TỐ CÁO TIẾP VÀ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO TIẾP – MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN 

Luật Tố cáo năm 2011 mặc dù đã quy định quyền tố cáo tiếp và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp nhưng chưa quy định cụ thể về trình tự thủ tục, nội dung hay căn cứ để xem xét lại kết quả giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp. Do đó, không ít vụ việc tố cáo tiếp, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo tiếp căn cứ quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 20, Luật Tố cáo năm 2011 về việc không thụ lý giải quyết tố cáo trong trường hợp: “Tố cáo về vụ việc đã được giải quyết mà người tố cáo không cung cấp thông tin, tình tiết mới…” để từ chối việc thụ lý giải quyết tố cáo tiếp; hoặc có những trường hợp xem xét giải quyết tố cáo tiếp, nhưng người có thẩm quyền giải quyết tố cáo tiếp chưa xem xét, đánh giá một cách toàn diện về nội dung, chứng cứ và trình tự thủ tục giải quyết tố cáo trước đó theo một quy trình đầy đủ.

Lãnh đạo Bộ Công an tiếp công dân

Để khắc phục những bất cập trên, Luật Tố cáo năm 2018 và Nghị định 31/2019/NĐ-CP, ngày 10/4/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo năm 2018 đã có quy định cụ thể về việc tố cáo tiếp, việc giải quyết đối với tố cáo tiếp, theo đó: “Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết” (Điểm d, Khoản 1, Điều 9, Luật Tố cáo năm 2018). Điều 37, Luật Tố cáo năm 2018 đã quy định cụ thể về thời hạn, trách nhiệm, trình tự thủ tục việc tố cáo tiếp và giải quyết lại vụ việc tố cáo. Các quy định này, ngoài tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trong giải quyết tố cáo, có vai trò hỗ trợ, định hướng người tố cáo nắm được căn cứ liên quan đến việc tố cáo tiếp để cân nhắc khi tiếp tục tố cáo, tránh tình trạng do hiểu biết chưa đúng hoặc nắm thông tin về vụ việc không đầy đủ mà tố cáo tràn lan, vượt cấp gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo, cụ thể:

Thứ nhất, trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng quy định của pháp luật thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo.

Thứ hai, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo phải xem xét hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo trước đó; trường hợp cần thiết, làm việc trực tiếp với người tố cáo về nội dung tố cáo tiếp, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan để quyết định xử lý đối với tố cáo tiếp. Việc xử lý được thực hiện như sau:

- Trường hợp việc giải quyết tố cáo trước đó là đúng quy định của pháp luật thì không giải quyết lại vụ việc tố cáo, đồng thời, thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người tố cáo về việc không giải quyết lại;

- Trường hợp việc giải quyết tố cáo trước đó là không đúng thẩm quyền thì tiến hành giải quyết tố cáo theo thẩm quyền hoặc chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo;

- Trường hợp việc giải quyết tố cáo trước đó có một trong các căn cứ (quy định tại mục Thứ ba) thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết lại vụ việc tố cáo theo thời hạn, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo quy định tại Luật Tố cáo năm 2018.

Thứ ba, việc giải quyết lại vụ việc tố cáo được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây: (1) Kết quả xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo thiếu chính xác hoặc thiếu khách quan; (2) Bỏ sót, bỏ lọt thông tin, tài liệu, chứng cứ quan trọng trong khi xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo; (3) Áp dụng không đúng pháp luật trong quá trình xác minh hoặc kết luận nội dung tố cáo.

Để đảm bảo hiệu quả việc xử lý tố cáo tiếp, một vấn đề quan trọng là cần nâng cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan tham mưu cho người có thẩm quyền xem xét xử lý tố cáo tiếp. Khi thực hiện công tác tham mưu, cá nhân, cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra, rà soát kết quả giải quyết tố cáo trước, ngoài các quy định nêu trên cần kiểm tra việc ban hành quyết định thụ lý tố cáo, việc thành lập Tổ xác minh tố cáo, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch xác minh có đầy đủ nội dung tố cáo, có đúng kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đối chiếu chứng cứ, phân tích, đánh giá tính xác thực của thông tin, tài liệu và căn cứ pháp luật người giải quyết tố cáo trước đưa ra kết luận nội dung tố cáo…để tham mưu việc xử lý tố cáo tiếp đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực. Đồng thời, Chánh Thanh tra các cấp cần nêu cao trách nhiệm trong việc: “Xem xét việc giải quyết tố cáo mà người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp dưới trực tiếp của cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo có vi phạm pháp luật thì kiến nghị người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp xem xét, giải quyết lại” (Điểm b, Khoản 1, Điều 32, Luật Tố cáo năm 2018).

Bên cạnh đó, để đảm bảo thực hiện quyền của người tố cáo, người giải quyết tố cáo phải thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo và cơ quan cấp trên trực tiếp; thực hiện việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo theo quy định của pháp luật (Điều 40, Luật Tố cáo năm 2018).

Để đảm bảo quyền tố cáo tiếp của công dân được thực hiện đúng quy định, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo tiếp của người có thẩm quyền, kiến nghị một số vấn đề sau:

Về thực hiện quyền tố cáo tiếp: Pháp luật hiện hành đã có quy định về tố cáo tiếp nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể cá nhân thực hiện quyền tố cáo tiếp, do đó, cần có những quy định cụ thể hơn như đơn tố cáo tiếp phải có những nội dung gì, những tài liệu, bằng chứng kèm theo đơn tố cáo tiếp như kết luận nội dung tố cáo của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, những căn cứ thể hiện việc giải quyết tố cáo không đúng pháp luật, hoặc chứng cứ thể hiện việc chưa giải quyết xong vụ việc tố cáo mặc dù đã quá thời hạn giải quyết...

Về chế tài xử lý đối với người tố cáo tiếp cố tình tố cáo sai sự thật, tố cáo nhiều lần: Thực tiễn công tác giải quyết tố cáo, thấy rằng, mặc dù vụ việc tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng pháp luật, nhưng người tố cáo vẫn cố tình tố cáo tiếp, tố cáo tràn lan, nhiều lần, sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm, Điều 23 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ  đã có quy định chế tài xử lý: “Cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo…thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Tuy nhiên, đối với chủ thể là người dân thì pháp luật chưa có chế tài xử lý hành chính, do đó còn gây khó khăn cho các cơ quan hành chính trong việc xử lý. Do đó, cần bổ sung chế tài xử lý hành chính đối với người dân có những hành vi này, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, hạn chế tình trạng tố cáo tràn lan, vượt cấp, tố cáo nhiều lần, sai sự thật, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị từ thực tiễn công tác, pháp luật về tố cáo nói chung và tố cáo tiếp nói riêng cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác giải quyết tố cáo trong thời gian tới./. Ngọc Cư- Công an tỉnh

 

3945 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 795
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 795
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87016524