|
Ông Ngô Trịnh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN. |
Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169/NQ-CP của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong tình hình mới sẽ diễn ra vào ngày 29/6/2022 tại Hà Nội. Trước thềm Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Ngô Trịnh Hà đã chia sẻ với cơ quan báo chí thông tin về Hội nghị và công tác phối hợp, triển khai thực hiện Kết luận 12 và Nghị quyết 169 thời gian tới.
Phóng viên: Xin ông cho biết ý nghĩa, mục đích của Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169/NQ-CP của Chính phủ về công tác NVNONN trong tình hình mới?
Ông Ngô Trịnh Hà: Theo tôi, Hội nghị có hai ý nghĩa quan trọng:
Một là, tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác NVNONN. Kết luận 12 của Bộ Chính trị được ban hành sau quá trình đánh giá thực tiễn 16 năm thực hiện Nghị quyết 36 và 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới. Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và cộng đồng NVNONN có nhiều biến chuyển, trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới đặt ra, nhất là yêu cầu của Đại hội Đảng lần thứ XIII về việc “triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác NVNONN”, Kết luận 12 và Nghị quyết 169 đã chỉ ra công tác NVNONN cần được triển khai với nhiều phương thức, không chỉ tập trung vào công tác vận động mà còn công tác hỗ trợ, phải “thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng NVNONN”. Do vậy, Hội nghị lần này là dịp để các cơ quan trong và ngoài nước quán triệt những quan điểm chỉ đạo trên.
Hai là, tạo tiền đề để triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác NVNONN thời gian tới. Hội nghị không chỉ quán triệt nội dung mới, quan điểm mới của Đảng trong công tác về NVNONN tại Kết luận 12 và Nghị quyết 169, mà đây cũng là thời điểm đánh giá gần một năm triển khai Kết luận 12 của các ngành, các cấp trong công tác về NVNONN. Trên cơ sở đó, các ban, bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội ở trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ đề ra phương hướng, nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới.
Với ý nghĩa đó, Hội nghị quán triệt và triển khai Kết luận 12 và Nghị quyết 169 được tổ chức nhằm hai mục đích:
Một là, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động giữa các cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia công tác NVNONN, nhận thức được ý nghĩa của công tác này trong việc củng cố đại đoàn kết dân tộc.
Hai là, bảo đảm các cơ quan, tổ chức nắm vững chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác NVNONN trong tình hình mới, tạo sự thông suốt, nhất quán trong triển khai thực hiện giữa trung ương - địa phương, các ngành, lĩnh vực có liên quan.
Hội nghị lần này do Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng chủ trì. Dự kiến sẽ có sự tham gia trực tiếp của hơn 500 đại biểu từ các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương; đại diện các cơ quan, tổ chức trong nước; đại diện Bộ Ngoại giao; đại diện một số hội doanh nhân, trí thức kiều bào; các cơ quan thông tấn báo chí tại Hà Nội.
Ngoài ra, gần 200 điểm cầu sẽ được kết nối với 63 tỉnh ủy, thành ủy; các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố trong cả nước; gần 100 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và hội đoàn doanh nhân, trí thức kiều bào.
Phóng viên: Ông có thể cho biết những nội dung trọng tâm của công tác NVNONN được thể hiện như thế nào trong Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ nhằm phát huy vai trò của kiều bào trong tình hình mới? Tới thời điểm hiện nay, Bộ Ngoại giao với trách nhiệm là cơ quan chủ trì đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai những nội dung gì?
Ông Ngô Trịnh Hà: Các văn kiện tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chỉ rõ, thời gian tới cần “triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn” công tác NVNONN, đồng thời đề ra một số trọng tâm như: hỗ trợ để bà con có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội sở tại; nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc; làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia – dân tộc; có chính sách thu hút nguồn lực của kiều bào… Những nội dung trên được cụ thể hóa và thể hiện rõ nét trong Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ. Cụ thể là:
Thứ nhất, về công tác đại đoàn kết, Kết luận 12 nhấn mạnh hai nội dung đáng chú ý. Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào VNONN. Mặc dù trong những năm qua, công tác NVNONN nói chung và công tác đại đoàn kết đối với NVNONN ngày càng được ban, bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội quan tâm và chú trọng triển khai, nhưng có nơi, có lúc công tác này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị đã chỉ ra vấn đề này. Đến Kết luận 12, việc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm được đề cập chính thức trong văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị. Hai là, về đối tượng, việc vận động hướng tới: kiều bào trẻ, lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng và những kiều bào còn định kiến.
