|
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nêu rõ: Trong thời gian qua, công tác bảo đảm TTATGT luôn được dành nhiều sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. Vì thế tình hình ATGT tiếp tục có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) liên tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Tuy nhiên, tình hình TTATGT vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, vẫn xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, gây nhiều lo lắng cho nhân dân, nhất là trong những tháng đầu năm 2019 liên tục xảy ra các vụ TNGT do sử dụng rượu bia và chất kích thích, gây bức xúc trong dư luận. Chính phủ và Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp để xử lý tình trạng này.
Tình hình vi phạm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, vi phạm quy định về tải trọng xe vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi trong thời gian qua. Bên cạnh đó, tình hình ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM có xu hướng gia tăng.
Do đó, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp ý kiến, nhất là việc chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, đánh giá việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng tại phiên họp sơ kết 6 tháng đầu năm; từ đó đề xuất các giải pháp kiềm chế, ngăn chặn không để xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, nhất là đối với ô tô khách, xe tải lớn; đặc biệt lưu ý vào các đợt cao điểm cuối năm.
Báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, về TNGT 9 tháng năm 2019 (tính từ 15/12/2018-14/9/2019), toàn quốc xảy ra 12.675 vụ TNGT, làm chết 5.659 người, bị thương 9.619 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ TNGT giảm 567 vụ (giảm 4,28%), số người chết giảm 353 người (giảm 5,87%), số người bị thương giảm 700 người (giảm 6,78%).
|
Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Trong 9 tháng qua, lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương đã lập biên bản xử lý hơn 3 triệu trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt gần 2.000 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe gần 250.000 trường hợp, tạm giữ trên 437.000 phương tiện.
Thanh tra GTVT đã thực hiện gần 55.000 cuộc thanh tra chuyên ngành, xử phạt trên 45.000 trường hợp vi phạm hành chính, nộp ngân sách 527 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 194 bến và 250 phương tiện thủy nội địa; giám sát 654 kỳ sát hạch lái ô tô, 391 kỳ sát hạch lái xe mô tô.
Công tác quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới được các đơn vị chức năng của Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục thực hiện phối hợp với lực lượng công an, thanh tra giao thông và tòa án các cấp đưa vào cảnh báo các phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, phương tiện liên quan đến các vụ án; tiếp tục thực hiện công khai thông tin phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ qua đường dây nóng và trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Đồng thời, Thanh tra Bộ GTVT tiếp tục duy trì việc kiểm tra, giám sát trên mạng việc kiểm định và qua hệ thống camera, kết quả từ 16/12/2018 đến 10/9/2019 đã kiểm tra 45 lượt, đình chỉ 165 đăng kiểm viên, đình chỉ 17 dây chuyền kiểm định.
Cụ thể, về hoạt động kiểm định phương tiện, kết quả thực hiện của các đơn vị chức năng như sau: Trong năm 2018 đã có 24.264 xe hết niên hạn sử dụng, trong đó xe tải là 21.651, xe chở người từ 10 chỗ trở lên là 2.613. Từ 1/1-31/12 dự kiến sẽ tiếp tục có 19.316 xe hết niên hạn sử dụng, trong đó xe tải là 17.540, xe chở người từ 10 chỗ trở lên là 1.776 xe.
Đối với phương tiện có thay đổi hình dáng, kết cấu của xe giữa hai kỳ kiểm định, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp chặt chẽ với lực lượng vảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm theo quy định khi phát hiện các vi phạm.
Lê Sơn