|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Gia Huy |
Sáng 17/11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ Y tế nhằm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách TTHC của Bộ Y tế.
Cuộc làm việc có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Trọng Thừa, Tổ phó Tổ công tác; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm...
7 điểm nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Y tế
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, đây là cuộc kiểm tra thứ 101 của Tổ công tác từ khi thành lập và là cuộc cuộc kiểm tra thứ 3 của Tổ công tác làm việc trực tiếp tại Bộ Y tế.
Cuộc làm việc của Tổ công tác với Bộ Y tế nhằm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giao và tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách TTHC, việc đơn giản hóa, cắt giảm các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao của Bộ để tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng giải quyết hoặc có biện pháp tháo gỡ, điều chỉnh, bảo đảm không để sót việc, không để nợ đọng nhiệm vụ sang nhiệm kỳ sau.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng tặng hoa chúc mừng GS.TS Nguyễn Thanh Long vừa được Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: VGP/Gia Huy |
Tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao và nêu 7 điểm nổi bật của ngành Y tế đã thực hiện được trong thời gian qua. Thứ nhất, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Bộ, cùng với sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết của toàn thể cán bộ công chức toàn ngành, Bộ Y tế đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Thành công của Việt Nam trong việc khống chế, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Thành công này, có sự đóng góp rất lớn của ngành y tế, của đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành y tế trên tuyến đầu chống dịch.
Thứ hai, công tác hoàn thiện thể chế được Bộ Y tế quan tâm, chú trọng. Từ đầu năm đến nay, Bộ đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua 2 Luật, không có văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh bị nợ đọng.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch bệnh khác: Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được quan tâm và củng cố với trên 70% trạm y tế xã có bác sĩ; năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương vùng bị thiên tai, lũ lụt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Thứ tư, quản lý môi trường y tế đạt kết quả tích cực, tỷ lệ xử lý chất thải y tế tại bệnh viện được xử lý đạt 95%, tăng 9% so với 2015; tỉ lệ nước thải y tế tại bệnh viện được xử lý đạt hơn 90%, tăng 14% so với 2015...
Thứ năm, Bộ Y tế ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học trong khám, chữa bệnh và quản lý y tế. Cụ thể, đã triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, kết nối gần 30 bệnh viện tuyến trên với 1.200 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Thứ sáu, đã bao phủ được mạng lưới bảo hiểm y tế toàn dân (tăng từ 75% năm 2015 lên 90,7% năm 2020).
Thứ bảy, công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục được đổi mới, vừa thông thoáng hơn, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ, phù hợp thông lệ quốc tế; đề cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thúc đẩy sản xuất thực phẩm sạch; công tác thanh tra, kiểm tra “hậu kiểm” được đẩy mạnh.
Đối với nhiệm vụ được giao của Bộ Y tế, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, có tổng số 156 nhiệm giao Bộ Y tế từ 1/1/2020, trong đó, Bộ đã hoàn thành 54 nhiệm vụ; 102 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn; 4 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành. Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tất cả các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đều phải hoàn thành, không bỏ sót, vì vậy Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ Y tế tập trung hoàn thành các nhiệm vụ quá hạn.
Về nhiệm vụ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách TTHC, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao Bộ Y tế đã tích cực triển khai gửi, nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia với số lượng tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước; 100% lãnh đạo bộ, lãnh đạo đơn vị thuộc bộ đã được cấp chữ ký số cá nhân để phê duyệt, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử. Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao Bộ Y tế khi tỷ lệ văn bản có ký số đã đạt trên 95%.
