 63.279 người…
“Chuyện biên chế viên chức nhưng ngồi phòng công chức cần chấn chỉnh. Vừa rồi chúng ta đã rất quyết liệt, nhiều bộ ngành, địa phương đề nghị bổ sung biên chế công chức, nhưng dứt khoát không thể thực hiện sai kết luận của Bộ Chính trị, không thể chấp nhận tăng biên chế công chức, phình bộ máy. Đề nghị Bộ hết sức quan tâm”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.
Vấn đề thứ hai, về bộ máy tổ chức, các quy định không phù hợp hoặc không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thì cần đề xuất mạnh dạn áp dụng thí điểm. Trong thời gian vừa qua, VPCP và Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ trong công tác này và đã đồng thuận trình Chính phủ thí điểm tổ chức Ban An toàn thực phẩm (tập trung đầu mối quản lý an toàn thực phẩm thay vì 3 Sở: Công Thương-Nông nghiệp và Y tế cùng quản lý như trước đây); thí điểm Trung tâm hành chính công trực thuộc UBND tỉnh (hiệu quả hơn so với mô hình Trung tâm hành chính công trực thuộc Văn phòng Ủy ban chỉ là đầu mối nhận và trả kết quả).
Cùng với đó, cần chuyển đổi mạnh mẽ các đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu viên chức, đây là nhiệm vụ quan trọng và khó, cần tiếp tục sâu sát, đốc thúc triển khai cơ chế tự chủ với các đơn vị này.
Thứ ba, quan tâm vấn đề quản lý cán bộ, công chức, nhất là huy động trí thức trẻ, nhân tài; công tác đào tạo, thi tuyển chọn cán bộ…
Thứ tư, trong cải cách hành chính, cần sâu sát thực tiễn trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế để có đề xuất trúng, đúng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Thứ năm là công tác quản lý hội và quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Vừa qua, việc triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cần phải lên tiếng kịp thời khi các tổ chức tự xưng có những hành vi vi phạm pháp luật, trái luân thường đạo lý…
Cam kết của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân
Tổ trưởng Tổ công tác cũng cho biết, tính từ đầu năm 2017 tới ngày 10/6 vừa qua, Bộ Nội vụ được giao 518 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 363 nhiệm vụ, còn 155 nhiệm vụ đang thực hiện (gồm 151 nhiệm vụ trong hạn và 4 nhiệm vụ quá hạn).
Tại buổi kiểm tra, các đơn vị của Bộ Nội vụ đã giải trình, làm rõ về các nhiệm vụ quá hạn và các nội dung được Thủ tướng gợi ý. Nhiều khó khăn, vướng mắc cũng được nêu ra với đoàn công tác.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, các cơ quan quản lý cần tập trung vào 3 nhiệm vụ: Xây dựng chiến lược phát triển ngành, hoàn thiện thể chế và thanh tra, kiểm tra, muốn vậy phải đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền. Vừa qua, Bộ cũng đã đẩy mạnh xây dựng bộ máy tinh gọn, không còn phòng trong các vụ, giảm từ 6 đơn vị đào tạo xuống còn 2 đơn vị và Bộ cũng cam kết sẽ giảm 15% biên chế tới 2021.
“Chúng ta nên chuyển từ quản lý công việc sang quản lý mục tiêu. Hiện còn cầm tay chỉ việc quá nhiều. Không thể để cơ quan thường trực cải cách hành chính mà lại đứng thứ 9/19 bộ về chỉ số cải cách hành chính và thứ 17/19 bộ về cải cách thủ tục hành chính”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân Nói.
Bộ trưởng cũng nhắc lại, đã có những lần ông ký nhận công văn từ VPCP vào lúc nửa đêm và cho rằng đây là điều Bộ cần học hỏi về tinh thần trách nhiệm, sự quyết liệt với công việc, cung cách làm việc của Bộ phải có thay đổi.
“Xin chuyển lời với Thủ tướng là chúng tôi hứa sẽ phấn đấu tối đa, cải cách rất mạnh mẽ, đổi mới phương pháp làm việc trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu.
Kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao các nội dung báo cáo, giải trình của Bộ Nội vụ. Tổ công tác đề nghị Bộ có kế hoạch tổ chức thực hiện 5 nội dung được Thủ tướng gợi ý, đây cũng là những vấn đề xã hội rất quan tâm.
Cùng với đó, Bộ cần rà soát toàn bộ nhiệm vụ được giao, đôn đốc, kiểm tra để thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ, thời gian. Thực hiện dứt điểm các nhiệm vụ quá hạn; quan tâm các nhiệm vụ liên quan tới thể chế và 8 nhiệm vụ chưa quá hạn nhưng chuẩn bị chậm trễ.
Bộ trưởng cũng nhắc lại đề nghị Bộ Nội vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. “Cơ quan thường trực cải cách hành chính mà không ứng dụng công nghệ thông tin là không ổn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu. Ông cho biết tại VPCP “không giấy tờ”, toàn bộ quá trình xử lý văn bản thực hiện qua mạng nên thể hiện rất rõ tiến độ công việc. “Văn bản ký rồi thì văn thư cũng phải chạy ngay, nên mới có chuyện công văn đến lúc 1-2h sáng như Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề cập”, ông nói.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ cũng cần thành lập sớm cổng thông tin dịch vụ công của Bộ, tiếp tục cắt giảm các thủ tục cho người dân.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng ghi nhận các kiến nghị của Bộ Nội vụ, các kiến nghị này được tổng hợp và báo cáo đầy đủ với Chính phủ, Thủ tướng trong phiên họp gần nhất.
Hà Chính