|
Quang cảnh họp báo. Ảnh VGP/Đỗ Hương |
Chiều 11/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Họp báo nhằm thông tin về Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Hội nghị sẽ diễn ra vào ngày 19/10 tại Trung tâm văn hóa 3/2, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định với sự chủ trì và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Khoảng 600 đại biểu chính thức tham dự Hội nghị.
Bên lề hội nghị sẽ diễn ra các sự kiện như: Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020; Triển lãm thành tựu 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, sẽ có buổi thăm quan mô hình nông thôn mới tiêu biểu của một số tỉnh, dự kiến tại Hải Hậu (Nam Định), Lý Nhân (Hà Nam), Quỳnh Phụ (Thái Bình).
Trong khuôn khổ hội nghị, từ ngày 18/10, Ban tổ chức sẽ khai mạc Triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng nông thôn mới; trình diễn sản xuất sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm); quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; tổ chức lễ tuyên dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020...
Theo Bộ NN&PTNT, sau hơn 9 năm triển khai thực hiện, xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia.
Đến hết tháng 9/2019, cả nước có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM, bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã. Cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí, đồng thời đã có 93 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tại buổi họp báo, đại diện tỉnh Nam Định chia sẻ những kinh nghiệm quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của địa phương. Theo đó, để xây dựng nông thôn mới thành công, tỉnh đã kế thừa những bài học hay trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của các thế hệ đi trước. Đồng thời tập trung khơi dậy và phát huy nội lực của các cộng đồng dân cư, đưa chủ trương của Đảng trở thành phong trào hoạt động của người dân, biến xây dựng nông thôn mới thành công việc thường ngày, từ đó phát huy sáng kiến của mỗi người dân.
Cùng với đó, triển khai các cầu nối chia sẻ cho các xã, cộng đồng khác trong tỉnh học tập, trao đổi những kinh nghiệm hay để lan tỏa rộng hơn. Đặc biệt, nguồn lực xây dựng nông thôn mới rất lớn, nếu chờ vào ngân sách nhà nước sẽ rất khó thực hiện, vì vậy, cần đặt ra bài toán xã hội hóa một số hạng mục trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, việc xây dựng nông thôn mới ở Nam Định không chỉ có sự tham gia của người dân sinh sống tại địa phương mà còn có sự tham gia của những người con Nam Định trên khắp cả nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong giai đoạn tới, với các mức đạt chuẩn nông thôn mới như: Nông thôn mới nâng cao; nông thôn mới kiểu mẫu,… các xã đạt chuẩn nông thôn mới không chỉ dừng lại ở kết quả hiện có mà cần tiếp tục phấn đấu để đạt được những kết quả tốt hơn, đưa chất lượng đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Đặc biệt, theo số liệu báo cáo của các địa phương, cả nước có 7 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mơis gồm: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ. Nhìn chung, xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành mục tiêu 5 năm 2016-2020 sớm gần 2 năm so với mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao (đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới).
Đỗ Hương