Tổ trưởng Tổ công tác nêu, đối với Bộ Y tế, dịch vụ công phục vụ người dân doanh nghiệp rất lớn, cải cách của Bộ Y tế càng nhiều thì càng mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Y tế đã triển khai kết nối Cổng Dịch vụ công của Bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia nhưng chưa hoàn thành việc tích hợp đồng bộ kết quả xử lý hồ sơ và nền tảng thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến nay, Bộ đã tích hợp, cung cấp 102 dịch vụ công trực tuyến trên 554 TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
|
Công bố dịch vụ công thứ 100 của Bộ Y tế về "Kê khai, kê khai lại giá thuốc" tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ảnh VGP/Gia Huy |
Tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ Y tế khắc phục một số tồn tại, hạn chế như: Giải ngân vốn đầu tư công chậm; còn 2 đề án tự chủ của Bệnh viện Chợ Rẫy và Việt Đức chưa được Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ; còn bất cập trong công tác khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế; quan tâm hơn nữa vấn đề quá tải bệnh viện chưa được cải thiện nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế...
Bảo đảm tích hợp 30% dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia
Giải thích về nhiệm vụ quá hạn, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trong 4 nhiệm vụ quá hạn nêu trên thì 1 nhiệm vụ đã hoàn thiện báo cáo và đang trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt; còn 3 nhiệm vụ về việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 Bộ Y tế đang cố gắng đảm bảo đến 30/11/2020 hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với triển khai nhiệm vụ tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Bộ đã tích hợp lên Cổng này 106 TTHC thuộc các lĩnh vực trang thiết bị y tế, y dược cổ truyền, an toàn thực phẩm, dược, y tế dự phòng, khám chữa bệnh, môi trường y tế, khoa học công nghệ, đào tạo, sức khỏe bà mẹ-trẻ em, phòng, chống HIV/AIDS. Đến ngày 15/11/2020 có 1.479 hồ sơ tiếp nhận, xử lý, đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
"Như vậy Bộ Y tế đảm bảo hoàn thành tích hợp, thực hiện 30% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết.
Về tích hợp thanh toán dịch vụ y tế lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Bộ Y tế đã chỉ đạo 4 Sở Y tế các tỉnh/thành phố: TPHCM, Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh và 6 Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược TPHCM, Nhi Trung ương, Lão khoa Trung ương, Nội tiết Trung ương, Mắt Trung ương chuẩn bị sẵn sàng kết nối thanh toán trên Cổng Dịch vụ Quốc gia. Chỉ đạo 3 bệnh viện (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) thực hiện nâng cấp, bổ sung các chức năng cần thiết, thực hiện tích hợp để thanh toán trực tuyến thí điểm thông qua nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với một số loại phí dịch vụ y tế trong tháng 11/2020.
Đối với triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, đến nay, đã có 20 bệnh viện trực thuộc Bộ đã triển khai thanh toán điện tử. Tại các địa phương, theo số liệu thống kê cuối năm 2019, tỉ lệ bệnh viện triển khai khoảng 41%.
Riêng tại TP. Hà Nội, tỉ trọng thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ y tế công tại các đơn vị thuộc ngành ước khoảng 50% tổng doanh số thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Hiện tại có gần 30% các đơn vị đã phát triển dịch vụ thanh toán qua thẻ, trọng tâm là thanh toán qua các thiết bị chấp nhận thẻ.
Tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế quán triệt đầy đủ, toàn diện nhất 10 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao trong bài phát biểu ngày 15/11 tại buổi trao Quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt là không để nhiệm vụ quá hạn, không để nhiệm vụ nào không thực hiện trọn vẹn.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Y tế quan tâm hơn nữa đến vấn đề thể chế; vấn đề dự toán phí bảo hiểm xã hội; quan tâm hơn nữa đến vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt với các dịch vụ công của ngành y tế, chỉ đạo các bệnh viện đẩy mạnh hơn nữa nội dung thanh toán điện tử; tiếp tục thực hiện các nội dung về khám chữa bệnh từ xa...
Về nội dung cải cách TTHC, đề nghị Bộ Y tế rà soát kỹ lại quy trình thủ tục trước khi kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, quan tâm dịch vụ nào người dân doanh nghiệp quan tâm và cần nhất thì thực hiện trước. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần tiếp tục rà soát, chuẩn mẫu báo cáo để kết nối Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi làm việc, Bộ Y tế đã tổ chức lễ công bố dịch vụ công thứ 100 của Bộ Y tế về "Kê khai, kê khai lại giá thuốc" tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Gia Huy