Thứ hai, về công tác hỗ trợ cộng đồng, bao gồm hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống ở sở tại và hỗ trợ bà con giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Kết luận 12 nhấn mạnh 3 nội dung đáng chú ý. Một là, triển khai biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào ta, nhất là ở những địa bàn khó khăn, có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và hòa nhập thuận lợi vào xã hội sở tại. Điều này thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng NVNONN. Hai là, yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh… là những đối tượng thời gian qua công tác quản lý chưa được chặt chẽ, gây ra hệ lụy phức tạp ở một số nước; xử lý triệt để, đẩy lùi tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật sở tại. Ba là, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức dạy và học tiếng Việt.
Thứ ba, về công tác vận động cộng đồng, bao gồm phát huy nguồn lực của kiều bào và thông tin đối ngoại, Kết luận 12 nhấn mạnh hai nội dung đáng chú ý. Một là, hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của trí thức, chuyên gia và doanh nhân VNONN. Hai là, đổi mới nội dung, phương thức và tư duy về công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại. Về tư duy, cần coi kiều bào vừa là đối tượng vừa là chủ thể của công tác này. Về nội dung, kịp thời thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến cộng đồng NVNONN, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật về tình hình đất nước. Về phương thức, phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng.
Trên cơ sở những nhiệm vụ được nêu trong Kết luận 12 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 169 của Chính phủ đã bám sát và đề ra những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong Kết luận 12, thể hiện rõ nét hơn tính toàn diện và mạnh mẽ như yêu cầu của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đồng thời thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho đồng bào NVNONN.
Sau khi Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ được ban hành, các ban, bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực triển khai. Nhiều cơ quan, địa phương đã chủ động tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai Kết luận 12 và Nghị quyết 169. Đến nay, có khoảng 40 ban, bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội đã xây dựng và ban hành kế hoạch, chương trình hành động triển khai Kết luận 12 và Nghị quyết 169 theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Về phía Bộ Ngoại giao, ngày 24/3/2022 vừa qua, Bộ Ngoại giao đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ. Bộ Ngoại giao cũng đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng 4 Đề án để triển khai nhiệm vụ chăm lo cho đồng bào ta tại các địa bàn khó khăn, tăng cường hơn nữa đại đoàn kết dân tộc với đồng bào ở nước ngoài, phát huy nguồn lực của NVNONN đóng góp vào sự phát triển của đất nước và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
|
Đại biểu và một số kiều bào tiêu biểu tham dự Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị 45-CT/TW. (Ảnh: Khánh Linh) |
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật trong công tác về NVNONN cho đến thời điểm hiện tại sau Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ? Đặc biệt, những điểm mới đã và đang được triển khai như thế nào?
Ông Ngô Trịnh Hà: Các biện pháp, nhiệm vụ công tác NVNONN vừa qua được triển khai toàn diện và mạnh mẽ, thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng NVNONN, bám sát vào tinh thần chỉ đạo của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Kết luận 12 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 của Chính phủ.
Kết quả việc thực hiện được thể hiện qua những điểm mới như sau:
Thứ nhất, công tác đại đoàn kết là một trong hai đột phá phải hướng tới trong thời gian tới mà Kết luận 12 và Nghị quyết 169 yêu cầu. Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các bộ, ban, ngành xây dựng đề án tăng cường đại đoàn kết với đồng bào ở nước ngoài. Việc triển khai Đề án không chỉ nâng cao hơn nữa ý thức của các cơ quan mà còn biến ý thức thành những hành động cụ thể, đạt được những mục tiêu cụ thể. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, công tác NVNONN nhấn mạnh tầm quan trọng và triển khai nhiều biện pháp hướng tới kiều bào trẻ, lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng. Chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đều có những hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe những ý kiến đóng góp và giải đáp những phản ánh của bà con. Việc ta duy trì tiếp xúc với các nhân vật trước đây từng có định kiến không chỉ góp phần khẳng định chủ trương nhất quán về công tác này mà còn tạo hiệu ứng lan toả trong cộng đồng. Tháng 5 vừa qua, Ủy ban đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức đoàn kiều bào thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Chuyến đi không chỉ giúp kiều bào hiểu thêm về tình hình biển, đảo Tổ quốc, mà thông qua đó còn có ý nghĩa rất tích cực trong công tác đại đoàn kết dân tộc. Một số bà con ta, dù trước đây còn có định kiến với đất nước, nhưng thông qua chuyến đi, được đặt chân đến nơi tiền tiêu của Tổ quốc, đều cảm thấy vô cùng xúc động và thúc giục bản thân cần làm một điều gì đó để đóng góp vào sự phát triển của quê hương.
