Về trình độ đào tạo của công nhân lao động (CNLĐ) đã được nâng lên nhiều mặt. Đội ngũ công chức, viên chức: Trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trên Đại học: 3.329 người; Đại học, cao đẳng: 28.896 người; Trung cấp, chuyên nghiệp: 12.244 .người, số đoàn viên còn lại là lao động được đào tạo nghề và lao động phổ thông. Trình độ Lý luận chính trị: Cử nhân, cao cấp: 1.613.người, Trung cấp: 6.147 người. Khu vực doanh nghiệp: Tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 72,2 %, tăng 29% so với năm 2008, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 32,5%.
Nhận thức rõ việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và CNVC, người lao động là nhiệm vụ quan trọng quyết định vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn, vì vậy, trong thời gian qua, các cấp Công đoàn tỉnh Quảng Trị luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Nhiệm vụ chăm lo đoàn viên, người lao động được tập trung vào các lợi ích lâu dài, xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cơ sở, phát huy hiệu quả tối đa, góp phần giảm bớt khó khăn của đoàn viên và người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Các cấp Công đoàn luôn gắn việc giáo dục chính trị, tư tưởng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn tới toàn thể cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động. Liên đoàn Lao động tỉnh đã kịp thời tổ chức hội nghị quán triệt, học tập, xây dựng các chương trình, kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn tham mưu cấp ủy cụ thể hóa thực hiện các nghị quyết Đại hội Đảng đến CNVC-LĐ trong toàn tỉnh.
Việc thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNVC-LĐ được quan tâm. Các cấp Công đoàn đã phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ, đoàn viên tham gia xây dựng chính sách pháp luật; tham gia ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung 20 dự thảo luật, văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chính sách của địa phương, như: Chính sách về nhà ở cho công nhân có thu nhập thấp; chính sách bảo đảm việc làm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; xây dựng nhà ở công vụ cho viên chức vùng khó, nhà trẻ mẫu giáo và các thiết chế văn hóa phục vụ đoàn viên, người lao động; các đề án nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân...
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, các chế độ, chính sách liên quan đến CNVC-LĐ luôn được chú trọng. Thông qua việc phối hợp kiểm tra, giám sát đã hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật đối với người lao động, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong công tác quản lý nhà nước về lao động ở địa phương. Trong 15 năm (từ năm 2008-2013), tổ chức Công đoàn phối hợp kiểm tra, giám sát 2.428 doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật lao động, BHXH, công đoàn, an toàn vệ sinh lao động. Sau kiểm tra, công đoàn đã đề nghị, hướng dẫn đơn vị khắc phục vi phạm, phối hợp xử lý thu hồi nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT, BHTNLĐ. Chủ động giám sát theo Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị tại 698 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tập trung giám sát các nội dung như: trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Đảng về công nhân, công đoàn; lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về lao động; thực hiện pháp luật lao động, Công đoàn, BHXH của cơ quan Nhà nước. Ở cấp huyện, ngành và cơ sở, nội dung giám sát chủ yếu tập trung vào thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, hoạt động của ban thanh tra nhân dân, việc tổ chức hội nghị người lao động, hội nghị CB,CC-VC, đối thoại.
