|
Ảnh minh họa |
Dự thảo nêu rõ, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải thường xuyên duy trì 6 giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, gồm: a) Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; b) Hạn chế, giới hạn cấp tín dụng; c) Tỷ lệ khả năng chi trả; d) Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn; đ) Tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; e) Giới hạn góp vốn, mua cổ phần.
Đối với tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, dự thảo nêu rõ, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu phản ánh mức đủ vốn của tổ chức tín dụng phi ngân hàng trên cơ sở giá trị vốn tự có và mức độ rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của tổ chức tín dụng phi ngân hàng gồm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hợp nhất.
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ: Từng tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ 9%.
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hợp nhất: Công ty tài chính có công ty con, ngoài việc duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ theo quy định nêu trên phải đồng thời duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hợp nhất 9%.
Điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp
Theo dự thảo, tổ chức tín dụng phi ngân hàng chỉ được cấp tín dụng với thời hạn đến 01 năm cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp và khi cấp tín dụng phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Việc cấp tín dụng phải đảm bảo các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật; có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro theo quy định của Ngân hàng Nhà nước quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng và quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tổ chức tín dụng phi ngân hàng không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp: Tài sản bảo đảm là trái phiếu do tổ chức tín dụng, công ty con của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành; tài sản bảo đảm là trái phiếu của doanh nghiệp mà khách hàng vay để mua trái phiếu của doanh nghiệp đó; để đầu tư trái phiếu chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom).
Tổng mức dư nợ cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm trái phiếu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) không được vượt quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
KL