Thứ hai, công tác hỗ trợ được đẩy mạnh và thể hiện rõ trách nhiệm và tình cảm của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN. Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với bộ, ngành, địa phương xây dựng các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào tại địa bàn khó khăn. Bên cạnh đó, các ban, bộ, ngành, địa phương cũng đã chủ động hỗ trợ bà con ở các địa bàn khó khăn như Campuchia, Ucraina…
Tại Campuchia, thời gian qua, các cơ quan liên quan trong nước đã và đang tích cực phối hợp với phía Campuchia hỗ trợ cộng đồng một số vấn đề như: nâng cao địa vị pháp lý cho người gốc Việt; việc di dời và tái định cư người gốc Việt ở Biển Hồ và các khu vực sông, hồ của Campuchia; việc học ngôn ngữ Khmer, văn hóa, pháp luật Campuchia để hòa nhập tốt hơn vào xã hội sở tại; hỗ trợ người gốc Việt vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Đến nay, gần 100% người gốc Việt tại Campuchia đã được chính quyền sở tại cấp thẻ thường trú ngoại kiều và được công nhận là sinh sống hợp pháp tại Campuchia. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đây là cơ sở bước đầu giúp người gốc Việt đáp ứng những quy định của pháp luật Campuchia đối với ngoại kiều để có đủ điều kiện nhập quốc tịch Campuchia. Bên cạnh đó, thông qua tiếp xúc, trao đổi, vận động của lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương với phía Campuchia, các cơ quan, địa phương của Campuchia đã triển khai một số đề nghị của ta khi di dời bà con tại khu vực Biển Hồ như: có lộ trình di dời rõ ràng với thời gian hợp lý, cung cấp hạ tầng cơ bản (điện, nước, đường xá tại một số khu tạm cư), tạo điều kiện để bà con tiếp cận các dịch vụ công, đặc biệt là tạo điều kiện cho con em kiều bào đến trường.
Tại Ucraina, trước những diễn biến phức tạp của tình hình chiến sự, Bộ Ngoại giao đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan ở trong và ngoài nước, cũng như với các hội đoàn người Việt tại Ucraina và các nước lân cận kịp thời sơ tán bà con ra khỏi vùng chiến sự, tổ chức các chuyến bay đưa bà con về nước. Ta đã sơ tán 5.200 người sang các nước lân cận, tổ chức 6 chuyến bay đưa gần 1.700 người về nước, đồng thời thu xếp cho nhiều người khác về nước trên các chuyến bay thương mại. Đến nay, việc sơ tán người Việt ở Ucraina cơ bản hoàn tất, đáp ứng hầu hết nguyện vọng về nước của bà con ta, được bà con hoan nghênh và đánh giá cao. Sau khi việc sơ tán đã cơ bản hoàn tất, hiện Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan liên quan để hỗ trợ bà con sớm ổn định cuộc sống. Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kiến nghị phân bổ khoản tiền 100.000 USD từ nguồn dự phòng cứu trợ khẩn cấp do Trung ương Hội quản lý để hỗ trợ bà con ta tại Ucraina.
Thứ ba, công tác vận động, phát huy nguồn lực của NVNONN tiếp tục được chú trọng triển khai. Hiện Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương xây dựng đề án tăng cường phát huy nguồn lực của NVNONN phục vụ phát triển đất nước. Việc xây dựng đề án này nhằm tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc hiện nay trong công tác thu hút nguồn lực của kiều bào, tạo những xung lực mới để phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, tri thức của bà con, cũng như vai trò của bà con trong việc nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Bên cạnh công tác tham mưu, Bộ Ngoại giao đã và đang tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm kết hợp trực tiếp và trực tuyến nhằm kết nối kiều bào ở nhiều nước trên thế giới; phối hợp tổ chức/bảo trợ sự kiện do địa phương, hội đoàn doanh nhân, trí thức người Việt ở nước ngoài tổ chức; hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, trí thức kiều bào với địa phương.
Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ban, bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tôi thấy rằng, chưa bao giờ công tác NVNONN lại nhận được nhiều sự quan tâm và sự phối hợp triển khai tích cực như hiện nay. Đây là tiền đề rất quan trọng để triển khai công tác NVNONN toàn diện và mạnh mẽ hơn như yêu cầu của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: Công tác NVNONN là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân. Do vậy, thời gian tới, Bộ Ngoại giao mong tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhằm tạo những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác NVNONN, qua đó phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!