Công đoàn các cấp đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chính quyền tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế dân chủ, tỷ lệ hội nghị CBCCVC hằng năm đạt 100%, tỷ lệ hội nghị người lao động hằng năm đạt 87%, chất lượng được nâng lên... Phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời 6 vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đối thoại 65 cuộc với người sử dụng lao động đảm bảo quyền, lợi ích của các bên trong quan hệ lao động và lợi ích của nhà nước; xây dựng cơ chế phối hợp và giải quyết tranh chấp lao động ở địa phương. Chú trọng đối thoại, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Các cấp công đoàn đã có nhiều cách làm hiệu quả như: triển khai “Ngày ký kết TƯLĐTT”, tổ chức diễn đàn “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết TƯLĐTT; ban hành hướng dẫn quy trình, các bước về đối thoại, thương lượng ký kết TƯLĐTT để tập huấn cho công đoàn cơ sở (CĐCS), xây dựng thư viện TƯLĐTT trên Website LĐLĐ tỉnh cung cấp mẫu TƯLĐTT tiêu biểu cho CĐCS tham khảo; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các cam kết trong TƯLĐTT.... Kết quả, đến nay có 89% doanh nghiệp từ 10 lao động trở lên (có công đoàn) có TƯLĐTT, trong đó có 2 TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp, các bản TƯLĐTT đều có từ 3 đến 10 điểm có lợi hơn cho đoàn viên so với quy định pháp luật, bình quân hằng năm có gần 9.000 đoàn viên ở khu vực doanh nghiệp được hưởng lợi.
LĐLĐ tỉnh triển khai kịp thời các gói chính sách hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho 13.398 đoàn viên đoàn viên bị ảnh hưởng Covid 19, với tổng số tiền là 4,5 tỷ đồng; hỗ trợ 98 đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp cắt, giảm đơn hàng với số tiền 157 triệu đồng. Phối hợp giảm đóng quỹ BHXH theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ cho 28.920 lao động với số tiền 8,3 tỷ đồng; hỗ trợ từ quỹ BHTN theo Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ cho 31.401 lao động, số tiền 75,5 tỷ đồng; làm thủ tục tạm hoãn HĐLĐ, ngừng việc, chấm dứt HĐLĐ cho 600 trường hợp với số tiền 2,4 tỷ đồng; hướng dẫn 6 doanh nghiệp ký kết hợp đồng tín dụng, số tiền vay trên 1,3 tỷ đồng để chi trả lương cho 404 lao động; hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 387 trường hợp, số tiền 580 triệu đồng. Các cấp công đoàn đã có nhiều hoạt động ý nghĩa tham gia phòng chống dịch bệnh, tổ chức thăm tặng quà, tặng thẻ bảo hiểm an toàn cho cán bộ tuyến đầu chống dịch, hiến máu tình nguyện ... Hoạt động “Tháng Công nhân” được tổ chức ngày càng thực chất từ cấp tỉnh đến cơ sở với mục tiêu chăm lo lợi ích cho đoàn viên, gắn kết đoàn viên với công đoàn. Chương trình “Tết Sum vầy” không ngừng được đổi mới, huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm, hướng tới mục tiêu tất cả đoàn viên đều được chăm lo trong dịp Tết nguyên đán, góp phần ổn định quan hệ lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Hằng năm, có 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 80% CĐCS doanh nghiệp tổ chức được Chương trình “Tết Sum vầy ” để chăm lo cho đoàn viên. 15 năm qua, công đoàn đã hỗ trợ 112.535 suất quà, trị giá 50,8 tỷ đồng cho đoàn viên khó khăn. Chương trình “Phúc lợi đoàn viên” bước đầu mang lại hiệu quả cho đoàn viên, tạo sự khác biệt rõ nét với người lao động chưa là đoàn viên công đoàn, đã ký kết được 8 thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho hơn 6.000 lượt đoàn viên. Hỗ trợ xây dựng 602 nhà “Mái ấm Công đoàn”, trị giá 18,6 tỷ đồng; 132 nhà tình nghĩa 8,7tỷ đồng, 23 nhà công vụ và các công trình sinh hoạt cho giáo viên vùng khó, trị giá 11 tỷ đồng...
Nhờ thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, CNVC, người lao động, tổ chức Công đoàn tỉnh Quảng Trị đã góp phần ổn định, nâng cao đời sống cho CNVC-LĐ. Tư tưởng, tâm trạng của CNVC-LĐ tin tưởng vào thành quả đạt được trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, nhận thức đúng về vai trò của giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn, sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị của địa phương. Thủy Phương