|
Lao động cao tuổi có lợi thế kinh nghiệm và kỹ năng làm việc. Ảnh: Báo Nhân dân |
Lao động cao tuổi có những điểm mạnh mà lao động trẻ tuổi không có được như: Hầu hết đã được đào tạo, có kinh nghiệm, tác phong làm việc tốt, có hiểu biết và tuân thủ pháp luật. Đặc biệt, nhóm lao động này ít bị tai nạn lao động, quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động tốt…
Thực tế trên thị trường lao động cho thấy, hiện có rất nhiều công việc người cao tuổi làm được mà không ảnh hưởng tới người trẻ. Thêm vào đó, khi có tới 7-8 triệu NCT tham gia thị trường lao động sẽ tạo ra kích cầu tốt hơn; khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng người lao động là NCT rất cần thiết.
Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương… đã có nhiều doanh nghiệp (DN) sử dụng lao động cao tuổi. Nhiều DN cho biết, trong tương lai nhu cầu sử dụng lao động cao tuổi còn có thể cao hơn.
Tuy nhiên, để NCT tìm được việc làm là điều không đơn giản. Phần lớn họ tìm được việc là do mối quan hệ quen biết, người thân giới thiệu, chứ hiện chưa có kênh thông tin tuyển dụng cho nhóm lao động này.
Trên các website tuyển dụng hiện nay, giới hạn tuổi mà nhà tuyển dụng yêu cầu thường từ 18-35 tuổi. Người lao động trong nhóm từ 45 tuổi trở lên có rất ít lựa chọn việc làm, còn nhóm từ 60 tuổi trở lên hầu như không có việc làm cần đến họ qua các kênh tuyển dụng chính thức. Với người lao động từ 50 tuổi trở lên, công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc, như bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già...
Hiện nay phần lớn người lao động nghỉ hưu ở nước ta chủ yếu là nghỉ ngơi và sống dựa vào lương hưu, trong khi sức khỏe và khả năng vẫn còn. Chỉ có một số ít người tự tìm đến công việc như một niềm vui trong cuộc sống, nhưng lại rất thiếu thông tin về thị trường lao động.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho Báo Thời báo tài chính biết, xét về khía cạnh pháp luật, Bộ luật Lao động tại khoản 1 Điều 3 quy định, người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có giao kết hợp đồng lao động. Luật Việc làm cũng quy định, người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc. Như vậy cả hai luật đều quy định độ tuổi “cận dưới” của người lao động, không quy định độ tuổi “cận trên”.
Cũng theo ông Trung, những NCT có khả năng lao động, khi họ có việc làm phù hợp với khả năng thì mới đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho họ.
Xét trên thực tế, nhu cầu lao động của cả DN và NCT là có. Vấn đề là cần nâng cao nhận thức, đồng thời cần có chính sách để hỗ trợ cho các DN nhận NCT vào làm việc, chẳng hạn giảm thuế, phí, giảm các khoản đóng góp.
Đối với người lao động cao tuổi, cần có những chính sách cụ thể hơn, như có những chương trình, dự án để các trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương tư vấn, giới thiệu việc làm cho NCT.
Cũng theo ông Trung, trong thời gian tới, cần nghiên cứu khảo sát trong bối cảnh hiện nay, những ngành nghề nào nên dành một tỷ lệ nhất định cho NCT. Nếu sử dụng được nguồn lực này rất tốt cho xã hội.
Cục Việc làm đang chỉ đạo các trung tâm việc làm ở các địa phương tổ chức thu thập thông tin, tổ chức các sàn giao dịch việc làm dành riêng cho NCT. Tại Cần Thơ đang xúc tiến việc này.
TB